Thứ Ba, 26/11/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 6/8/2017 17:44'(GMT+7)

Đội ngũ nhà giáo trước yêu cầu đổi mới

Cô giáo trường mầm non thị trấn Lấp Vò (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) hướng dẫn các cháu làm quen với môn tin học. Ảnh: Nguyễn Đoàn

Cô giáo trường mầm non thị trấn Lấp Vò (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) hướng dẫn các cháu làm quen với môn tin học. Ảnh: Nguyễn Đoàn

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có hơn 1,2 triệu nhà giáo các cấp học. Đội ngũ nhà giáo cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo, tương đối hợp lý về cơ cấu; có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, tinh thần trách nhiệm trong công việc; tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo những năm gần đây được nâng lên, bước đầu đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Trong giáo dục đại học, số giảng viên đạt chuẩn trong các trường tăng nhanh, nhất là các giảng viên có trình độ tiến sĩ; số giảng viên chưa đạt chuẩn giảm mạnh; chủ yếu là giảng viên hướng dẫn thực hành. Tuy vậy, thực tế vẫn còn một bộ phận không ít nhà giáo thiếu động lực, nhận thức không đầy đủ, ngại khó trong đổi mới. Trong phát triển đội ngũ, công tác dự báo và quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng giáo viên, giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu; phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tỷ lệ giáo viên có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ và tin học còn rất thấp. Các trường đại học vùng khó khăn, trường mới nâng cấp, thành lập, trường ngoài công lập thì đội ngũ vẫn còn hạn chế; một số ngành, tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao hơn nhiều so với quy định.

Đáng chú ý, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn tồn tại. Những vùng có địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thiếu giáo viên; chưa đủ giáo viên các môn chuyên biệt ở cấp học phổ thông; thiếu môn tin học, ngoại ngữ tiểu học và THCS do nhu cầu dạy học hai buổi/ngày. Đối với mầm non, cả nước thiếu hơn 30 nghìn giáo viên. Việc thi tuyển viên chức ngành giáo dục không bảo đảm đúng quy định, thậm chí còn có dấu hiệu tiêu cực. Vấn đề ký hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động hay giáo viên đã được tuyển dụng nhưng đi làm một năm không được hưởng lương... gây nhiều bức xúc cho các thầy giáo, cô giáo và xã hội. Đối với đội ngũ giảng viên, nhiều cơ sở giáo dục đại học không tuyển đủ giảng viên cơ hữu dẫn đến các giảng viên dạy vượt giờ quá nhiều so với quy định. Tỷ lệ giáo viên, giảng viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định nhưng năng lực chưa tương xứng với yêu cầu về chất lượng; phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực. Hiện nay, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành.

Nguyên nhân dẫn đến nhiều bất cập trong phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng nhu cầu đổi mới là do hệ thống văn bản liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức giáo dục chưa phù hợp thực tiễn; việc đào tạo đội ngũ nhà giáo chưa gắn với nhu cầu sử dụng; thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ giáo viên do phát triển nhanh các khu công nghiệp quy mô lớn ở các địa phương và tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra thành thị hoặc các khu công nghiệp; giảm tỷ lệ sinh trong những năm gần đây… Vì vậy, để phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới, các địa phương cần có biện pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, hoặc bố trí, sử dụng không đúng cơ cấu giáo viên và không phù hợp với chuyên ngành đào tạo. 

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiến hành quy hoạch tổng thể lại hệ thống trường sư phạm kèm theo các tiêu chuẩn bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo; có cơ chế tuyển sinh riêng đối với các trường sư phạm, bảo đảm chọn được những người giỏi, có năng lực và tâm huyết. Việc đào tạo giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông trong các trường sư phạm cần được thực hiện gắn với thực hành, thực nghiệm tại các cơ sở giáo dục; cần có quy định về cơ chế tôn vinh đặc thù đối với nhà giáo (các danh hiệu, biểu tượng về cống hiến nghề nghiệp, các chương trình tri ân, cơ chế tôn vinh đột xuất...; tạo cơ chế để huy động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia ủng hộ, khen thưởng, động viên nhà giáo, tạo động lực cho nhà giáo cống hiến. Các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục; điều chỉnh các quy định hiện hành về phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục để bảo đảm tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Giang Sơn, Thành Nam/Nhân dân

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất