Vệ tinh mới này có trị giá 1,5 tỷ USD sẽ giúp phục vụ công tác dự báo thời tiết và theo dõi việc biến đổi khí hậu dài hạn.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ của Mỹ (NASA) đã phóng 1 vệ tinh nghiên cứu về thời tiết vào quĩ đạo. Vệ tinh do Mỹ chế tạo được coi là Hệ thống Vệ tinh Hoạt động về môi trường do tên lửa Delta II đẩy lên ở độ cao 800 km so với bề mặt của trái đất.
NASA cho biết, vệ tinh nghiên cứu môi trường có trọng lượng 2 tấn, kích thước bằng một chiếc xe buýt, chở theo 5 loại thiết bị sẽ có nhiệm vụ thu thập các thông tin về thời tiết, cung cấp cho các cơ quan dự báo thời tiết cấp quốc gia trên toàn cầu. Vệ tinh này cũng theo dõi các thông số liên quan đến môi trường như độ che phủ của băng tuyết và tầng ô zôn, và cung cấp cho các nhà khoa học nhiều thông tin bổ ích về ảnh hưởng của biến đổi khi hậu dài hạn.
Vệ tinh môi trường sẽ đi vào quĩ đạo, đi qua cả cực bắc và cực nam do đó nó có thể theo dõi tất cả các phần của trái đất. Vệ tinh sẽ quay vòng quanh trái đất hàng chục vòng 1 ngày trong suốt 5 năm tới.
Theo kế hoạch ban đầu, vệ tinh phục vụ công tác nghiên cứu môi trường dự kiến được phóng năm 2006 nhưng bị trì hoãn do các nhà khoa học gặp trục trặc trong quá tình chế tạo những thiết bị nghiên cứu mới./.
Minh Hiển (từ Washington)/VOV