Ngày 22/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội
Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán
triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị;
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam (khóa VIII),
nhiệm kỳ 2023 - 2028; Quyết định số 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu Hội Nông dân tỉnh,
thành phố, 588 điểm cầu cấp huyện và 4.255 điểm cầu cơ sở với hơn 112
nghìn đại biểu tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII đã thành công rất tốt đẹp. Đại hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết và các văn kiện Đại hội. Đặc biệt, trước thềm Đại hội, ngày 20/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46 về “Đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.
Thực hiện Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị, ngày 20/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 182 phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”. Đây là những nội dung hết sức quan trọng định hướng, dẫn dắt cho hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trong nhiều năm tới.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng đối với cán bộ, hội viên, nông dân, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp Hội. Do đó, việc triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết phải được tiến hành nghiêm túc, tập trung làm rõ những quan điểm, nội dung cốt lõi, mục tiêu tổng quát, các định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu chủ yếu, từ đó cụ thể hóa tổ chức triển khai kịp thời, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với nhiệm vụ của từng cấp Hội, từng địa phương cơ sở Hội, tạo khí thế phong trào thi đua sôi nổi ở các cấp Hội ngay từ năm đầu nhằm thực hiện thắng lợi các nghị quyết, quyết định.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã thông tin về bối cảnh ra đời của Nghị quyết 46, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực trạng phát triển của Hội Nông dân Việt Nam; quá trình xây dựng Đề án, dự thảo nghị quyết trình Bộ Chính trị; những nội dung cơ bản của Nghị quyết 46.
Nghị quyết 46 có 3 nhóm quan điểm, trong đó, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân và phong trào nông dân; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và xây dựng tổ chức hội là trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường trách nhiệm của Hội Nông dân trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ của nông dân; động viên, hỗ trợ nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững và công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, hội nhập quốc tế...
Chủ tịch Hội Lương Quốc Đoàn cho biết, năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xác định triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm: Đổi mới mạnh mẽ phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, cụ thể là tiếp tục phát triển mạnh chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; đẩy mạnh thành lập các mô hình câu lạc bộ của nông dân, xây dựng, ban hành quy trình hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ của nông dân, tập trung xây dựng 4 mô hình: "Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Câu lạc bộ nông dân với pháp luật", "Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông", "Câu lạc bộ nông dân tham gia bảo vệ môi trường".
Trung ương Hội vận động, hỗ trợ hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp với việc tổ chức phát động phong trào thi đua "Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể"; xây dựng quy trình hướng dẫn và tổ chức hỗ trợ thành lập một số mô hình hợp tác xã nông nghiệp làm hình mẫu để cán bộ, hội viên nông dân tham quan, học tập và nhân rộng mô hình. Cùng với đó, nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội các cấp thông qua việc khảo sát, xây dựng và ban hành chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội các cấp; thí điểm tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi từ cấp huyện trở lên…
Đặc biệt, Trung ương Hội đẩy mạnh hỗ trợ, phổ biến, mở rộng ứng dụng App nông dân Việt Nam trong hội viên nông dân; thí điểm tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia ý kiến, tổng hợp phản ánh, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua App này./.