Thứ Bảy, 12/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 9/2/2010 16:56'(GMT+7)

Ðổi thay ở vùng đồng bào Chăm

Khách tham quan điểm trưng bày sản phẩm gốm mỹ nghệ Bàu Trúc của đồng bào Chăm.

Khách tham quan điểm trưng bày sản phẩm gốm mỹ nghệ Bàu Trúc của đồng bào Chăm.

Giờ đây, có dịp đi trên các tuyến đường nhựa liên xã chạy vòng qua những cánh đồng lúa, trang trại chăn nuôi ngút tầm mắt ở các làng Chăm của tỉnh Ninh Thuận, mới cảm nhận được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước trong nhiều năm qua đã thật sự thổi luồng sinh khí mới cho đời sống của đồng bào Chăm vươn lên từng ngày. Dễ nhận thấy nhất là sự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hàng loạt công trình thủy lợi như hồ chứa nước Tân Giang, Sông Biêu, Bầu Zôn, Lanh Ra, Tà Ranh... đã và đang được xây dựng, tích trữ vài trăm triệu mét khối nước tưới dồi dào cho bà con yên tâm sản xuất, chăn nuôi, mang lại thu nhập cao. Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước Nguyễn Thị Luyện cho biết: "Từ các chương trình đầu tư của Nhà nước đã đưa đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm ngày càng phát triển. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo định hướng cho nhân dân đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Nhà nước quan tâm chăm lo đầu tư nhiều tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, chợ đầu mối, giáo dục, y tế, văn hóa, phục hồi làng nghề. Huyện tiếp nhận nguồn vốn Chính phủ hàng chục tỷ đồng đầu tư hỗ trợ cải thiện nhà ở cho gần 1.000 hộ Chăm nghèo; xây dựng hệ thống nước sinh hoạt phân tán, công trình nước sinh hoạt tập trung ở nhiều thôn".

Các hộ nông dân Ngư Trào, Ðàng Ngỗ (xã Phước Hữu), Ðàng Hăm (xã Phước Hậu), Quảng Tài (xã Phước Thái) là những hộ nông dân tiêu biểu trong phong trào thi đua làm kinh tế giỏi. Các làng nghề Bàu Trúc, Mỹ Nghiệp được Nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng và các chương trình cho vay vốn tín dụng ưu đãi của hệ thống ngân hàng, giúp bà con khôi phục và đẩy mạnh sản xuất. Các nghệ nhân Phú Thị Mỡ, Thuận Thị Trào, Ðàng Xem đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm gốm thủ công mỹ nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập với thị trường trong và ngoài nước. Năm 2009, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương) hỗ trợ anh Phạm Quang Phú Ðoan, Giám đốc Công ty TNHH gốm Chăm Pa, hơn 100 triệu đồng xây lò nung theo công nghệ mới, nên sản phẩm gốm ra lò đẹp, bền và bắt đầu khẳng định được vị thế của mình trên thị trường. Anh Ðoan cho biết: "Từ khi được hỗ trợ xây lò nung, khách đặt hàng ngày càng nhiều hơn. Sản phẩm gốm mỹ nghệ của công ty đã có "chỗ đứng" ở nhiều thành phố lớn trên cả nước, mỗi tháng xuất ra thị trường gần 1.000 sản phẩm". Với hiệu quả trên, trong năm 2010, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ cơ sở gốm Kinh Dinh của bà Ðàng Thị Huýt và cơ sở gốm của ông Ðàn Xem xây lò nung.

Cùng với làng gốm Bàu Trúc, tháng 10-2009 làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước cũng được đầu tư hơn 11 tỷ đồng để xây dựng đường và nhà giới thiệu sản phẩm... Chúng tôi về Mỹ Nghiệp trong những ngày đầu năm 2010, chứng kiến không khí nhộn nhịp của 11 cơ sở dệt thổ cẩm trong làng hoạt động liên tục, mới kịp cung cấp sản phẩm cho khách hàng ký hợp đồng mua bán cuối năm. Anh Quảng Ðại Tuấn, Trưởng BQL khu phố Mỹ Nghiệp phấn khởi khoe: Những năm qua, ở huyện Ninh Phước có 2.948 hội viên phụ nữ dân tộc Chăm nghèo sinh sống trên địa bàn tám xã, thị trấn được vay 27 tỷ đồng vốn tín dụng chăn nuôi gia súc với các mô hình "Vỗ béo bò"; "Nuôi heo hướng nạc"... đã phát huy hiệu quả chăn nuôi đáng kể, không ngừng nâng cao mức sống của gia đình. Ðội ngũ cán bộ y tế, giáo viên là con em đồng bào Chăm được đào tạo ngày càng đông đảo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương. Học sinh tiểu học ở tất cả các làng Chăm đều được học chữ Chăm theo chương trình chính khóa. Hàng trăm mô hình "Tộc họ khuyến học", "Gia đình hiếu học tiêu biểu", "Tài năng trẻ"... không ngừng phát huy, đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực mới cho địa phương. Già làng Phú Sạng, 79 tuổi, ở thôn Hậu Sanh bày tỏ niềm vui: "Tui sống qua ba chế độ, từ thời Pháp thuộc tới thời Mỹ xâm lược miền nam và bây giờ là chế độ cách mạng. Tui thấy chỉ có chế độ cách mạng của Cụ Hồ là tốt đẹp nhất, chăm lo cho đồng bào dân tộc Chăm chu toàn nhất. Nhìn thấy đời sống của làng Hậu Sanh ngày càng đổi mới, con cháu học hành ngày càng tiến bộ trở thành bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, bụng dạ tui mừng lắm!".

Sự đổi thay của nhiều làng Chăm ở tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua đã khẳng định sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước về chính sách dân tộc. Ðồng bào Chăm luôn tin tưởng các chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước sẽ tiếp tục mang lại đời sống ấm no cho cộng đồng. Từ niềm tin đó, đồng bào Chăm luôn sát cánh cùng với các dân tộc anh em trong tỉnh, phát huy khối đại đoàn kết, một lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

(Theo: Nguyễn Trung/ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất