Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội trước hết bằng Cương lĩnh, đường lối và những định hướng chính sách lớn. Do vậy, việc xây dựng, quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sau khi nghị quyết được ban hành, khâu tổ chức học tập, nghiên cứu nội dung nghị quyết là công việc hệ trọng có ý nghĩa định hướng nhận thức, hành động của toàn Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin với sự lên ngôi của truyền thông đại chúng, sự kết nối mạng internet và sự lan truyền rộng, nhanh các mạng xã hội, blog cá nhân... việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng là công việc cấp bách, thiết thực cần được đặc biệt quan tâm.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác học tập, triển khai nghị quyết của Đảng đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ khâu chuẩn bị tài liệu, tổ chức lớp học, lựa chọn báo cáo viên đến đối thoại, giải đáp thắc mắc, xây dựng và thảo luận chương trình hành động... Trong đó việc giới thiệu nghị quyết theo tinh thần đổi mới là khâu then chốt liên quan trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt nghị quyết.
1. Phải hiểu đúng yêu cầu giới thiệu nghị quyết.
Giới thiệu nghị quyết cần đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản:
Thứ nhất, phải giúp cán bộ, đảng viên hiểu đúng, hiểu sâu những vấn đề cốt lõi, những nội dung mới đánh dấu sự phát triển tư duy lãnh đạo của Đảng. Giới thiệu nghị quyết không đơn thuần là nói lại tất cả những nội dung của nghị quyết - điều này đã có trong văn bản và trong các tài liệu học tập vốn rất phong phú và được chuẩn bị khá công phu, chi tiết. Quan trọng là phải lựa chọn và khái quát được những vấn đề cốt lõi nhất, tức là thâu tóm được “cái hồn” của nghị quyết; phát hiện đúng và luận giải thấu đáo, có sức thuyết phục những điểm mới về nhận thức được thể hiện trong nghị quyết. Muốn làm được điều này, báo cáo viên phải nghiên cứu rất kỹ, nắm rất chắc những nội dung cơ bản của nghị quyết; so sánh, đối chiếu những nội dung cơ bản của nghị quyết với những nội dung của các nghị quyết trước đó để thấy logic phát triển trong tư duy lãnh đạo của Đảng. Cách trình bày như vậy sẽ giúp cán bộ, đảng viên hiểu sâu và thấu đáo hơn vấn đề, trên cơ sở đó tự hoàn thiện nhận thức và định hướng suy nghĩ, hành động của bản thân.
Thứ hai, phải giúp cán bộ, đảng viên có cơ sở nhận thức đúng những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đất nước ta đang trong quá trình đổi mới; thực tiễn đan xen những mảng cũ - mới, tốt - xấu, đúng - sai và xuất hiện nhiều vấn đề rất mới mẻ. Nhìn nhận, đánh giá thực tiễn đất nước và những vấn đề mới nảy sinh từ những góc tiếp cận khác nhau, với tâm trạng, cảm xúc khác nhau, với lượng thông tin có được khác nhau, trong đó có những thông tin trái chiều, thông tin nhiễu... tất không tránh khỏi có những ý kiến khác nhau. Học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng chính là dịp báo cáo viên cung cấp cho người nghe những nhìn nhận, đánh giá, nhận thức chính xác và chính thống. Làm tốt công tác tư tưởng chính là yêu cầu rất quan trọng khi giới thiệu nghị quyết của Đảng. Báo cáo viên phải nắm chắc dư luận và tình hình tư tưởng trong Đảng, trong xã hội; nắm chắc các thông tin chính xác; có lập luận chặt chẽ, thuyết phục để làm sáng tỏ những nhận định, đánh giá và kiến giải những vấn đề mới. Khi trình bày tự nhiên, khách quan, không lên gân, không khiên cưỡng sẽ có sức cảm hóa cao.
2. Cần giới thiệu nội dung nghị quyết phù hợp với từng đối tượng người nghe.
Việc học tập, quán triệt nghị quyết được tổ chức sâu rộng trong toàn Đảng với nhiều loại hình tổ chức đảng từ Trung ương tới cơ sở, từ các địa phương (thành thị, nông thôn, miền ngược, miền xuôi...) đến các cấp, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị, trường học...; với đội ngũ cán bộ, đảng viên rất đa dạng: cán bộ lãnh đạo, quản lý; công nhân, nông dân, trí thức, công chức, viên chức... Vì vậy, giới thiệu nghị quyết vừa phải cung cấp những nhận định, đánh giá, quan điểm, định hướng cơ bản, chung nhất trong nghị quyết mà mọi cán bộ, đảng viên đều cần nắm được; vừa phải cung cấp những nhận thức phù hợp với sự quan tâm của cán bộ, đảng viên hoạt động trên những lĩnh vực, địa bàn công tác khác nhau. Đây là điều mà những tài liệu phục vụ học tập, quán triệt nghị quyết không làm được, chỉ có báo cáo viên mới biết nên chọn nội dung gì và nên nói thế nào cho thiết thực, phù hợp với đối tượng người nghe. Không nên giới thiệu nghị quyết cho mọi đối tượng theo một nội dung y hệt nhau, theo một phương pháp giống hệt nhau. Đó là cách giới thiệu khô cứng, rập khuôn, thiếu sức sống.
3. Cần gợi mở, giúp các tổ chức đảng hoàn thiện chương trình hành động.
Giới thiệu nghị quyết của Đảng, đồng thời với yêu cầu nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, cần gợi mở những vấn đề mới mà các tổ chức đảng có thể tiếp thu để hoàn thiện, nâng cao chất lượng chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Để những gợi mở có tính thiết thực, báo cáo viên vừa phải hiểu sâu nghị quyết vừa phải nắm vững tình hình của tổ chức đảng triển khai học tập nghị quyết. Rất nên và rất cần tìm hiểu, nghiên cứu nghiêm túc các tài liệu và công việc của tổ chức đảng nơi triển khai học tập; đối chiếu nghị quyết của Đảng với định hướng công tác của tổ chức đảng sở tại, phân tích làm rõ định hướng nào phù hợp, định hướng nào chưa đầy đủ cần phải hoàn thiện, định hướng nào cần phải điều chỉnh. Phương pháp giới thiệu nghị quyết như vậy sẽ tạo sự cộng cảm và chia sẻ giữa báo cáo viên và người nghe, vừa sinh động, thiết thực, vừa bổ ích.
4. Đưa nghị quyết về với đời sống.
Lâu nay, cán bộ, đảng viên thường không hào hứng học tập nghị quyết, bởi lẽ các buổi quán triệt nghị quyết thường khô khan, cứng nhắc! Rất cần giới thiệu nghị quyết một cách sinh động, có sức cuốn hút theo phương châm “đưa cuộc sống vào Nghị quyết; đưa nghị quyết về với đời sống”. Nghị quyết của Đảng được xây dựng trên cơ sở tổng kết sâu sắc thực tiễn; từ sự phong phú, muôn mầu muôn vẻ của đời sống thực tiễn mà chắt lọc, khái quát thành những câu chữ cô đọng. Do đó, khi giới thiệu nghị quyết, báo cáo viên phải biết cách truyền tải sức sống thực tiễn tiềm tàng trong các câu chữ về với người nghe - đó chính là cách nói những điều ẩn sâu và nằm sau các câu chữ. Chọn lọc những sự kiện, những con người tiêu biểu có thật trong đời sống, liên hệ đúng lúc, đúng chỗ với những nội dung của nghị quyết sẽ làm cho người nghe cảm nhận sự sống động, gần gũi, thiết thực của nghị quyết, xóa đi định kiến “nghị quyết trên trời, cuộc đời dưới đất”. Để làm được điều này, báo cáo viên phải có vốn thực tiễn, vốn kiến thức phong phú và nghệ thuật lựa chọn đúng, đắt những dẫn chứng thực tiễn trong thuyết trình.
5. Ý thức trách nhiệm cao và tâm huyết, tâm sức của báo cáo viên.
Chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng tùy thuộc rất lớn vào trình độ, kinh nghiệm và thái độ chính trị của báo cáo viên. Nhận nhiệm vụ giới thiệu nghị quyết là nhận một trọng trách trước cán bộ, đảng viên tham dự học tập, nói một cách cụ thể, còn nếu nói rộng hơn, là trách nhiệm trước Đảng. Nói sao cho đúng, cho hay? Nói sao cho có lợi nhất cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc? Nói sao để tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận xã hội? Muốn làm được điều này, đồng thời với trình độ, năng lực, báo cáo viên phải có ý thức trách nhiệm rất cao và thật sự tâm huyết đối với công việc. Trách nhiệm và tâm huyết không dừng ở nhận thức mà phải được thể hiện cụ thể qua việc chuẩn bị công phu, nghiêm túc nội dung báo cáo; trăn trở tìm tòi, thể nghiệm, rút kinh nghiệm phương pháp trình bày để đạt đến sự hoàn thiện có thể theo khả năng cho phép. Đó là một công việc đặc biệt, một loại hình lao động khoa học với đòi hỏi cao và nghiêm ngặt.
Nói tóm lại, đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trước hết đòi hỏi người lãnh đạo, người tổ chức lớp học, đặc biệt là người giới thiệu nghị quyết phải tự đổi mới, tự vượt lên chính mình; phải lấy việc đưa nghị quyết thật sự đi vào cuộc sống làm mục tiêu phấn đấu, làm thước đo hiệu quả./.
Kim Ngọc Việt