Sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia
Lo ngại về chất lượng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và từng dự trù phương án có thêm vòng thi phụ
để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, nhưng đến thời điểm này, khi công bố
phương án tuyển sinh năm 2015, hầu hết các trường đều cho biết sẽ không
có thêm vòng thi phụ, kể cả các trường nhóm trên.
Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương Hoàng Văn Châu cho biết, trường chỉ sử
dụng kết quả của kỳ thi quốc gia làm căn cứ xét tuyển. Đây cũng lựa chọn
của nhiều trường khác như Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngân hàng,
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Công nghệ Bưu chính
Viễn thông, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Hà Nội…
Theo Trưởng phòng Đào tạo của Học viện Ngân hàng, ông Trần Mạnh Dũng,
Học viện cũng từng nghĩ đến một vòng thi phụ khi Bộ quyết định bỏ “ba
chung”. “Tuy nhiên, khi Bộ công bố phương án tổ chức thi theo cụm do các
trường đại học chủ trì thì trường đã yên tâm hơn. Trên thực tế, hàng
năm các trường vẫn tổ chức thi theo cụm và đảm bảo chất lượng thi cử. Vì
thế, trường quyết định chỉ dùng điểm của kỳ thi này để xét tuyển vào
đại học,” ông Dũng nói.
Không chỉ Học viện Ngân hàng, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông
cũng đã dự trù tổ chức thi trắc nghiệm để lọc thí sinh, nhưng theo đại
diện truyền thông của trường, Phó giáo sư Lê Hữu Lập, trường đã chốt
phương án là chỉ căn cứ trên điểm của kỳ thi quốc gia. “Thêm một vòng
thi cũng rất phức tạp cho cả nhà trường và thí sinh. Vì thế, đó chỉ là
giải pháp cuối cùng nếu chất lượng kỳ thi tốt nghiệp không đảm bảo,” ông
Lập chia sẻ.
Mặt khác, theo ông Lập, với kinh nghiệm hàng chục năm làm công tác tuyển
sinh, việc tổ chức thêm một vòng thi cũng đặt trường trong nguy cơ rủi
ro lớn. “Thêm một rào cản sẽ khiến thí sinh ngại ngần, trong khi bây giờ
các em có rất nhiều lựa chọn. Nếu lượng thí sinh đăng ký vào trường
giảm, trường sẽ khó khăn trong nguồn tuyển, ảnh hưởng đến chất lượng đầu
vào,” ông Lập phân tích.
Tuy sử dụng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia
nhưng đa số các trường đều cho biết sẽ chỉ tuyển thí sinh thi ở cụm do
các trường đại học tổ chức, không dùng điểm thi do các cụm sở chủ trì vì
không tin tưởng chất lượng.
Năm 2015, thí sinh sẽ không còn phải vất vả đi thi đại học. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Trường nhóm trên thêm vòng sơ loại
Bên cạnh việc sử dụng điểm của kỳ thi quốc gia, một số trường nhóm trên
còn có thêm vòng sơ loại thí sinh. Theo đó, thí sinh phải có kết quả học
tập các năm lớp 10, 11, 12 của bậc trung học phổ thông ở mức nhất định
mới được nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào trường. Theo lãnh đạo các trường,
việc này nhằm giúp trường tuyển được những thí sinh có chất lượng tốt,
vừa giúp khâu tuyển sinh gọn gàng, hiệu quả hơn.
Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương Hoàng Văn Châu cho biết, tiêu chí sàng
lọc hồ sơ của trường là thí sinh phải có điểm tổng kết trung bình của cả
ba năm bậc trung học phổ thông đều đạt từ 6,5 điểm trở lên.
Thí sinh muốn dự thi vào Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng
phải có kết quả học bạ bậc trung học phổ thông đạt ngưỡng nhất định.
Theo ông Nguyễn Quốc Chính, trường đang cân nhắc việc đặt một ngưỡng
chung cho toàn trường hay theo từng ngành, điểm số là 6 hay 6,5 điểm.
Việc có vòng sơ loại hồ sơ dựa trên điểm học bạ cấp ba được Đại học Bách
khoa tiên phong thực hiện trong mùa tuyển sinh năm 2014. Tuy nhiên,
trường chỉ căn cứ trên điểm số của các môn tương ứng theo từng khối thi,
không căn cứ trên điểm trung bình chung toàn năm học. Theo Phó hiệu
trưởng Hoàng Minh Sơn, việc có thêm vòng loại hồ sơ này đã giúp trường
giảm nhẹ được rất nhiều trong tổ chức thi. Với hiệu quả tích cực đó,
trường sẽ tiếp tục áp dụng phương thức này trong mùa tuyển sinh tới.
Trường nhóm dưới xét theo học bạ
Trong khi các trường đại học nhóm trên đặt thêm ngưỡng xét tuyển để
“gạn” thí sinh thì các trường nhóm dưới lại tính đến sử dụng song song
hai phương án: vừa xét tuyển theo kết quả kỳ thi quốc gia, vừa dựa trên
kết quả học bạ bậc trung học phổ thông.
Trường Đại học Công nghiệp Việt-Hung, Cao đẳng Công nghệ thông tin Thành
phố Hồ Chí Minh dành 50% chỉ tiêu để xét tuyển theo học bạ. Tỷ lệ chỉ
tiêu dành cho xét tuyển dựa trên học bạ của Đại học Bình Dương 70%.
Hình thức xét tuyển trên học bạ của các trường cũng rất đa dạng. Điểm
đăng ký xét tuyển vào Đại học Bình Dương được tính bằng tổng điểm cuối
năm các lớp 10, 11, 12 (trong đó điểm năm lớp 12 nhân hệ số 2) của từng
môn học tương ứng với thi chia cho 4. Thí sinh có tổng điểm ba môn đạt
từ 16,5 điểm trở lên mới đủ điều kiện nộp hồ sơ. Trường xét điểm từ cao
xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Đại học Tây đô còn có tới hai hình thức xét tuyển từ học bạ: xét tuyển
dựa trên kết quả năm học lớp 12 hoặc kết quả của năm lớp 10, 11 và học
kỳ 1 lớp 12. Điều kiện xét tuyển là thí sinh tốt nghiệp trung học phổ
thông và có điểm tổng kết của các môn tương ứng với khối thi đạt từ 6
điểm trở lên.
Theo lãnh đạo các trường, việc bổ sung thêm hình thức xét tuyển theo học
bạ nhằm giúp trường có nguồn tuyển phong phú hơn. Hiệu trưởng Đại học
Công nghiệp Việt-Hung, ông Nguyễn Đức Trí, cho biết, các mùa tuyển sinh
trước, dù trường đã nỗ lực trong công tác truyền thông đến thí sinh
nhưng chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu, năm nào trường cũng phải tuyển bổ
sung nguyện vọng 2, 3. Vì thế, năm học này trường cũng chỉ xác định
tuyển được 50% chỉ tiêu từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông
quốc gia.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học sử dụng kết
quả kỳ thi quốc gia làm cơ sở xét tuyển sẽ phải gửi đề án tuyển sinh về
Bộ trước 15/10. Các trường chỉ sử dụng kết quả kỳ thi này làm một phần
trong công tác tuyển sinh hoặc có đề án tuyển sinh riêng sẽ gửi về Bộ
chậm nhất là ngày 31/10. Các phương án tuyển sinh sẽ được các trường
cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố rộng rãi để lấy đóng góp từ xã
hội./.
Theo TTXVN