Cho đến lúc này, cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cùng năm nước trong Hội đồng Bảo an + Đức vẫn cứ còn “cù cưa”, cộng đồng quốc tế càng hối thúc, Iran lại tìm cách “câu giờ”.
Tuyên bố mới đây của ông El Baradei, người đứng đầu IAEA, đã nêu rõ: đối thoại là con đường duy nhất để giải quyết vấn đề. Ông Hồ Cẩm Đào cũng nói với ông Obama tại Bắc Kinh rằng vấn đề Iran cần phải được giải quyết bằng “đối thoại và thương lượng”.
Trước hết là cần phải hiểu thái độ của Iran. Không thể không thấy rằng những người lãnh đạo Tehran cảm thấy Iran một lần nữa lại trở thành nạn nhân của một sự bất công quốc tế lớn do Mỹ đứng đầu áp đặt, tương tự như trong cuộc chiến tranh tám năm với Iraq năm 1980, nhằm ngăn không cho họ làm điều mà họ có quyền làm.
Chính những nhà lãnh đạo bị tổn thương này nay đang bị buộc phải tỏ ra biết điều để đạt được một thỏa thuận với cái được gọi là “cộng đồng quốc tế” mà chủ yếu là Mỹ.
“Cộng đồng quốc tế” này thật ra là hai thực thể. Một là IAEA có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân của LHQ (mà Iran cũng đã ký kết). Hai là, năm thành viên Hội đồng Bảo an (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) + Đức. Nhưng sáu nước này lại không là một khối thống nhất. Bốn nước (Mỹ, Anh, Pháp, Đức) tin rằng Iran đang tăng cường làm giàu uranium, từ chối sự kiểm soát thật sự của IAEA và đang muốn “chế tạo bom hạt nhân”.
Được Israel hỗ trợ với kế hoạch ném bom các cơ sở hạt nhân của Iran, các nước này quyết ngăn chặn không cho Iran tiếp cận hạt nhân quân sự, buộc nước này phải chịu sự kiểm soát tuyệt đối của IAEA, áp đặt các biện pháp trừng phạt ngày càng nặng nề hơn và không loại trừ một cuộc tấn công quân sự.
Trong khi đó, Trung Quốc và Nga lại cho rằng vào lúc này họ không thấy có lý do gì để nghi ngờ những đảm bảo của Iran là không muốn chế tạo bom hạt nhân mà chỉ tìm cách làm chủ hạt nhân để giải quyết nhu cầu năng lượng của mình không lệ thuộc vào nước khác. Hai nước này chống lại việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran và cảnh báo Mỹ, Pháp và Israel về một cuộc phiêu lưu quân sự.
Vấn đề chủ yếu là cần xem Iran có thật sự muốn “có bom hạt nhân “bằng mọi giá như nhiều nước nghi ngờ hay không. Nếu đúng như vậy thì thật ra Iran cũng chỉ làm giống như Israel và Pakistan đã từng làm khi coi “vũ khí tối thượng” này là cần thiết cho sự tồn tại của mình.
Báo La Revue Du Monde (Pháp) cho rằng nếu đúng là thế thì đó quả là “một sai lầm”! Bởi cho dù Iran có đi đến cùng được như Pakistan và CHDCND Triều Tiên đi nữa thì “cái giá phải trả là quá đắt”: bị cấm vận kinh tế lâu dài, phát triển bị ngăn chặn, bị cô lập về chính trị, các nhà nghiên cứu có nguy cơ bị ám sát, thậm chí các cơ sở bị đánh bom.
Các nhà lãnh đạo tại Tehran hẳn không thể không cân nhắc bài toán lợi - hại này để có quyết định đúng như họ từng chứng tỏ vào năm 2003 khi ngừng chương trình vũ khí hạt nhân của mình (như báo cáo “Đánh giá của tình báo quốc gia Mỹ” tiết lộ năm 2007). Cách tốt nhất là Iran trở thành một cường quốc hạt nhân “ảo” như Đức, Nhật, Hàn Quốc, Brazil, Nam Phi chẳng hạn.
Các nước này tuy có đủ năng lực kinh tế và kỹ thuật để chế tạo vũ khí hạt nhân nhưng đã sáng suốt không làm thế. Nếu theo con đường này, Iran có thể tập trung cho phát triển kinh tế chứ không như Pakistan, một gã khổng lồ về hạt nhân, nhưng lại là một người lùn về kinh tế đúng theo nghĩa là “ba không” (không công nghiệp, không cơ sở hạ tầng hiện đại, không hệ thống giáo dục và y tế).
Nhưng để Iran đi theo con đường này, lại cũng phải nói đến một sự thay đổi thái độ và chính sách của Mỹ đối với Iran. Mỹ không thể cứ tiếp tục coi Iran là một mối đe dọa. Chính sách ngăn chặn + trừng phạt của Mỹ lâu nay đối với Iran khó có cơ may thành công, thậm chí còn có hại. Bởi Iran cũng đối phó lại bằng kế hoạch chống ngăn chặn.
Viết trên tạp chí Foreign Affairs tháng 7&8-2009, Mohsen M. Milani, giáo sư chính trị học Trường đại học Nam Florida, cho rằng Mỹ nên có một “chiến lược đối tác toàn cầu” dựa trên những trao đổi kinh tế, giáo dục và văn hóa giữa hai nước. Vấn đề không phải là hai nước cứ mãi lo tính sổ quá khứ với nhau mà là cùng nhau xây dựng một tương lai tốt hơn.
Có như thế, đối thoại mới là “hai bên cùng thắng”./.
(Theo Tuổi trẻ online)