(TG)-Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, trên cơ sở ý kiến đề xuất của các sở giáo
dục và đào tạo, các trường ĐH, CĐ, Bộ sẽ xây dựng phương án tổ chức thi
và tuyển sinh cho năm 2017 và các năm sau trên tinh thần tiếp tục đổi
mới để Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ ngày càng nhẹ nhàng,
hiệu quả hơn theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ban hành kèm theo Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các Sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trong cả nước.
Có thể thấy, những đổi mới cơ bản của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 là:
Thứ nhất, kỳ thi được tổ chức với 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhờ vậy từ việc tổ chức 4 đợt thi hàng năm, năm nay chỉ tổ chức 1 kỳ thi duy nhất, giảm áp lực, tốn kém đối với thí sinh và xã hội;
Thứ hai, cụm thi do trường ĐH chủ trì cho thí sinh dự thi để sử dụng kết quả với 2 mục đích được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do đó thí sinh được thi tại địa phương mình, tạo tâm lý thoải mái đối với thí sinh và giảm quá tải đối với các thành phố lớn;
Thứ ba, các trường ĐH, CĐ được tự chủ hoàn toàn trong công tác tuyển sinh: tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng, sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, kết hợp các phương thức khác nhau…
Thứ tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tuyển sinh từ đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển và xét tuyển giúp cho thí sinh thuận lợi và giảm đi lại tốn kém;
Thứ năm, công khai, minh bạch kết quả thi để xã hội và thí sinh tham khảo.
Về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016, được tổ chức từ ngày 01/7/2016 đến hết ngày 04/7/2016. Đây là năm thứ hai tổ chức kỳ thi có sự phối hợp giữa các trường đại học và các địa phương, để thực hiện hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để các trường CĐ, ĐH tuyển sinh. Kỳ thi được tổ chức tại 120 cụm thi, gồm 70 cụm thi đại học do các trường ĐH chủ trì và 50 cụm thi tốt nghiệp do sở giáo dục và đào tạo và Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng chủ trì .
Số thí sinh đăng ký dự thi: 887.404, trong đó 286.123 thí sinh đăng ký chỉ để xét công nhận tốt nghiệp (chiếm tỉ lệ 32%, tăng 4% so với năm 2015); 519.513 thí sinh đăng ký vừa để xét công nhận tốt nghiệp vừa để xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm tỉ lệ 59%, tương đương năm 2015); 81.801 thí sinh đăng ký chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ (chiếm tỷ lệ 9%, giảm 4% so với năm 2015).
Công tác ra đề thi được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực học sinh, hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện, trả lời theo khuôn mẫu có sẵn hoặc các câu hỏi không có trong chương trình giáo dục phổ thông; tăng cường các câu hỏi vận dụng thực tiễn và các câu hỏi mở đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn, hiểu biết xã hội để trả lời. Phổ điểm của các môn thi thể hiện sự phân hoá tốt, đảm bảo được cả hai mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
Công tác tổ chức thi, chấm thi, chấm phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT được thực hiện đúng quy chế và tiến độ trên phạm vi toàn quốc; đảm bảo khách quan, chính xác, công bằng; đặc biệt, đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các địa phương, các sở GDĐT, các trường ĐH và các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong tổ chức thực hiện.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 trên toàn quốc đạt 91,58%; trong đó Giáo dục THPT đạt 93,42%, Giáo dục Thường xuyên đạt 70,08%.
Đây là năm đầu tiên tổ chức cụm thi do trường ĐH chủ trì ở tất cả các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước, thí sinh được thi tại địa phương, giảm áp lực tâm lý lo lắng về đi lại, ăn ở nên thí sinh tự tin, phấn khởi làm bài thi. Mặt khác, do số lượng thí sinh tập trung ở một địa phương không lớn như trước đây nên các trường ĐH sử dụng những cơ sở tốt nhất phục vụ thi; đồng thời, giao thông ở các thành phố lớn thông thoáng không bị ùn tắc như các kỳ thi trước. Kỳ thi đã đạt được mục tiêu đảm bảo công bằng, nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng được dư luận xã hội đồng tình đánh giá cao. Tuy nhiên, việc tổ chức đồng thời 2 loại cụm thi (cụm do trường ĐH chủ trì và cụm do Sở GDĐT chủ trì) còn gây tâm lý băn khoăn về tính công bằng đối với thí sinh; việc huy động một số lượng lớn cán bộ các trường ĐH đi làm nhiệm vụ coi thi ở các địa phương khiến chi phí tổ chức Kỳ thi do ngân sách nhà nước chi trả gia tăng mặc dù tổng chi của toàn xã hội đã giảm đi rất nhiều.
Về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016, năm nay đã có một số điều chỉnh căn bản trong công tác tuyển sinh, cụ thể:
Thứ nhất, sau khi có kết quả thi, thí sinh được trường ĐH chủ trì cụm thi cấp 01 Giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh không sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển (ĐKXT) mà chỉ nộp vào trường đã trúng tuyển để khẳng định nhập học.
Thứ hai, để đăng ký xét tuyển thí sinh điền thông tin vào phiếu ĐKXT và nộp cho trường qua đường bưu điện, trực tuyến hoặc phương thức khác do trường quy định. Với phương thức xét tuyển trực tuyến, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bất cứ nơi đâu có máy tính nối mạng.
Thứ ba, đợt 1, thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2; các đợt bổ sung, thí sinh được đăng ký tối đa 3 trường mỗi trường tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Điều quan trọng mà thí sinh cần lưu ý là trong mỗi đợt xét tuyển thí sinh không được thay đổi nguyện vọng.
Thời gian của mỗi đợt xét tuyển ngắn hơn so với 2015: đợt 1 kéo dài 12 ngày, đợt bổ sung kéo dài 10 ngày. Ở mỗi đợt xét tuyển, chậm nhất 05 ngày sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển (nếu nộp bằng đường Bưu điện, thời gian được xác định theo dấu Bưu điện), thí sinh phải xác nhận việc học tại trường bằng cách nộp cho trường bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi, coi như không có nguyện vọng học và sẽ không được gọi nhập học.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, để xử lý vấn đề "thí sinh ảo", năm 2016 có thêm phương thức xét tuyển theo nhóm trường. Hiện nay đã có 2 nhóm trường có đề án: nhóm trường do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì và nhóm trường do Đại học Đà Nẵng chủ trì: Thí sinh đăng ký vào nhóm trường chỉ được đăng ký tối đa 4 ngành ở đợt 1 và 6 ngành ở các đợt bổ sung. Nếu đăng ký từ 2 trường trong nhóm trở lên sẽ không được phép đăng ký thêm trường ngoài nhóm; Thí sinh đăng ký vào nhóm trường phải điền vào Phiếu ĐKXT của nhóm.
Khi thí sinh đăng ký xét tuyển vào 2 trường trong đợt 1 và 3 trường trong mỗi đợt bổ sung thì sẽ phát sinh thí sinh “ảo” gây khó khăn cho các trường trong xác định điểm trúng tuyển. Để giúp các trường xử lý vấn đề này, Bộ đã đưa ra các giải pháp: Khuyến khích các trường xét tuyển theo nhóm; Thí sinh phải khẳng định nhập học khi đã trúng tuyển trong thời gian qui định; Không qui định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước; Cuối đợt xét tuyển Bộ cung cấp thông tin cụ thể trường/ngành thứ hai thí sinh đã đăng ký trong đợt xét tuyển. Các trường sử dụng thông tin này trong việc dự kiến số lượng "thí sinh ảo" để cân nhắc xác định điểm trúng tuyển phù hợp.
Từ ngày 1 tháng 8 năm 2016, thí sinh đã bắt đầu đăng ký xét tuyển. Theo chỉ đạo của Bộ, các trường đã công bố đường dây nóng và bố trí các cán bộ tư vấn để hướng dẫn cho thí sinh đăng ký xét tuyển. Những ngày vừa qua, công tác xét tuyển diễn ra suôn sẻ, thuận lợi đối với thí sinh. Những thắc mắc của thí sinh, phụ huynh đều đã được các trường giải đáp thỏa đáng. Để giảm phiền hà khi nộp lệ phí xét tuyển, nhiều trường đã cho phép thí sinh được nộp lệ phí này sau khi trúng tuyển nhập học; một số trường miễn lệ phí đăng ký xét tuyển cho thí sinh vùng khó khăn, vùng bị thiên tai, hạn hán, bị sự cố môi trường…
Nhìn chung, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đã được tổ chức theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: đảm bảo thi cử gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân nhưng vẫn phản ánh đúng trình độ người học để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho việc xét tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Kỳ thi đã được thực hiện đúng kế hoạch, đúng quy chế, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội và diễn ra an toàn, nghiêm túc, tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu kết quả thi sau khi hoàn tất các khâu của Kỳ thi; yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các trường ĐH, CĐ trên cơ sở kết quả 2 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, sử dụng kết quả Kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đề xuất phương án tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp, phương án tuyển sinh đáp ứng các quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học và tạo điều kiện thuận lợi cho người học, không gây ra các bức xúc trong xã hội. Trên cơ sở ý kiến đề xuất của các sở giáo dục và đào tạo, các trường ĐH, CĐ Bộ sẽ xây dựng phương án tổ chức thi và tuyển sinh cho năm 2017 và các năm sau trên tinh thần tiếp tục đổi mới để Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ ngày càng nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.
Bảo Châu