Thứ Năm, 10/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Sáu, 4/8/2023 17:4'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Sử dụng hiệu quả thông tin báo chí phục vụ hoạt động lãnh đạo, điều hành

Đây là chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Tuyên giáo Thành ủy triển khai thực hiện trong nhiều năm qua; là phần thưởng mà Đảng bộ thành phố dành để tri ân và tôn vinh các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, lòng yêu nghề, sự nhiệt thành, tận tâm, tận lực mang đến cho công chúng những tác phẩm báo chí có chất lượng cao, đạt được các giải thưởng cao quý như Giải Báo chí Quốc gia, Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng). 

BÁO CHÍ ĐỒNG HÀNH CÙNG THÀNH PHỐ

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy chia sẻ: “Đội ngũ phóng viên báo chí đã hết sức tinh tế, sắc bén, qua lăng kính riêng của mình phản ánh được sự sống động của thành phố đang ngày càng chuyển mình phát triển. Năm 2021, thành phố bước vào tâm chấn của đại dịch COVID-19, rất nhiều phóng viên đã thể hiện sự tâm huyết, dũng cảm, tác nghiệp trong điều kiện vô cùng nguy hiểm, có anh chị em đã vướng bệnh, nhưng vẫn lạc quan, vẫn nhìn thấy được nụ cười tin tưởng vào ngày mai thành phố vượt qua cơn bão bệnh tật, chuyển mình sang giai đoạn phục hồi, phát triển. 

Còn hai năm nữa, Thành phố sẽ bước vào không khí kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và tiếp đó là tự hào 50 năm thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (02/7/1976 - 02/7/2026). Từ giờ đến lúc đó, chúng ta còn nhiều sự kiện, nhiều sản phẩm, trong đó có tác phẩm của báo chí sẽ làm đậm nét hơn về thành phố năng động, phát triển. Từ Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị ‘về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045’, Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2023 của Bộ Chính trị ‘về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045’ và gần đây nhất là Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội ‘về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh’, chúng ta thấy phía trước Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chuyển động, cất cánh, trong đó có sự tiếp sức của đội ngũ báo chí để mọi ngành, mọi cấp vượt qua khó khăn, tạo nên chất lượng sống mới, niềm hạnh phúc mới của thành phố”.    

Là trung tâm báo chí lớn của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 7 báo, 9 tạp chí, 1 đài truyền hình, 1 đài phát thanh; bên cạnh đó còn có trên 160 cơ quan báo chí có văn phòng đại diện hoặc phóng viên thường trú đóng trên địa bàn. Báo chí đã tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế và ngoại giao nhân dân. Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố luôn trân trọng, đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí; thành phố luôn xem báo chí là lực lượng không thể thiếu trong tổng thể các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo về và phát triển, là người đồng hành tin cậy của hệ thống chính trị và Nhân dân. Điều đó được thể hiện cụ thể qua việc ban hành, triển khai thực hiện các chỉ thị, quy định, chương trình, kế hoạch của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy có liên quan đến báo chí; sự quan tâm tạo điều kiện tốt nhất, chăm lo kịp thời, tạo động lực để đội ngũ báo chí hoạt động hiệu quả. 

Quy định số 1374-QĐ/TU ngày 1/12/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước là một trong những sự sáng tạo của Đảng bộ thành phố về việc phát huy vai trò của cử tri; của các cơ quan dân cử; của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; đặc biệt là vai trò của báo chí trong việc phản ánh thông tin được xác định là có cơ sở theo Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để xem xét xử lý vi phạm của các tập thể, cá nhân trong toàn Đảng bộ. Kết quả qua 5 năm, toàn thành phố đã tiếp nhận 9864 thông tin, trong đó thông tin từ ý kiến cử tri chiếm 21,95%; giám sát của các cơ quan dân cử chiếm 16,45%; khiếu nại, tố cáo chiếm 49,45% và từ báo chí 12,15%. Bình quân mỗi tháng 165 tin, mỗi ngày hơn 5 đến 6 tin. Thông tin đã được xử lý đạt 9609/9864 thông tin, chiếm tỷ lệ 97,42%.

 Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tư tổ chức Giải Báo chí quy mô, bài bản, thu hút được đông đảo đội ngũ người làm báo hưởng ứng tham gia. Trải qua 41 năm tổ chức, hàng năm, Giải Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh nhận hàng trăm tác phẩm dự thi. Năm 2022, có 279 tác phẩm dự vòng sơ khảo của 18 đơn vị báo chí, đã có 184 tác phẩm đã được chọn vào vòng chung kết. Kết quả chung cuộc có 5 giải nhất, 14 giải nhì, 21 giải ba và 25 giải khuyến khích. Ngày 30/5/2023, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 115-KH/BTGTU “về xét chọn và khen thưởng định kỳ đối với các tác phẩm báo chí hay, nổi bật về Thành phố Hồ Chí Minh”, nhằm kịp thời ghi nhận, biểu dương các tác giả đã nỗ lực, trách nhiệm trong tác nghiệp và đã sáng tạo những tác phẩm báo chí hay, có giá trị; phát huy tính sáng tạo, năng động, hiệu quả củạ lực lượng báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần hiển kế, để xuất các giải pháp thiết thực trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của chinh quyền thành phố trên tất cả lĩnh vục đời sống xã hội; việc tổ chức xét chọn, khen thưởng được tiến hành định kỳ hàng quý, bắt đầu từ quý 2 năm 2023, đối tượng được xét chọn không giới hạn cơ quan báo chí thành phố hay cơ quan báo chí khác. Chính những giải thưởng và hình thức khen thưởng này đã cổ vũ đội ngũ báo chí không ngừng nỗ lực cố gắng, tổ chức thực hiện nhiều công trình, sản phẩm, chuyên trang, chuyên mục có giá trị để đồng hành cùng thành phố, điển hình như diễn đàn “Lắng nghe người dân hiến kế” của Báo Người Lao Động, chương trình “Dân hỏi - chính quyền trả lời” của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh…

KHAI THÁC, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ THÔNG TIN BÁO CHÍ

Chính sự dấn thân của đội ngũ người làm báo vào thực tiễn đời sống xã hội đã tạo ra giá trị của thông tin báo chí và tác phẩm báo chí. Để theo dõi, khai thác, sử dụng hiệu quả thông tin báo chí trong bối cảnh bùng nổ công nghệ và sự phát triển của Internet như hiện nay, có mấy vấn đề cần quan tâm.

Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền, từng địa phương, cơ quan, đơn vị thường xuyên duy trì mối liên hệ với cơ quan báo chí trong việc chủ động cung cấp thông tin, hoặc cung cấp thông tin khi cơ quan báo chí có yêu cầu. Để làm tốt yêu cầu này, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị, quy định về công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, trong đó xác định việc cung cấp thông tin cho báo chí tạo ra những chuyển biến tích cực; các thông tin chính thống được truyền tải kịp thời, rõ ràng, chính xác đến Nhân dân trên địa bàn sẽ góp phần tạo sự đồng thuận, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của thành phố.

Hai là, các cấp ủy, chính quyền phân cán bộ, hoặc bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp thông tin báo chí. Công việc này đòi hỏi phải được thực hiện khoa học, bài bản, cần quan tâm ứng dụng công nghệ trong việc cập nhật, phân tích thông tin báo chí. Người làm công tác này đòi hỏi có sự nhạy bén về thông tin thời sự, khả năng tổng hợp, xâu chuỗi thông tin, phân tích vấn đề và dự báo tình hình; đồng thời, cần có năng lực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, thủ trưởng về những vấn đề từ thông tin phản ánh của báo chí, trong đó gồm cả những ý kiến góp ý và những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn mà báo chí phát hiện, ghi nhận được. Công tác báo cáo thông tin báo chí cho các cấp lãnh đạo phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời.

 Ba là, trong công tác lãnh đạo, quản lý, định hướng hoạt động của cơ quan báo chí cần có sự sâu sát, kịp thời, đồng cảm với những khó khăn của báo chí để chia sẻ, hỗ trợ, nhưng cũng cần nghiêm túc chấn chỉnh những hạn chế, phê bình hoặc đến mức nghiêm trọng thì xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động tác nghiệp. Xem xét tổ chức và duy trì hoạt động có hiệu quả các câu lạc bộ phóng viên trên từng loại hình, lĩnh vực báo chí để góp phần nâng cao khả năng tác nghiệp của đội ngũ; đồng thời, cũng nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, tình hình tư tưởng của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, không để xảy ra các sai sót, vi phạm nghiêm trọng, đáng tiếc./.

Trịnh Thanh Toàn
Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất