Thứ Ba, 24/9/2024
Môi trường
Thứ Năm, 3/11/2011 21:21'(GMT+7)

Đối phó với biến đổi khí hậu: Phải nỗ lực ngay từ bây giờ

TP Hồ Chí Minh phải hứng chịu những đợt triều cường cao nhất trong lịch sử.

TP Hồ Chí Minh phải hứng chịu những đợt triều cường cao nhất trong lịch sử.

Mấy ngày nay, người dân các tỉnh ven biển Nam bộ nhất là TP Hồ Chí Minh phải hứng chịu những đợt triều cường cao nhất trong lịch sử. Hiện tượng này được liên hệ với biến đổi khí hậu làm câu chuyện vĩ mô kéo dài cả thế kỷ bỗng nhiên trở nên nóng sực.

Đỉnh triều cường thực đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn có thời điểm đã lên mức 1,57m (cao hơn dự báo 8cm) và là đỉnh triều lớn nhất trong lịch sử. Nhiều đoạn đê bao, nơi bị tràn, nơi bị bể, làm ngập úng kéo dài gây biết bao khó khăn cho cuộc sống của người dân. Hiện tượng bất thường này được liên hệ với biến đổi khí hậu. Thế là câu chuyện tưởng như vĩ mô, chuyện của các nhà khoa học, của các nhà hoạch định chính sách bỗng chốc được mọi tầng lớp xã hội quan tâm mổ xẻ.

Biến đổi khí hậu kéo theo mực nước biển dâng, câu chuyện âm thầm diễn ra cả thế kỷ, nay hiện hữu không thể không đối mặt. Thuỷ triều tràn đê bao, phá vỡ nhiều đoạn xung yếu làm ngập lụt hàng trăm điểm dân cư và gây ra 28 điểm ngập lụt trên toàn tuyến giao thông thành phố. Thuỷ triều dâng cao theo đường cống ngầm phun lên từ cống vệ sinh làm người dân Sài Gòn đang đêm phải khuân tủ lạnh, TV lên gác, kê kích giường chiếu hòng kiếm chỗ qua đêm.

Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều địa phương khác ở Nam Bộ cũng bị ảnh hưởng. Triều cường đẩy nước lũ trên sông tràn vào các đô thị như Cần Thơ, Long Xuyên, rồi các vùng nông thôn ở Vĩnh Long, Long An gây biết bao khó khăn cho cuộc sống người dân. Nhưng đây mới chỉ là bắt đầu. Từ nay đến cuối năm được dự báo là sẽ còn ít nhất từ 4- 5 đợt triều cường nữa và vì thế cuộc sống sẽ còn bị đảo lộn.

Theo các nhà khoa học, từ năm 2004 đến nay, đỉnh triều cao nhất liên tục tăng. Năm 2006 tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn, mực nước lịch sử là 1,47m; năm 2007 đỉnh triều lại cao hơn, 1,49m; năm 2008 là 1,55m; năm 2009 là 1,56m; và năm nay đã đạt 1,58m. Đây là bằng chứng rõ ràng nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu kéo theo mực nước biển dâng.

Cứ theo cách tiếp cận ấy thì cái sự ngập úng ở các tỉnh vẹn biển Nam bộ trong đó có TP HCM là bất khả kháng, là không thể khác được? Không hẳn vậy. Biến đổi khí hậu kéo theo mực nước biển dâng là một quá trình và chúng ta đủ thời gian, đủ năng lực để đối phó với hiện tượng ấy. Vấn đề là chính sự phát triển nóng vội, thiếu quy hoạch đã đẩy hiệu ứng ngập lụt trở nên trầm trọng thêm.

Sài Gòn trước đây chằng chịt kênh rạch, đầm lầy. Triều cường hay nước lũ đều nhanh chóng rút qua hệ thống dòng chảy tự nhiên ấy. Nhưng vài thập kỷ nay, hàng triệu mét khối đất được đổ xuống lấp đầy những ô trũng vốn có chức năng điều hoà nước tự nhiên ấy để xây khu đô thị mới. Triều cường hay nước lũ chẳng còn chỗ để thoát gây cảnh ngập lụt cục bộ kéo dài. Rồi tình trạng khai thác nước ngầm, những toà nhà trọc trời xây trên nền đất yếu gây ra hiện tượng lún sụt trên diện rộng… Những bất cẩn ấy đang làm trầm trọng thêm tình trạng ngập úng gây ra bởi triều cường và mưa lũ.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, giải pháp căn cơ lâu dài giải quyết tình trạng triều cường đang trông chờ vào việc xây dựng hệ thống đê bao khép kín và 13 cống lớn với hệ thống hàng trăm ván ngăn triều. Theo tiến độ đến năm 2015 các công trình này mới hoàn thiện và sẽ cơ bản khắc phục được tình trạng triều cường tràn vào thành phố. Như vậy cũng còn tới 4 năm nữa người dân TP HCM mới thoát khỏi cảnh ngập lụt bởi triều cường.

Trở lại với câu chuyện biến đổi khí hậu kéo theo mực nước biển dâng. Câu chuyện của thế kỷ, câu chuyện tầm vĩ mô của các nhà hoạch định chính sách, giờ đây đã được sự quan tâm của nhiều người. Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

Một kịch bản cụ thể: Mực nước biển có thể dâng lên 33-45cm vào năm 2050 và sẽ tiếp tục dâng thêm. Khi mực nước biển dâng thêm 1m, vào năm 2100, 14 triệu dân ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng; 1.700km2 vùng ven biển bị chìm và 40.000km² vùng đồng bằng châu thổ này sẽ thường xuyên bị ngập lụt. TP HCM với hệ thống đê bao được gia cố có thể chống chọi được với nước biển dâng.

Nhưng các địa phương khác thì sao? Làm thế nào có thể xây cả một hệ thống đê bao cho cả một vùng duyên hải rộng lớn? Biến đổi khí hậu là một quá trình, chúng ta có đủ thời gian và năng lực để giải quyết điều đó. Vấn đề là chúng ta có coi đó là vấn đề ưu tiên hay không? TP HCM, triều cường là vấn đề bức xúc, nhưng cũng mất một thời gian khá dài mới có thể giải quyết. Với những địa phương khác, chúng ta chỉ có đủ thời gian và năng lực giải quyết nếu nỗ lực và phải nỗ lực ngay từ bây giờ./.

(Đặng Quang Thương/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất