Thứ Bảy, 5/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 3/9/2016 9:19'(GMT+7)

Mô hình tuyên vận ở Lào Cai phát huy hiệu quả

Ngày 31/8/2016 Tỉnh ủy Lào Cai đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Đề án thí điểm mô hình “Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn; Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố”. Hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu là lãnh đạo một số cơ quan Trung ương, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; đại diện các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố trong tỉnh và các tập thể, cá nhân được khen thưởng. Báo cáo tổng kết và các tham luận trình bày tại Hội nghị đã khái quát và làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến quá trình xây dựng, triển khai thực hiện mô hình, những kết quả, hạn chế, bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn cũng như một số kiến nghị, đề xuất với Trung ương. Một số vấn đề lớn rút ra sau 5 năm thực hiện thí điểm mô hình tuyên vận đó là:  

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy làm công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở. Thực hiện mô hình, 164 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tiến hành sắp xếp Ban tuyên giáo và Khối dân vận thành Ban tuyên vận, giảm được đầu mối cơ quan; trên cơ sở sắp xếp lại đội ngũ cán bộ xã dôi dư tù sự sáp nhập đó, bố trí một cán bộ từ các chức danh công chức xã có từ 02 biên chế làm phó ban chuyên trách của Ban tuyên vận đảng ủy xã chịu trách nhiệm tham mưu chỉ đạo, tổ chức thực hiện về toàn bộ công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở: ở cấp thôn thành lập các Tổ tuyên vận với nòng cốt là đội ngũ báo cáo viên và cán bộ dân vận trong thôn, xã, đặt dưới sự lãnh đạo của đồng chí Bí thư chi bộ thôn. Hầu hết các địa phương cơ sở đều khẳng định việc sắp xếp, sáp nhập 2 tổ chức tuyên giáo và dân vận ở cấp xã thành ban tuyên vận và thành lập tổ tuyên vận cấp thôn là hợp lý, phù hợp với điều kiện của Lào Cai, từ đó đã tạo nên sự thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện, đánh giá công tác tuyên truyền, vận động. Mô hình tuyên vận góp phần quan trọng nâng cao năng lực thực tiễn, nhất là kỹ năng tổng hợp, phân tích, thuyết trình, sử dụng công nghệ thông tin; bản lĩnh chính trị và cơ hội phát triển cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Thống kê 5 qua tại các địa phương đã có 46 đồng chí phó trưởng ban tuyên vận được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền tại xã; 285 tổ trưởng tổ tuyên vận được điều chuyển từ thôn lên làm cán bộ xã.   

Trách nhiệm, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp đối với công tác tuyên vận được nâng cao và thực hiện thống nhất, chặt chẽ theo chức năng, nhiệm vụ. Với vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, trong năm năm qua, Tỉnh ủy ban hành nghị quyết, các quyết định, kết luận, kế hoạch thực hiện; các sở, ngành ban hành hướng dẫn và trực tiếp tổ chức kiểm tra, đánh giá tại các huyện ủy, thành ủy, nhất là tại các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố về tuyên vận. Các huyện ủy, thành ủy đã phát huy tốt vai trò là đầu mối chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tuyên vận với nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Hầu hết cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ xã đến thôn đã tích cực, chủ động, trực tiếp tổ chức thực hiện mô hình tuyên vận, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến mô hình trong thực tiễn áp dụng. Đặc biệt tại cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố vai trò chỉ đạo, đánh giá của thường trực cấp ủy xã và tổ trưởng tổ tuyên vận (bí thư, phó bí thư chi bộ thôn) từng bước được phát huy. Vai trò của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được phát huy theo quy chế, chức năng, nhiệm vụ trong một khối thống nhất dưới sự chỉ đạo của cấp ủy đảng (trưởng ban tuyên vận xã; tổ trưởng tổ tuyên vận thôn), có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với thành viên ban tuyên vận, tổ tuyên vận để thực hiện công tác tư tưởng, dân vận của Đảng ở cơ sở. Bên cạnh đó, mô hình tuyên vận giúp cho hoạt động của Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, huyện ủy, thành ủy có điều kiện hướng mạnh về cơ sở với những nội dung thiết thực, cụ thể. Mối quan hệ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ các cơ quan tỉnh, huyện, xã được gắn kết chặt chẽ, thường xuyên.  
Đổi mới nội dung công tác tuyên truyền, vận động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại cơ sở đồng thời tập trung bố trí các nguồn lực cho công tác tuyên vận. Việc tổ chức hội nghị báo cáo viên cấp huyện, nhất là hội nghị tuyên vận xã và hoạt động báo cáo viên được thực hiện nền nếp hàng tháng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở. Các nội dung công tác tuyên giáo, dân vận được đổi mới căn bản, có chiều sâu, được lượng hóa hàng tháng. Một số nội dung công tác tuyên giáo, dân vận có sự chuyển biến tích cực so với trước khi thực hiện Đề án tuyên vận, tiêu biểu như công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, công tác báo cáo viên, công tác dân vận... Việc chuyển tải thông tin, chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, của địa phương tới nhân dân được thực hiện thống nhất, nền nếp hàng tháng từ tỉnh đến cơ sở tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, phát triển và quản lý đô thị tại các địa phương. Thế mạnh của các loại hình tuyên truyền, vận động tại cơ sở được phát huy, trong đó, hoạt động tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp ủy cơ sở, tuyên truyền viên của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đóng vai trò chủ đạo.

Việc đầu tư, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa thông tin (nhất là hệ thống loa truyền thanh, nhà văn hóa) ở cơ sở được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, bổ sung theo hướng lồng ghép, tập trung, hiệu quả cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn. Trong 5 năm (2012 – 2016), tỉnh đã cấp tổng số trên 33.813 triệu đồng phục vụ thực hiện Đề án tuyên vận phục vụ cho việc bồi dưỡng hoạt động của các tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố, tổ chức hội nghị công tác tuyên vận cấp xã, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên vận các cấp, thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn... Các nội dung chi đều theo các quy định tài chính hiện hành, không phát sinh thêm chế độ, kinh phí và chủ yếu đầu tư cho cấp cơ sở.

Tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của Nhân dân: So với thời điểm trước khi tổ chức thực hiện mô hình tuyên vận, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trong việc tự giác, chủ động, tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là vấn đề xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị tại các xã, phường, thị trấn đã có sự chuyển biến tích cực, thực chất. Trong 5 năm thực hiện mô hình tuyên vận, việc huy động sức người, sức của trong Nhân dân thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới, nhất là phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, xây dựng hạ tầng giao thông, quản lý đô thị.... đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhiều địa phương tuy còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế nhưng Nhân dân đã tích cực tham gia đóng góp tiền của ủng hộ xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu như: Bát Xát trên 8,2 tỷ đồng, Bắc Hà trên 10 tỷ đồng, Mường Khương 8,9 tỷ đồng, Bảo Thắng trên 10 tỷ đồng.... Cùng với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhiều hủ tục lạc hậu trong việc cưới, tang, lễ hội, tín ngưỡng, sinh hoạt của người dân, nhất là đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đã từng bước được thay đổi theo hướng tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) tại các huyện, thành phố giảm mạnh hàng năm (huyện Bắc Hà giảm từ 42,55% năm 2012 xuống còn 22% năm 2015; huyện Mường Khương từ 63,7% năm 2010 xuống còn 22% năm 2015; thành phố Lào Cai giảm từ 12,9% năm 2011 xuống còn 1,17% năm 2015...).  

Phát biểu khai mạc và đánh giá tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp tục khẳng định mô hình tuyên vận là cách làm sáng tạo của Lào Cai, góp phần củng cố và nâng cao năng lực thực hiện cũng như chất lượng công tác tuyên truyền, vận động đến với các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Từ kết quả và kinh nghiệm rút ra sau 5 năm thực hiện thí điểm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định cùng với việc kết thúc giai đoạn thí điểm chuyển sang việc làm thường xuyên, ngay sau hội nghị tổng kết, Tỉnh ủy Lào Cai sẽ ban hành quy định về công tác tuyên vận và thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh. Đây được coi là khâu đột phá trong công tác tư tưởng và dân vận của Đảng bộ tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn tiếp theo. Cũng tại Hội nghị tổng kết, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 43 tập thể và 69 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham mưu, thực hiện Đề án tuyên vận trong 5 năm qua.

Phùng Nam Trung
 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất