Ngày 21/10/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị giao ban công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức chủ trì hội nghị, với sự tham dự của lãnh đạo các Vụ kế hoạch, Thanh tra Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
*Nhiều vướng mắc…
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ TN&MT, Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang đã lập dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn được Tổng cục Quản lý đất đai, UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư trên 181 tỉ đồng, trong đó dự kiến Trung ương sẽ hỗ trợ 125,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên đến nay còn 4/15 huyện chưa có bản đồ địa chính và không có bản đồ địa chính cơ sở. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang Thái Thành Lượm cho biết: “Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Kiên Giang mới chỉ trích 4,9 tỉ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất, nên không đủ kinh phí lập bản đồ địa chính cho các huyện, thị, thành phố. Để thực hiện tốt công tác này, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Kiên Giang theo định mức 50% để đầu tư hoàn thiện dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn”.
Theo ông Nguyễn Trung Ngay, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, việc cấp GCNQSDĐ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh mới đạt trên 90% là do kinh phí hàng năm phục vụ cho việc lập bản đồ địa chính chỉ đủ để đo đạc được từ 2 đến 4 xã. Do đó, việc cấp GCNQSDĐ cho tổ chức, cá nhân không đạt được chỉ tiêu mà Nghị quyết số 07/2007/QH12, ngày 12/11/2007 của Quốc hội đề ra. Bên cạnh đó, việc thẩm định quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 còn chậm so với quy định, nên việc phân khai đất lúa cho các huyện, thị và nhiều dự án cần triển khai trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm thẩm định, phân bổ quỹ đất lúa cho tỉnh Đồng Tháp tạo cơ sở phục vụ cho công tác quy hoạch các cấp hành chính huyện, xã.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Huyền, Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, Nghị định 69 của Chính phủ quy định tổ chức phát triển quỹ đất có chức năng đấu giá đất, nhưng tại Nghị định 117 của Chính phủ lại giao chức năng này cho đơn vị đấu giá chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Quyết định 216 của Chính phủ quy định tiền sử dụng đất thu được từ các dự án khai thác quỹ đất được mở tài khoản riêng tại kho bạc để đầu tư lại cho các dự án khai thác quỹ đất, nhưng lại trái với Luật Ngân sách. Cách tính giá đất ở trung bình, chỗ ở còn chung chung không rõ ràng khó thực hiện…
Ngoài ra, nhiều đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét miễn giảm tiền đăng ký quyền sử dụng đất cho hộ nghèo, hộ chính sách; phải có chế tài đối với những cá nhân, tổ chức cố tình không làm các thủ tục đổi GCNQSDĐ; đã có quy hoạch xã nông thôn mới thì không cần lập quy hoạch sử dụng đất đối với các xã này; việc định giá đất hàng năm nên giao cho một cơ quan thực hiện; cải tiến quy trình, thủ tục cấp đổi giấy theo hướng gọn nhẹ…
*Vi phạm nhiều - thu hồi ít…
Thực hiện theo Chỉ thị 134 ngày 20/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất của các tổ chức. Qua kiểm tra, đã phát hiện 1.074 tổ chức ở 9/13 tỉnh, thành phố (TP.Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu chưa báo cáo) trong khu vực ĐBSCL vi phạm về đất đai, với tổng diện tích 799.609,452ha. Trong đó, có 195 tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, cho mượn đất, thuê đất trái pháp luật; 223 tổ chức vi phạm trong việc để đất không được sử dụng trong 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ được ghi trong dự án đầu tư - kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất cho phép; 144 tổ chức đang có tranh chấp đất đai…
Trong số 9/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL báo cáo kết quả kiểm tra quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, thì tỉnh An Giang và Sóc Trăng có số tổ chức vi phạm pháp luật về đất đai cao nhất - trên dưới 650 tổ chức vi phạm.
Trong khi đó, theo ông Lê Quốc Trung - Chánh Thanh Tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xử lý thu hồi đất mà các tổ chức vi phạm đến thời điểm này còn rất thấp (mới chỉ được 62,167 ha). Để thu hồi được số diện tích đất mà các tổ chức vi phạm, ông Trung đề nghị các tỉnh, thành phố tham mưu, đề xuất hướng giải quyết để Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét chỉ đạo.
*Sẽ điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới…
Cùng với việc ghi nhận ý kiến của các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đối với những hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường - đặc biệt là lĩnh vực đất đai, kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức cho rằng, thời gian qua trong điều kiện kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhiều giao dịch mới phát sinh, phức tạp, việc điều chỉnh bằng các văn bản quy phạm pháp luật chưa đạt kết quả đạt như mong muốn.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh: “Thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiến nghị sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tế. Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị các Bộ ngành liên quan xem xét bổ sung cán bộ phụ trách lĩnh vực tài nguyên và môi trường cho các xã, phường, thị trấn. Các tỉnh, thành phố cần có văn bản gửi Chính phủ, các Bộ ngành liên quan xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng bản đồ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai…”./.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường