Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 14/4/2012 9:27'(GMT+7)

Đổi mới tư duy sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hiệu quả

PGS-TS Nguyễn Bá Ân

PGS-TS Nguyễn Bá Ân

PGS.TS Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên TCTG tại lớp quán triệt Nghị quyết số 13 do Ban Tuyên giáo TW mới vừa tổ chức.

Phóng viên: Thưa ông, nghị quyết số 13 đã đặt ra vấn đề về việc sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Vậy chúng ta phải làm thế nào để giải quyết việc sử dụng vốn ngân sách và huy động tốt các nguồn lực từ xã hội?

PGS-TS Nguyễn Bá Ân: Nghị quyết số 13 được ban hành là nhằm cụ thể hóa mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020 được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua, trong đó đã xác định kết cấu hạ tầng là một trong ba điểm nhấn và cũng xác định một trong ba đột phá quan trọng đó là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại mà trước mắt ưu tiên tập trung cho công trình giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Cho nên, có thể thấy, Nghị quyết lần này nhằm cụ thể hóa, làm rõ các mặt được và chưa được, nêu lên những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân từ đó đề xuất định hướng và các nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, triển khai hiệu quả.

Về chủ trương đầu tư thì Đảng và Nhà nước từ lâu đã ưu tiên khá nhiều nhưng hiệu quả đầu tư thấp, quá dàn trải, nhiều công trình kéo dài. Do đó, Nghị quyết 13 được Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) ban hành ở đây đặc biệt nhấn mạnh tới tính đồng bộ. Hiện nay, trên phạm vi cả nước cũng còn nhiều công trình dang dở, kéo dài chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả của đầu tư. Thực tế, hệ thống đường sắt, đường bộ, cảng... thì chỗ nào cũng có nhưng tính đồng bộ, kết nối đa phương thức để mang lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển thì chưa. Nhiều hệ thống đường hiện nay không có tính kết nối, giao cắt nhau không đồng bộ, còn ách tắc...

Không có gì mâu thuẫn giữa chủ trương của Đảng và chính sách về hạ tầng giữa NQ 4 (khóa XI) và Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Bởi vì, nguồn lực đầu tư của nền kinh tế là như nhau vấn đề là làm thế nào sử dụng cho hiệu quả. Một trong những yêu cầu hàng đầu là đổi mới tư duy sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hiệu quả. Nếu trước dùng ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư trực tiếp là chủ yếu dẫn đến hiệu quả chưa cao nhưng bây giờ, NSNN tập trung đầu tư công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với quốc gia mà các nhà đầu tư tư nhân không thể làm, chỉ Nhà nước mới đảm nhận.

Còn các công trình khác, Nhà nước đầu tư “mồi”, tạo tính thương mại để tư nhân bỏ vốn ra, Nhà nước được hạ tầng, xã hội được hạ tầng... Do đó, Nhà nước triển khai nhiều hình thức cùng góp vốn như thế nào để đầu tư với tư nhân nhất thiết phải có lợi. Đối với Nhà nước quan trọng là tạo môi trường hạ tầng cho toàn bộ nền kinh tế, xây dựng, củng cố và phát triển hạ tầng. Đó là tư duy để làm sao đồng vốn ngân sách hiệu quả. Quan trọng là cũng ngần đó tiền nhưng đầu tư nhiều hơn, hút nhiều vốn đầu tư hơn cho hạ tầng.

Phóng viên: Việc đưa nghị quyết vào cuộc sống sẽ được thực hiện như thế nào nếu như việc “tư duy nhiệm kỳ”; “tư duy trong địa giới hành chính” vẫn còn nhiều cản trở với cơ chế xin- cho, thưa ông?

PGS-TS Nguyễn Bá Ân: Việc đưa nghị quyết vào cuộc sống và có tính thực tiễn quả thực cũng sẽ rất khó khăn vì đổi mới tư duy cũng là một quá trình không thể nhanh và ngay được, không dễ dàng chút nào. Thêm nữa, nhiều cơ chế còn vướng mắc, nên cần phải từ từ, có quy trình sửa đổi, bổ sung. Vì thế, rất cần quyết tâm từ Đảng tới Chính phủ và chắc chắn phải quyết tâm vì thực tế hiện nay hiệu quả đầu tư không cao.

Chúng ta cũng cần xác định sự tồn tại một thực tế của tư duy nhiệm kỳ, tư duy địa phương... Nếu đổi mới trong kế hoạch đầu tư, bỏ ngắn hạn từ 10 năm thành trung hạn, lấy chương trình quy hoạch đồng thời với thay đổi cơ chế hoạt động thì mới giải quyết triệt để. Bởi vì, ngay trong 63 tỉnh, thành phố đã có những quy định khác nhau, thiếu đồng bộ và sự thống nhất.

Do đó, rất cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số luật. Hiện nay nhiều luật phải sửa đổi như: đất đai, đầu tư công, mua sắm, ngân sách để tạo cơ chế môi trường cho thị trường, đầu tư theo thị trường. Tiền của nhà nước nhưng cơ chế phân bổ theo thị trường để tăng hiệu quả, tránh xin – cho mang tính chất chủ quan có hiệu quả thấp.

Cơ chế xin - cho cũng có căn nguyên của nó, đòi hỏi giải quyết triệt để ngay là không dễ, không thể làm một sớm một chiều. Nó xuất phát từ thực tế là nhu cầu lớn mà khả năng ít, ai cũng muốn bám vào khả năng ít ỏi đó, vì cơ chế xin – cho cho phép ai cũng có trách nhiệm, trong phạm vi của mình cũng muốn có phần ít khi ban phát các nguồn lực, do đó, nó là lực cản kéo không nhỏ.

Thực tế luôn cho thấy nguồn lực thì hữu hạn, mà nhu cầu xin vốn luôn luôn lớn, ai cũng muốn trong cuộc chơi có phần của mình, từ đó tạo nên căng thẳng trong sử dụng hiệu quả nguồn lực. Do đó, cần sự thay đổi làm sao để lợi nhỏ chỉ là “mồi" thôi, không phải là cái quyết định. Như tôi đã nói, nếu muốn giải quyết, xóa bỏ cơ chế xin-cho thì rất cần thay đổi và sửa một số luật như nêu trên. Đồng thời cũng huy động tối đa tinh thần nghị quyết số 13 để kêu gọi mọi nguồn lực từ phía xã hội. Làm được điều đó, chúng ta sẽ xây dựng được kết cấu hạ tầng nền kinh tế tốt hơn, hiệu quả hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông./.

Tuấn Đạt (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất