Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngày 11/12 tuyên bố đã nhất trí với Mỹ tiếp tục hợp tác để giải quyết bế tắc trong vấn đề hạt nhân, hai bên đã đạt được "nhận thức chung" về sự cần thiết phải nối lại tiến trình đàm phán sáu bên.
Tuyên bố trên được đưa ra sau chuyến thăm của Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên, ông Stephen Bosworth, đến Bình Nhưỡng từ ngày 8-11/12 trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Chuyến thăm này đánh dấu các cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama với Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhận định: "Xét trên góc độ một cuộc gặp gỡ sơ bộ, chuyến thăm của ông Bosworth lần này rất tích cực."
Bà Clinton cũng cho biết Washington thực hiện đường lối "kiên nhẫn mang tính chiến lược" trong nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các đối tác đàm phán sáu bên.
Nga đã hoan nghênh động thái tích cực của Triều Tiên.
Hãng thông tấn Interfax ngày 11/12 dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho rằng tuyên bố trên của Bình Nhưỡng là một bước đi đúng hướng, Nga ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên, và Mátxcơva "sẵn sàng hỗ trợ các cuộc đàm phán này bằng bất cứ cách nào có thể".
Trong tuyên bố ngày 10/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cũng khẳng định Trung Quốc ủng hộ Mỹ và Triều Tiên can dự và đối thoại, Bắc Kinh sẵn sàng duy trì tiếp xúc với tất cả các bên để nối lại tiến trình đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, báo chí Hàn Quốc cho rằng Mỹ và Triều Tiên đang tìm hiểu những ý định thực sự của nhau thông qua đối thoại và hai bên chuẩn bị có một cuộc gặp thứ hai vào đầu năm tới.
Sau khi rời Bình Nhưỡng và đến Seoul ngày 10/12, ông Bosworth nhấn mạnh chuyến thăm lần này của ông chỉ mang tính chất thăm dò và chỉ giới hạn trong vấn đề hạt nhân.
Giới phân tích nhận xét mặc dù Triều Tiên không đưa ra cam kết chắc chắn trở lại bàn đàm phán, song phản ứng của Bình Nhưỡng trong chuyến thăm này của ông Bosworth mở ra hy vọng khôi phục tiến trình phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng còn quá sớm để nhận định chuyến thăm của ông Bosworth lần này thành công, trong bối cảnh Bình Nhưỡng giữ quan điểm không trở lại đàm phán hạt nhân đa phương nếu không có sự bảo đảm chấm dứt quan hệ thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên.
Tối 11/12, ông Bosworth đã đến Bắc Kinh, dự kiến hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và trưởng đoàn đàm phán sáu bên của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ, trước khi đến Tokyo ngày 12/12 và Mátxcơva ngày 13/12.
Trong diễn biến liên quan, đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề nhân quyền Triều Tiên, Robert King, cho biết Mỹ sẽ xem xét nối lại viện trợ lương thực cho Triều Tiên nếu nước này cho phép giám sát việc phân phát lương thực.
Việc viện trợ lương thực của các tổ chức quốc tế cho Triều Tiên bị đình chỉ từ đầu năm nay sau khi Bình Nhưỡng trục xuất các thanh sát viên quốc tế trong bối cảnh căng thẳng gia tăng khi nước này tiến hành thử hạt nhân.
Theo cam kết trước đó, từ tháng 5/2008 đến tháng 3/2009, Mỹ đã cung cấp cho Triều Tiên 169.000 tấn lương thực trong tổng số 500.000 tấn mà Wasshington cam kết hỗ trợ Bình Nhưỡng./.
TG- TTXVN