Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 4/4/2011 16:7'(GMT+7)

Đổi mới phương pháp dạy học: Những tín hiệu tích cực từ thực tế

Trong những năm gần đây, những đòi hỏi về chất lượng và cơ sở vật chất đã thổi làn gió mới cho công tác đổi mới phương pháp dạy và học (ĐMPPDH) của hệ thống giáo dục phổ thông.

Hiệu  ứng từ đổi mới phương pháp dạy học 

Trước đây, tình trạng “học chay, dạy chay”, “thầy đọc – trò chép” diễn ra phổ biến. Còn giờ đây, không gian lớp học – nơi diễn ra quá trình dạy và học, đã thay đổi hẳn tùy theo hình thức tổ chức dạy học được giáo viên thực hiện. Ta có thể hình dung bảng đen, phấn trắng, giáo án viết tay… đã được thay thế bằng máy tính xách tay, bảng tương tác, máy chiếu, dụng cụ trực quan … . Những thay đổi này đã khiến hoạt động trong lớp học không còn là sự độc diễn của giáo viên (GV) với những thuyết trình dài mà còn là sự tương tác tích cực của học sinh (HS), khiến việc tiếp thu kiến thức không còn thụ động nữa.

Nhiều trường còn đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy-học theo hướng đổi mới.

Hệ thống thư viện được chú trọng cả về lượng và chất thông tin, lại có những sáng tạo mới để tạo ra các thư viện lưu động, thư viện xanh phục vụ mọi nhu cầu và đối tượng tiếp nhận thông tin. Hệ thống mạng internet được kết nối là một công cụ hữu hiệu để thầy và trò có một kho tư liệu tham khảo cần thiết. HS được định hướng tự học dựa trên kiến thức và kỹ năng chuẩn do GV cung cấp trên lớp.

Đội ngũ GV được tăng cường cả về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu dạy và học mới. Họ được tham gia các lớp tập huấn để thực hiện việc dạy học mới theo phương pháp, quy trình mới, được tạo các điều kiện cần thiết để tiến hành những đổi mới về phương pháp đáp ứng đổi mới của chương trình và sách giáo khoa…

Tuy đã đạt được một số thành quả ban đầu, song công cuộc ĐMPPGD còn nhiều việc phải làm với mọi GV, mọi nhà trường.Việc bồi dưỡng, tập huấn về ĐMPPDH đôi khi còn dàn trải, thiếu hiệu quả, nặng về hình thức. Điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu ĐMPPDH cũng chưa được đảm bảo. Lao động của GV vẫn còn nhiều áp lực mà việc thực hiện tốt ĐMPPDH cũng là một trong những áp lực đó, làm cho chính việc ĐMPPDH đôi khi chưa thật sự có động lực tự thân của mỗi GV.

Do đó, việc nâng cao nhận thức hơn nữa về nội dung, phương pháp thực hiện việc đổi mới này phải trở thành công việc thường xuyên, liên tục.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm một phòng thí nghiệm hiện đại tại TP Huế tháng 12/2010. Ảnh: Chinhphu.vn

    
 
 Cú hích tích cực từ sự cộng hưởng 

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển, ĐMPPDH phù hợp với mục tiêu, nội dung dạy học là yếu tố gần như bắt buộc và có thể coi là xương sống của đổi mới giáo dục phổ thông.

Xác định tầm quan trọng của phương pháp dạy học đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục, rất nhiều dự án giáo dục đã coi việc đầu tư cho bồi dưỡng tập huấn ĐMPPDH, đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại là một thành phần hoạt động ưu tiên.

Tập trung nhất là trong khoảng 5 năm trở lại đây, các dự án như Phát triển giáo dục trung học, Phát triển giáo viên THPT và TCCN, dự án Việt Nam –Vương quốc Bỉ, Phát triển GDTHCS2, dự án Oxfam…đều có những hoạt động phục vụ cho tiến trình ĐMPPDH.

Mới đây, Bộ GDĐT đã xây dựng mô hình trường trung học cơ sở tổ chức hoạt động ĐMPPDH. Đây là một việc làm có ý nghĩa lớn để tổng kết mô hình, triển khai kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị chỉ đạo quản lý hoạt động ĐMPPDH ở các trường phổ thông tổ chức đầu năm 2009.

Lần đầu tiên, ĐMPPDH đã được đưa lên tầm chỉ đạo, quản lý của Chính phủ, điều này cho thấy sự cấp bách của công tác này. Như vậy, việc ĐMPPDH không chỉ còn là việc của riêng GV mà phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các cấp quản lý từ trung ương tới địa phương.  

ĐMPPDH còn nhận được sự cộng hưởng tích cực từ cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” được phát động vào năm học 2007-2008.

Cũng trong năm học này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong đó có một nội dung rất quan trọng là dạy và học hiệu quả thông qua ĐMPPDH của GV và phương pháp học tập của HS.

Sự thân thiện và tích cực là 2 phạm trù không thể tách rời, bổ sung và tác động lẫn nhau khi thực hiện các nội dung của phong trào thi đua.

Việc ĐMPPDH chỉ hiệu quả khi đề cao được trách nhiệm của đội ngũ GV trong môi trường sư phạm thân thiện và phát huy được vai trò tích cực học tập của HS.

Việc áp dụng phương pháp dạy và học tích cực là giải pháp có tầm quan trọng quyết định đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.  

Cho đến thời điểm này, khi tiếp nhận sự cộng hưởng từ nhiều phía, công cuộc ĐMPPDH đã có những “cú hích” để phát triển lên bước tiến mới, có được hình hài rõ nét cả về nội dung tiêu chí và phương pháp đánh giá; cả về kỹ thuật thực hiện cụ thể và công tác chỉ đạo, quản lý… Tất cả đều nhằm làm cho Giáo dục Việt Nam không chỉ nâng cao chất lượng mà còn hội nhập được với các nền giáo dục tiên tiến khác trên thế giới.


Theo Từ Lương/Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất