1- Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết xác định, cần hướng văn nghệ nước ta phản ánh hiện thực sinh động, chân thật và sâu sắc sự nghiệp của nhân dân trong cách mạng và kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm tự do sáng tác đi đôi với nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa; chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho văn nghệ sĩ; nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp; sử dụng và bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ hiện có. Nghị quyết cũng nhấn mạnh cần xây dựng quy hoạch và thực hiện chương trình đào tạo lớp cán bộ mới (cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, chuyên gia) đủ phẩm chất và năng lực đảm đương công việc trong những năm tới; củng cố, kiện toàn hệ thống các khoa, trường đào tạo cán bộ văn hóa, nghệ thuật, thông tin, báo chí, các viện nghiên cứu cả về tổ chức, đội ngũ giảng viên, chương trình, giáo trình; tăng thêm điều kiện và phương tiện kỹ thuật giảng dạy, học tập; tổ chức tốt đào tạo sau đại học...
Tiếp đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đề ra mục tiêu tổng quát là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong các nhiệm vụ, giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu, Nghị quyết nhấn mạnh tới yêu cầu xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa; coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở; quan tâm xây dựng các trường văn hóa, nghệ thuật, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng và quy mô đào tạo; hình thành một số cơ sở đào tạo đại học, trên đại học trọng điểm, đạt chuẩn khu vực và quốc tế; đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy các chuyên ngành văn hóa; có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; trọng dụng người có tài, có đức.
Trong bối cảnh mới, Đại hội XIII của Đảng xác định cần chú trọng thực hiện nhiệm vụ: “Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Rà soát toàn bộ hệ thống các trường đào tạo văn hóa, văn nghệ, đổi mới và hiện đại hóa quy trình, nội dung, phương thức đào tạo để trong 5 - 10 năm tới khắc phục về cơ bản sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa”(1).
Thể chế chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 6-5-2009, của Thủ tướng Chính phủ); Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” (phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12-11-2021, của Thủ tướng Chính phủ). Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần thực hiện là tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Có chính sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ, theo chuẩn quốc tế cho hệ thống trường văn hóa, nghệ thuật; khuyến khích xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình đào tạo văn hóa, nghệ thuật. Đổi mới phương thức đào tạo, hoàn chỉnh hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo cho các ngành văn hóa, nghệ thuật. Nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, phù hợp bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khuyến khích nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia giảng dạy; thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên, tăng phụ cấp giảng dạy, phụ cấp biểu diễn cho giảng viên, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhất là các bộ môn nghệ thuật truyền thống, ngành hiếm, ngành khó tuyển sinh. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chuyên ngành văn hóa; đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, chuyển đổi số. Đẩy mạnh thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong các thiết chế văn hóa, như nhà hát, thư viện, bảo tàng, thiết chế văn hóa - thể thao các cấp, đặc biệt là các thiết chế văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
2- Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì xây dựng, ban hành và phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cũng như trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều đề án phục vụ đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, như Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg, ngày 21-7-2014, của Thủ tướng Chính phủ “Về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật”; Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BVHTTDL-BTC-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 12-11-2015, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg ngày 21-7-2014 của Thủ tướng Chính phủ, “về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật”...
Nhiều đề án về đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011(2). Các đề án này đã và đang được triển khai thực hiện, từng bước đạt được hiệu quả nhất định. Theo đó, đã phát hiện và đào tạo tài năng văn hóa, nghệ thuật ở trong và ngoài nước; mở ra nhiều cơ hội bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ, giảng viên của các cơ sở đào tạo; nhiều cán bộ, giảng viên đạt được giải thưởng trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật của đất nước.
Trên cơ sở thực hiện chủ trương, chính sách, triển khai các đề án về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, hiện nay chúng ta đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Về hệ thống cơ sở đào tạo: Tính đến thời điểm 31-12-2021, cả nước có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và khoảng 60 cơ sở đào tạo có đào tạo ngành, nghề trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù. Cụ thể, nước ta có 15 trường trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bao gồm 10 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp đào tạo ở các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học, được thành lập từ sớm và có quá trình phát triển, trưởng thành qua nhiều năm; với mục tiêu đào tạo tài năng đỉnh cao, theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu ở các lĩnh vực, như âm nhạc, mỹ thuật, văn hóa, văn học, sân khấu - điện ảnh, múa, xiếc. Thời gian qua, các trường trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được củng cố và phát triển về các mặt và phân bố tập trung ở các thành phố lớn, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế); ngoài ra có 2 trường đặt tại thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) và thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), đào tạo nhân lực cho khu vực miền núi, dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc và Việt Bắc. Khi đặt ở trung tâm các thành phố lớn, địa bàn dân cư đông đúc, các trường có điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển, quảng bá văn hóa, nghệ thuật của đất nước với bạn bè quốc tế và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, nhằm góp phần bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bên cạnh đó, có 25 cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật do các tỉnh/thành phố trực tiếp quản lý, trong đó có 1 trường đại học, 10 trường cao đẳng và 10 trường trung cấp. Đây là các cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, nhằm cung cấp nhân lực chủ yếu phục vụ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của địa phương, đồng thời tạo nguồn tuyển sinh đào tạo đỉnh cao cho các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật ở Trung ương. Đồng thời, có 4 cơ sở đào tạo đại học thuộc bộ, ngành khác và khoảng 60 cơ sở đào tạo có đào tạo các ngành, nghề trong lĩnh vực nghệ thuật ở trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học.
Về ngành, nghề đào tạo: Hiện nay, hệ thống cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật có khoảng 100 ngành, nghề với gần 150 chuyên ngành được đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học.
Trong thời gian qua, các ngành, nghề đào tạo tiếp tục được duy trì, phát triển, các ngành nghệ thuật truyền thống đặc thù đã được các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật chú trọng tuyển sinh, đào tạo, truyền dạy, góp phần bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của các vùng, miền của đất nước, trong đó có các di sản văn hóa đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ, Ca trù, Hát xoan, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, Bài chòi...; đồng thời cập nhật, tiếp thu ngành, nghề đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.
Về chương trình, giáo trình đào tạo: Với mục tiêu đổi mới nội dung và phương pháp của các cơ sở đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình, giáo trình trên cơ sở quy định hiện hành về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo; chỉ đạo các cơ sở đào tạo có cùng nhóm ngành, khối ngành phối hợp chặt chẽ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác đào tạo, biên soạn giáo trình dùng chung; lựa chọn, mua bản quyền của nước ngoài, dịch và biên soạn lại tài liệu của nước ngoài, bảo đảm cơ sở đào tạo có đủ giáo trình, tài liệu giảng dạy được triển khai biên soạn và cập nhật đầy đủ cho từng ngành đào tạo, các môn chuyên ngành được đào tạo.
Ngoài ra, chương trình, giáo trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học theo Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi chuyển đổi giấy phép theo Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng được rà soát, điều chỉnh và phát triển theo hướng tăng cường khối lượng giờ tín chỉ các học phần thực hành, đa dạng hóa học phần tự chọn; cân đối số lượng tín chỉ giữa kiến thức của khối giáo dục đại cương so với giáo dục chuyên nghiệp và chuyên ngành để bảo đảm phù hợp theo từng chuyên ngành và ngành đào tạo. Chương trình, giáo trình được giao cho các cơ sở đào tạo có uy tín biên soạn và được sử dụng làm giáo trình chung cho các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực.
Về đội ngũ giảng viên: Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong những năm gần đây ngày càng được nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, có ý thức chính trị và phẩm chất đạo đức... Hiện nay, tính riêng các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học đạt khoảng 60% (trong đó, trình độ tiến sĩ đạt khoảng 40%), trên 95% viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Về quy mô đào tạo và chất lượng đào tạo: Quy mô đào tạo của các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không lớn, khoảng hơn 10.000 học sinh, sinh viên/năm. Đào tạo sau đại học đạt khoảng hơn 300 học viên cao học và nghiên cứu sinh/năm.
Hầu hết học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm đúng ngành, nghề được đào tạo. Trong đó, một số cơ sở đào tạo có khoảng 70% - 80% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm. Một số trường có nhiều học sinh, sinh viên đoạt giải quốc gia, quốc tế trong các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp, kỳ thi tay nghề quốc gia, quốc tế, giải thi đấu trong nước và quốc tế. Nhiều thạc sĩ và tiến sĩ phát huy tốt kiến thức đã qua đào tạo, nhiều người đã trở thành chuyên gia, giảng viên, nhà quản lý giỏi, bảo đảm chất lượng và hiệu quả công tác cao.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện dự án đào tạo, bồi dưỡng diễn viên và nhạc công cho 4 nhà hát trực thuộc Bộ giai đoạn 2012 - 2020 (bao gồm Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), kết hợp giữa các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật trực thuộc Bộ với các nhà hát, thực hiện phương thức đào tạo theo địa chỉ, bổ sung kịp thời đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn và nhạc công kế cận cho các nhà hát.
3- Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác quản lý, giáo dục, đào tạo trong hệ thống trường văn hóa, nghệ thuật ở nước ta vẫn còn một số hạn chế:
Một là, quy định hiện hành về giáo dục và đào tạo các trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học có nội dung chưa rõ, chưa phù hợp với tính đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, cụ thể là về thời gian đào tạo trình độ trung cấp; về chương trình đào tạo trung cấp, cao đẳng trong các trường đại học; về đào tạo văn hóa đồng thời với chuyên môn nghề nghiệp ở trình độ trung cấp; chế độ chính sách đối với người dạy, người học...
Hai là, chương trình, giáo trình giảng dạy, tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu chưa đầy đủ, chưa cập nhật. Số lượng giáo trình, sách chuyên khảo do giảng viên biên soạn còn khiêm tốn và nhiều cơ sở chưa có giáo trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài; việc cải cách hành chính và chuyển đổi số trong quản trị các cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật chưa được chú trọng.
Ba là, đội ngũ nhà giáo còn thiếu về số lượng và trình độ chuyên môn chưa cao. Một số cơ sở đào tạo chưa chú trọng xây dựng kế hoạch dài hạn phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, dẫn đến sự hụt hẫng về đội ngũ giảng viên, giáo viên có trình độ chuyên sâu. Số lượng giảng viên, giáo viên được cử đi đào tạo ở nước ngoài hạn chế, đặc biệt là các ngành nghệ thuật gặp khó khăn vì không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ. Đội ngũ giảng viên cơ hữu có chức danh, học vị ở các ngành nghệ thuật ngày càng giảm, dẫn đến có cơ sở giáo dục đại học phải dừng tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ vì không đáp ứng được yêu cầu theo quy định. Số giảng viên, nhà giáo kế cận chưa đủ thời gian tích lũy kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm giảng dạy nên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đào tạo.
Bốn là, công tác tuyển sinh và đào tạo ngành văn hóa, nghệ thuật còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các ngành múa, xiếc và sân khấu truyền thống. Chi phí đào tạo lớn trong khi ngân sách chi cho đào tạo nghệ thuật còn hạn hẹp, khả năng tự chủ của nhà trường bị hạn chế nên chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng, nhất là đối với các ngành mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu - điện ảnh, múa, xiếc.
Năm là, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đạo cụ thiết yếu phục vụ đào tạo còn thiếu hoặc chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhất là ở các cơ sở đào tạo thuộc các tỉnh, thành phố. Nguồn lực đầu tư cho đào tạo văn hóa, nghệ thuật còn thấp, chưa được chú trọng, chưa có chế độ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp bằng tác phẩm.
Sáu là, chế độ giờ giảng đối với nhà giáo giảng dạy lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu đặc thù chưa phù hợp, còn có nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nên chưa thực sự khuyến khích được đội ngũ có trình độ cao tích cực tham gia và yên tâm công tác giảng dạy trong các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật.
4- Trên cơ sở kết quả đã đạt được và một số hạn chế trong hoạt động của các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật, thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực đặc thù này, góp phần vào công cuộc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới.
Thứ nhất, quy hoạch, nâng cấp hệ thống trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật. Tăng cường đầu tư nguồn lực để xây dựng 6 trường trọng điểm chất lượng cao thuộc các lĩnh vực, như văn hóa, âm nhạc, sân khấu - điện ảnh, mỹ thuật, múa, xiếc. Rà soát quy mô, ngành, nghề đào tạo các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của xã hội. Cần có cơ chế, chính sách phát triển riêng biệt, phù hợp và hiệu quả đối với các ngành đặc thù, ngành nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Tập trung đầu tư nguồn lực cho cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 4 cơ sở đào tạo là trường trọng điểm quốc gia thuộc lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh, văn hóa.
Thứ hai, đào tạo đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên, giảng viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo, phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống, quy mô trường, lớp. Thực hiện các giải pháp bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu giáo viên, giảng viên các cấp học theo quy định. Triển khai các đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, ban hành các chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, nghiệp vụ sư phạm chuyên ngành cho giảng viên, giáo viên đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật áp dụng trên toàn quốc.
Tập trung đào tạo tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao theo hai đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa, nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”. Phấn đấu đến năm 2030, tổng số cán bộ, giảng viên các cơ sở đào tạo đạt khoảng 4.000 người, trong đó tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ đạt 90% và trình độ tiến sĩ đạt 50%, 100% viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; đến năm 2030 có khoảng 30 giáo sư, 250 phó giáo sư, 20 nghệ sĩ nhân dân, 100 nghệ sĩ ưu tú, 10 nhà giáo nhân dân, 100 nhà giáo ưu tú và nghệ nhân, chuyên gia tham gia giảng dạy tại cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật.
Thứ ba, tháo gỡ vướng mắc trong đào tạo trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đào tạo các ngành chuyên sâu, nghề đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu bổ sung chính sách ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật và các ngành khó tuyển, cần bảo tồn; học sinh, sinh viên theo học các ngành nghệ thuật ở các cơ sở đào tạo khu vực miền núi, được hưởng chính sách, như học sinh, sinh viên dân tộc nội trú; có chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi thiết thực hơn đối với nhà giáo, văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục.
Kiến nghị điều chỉnh Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, ngày 31-8-2018, của Thủ tướng Chính phủ “Ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”, bảo đảm phù hợp hơn với tính đặc thù trong hoạt động của nhà giáo ở lĩnh vực nghệ thuật.
Đề nghị xem xét việc giữ lại mô hình các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật trực thuộc địa phương để bảo đảm gìn giữ bản sắc văn hóa vùng, miền và duy trì đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật theo đặc thù của từng địa phương trên cả nước, cung cấp nguồn tuyển sinh có chất lượng cho các cơ sở đào tạo chuyên sâu đào tạo trình độ cao hơn ở Trung ương.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo văn hóa, nghệ thuật. Theo đó, chú trọng hoạt động trao đổi học thuật, trao đổi, giao lưu về chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực mời chuyên gia, giảng viên giỏi, có uy tín đến Việt Nam giảng dạy; cập nhật, điều chỉnh bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, đồng thời phù hợp với đặc thù Việt Nam. Tăng cường cử cán bộ quản lý, giảng viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng dài hạn và ngắn hạn ở nước ngoài để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn giáo dục và đào tạo trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ở nước ta hiện nay.
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng nhân lực sau đào tạo. Có chính sách khuyến khích và tạo mọi điều kiện để đội ngũ giảng viên, giáo viên vừa giảng dạy, vừa tham gia biểu diễn, sáng tạo nghệ thuật; thu hút nhân tài, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú tham gia đào tạo, truyền dạy chuyên môn, nghiệp vụ; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và đơn vị nghệ thuật trong kiến tạo môi trường thực hành nghề nghiệp, rèn luyện bản lĩnh sân khấu cho người học, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế./.
PGS, TS TẠ QUANG ĐÔNG
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
(tapchicongsan.org.vn)
_____________________________________________
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 147
(2) Một số đề án tiêu biểu là: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2020” (Quyết định số 958/QĐ-TTg, ngày 24-6-2010, của Thủ tướng Chính phủ); “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2011 - 2020” (Quyết định số 1243/QĐ-TTg, ngày 25-7-2011, của Thủ tướng Chính phủ); “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trình độ cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2011 - 2020” (Quyết định số 808/QĐ-TTg, ngày 30-5-2011, của Thủ tướng Chính phủ); “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Quyết định số 1341/QĐ-TTg, ngày 8-7-2016, của Thủ tướng Chính phủ); “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” (Quyết định số 1437/QĐ-TTg, ngày 19-7-2016, của Thủ tướng Chính phủ)