Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh
đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò
của lý luận. Người đã chỉ ra rằng: “Lý luận là đem thực tế trong lịch
sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật
kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực
tế. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ
phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì
lúng túng như nhắm mắt mà đi”(1).
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng, nhận thức sâu
sắc vai trò của lý luận, trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu,
trưởng thành, nhất là giai đoạn đổi mới đất nước, Đảng ủy Công an Trung
ương và lãnh đạo Bộ Công an luôn dành sự quan tâm đối với công tác
nghiên cứu lý luận.
Đến nay, công tác nghiên cứu lý luận Công an nhân dân đã đạt được những
thành tựu, chuyển biến quan trọng, nhiều mặt, lĩnh vực có bước phát
triển đột phá. Các cơ quan nghiên cứu lý luận trong Công an nhân dân
ngày càng được xây dựng, củng cố, khẳng định vị thế, uy tín trong phạm
vi quốc gia, quốc tế. Hệ thống lý luận Công an nhân dân được xây dựng
tương đối toàn diện, phân theo cấp độ có: lý luận cơ bản, lý luận chuyên
ngành và lý luận tác chiến; phân theo lĩnh vực có: lý luận bảo vệ an
ninh quốc gia, lý luận bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và lý luận xây
dựng Công an nhân dân, là bộ phận cấu thành quan trọng của lý luận về
chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, lý
luận về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân hơn 76
năm qua đã kiểm nghiệm tính khoa học, đúng đắn của lý luận Công an nhân
dân. Lý luận Công an nhân dân đã góp phần quan trọng cung cấp luận cứ để
Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước
trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật phục
vụ sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, sự quản lý
thống nhất, tập trung của Nhà nước đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc, nhất là trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn
xã hội, xây dựng Công an nhân dân cách mạng, ngày càng chính quy, tinh
nhuệ, hiện đại; tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và
Nhân dân. Đồng thời là cơ sở để Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ
Công an ban hành theo thẩm quyền nhiều chỉ thị, nghị quyết, thông tư
phục vụ có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy, lãnh
đạo, chỉ huy Công an các cấp. Qua đó, tạo cơ sở chính trị, pháp lý trực
tiếp, vững chắc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an
ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm
pháp luật; phát huy vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân đối với sự
nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Lý luận Công an nhân dân cung cấp nguồn tri thức có giá trị cho việc xây
dựng, ban hành hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giáo dục,
đào tạo, bồi dưỡng nhân lực Công an nhân dân “vừa hồng, vừa chuyên”, có
phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có trình độ pháp luật vững
vàng, nghiệp vụ sắc bén, sẵn sàng nhận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
được Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân tin cậy giao phó; đồng thời,
góp phần xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu học tập phục vụ công tác
bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, sự phát triển của lý luận
Công an nhân dân ở các cấp độ, lĩnh vực còn có những hạn chế nhất định,
chưa theo kịp đòi hỏi của tình hình. Nhiều vấn đề mới nảy sinh trong
công tác, chiến đấu, xây dựng Công an nhân dân chưa được nghiên cứu,
luận giải kịp thời, thấu đáo, chưa được soi đường, chỉ dẫn của lý luận.
Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, nhưng chính và chủ yếu là do
công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động nghiên cứu lý luận còn
chưa tập trung, thống nhất; nhận thức về vai trò của lý luận chưa đầy
đủ; công tác nghiên cứu lý luận chưa được đổi mới toàn diện, đồng bộ;
tính thống nhất, biện chứng giữa lý luận và thực tiễn trong sản phẩm lý
luận chưa cao; việc tổng kết thực tiễn trong một số lĩnh vực còn chậm,
chưa tạo tiền đề để phát triển lý luận. Việc xây dựng, phát triển đội
ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận trong Công an nhân dân chưa thật bài bản,
có chiều sâu; nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho công tác nghiên cứu lý
luận còn dàn trải.
Trong bối cảnh đất nước ta đổi mới, mở cửa hội nhập sâu rộng đã xuất
hiện những tác động mới đa chiều, toàn diện từ tình hình chính trị - an
ninh thế giới, khu vực bên cạnh thuận lợi cũng đặt ra không ít khó khăn,
thách thức; âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các
loại tội phạm có những diễn biến mới, phức tạp, khó lường cần phải được
nghiên cứu, phân tích, dự báo, luận giải dưới phương diện lý luận.
Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/12/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý
luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 đã xác định: “Làm rõ mối quan
hệ, kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
xã hội chủ nghĩa; kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; xây
dựng nền quốc phòng toàn dân với xây dựng nền an ninh nhân dân; giữa độc
lập dân tộc với hội nhập quốc tế; các vấn đề về an ninh truyền thống,
an ninh phi truyền thống. Dự báo những xu thế lớn của khu vực và thế
giới, thời cơ, thuận lợi cũng như thách thức tác động tới công cuộc xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc
phòng, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia,
an ninh xã hội trong tình hình mới”(2).
Thực tế nêu trên đòi hỏi công tác nghiên cứu lý luận Công an nhân dân
phải có sự chuyển mình mạnh mẽ, đổi mới toàn diện, sâu sắc. Lý luận
Công an nhân dân phải làm tốt hơn vai trò định hướng, dẫn dắt cho các
mặt công tác, chiến đấu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an
toàn xã hội. Để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi này, trong công tác nghiên cứu
lý luận Công an nhân dân thời gian tới cần quán triệt và thực hiện có
hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, cần nhận thức thống nhất và đầy đủ hơn về vai trò
của lý luận đối với các mặt, lĩnh vực công tác công an. Mọi hoạt động
thực tiễn, chiến đấu phải có cơ sở lý luận, được sự định hướng, dẫn dắt
của lý luận; đồng thời, thông qua thực tiễn công tác, chiến đấu để kiểm
nghiệm tính đúng đắn và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện lý luận. Lý luận
Công an nhân dân phải xuất phát từ thực tiễn và sản phẩm của tư duy sáng
tạo khoa học trên nền tảng lý luận cách mạng của Đảng, cung cấp luận cứ
vững chắc hơn đối với công tác tham mưu hoạch định các chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như đề ra
các chủ trương, đối sách, biện pháp xử lý tình huống trong bảo vệ an
ninh, trật tự và xây dựng Công an nhân dân. Công tác nghiên cứu lý luận
Công an nhân dân là một bộ phận trong nghiên cứu lý luận của Đảng, Nhà
nước, quan hệ chặt chẽ với hoạt động nghiên cứu của các ban, bộ, ngành,
các trung tâm nghiên cứu ngoài Công an nhân dân về xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc xã hội chủ nghĩa.
Hai là, đổi mới toàn diện, đồng bộ các mặt công tác nghiên
cứu lý luận Công an nhân dân. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng ủy
Công an Trung ương, quản lý của lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, lãnh đạo,
chỉ huy Công an các cấp với công tác nghiên cứu lý luận; ban hành mới
nghị quyết, chỉ thị, cơ chế, chính sách về công tác nghiên cứu, phát
triển lý luận Công an nhân dân. Nâng cao hơn hiệu quả công tác nghiên
cứu lý luận ở cả các khâu tổ chức, quản lý và nghiệm thu cũng như ứng
dụng sản phẩm nghiên cứu vào thực tiễn; xác lập và thực hiện tốt nguyên
tắc: khoa học, chặt chẽ, đúng tiến độ đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản
phẩm đầu ra, tối giản, cải cách thủ tục hành chính có trọng tâm, trọng
điểm, huy động tối đa các nguồn lực. Xây dựng cơ chế để đưa sản phẩm
nghiên cứu vào phục vụ công tác, chiến đấu kịp thời, đồng thời có sự
phản hồi, kiểm nghiệm, đánh giá và tiếp tục tổng kết để bổ sung, phát
triển lý luận.
Lấy thực tiễn của phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị với
trọng tâm là xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã
hội chủ nghĩa và các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân
dân, phong trào quần chúng; phát triển văn hóa - xã hội, nhiệm vụ công
tác quốc phòng, quân sự, đối ngoại; vấn đề đối tác - đối tượng, an ninh
con người; tình hình quốc tế… làm đối tượng để xác định vấn đề nghiên
cứu, xác lập cấp độ, lĩnh vực nghiên cứu cho phù hợp.
Trước mắt ưu tiên nghiên cứu, luận giải, làm sâu sắc hơn các quan điểm,
phương châm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những vấn đề mới trong bảo
vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng Công an
nhân dân. Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, biện chứng giữa các cấp độ, lĩnh
vực nghiên cứu. Chú trọng hợp tác quốc tế, thiết lập quan hệ với các đối
tác phù hợp thuộc cơ quan nghiên cứu dân sự, quân đội, công an, cảnh
sát các quốc gia trong khu vực và thế giới, các tổ chức quốc tế trong
nghiên cứu lý luận.
Củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan nghiên cứu khoa học, nghiên cứu
lý luận chuyên trách, bán chuyên trách trong Công an nhân dân theo hướng
“tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tập trung xây dựng, phát
triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận trong Công an nhân dân, nhất là
đội ngũ lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan chuyên trách cách mạng, chính quy,
tinh nhuệ, hiện đại, thực sự tiêu biểu, mẫu mực về phẩm chất cách mạng;
tâm huyết, sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận;
tinh hoa về tri thức, có uy tín khoa học cao, tác phong làm việc chuyên
nghiệp, hiện đại đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Quan tâm thu hút chuyên gia, nhà khoa học ngoài Ngành tham gia nghiên
cứu, phát triển lý luận Công an nhân dân.
Ba là, bảo đảm tốt hơn hậu cần, kỹ thuật, tài chính, có cơ
chế, chính sách huy động nguồn lực, tài chính tạo động lực thúc đẩy công
tác nghiên cứu lý luận, nhất là nghiên cứu ứng dụng. Nâng cấp hệ thống
cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật hiện đại và cơ sở dữ liệu cập nhật, kết
nối giữa các đơn vị chuyên trách và bán chuyên trách trong quản lý,
khai thác thông tin, tài liệu phục công tác nghiên cứu lý luận đáp ứng
yêu cầu, đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cần có cơ chế
khuyến khích Công an các đơn vị, cá nhân tự chủ kinh phí nghiên cứu khoa
học, nghiên cứu lý luận Công an nhân dân, thúc đẩy đa dạng hóa, xã hội
hóa nguồn kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu lý luận./.
Đại tướng, GS. TS. Tô Lâm
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Bộ Công an
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.5, tr.273-274.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.159.
(Nguồn: VGP)