1.
Trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khoa học
- công nghệ luôn được xác định là then chốt, động lực, nền tảng, quốc
sách hàng đầu. Khoa học - công nghệ giữ vai trò nòng cốt trong việc phát
triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường,
nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh
tranh của nền kinh tế. Theo đó, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực
khoa học - công nghệ ngày càng được chú trọng, góp phần nâng cao trình
độ nghiên cứu trong nước theo chuẩn mực quốc tế, rút ngắn khoảng cách
công nghệ với thế giới, cải thiện hạ tầng kỹ thuật, tăng cường tiềm lực
khoa học - công nghệ cho Việt Nam. Vì thế, các hoạt động hợp tác quốc tế
là một kênh hết sức quan trọng, kết hợp với nguồn lực trong nước để
thực hiện thành công các mục tiêu và chính sách quốc gia; đồng thời, là
một thành tố trong các hoạt động ngoại giao của đất nước khi các hiệp
định hợp tác toàn diện, hiệp định đối tác chiến lược của Việt Nam với
một số nước đã lấy khoa học - công nghệ làm trụ cột.
Trước
những năm 90 của thế kỷ XX, trong giai đoạn kinh tế đất nước còn nhiều
khó khăn, hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ đã giúp Việt Nam tranh
thủ được sự hỗ trợ của các nước về trang thiết bị, đào tạo cán bộ kỹ
thuật, chuyên gia, xây dựng cơ sở vật chất cho nghiên cứu, tạo tiền đề
quan trọng cho phát triển khoa học - công nghệ về sau. Thông qua việc đa
đạng hóa, đa phương hóa quan hệ, mở rộng lĩnh vực hợp tác từ nghiên cứu
cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, từ hội thảo, đào
tạo đến trình diễn công nghệ, Việt Nam đã góp phần khắc phục tình trạng
thiếu hụt nguồn lực khoa học - công nghệ trong giai đoạn Liên Xô và các
nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ; qua đó, tăng cường cơ sở vật chất
kỹ thuật cho các tổ chức khoa học - công nghệ, nâng cao trình độ cán
bộ, thúc đẩy khoa học - công nghệ trong nước, từng bước hội nhập quốc
tế.
Từ
năm 2000 đến nay, hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ liên tục được
chú trọng trong chiến lược phát triển khoa học - công nghệ quốc gia.
Đảng đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến khoa học - công nghệ, trong
đó có Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, ngày
1/11/2012 về phát triển khoa học - công nghệ phục vụ sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (gọi tắt là Nghị quyết số
20-NQ/TW). Nghị quyết số 20-NQ/TW đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ
đối với hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ, chỉ rõ cần chủ động,
tích cực hội nhập quốc tế để cập nhật tri thức khoa học - công nghệ tiên
tiến của thế giới, thu hút nguồn lực và chuyên gia, người Việt Nam định
cư ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia các dự án khoa học - công
nghệ của Việt Nam. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên,
nghiên cứu sinh, thực tập sinh sau khi được đào tạo ở nước ngoài về
nước làm việc; triển khai hợp tác khoa học - công nghệ tầm quốc gia với
các nước tiên tiến về khoa học - công nghệ, là đối tác chiến lược của
Việt Nam; có cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư, đất đai, kết cấu hạ
tầng, thủ tục hành chính... để tạo đột phá trong thu hút các nhà khoa
học - công nghệ Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học - công nghệ nước
ngoài tham gia hoạt động khoa học - công nghệ ở Việt Nam...
Luật
Khoa học và công nghệ đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội thông qua năm
2000 đã dành riêng một chương cho hợp tác quốc tế (Chương V). Luật Khoa
học và công nghệ năm 2013 tiếp tục dành Chương VIII quy định hoạt động
hội nhập quốc tế về khoa học - công nghệ. Các Luật Sở hữu trí tuệ, Luật
Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao đều có các quy định về hợp tác
quốc tế và nhiều loại hình hoạt động liên quan đến hợp tác quốc tế. Thủ
tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt đề án, chương
trình khoa học - công nghệ nhấn mạnh đến vai trò của hợp tác quốc tế(1).
Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt và thực hiện 2 chương trình tập
trung khai thác thế mạnh của hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ là
Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học -
công nghệ đến năm 2020 và Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ
nước ngoài đến năm 2020. Các chương trình mục tiêu quốc gia, như Chương
trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc
gia, Chương trình quốc tế về phát triển công nghệ cao... cũng nhấn mạnh
các hoạt động hợp tác quốc tế, như đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn
quốc tế, tìm kiếm các bí quyết công nghệ từ nước ngoài, từng bước giải
mã và làm chủ công nghệ; tìm hiểu, tìm kiếm thị trường quốc tế cho các
sản phẩm quốc gia. Hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp quan
trọng để thực hiện thành công Chương trình với mục tiêu đào tạo, nâng
cao năng lực, trình độ đội ngũ chuyên gia trong nước, tranh thủ hợp tác
quốc tế để hỗ trợ tăng cường năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm, ký
kết các thỏa thuận song phương thừa nhận lẫn nhau.
Cơ
chế tài chính có nhiều đổi mới, góp phần tạo hành lang thông thoáng,
chủ động cho hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ với mục
đích tranh thủ khai thác vốn, tri thức khoa học - công nghệ tiên tiến
của nước ngoài để tăng cường năng lực khoa học - công nghệ trong nước,
hình thành một số ngành công nghiệp then chốt, từ ưu đãi thuế(2)
cho đến cung cấp vốn mồi trực tiếp để thu hút đối tác nước ngoài đầu tư
phát triển khoa học - công nghệ ở Việt Nam. Ngay từ năm 2000, Việt Nam
đã sử dụng kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học - công nghệ để đối
ứng thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu chung với đối tác nước ngoài.
Các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp Việt Nam được tài trợ
một khoản kinh phí để thực hiện dự án hợp tác nghiên cứu khoa học, phát
triển hoặc hoàn thiện công nghệ với đối tác nước ngoài. Công cụ này đã
thu hút được đối tác nước ngoài cùng đầu tư để thực hiện cam kết hợp tác
với Việt Nam (tính trung bình trong giai đoạn 2000 - 2020, một đồng vốn
Việt Nam đầu tư, thu hút được gần 4 đồng vốn từ đối tác nước ngoài cùng
đầu tư cho các dự án nghiên cứu chung và chuyển giao công nghệ). Ngoài
ra, Việt Nam đã có chính sách đóng niên liễm cho các tổ chức khoa học -
công nghệ quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đến
nay, Việt Nam có quan hệ hợp tác khoa học - công nghệ với gần 70 tổ
chức quốc tế, quốc gia và vùng lãnh thổ; hơn 150 điều ước quốc tế (cấp
chính phủ) và hơn 80 thỏa thuận quốc tế (cấp bộ) được ký kết, trong đó,
gần 110 điều ước quốc tế và 40 thỏa thuận quốc tế còn hiệu lực. Bộ Khoa
học và Công nghệ đảm nhiệm vai trò cơ quan đầu mối triển khai điều ước
quốc tế, thỏa thuận quốc tế và là đầu mối hợp tác đa phương với nhiều tổ
chức và diễn đàn khu vực và quốc tế quan trọng, như Hiệp hội các quốc
gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình
Dương (APEC), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan
Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Ủy ban Liên hợp quốc về Sử dụng hòa
bình không gian vũ trụ (COPUOS), Diễn đàn các cơ quan vũ trụ khu vực
châu Á - Thái Bình Dương (APRSAF), Tổ chức Năng suất châu Á (APO), Tổ
chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO),... với
nhiều hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh
Thành Đạt thăm phòng thí nghiệm của Ủy ban quốc gia về năng lượng nguyên
tử và năng lượng thay thế tại Grenoble, Pháp. (Ảnh: TTXVN)
Có
thể thấy, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đã thực
sự góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ nghiên cứu trong
nước theo chuẩn quốc tế, thu hút việc chuyển giao và làm chủ công nghệ
tiên tiến từ nước ngoài, rút ngắn khoảng cách công nghệ với thế giới,
cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và tăng cường tiềm lực khoa học -
công nghệ cho Việt Nam.
Tuy
vậy, thế giới đang thay đổi một cách nhanh chóng trước tác động mạnh mẽ
của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các thành tựu đột phá trong
lĩnh vực công nghệ sinh học, tự động hóa, rô-bốt, máy tính lượng tử, trí
tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuyển đổi số, công nghệ chinh phục không
gian, khoa học vũ trụ... đã và đang định hình lại bước tiến của nhân
loại, kéo theo sự thay đổi mô hình tăng trưởng của các quốc gia, đặc
biệt là cách các nước trên thế giới kết nối với nhau. Trong bối cảnh đó,
đổi mới sáng tạo nổi lên như là một ngôn ngữ chung có tính toàn
cầu, đi kèm với dòng lưu chuyển khổng lồ của tri thức khoa học - công
nghệ đến mọi ngõ ngách của cuộc sống. Vì
vậy, hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ cần được nhìn nhận một cách
tổng thể hơn và có tính chiến lược hơn để chủ động “khơi dòng” các
nguồn tri thức và công nghệ tiên tiến chảy vào đất nước, góp phần nâng
cao năng lực hấp thụ tri thức mới, công nghệ nhập khẩu hiện đại từ nước
ngoài, đưa khoa học - công nghệ trong nước tiếp cận với khoa học - công
nghệ quốc tế; đồng thời, góp phần ngăn chặn được công nghệ lạc hậu từ
nước ngoài, bảo đảm an ninh công nghệ quốc gia và trở thành một thành
viên có trách nhiệm trong cộng đồng khoa học - công nghệ thế giới.
2. Hiện nay, có một số xu thế trên thế giới tác động đến hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ ở nước ta như:
Thứ nhất, thế
giới tiếp tục tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển. Mặc dù kinh
tế thế giới gặp phải khó khăn tài chính (đặc biệt là do hệ lụy nặng nề
từ đại dịch COVID-19), tổng đầu tư toàn cầu cho khoa học - công nghệ vẫn
không bị ảnh hưởng nhiều. Tốc độ tăng trưởng đầu tư cho khoa học - công
nghệ vẫn ở mức nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu. Xu hướng
chung là phần lớn quốc gia tiếp tục tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát
triển do nhận thức rõ vai trò của khoa học - công nghệ đối với sự phát
triển bền vững.
Thứ hai, phát
triển và cạnh tranh nguồn nhân lực khoa học - công nghệ chất lượng cao
ngày càng gay gắt hơn. Các quốc gia luôn cần có chính sách phù hợp để
thu hút và giữ được người có trình độ đến đất nước mình, trong đó có
quan tâm đến làn sóng di chuyển của sinh viên quốc tế và các nhà khoa
học.
Thứ ba,
thế giới ngày càng chú trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vai trò khu vực
tư nhân ngày càng tăng trong phát triển và phổ biến kiến thức khoa học -
công nghệ trên phạm vi toàn cầu. Do đó, các nước đang hướng đến việc
dựa vào năng lực đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp để thúc đẩy
năng lực cạnh tranh quốc gia trên phạm vi toàn cầu.
Thứ tư, hợp
tác quốc tế về khoa học - công nghệ ngày càng trở thành chủ lực và xu
thế tất yếu, mặc dù cạnh tranh vẫn tồn tại song song trên mọi lĩnh vực
kinh tế, an ninh, quốc phòng, y tế, môi trường, năng lượng, giáo dục,...
Mô hình tăng trưởng mới luôn lấy công nghệ là một trong những yếu tố
cốt lõi cho sự tăng trưởng kinh tế. Tri thức được tích lũy trong năng
lực nghiên cứu và phát triển của quốc gia sẽ làm tăng năng lực sản xuất
của nền kinh tế, làm tăng giá trị chất xám cho xã hội cũng như tạo thành
hiệu ứng lan tỏa, góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho các quốc gia
khác khi sử dụng tri thức đó; vì thế, các quốc gia cần tăng cường hợp
tác để tận dụng cơ hội tác động lan tỏa của công nghệ.
Thứ năm, hình
thức và đối tượng tham gia hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ trên
thế giới ngày càng đa dạng, từ hợp tác nghiên cứu khoa học và phát
triển công nghệ, hợp tác đồng tác giả sách hoặc các bài báo công bố trên
các tạp chí khoa học thế giới, tham gia hội nghị/hội thảo quốc tế, tham
gia vào các dự án lớn liên ngành với nhiều nhà khoa học xuất sắc; thành
lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở nước đối tác, cung cấp các
học bổng nghiên cứu, thúc đẩy giao lưu và di chuyển cộng đồng khoa học -
công nghệ xuyên quốc gia,... Các trường đại học ngày càng có vị trí
trung tâm trong hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ bởi có sức hút
về nhân lực, tài chính và mối liên kết với các doanh nghiệp công nghệ
trên thế giới. Doanh nghiệp đang và sẽ tiếp tục trở thành đối tượng
không thể thiếu trong việc chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nước sở tại
phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ, tìm kiếm, đào tạo và tuyển
dụng nhân lực có trình độ ở nước sở tại, liên kết với các trường đại học
thực hiện các dự án thử nghiệm công nghệ. Các tổ chức phi chính phủ và
các quỹ phi lợi nhuận của những nhà hảo tâm đang ngày càng có nhiều hoạt
động tài trợ hoặc xúc tiến hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ.
Cộng đồng các nhà khoa học - công nghệ kiều bào yêu nước, trong đó có
các nhà khoa học - công nghệ giỏi ngày càng hợp tác nhiều hơn với các
nhà khoa học - công nghệ trong nước, tăng cường hoạt động chuyển giao
tri thức, công nghệ.
Thứ sáu, thế
giới hiện đang hình thành các dự án khoa học - công nghệ quy mô khu vực
và toàn cầu để hợp lực giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu,
có ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của nhân loại, như dịch
bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh lương thực và năng lượng...
Bên cạnh đó, xu thế hiện nay là tri thức địa phương và nội sinh sẽ trở
thành một phần trong hệ thống tri thức toàn cầu. Không một quốc gia nào
chỉ đóng vai người sử dụng tri thức do quốc gia khác tạo ra mà cần có
trách nhiệm tạo ra tri thức mới phục vụ cho sự phát triển của mình và
nhân loại.
3. Trong
bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, để phát triển hợp tác
quốc tế về khoa học - công nghệ, thời gian tới, cần quan tâm các vấn đề
sau:
Về chủ trương, đường lối:
Đưa hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ tích hợp thành một bộ phận
trong đối ngoại quốc gia, tạo nên một kênh hợp lực với ngoại giao kinh
tế, an ninh, văn hóa và giáo dục thành sức mạnh tổng hợp để thu hút hiệu
quả tri thức và công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. Trong giai đoạn 2020 -
2030, cần xây dựng chính sách ngoại giao khoa học -
công nghệ; đưa khoa học - công nghệ thành trụ cột trong các điều ước
quốc tế, văn bản hợp tác với các nước đối tác chiến lược hay đối tác
toàn diện của Việt Nam; đưa một số nội dung hợp tác khoa học - công nghệ
vào trong các điều ước quốc tế hợp tác kinh tế, khu vực thương mại tự
do song phương và đa phương như dịch vụ nghiên cứu và phát triển, thu
hút đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ; ký kết
các hiệp định hợp tác khoa học - công nghệ thế hệ mới, trong đó tích hợp
chuyển giao công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, thỏa thuận công nhận lẫn
nhau về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng hàng hóa, các cơ chế khuyến
khích doanh nghiệp Việt Nam và đối tác tham gia hợp tác phát triển và
chuyển giao công nghệ.
Về hành động: Ưu tiên tập trung vào các nhóm công việc sau:
Thứ nhất, thu
hút nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư phát triển khoa học - công nghệ ở
Việt Nam, thể hiện qua các hình thức, như thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát
triển chính thức ODA cho các dự án liên quan đến khoa học - công nghệ
(đổi mới công nghệ, thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh
nghiệp); thu hút các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có
hàm lượng khoa học - công nghệ cao; thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp
(start-up) công nghệ nước ngoài, đưa Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn để
các doanh nghiệp này vào lập nghiệp và khởi sự kinh doanh; thu hút các
quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao vào các doanh nghiệp công nghệ trong
nước; từ đó tăng chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài, hình thành đội
ngũ doanh nghiệp công nghệ mới, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ;
nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển cho các viện nghiên
cứu/trường đại học trong nước, hình thành một số doanh nghiệp công nghệ
có khả năng vươn ra thị trường thế giới.
Thứ hai, thu
hút công nghệ cao, công nghệ nguồn tiên tiến từ nước ngoài vào Việt
Nam, thể hiện dưới các hình thức, như thu hút các tập đoàn đa quốc gia
thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam hay đầu tư
các phòng lab, trung tâm đổi mới sáng tạo vào các trường đại học/viện
nghiên cứu trong nước; nhập khẩu các công nghệ tiên tiến của nước ngoài,
giải mã, làm chủ và tích hợp vào quá trình sản xuất sản phẩm trong
nước; tìm kiếm và nhận diện công nghệ để từ đó triển khai các hoạt động
mua bán bí quyết công nghệ, mua bằng sáng chế hoặc đầu tư để hoàn thiện
công nghệ ở nước ngoài từ nguồn tiền trong nước; tiến hành các hoạt động
hợp tác phát triển công nghệ giữa các viện nghiên cứu/trường đại học và
doanh nghiệp trong nước với đối tác nước ngoài; thu hút các công nghệ
hiện đại, công nghệ mới được trình diễn, giới thiệu quảng bá ở Việt Nam,
đưa Việt Nam trở thành điểm đến cho các sự kiện trình diễn công nghệ uy
tín thế giới, như triển lãm hàng không - vũ trụ, công nghệ thông minh,
rô-bốt. Qua đó, quan hệ được mở rộng, công nghệ tiên tiến được chuyển
giao, làm chủ ở Việt Nam, năng lực hấp thụ công nghệ và sức cạnh tranh
của doanh nghiệp Việt Nam được gia tăng.
Sinh viên thực nghiệm khoa học tại Hệ thống trường Quốc tế Việt Úc. (Nguồn: thanhnien.vn)
Thứ ba, thu
hút chất xám khoa học - công nghệ trên thế giới vào Việt Nam, đặc biệt
là các nhà khoa học - công nghệ Việt Nam ở nước ngoài; thu hút các
trường đại học/viện nghiên cứu/doanh nghiệp công nghệ nước ngoài thành
lập cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam và cử các chuyên gia đầu
ngành sang làm việc; thúc đẩy các nhà khoa học - công nghệ Việt Nam làm
việc, nghiên cứu có thời hạn tại các phòng thí nghiệm, đào tạo sau đại
học tại các trường đại học công nghệ tiên tiến ở nước ngoài để tiếp thu
khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; thu hút các nhà khoa học - công nghệ
xuất sắc trên thế giới đến Việt Nam tham gia vào các sự kiện khoa học -
công nghệ quốc tế. Qua đó, tăng cường năng lực nghiên cứu, tăng số bài
công bố quốc tế, nâng tầm nền khoa học - công nghệ quốc gia theo chuẩn
quốc tế, tăng cường kết nối các nhà khoa học - công nghệ Việt Nam vào
mạng lưới khoa học toàn cầu, tạo hiệu ứng lan tỏa cho hoạt động khoa học
- công nghệ trong nước.
Thứ tư, xuất
khẩu chất xám và công nghệ của Việt Nam ra thị trường quốc tế, thể hiện
dưới các hình thức, như cử chuyên gia khoa học - công nghệ ra nước
ngoài trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ mà chuyên gia Việt Nam đã
và đang tiệm cận đẳng cấp quốc tế, như y tế, nông nghiệp, công nghệ sinh
học, khoa học cơ bản; xuất khẩu dịch vụ nghiên cứu và phát triển;
chuyển giao công nghệ, hoặc xuất khẩu các hàng hóa công nghệ hoặc hàng
hóa có sức cạnh tranh từ công nghệ Việt Nam; qua đó mở rộng thị trường
cho chất xám và hàng hóa công nghệ Việt Nam, bên cạnh các hàng hóa và
dịch vụ khác.
Thứ năm, trở
thành một bộ phận tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động khoa
học - công nghệ khu vực và toàn cầu. Việt Nam cần đóng góp tài chính và
đưa chuyên gia người Việt Nam chủ động và tích cực tham gia vào các tổ
chức khoa học - công nghệ quốc tế có uy tín; các chương trình/dự án quốc
tế có tính cộng đồng, như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, ứng
phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát dịch bệnh...; các chương trình/dự án
khoa học - công nghệ lớn của thế giới về vũ trụ, thời tiết, khoa học cơ
bản...; qua đó góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh đối ngoại của Việt
Nam - một quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, có tiếng nói
chủ động trong các diễn đàn quốc tế đa phương về khoa học - công nghệ,
có năng lực công nghệ xử lý một số vấn đề ở quy mô khu vực và toàn
cầu./.
TS. Lê Xuân Định
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
________________
(1)
Như Quyết định số 735/QĐ-TTg ngày 18/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Đề án hội nhập quốc tế về khoa học - công nghệ đến năm 2020;
Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 7/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2030...
(2)
Sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, bảo vệ môi trường, đầu tư cho
nghiên cứu và phát triển là những ưu tiên của Việt Nam trong khuyến
khích nhà đầu tư nước ngoài; miễn thuế nhập khẩu để tạo tài sản cố định
đối với hàng nhập khẩu có liên quan đến thiết bị máy móc nằm trong dây
chuyền công nghệ; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa áp dụng cho thay
thế và đổi mới công nghệ; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa sử dụng
trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bao
gồm công nghệ trong nước chưa tạo ra được, giảm trừ tính thuế thu nhập
doanh nghiệp đối với các chi phí cho hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên
cứu khoa học và phát triển công nghệ, chi phí mua bằng sáng chế, giấy
phép công nghệ,...
(Nguồn: TC Cộng sản)