Xác định rõ việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng là khâu quyết định cho việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và cần phải khắc phục tình trạng học tập nghị quyết kéo dài ở cơ sở. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đề xuất Thường trực Tỉnh ủy cho triển khai các giải pháp nhằm đưa nhanh nghị quyết vào cuộc sống, bằng những việc đổi mới, sáng tạo cụ thể như:
Một là, đổi mới về phương pháp học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng: Thực hiện quy trình 5 bước trong học tập: (1) tổ chức việc thông báo nhanh kết quả hội nghị đến đội ngũ báo cáo viên toàn tỉnh; (2) biên tập tài liệu với những nội dung cốt lõi phát hành đến các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ban; (3) chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở đồng loạt tập trung tuyên truyền về các nội dung cốt lõi nghị quyết của đảng; (4) đẩy mạnh tổ chức học tập nghị quyết của Đảng bằng hình thức trực tuyến ở cả 3 cấp từ tỉnh đến cơ sở; (5) tổ chức viết thu hoạch, chấm điểm, thông báo kết quả đến cấp ủy cùng cấp (nghiên cứu lựa chọn nội dung và đối tượng tham gia viết thu hoạch)
Hai là, đổi mới về biên tập tài liệu phục vụ học tập: Ngay sau hội nghị BCH Trung ương kết thúc, thông qua các nghị quyết, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện việc biên tập tài liệu giới thiệu về kết quả hội nghị và tài liệu cốt lõi của các nghị quyết giới thiệu đến cán bộ, đảng viên; ghi hình nội dung giới thiệu về các nghị quyết được các đồng chí báo cáo viên Trung ương trình bày gửi đến các cấp ủy, tổ chức đảng phục vụ việc học tập cho các đối tượng chưa tham gia học trực tuyến.
Ba là, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết thông qua internet và mạng xã hội: Thiết lập các kênh, tài khoản trên mạng internet, mạng xã hội như Zalo, Facebook, youtobe… đăng tải các thông tin, kết quả, nội dung chính yếu các nghị quyết của Đảng mới ban hành để tuyên truyền truyền rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, nhân dân trong tỉnh. (Đến nay, mỗi cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đều thành lập được các tài khoản trên internet, mạng xã hội phục vụ tuyên truyền, toàn tỉnh đã thành lập được 1.082 tài khoản facebook, 1.107 tài khoản Zalo, 158 trang fanpage).
Từ việc đổi mới, sáng tạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong cách làm việc đưa nhanh nghị quyết vào cuộc sống, kết quả trong học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ở Bắc Giang có kết quả tốt: rút ngắn được thời gia học tập nghị quyết từ 2-3 tháng trước đây xuống còn 20-30 ngày trong toàn đảng bộ tỉnh; báo cáo viên là những người có kinh nghiệm, có trình độ lý luận cao, đều là các đồng chí lãnh đạo của chốt của Trung ương, của tỉnh trực tiếp giới thiệu nghị quyết; thu hút được đông đảo đang viên dự nghe từ tỉnh đến cơ sở (theo thống kê Bắc Giang có trên 64.000 đảng viên tham gia học tập nghị quyết Trung ương 4 đứng thứ 3 cả nước; gần 60.000 đảng viên tham gia học tập nghị quyết Trung ương 5, xếp thứ 2; Hội nghị Trung ương 6, Bắc Giang thu hút trên 57.000 đảng viên tham gia học tập đứng đầu cả nước về số lượng người tham gia).
Với sự đổi mới, sáng tạo, đa dạng về hình thức tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, các đợt học tập Nghị quyết đều có tỷ lệ đảng viên tham gia học tập đạt trên 97%. Các cấp ủy đã quán triệt thực hiện nghiêm túc, đúng yêu cầu, gắn kết chặt chẽ giữa việc học tập, quán triệt những nội dung cơ bản của các nghị quyết của Đảng với liên hệ thực tiễn, lồng ghép nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong Đảng bộ tỉnh thời gian qua cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đó là: Việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng ở một số địa phương, cơ sở chưa đồng đều; cơ sở vật chất phục vụ học tập trực tuyến ở cấp cơ sở chưa đảm bảo (hội trường nhỏ, thiết bị thu hình, phát thanh, đường truyền internet chưa tốt); việc duy trì tổ chức thảo luận trong thời gian học tập khó thực hiện (phải theo chương trình của Trung ương); ý thức của một số cán bộ, đảng viên trong học tập, thảo luận, viết bài thu hoạch chưa cao…
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, cụ thể hóa việc học tập chỉ thị, nghị quyết Đảng của đội ngũ cán bộ, đảng viên hướng tới phát huy tính tự giác, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên. Để hoạt động nghiên cứu, học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đi vào thực chất, hiệu quả cần được cụ thể hóa thành nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên và coi đó là một trong những tiêu chí xem xét, đánh giá đảng viên hàng năm.
Thứ hai, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức có vai trò quan trọng trong điều hành, tổ chức mọi hoạt động của cấp ủy, cơ quan, khi người đứng đầu gương mẫu, tự giác, nghiêm túc trong nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng sẽ tạo hiệu ứng tốt, lan tỏa tinh thần tự giác, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong nghiên cứu, học tập nghị quyết Đảng và ngược lại.
Thứ ba, kết hợp nghiên cứu, học tập chỉ thị, nghị quyết Đảng của cán bộ, đảng viên với thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Việc đề xuất giải pháp này trên cơ sở trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ của từng đảng viên.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng mạng xã hội, công nghệ số một cách hiệu quả trong tổ chức nghiên cứu, học tập nghị quyết Đảng của cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong Nhân dân; đảm bảo bảo mật thông tin theo quy định và kết hợp các hình thức linh hoạt trong tổ chức học tập nghị quyết của Đảng. Đổi mới công tác tuyên truyền với nhiều hình thức.., tổ chức các hội thi tìm hiểu, thi báo cáo viên giỏi... Trong quá trình tuyên truyền, cần chú ý nắm bắt, lắng nghe tâm tư, thắc mắc của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nội dung nghị quyết để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, nâng cao hiệu quả định hướng, tạo sự đồng thuận trong nhận thức của toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc nghị quyết.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng; các cấp ủy xác định lấy kết quả nghiên cứu, học tập và thực hiện chương trình hành động là cơ sở để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ. Sau mỗi đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần chú ý chỉ đạo thực hiện công tác sơ kết, rút kinh nghiệm; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả ở mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương, đơn vị./.
Trần Tuấn Nam - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang