Thứ Hai, 7/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 17/2/2009 11:43'(GMT+7)

Đối thoại trực tiếp “Chính phủ với sinh viên”: Hai vấn đề “nóng” lớp trẻ quan tâm

Sinh viên hào hứng đối thoại với Chính phủ (Ảnh: VNN)

Sinh viên hào hứng đối thoại với Chính phủ (Ảnh: VNN)

Mọi vấn đề sẽ được Chính phủ nghiêm túc xem xét

Ngay từ đầu cuộc đối thoại, thay mặt lãnh đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: "Chúng tôi nhìn nhận các bạn SV như những người chủ tương lai của đất nước. Vì thế, hãy thẳng thắn trao đổi và hỏi cho trúng. Chúng ta cũng không giới hạn câu hỏi...".

Đại biểu Dương Xuân Trà My, Phó Chủ tịch Hội SV Trường CĐSP bày tỏ, sau khi tốt nghiệp nhiều SV chưa có việc làm hoặc tìm được việc làm thì không phù hợp với chuyên môn dù các bạn tốt nghiệp loại khá, giỏi, thậm chí có người đi du học ở nước ngoài về. Trăn trở với tương lai của chính mình và đội ngũ trí thức trẻ, Trà My mong muốn Chính phủ có những chính sách giải quyết việc làm cũng như phát huy năng lực, sở trường chuyên môn của trí thức trẻ. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Chúng ta phải quan tâm đến việc làm ngay từ năm thứ nhất và trách nhiệm đó thuộc về nhiều phía. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết là người học phải quan tâm xem ngành học mình chọn có đúng nhu cầu xã hội cần hay không. Theo Phó Thủ tướng thì dù chưa có cuộc điều tra nhưng ước chừng có tới vài chục phần trăm trong tổng số SV hiện chưa quan tâm đến việc thực sự xã hội đang cần cái gì để chọn nghề theo học. Xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng khẳng định, công tác dự báo cơ cấu ngành, nghề vừa qua Nhà nước chưa làm tốt. Nhận thức được điều đó nên từ hai năm nay, Chính phủ nói chung, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành chuyển từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu, giải pháp đầu tiên là thành lập Trung tâm nghiên cứu dự báo nhu cầu nhân lực. Hướng đi mới, theo Phó Thủ tướng, hai năm nay các nhà trường đã bắt đầu tăng cường gắn kết với các DN sử dụng người lao động, từ đó người sử dụng lao động sẽ tham gia vào thiết kế chương trình đào tạo. Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ, ngành khác cũng đã tổ chức 11 hội thảo quốc gia để đào tạo nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp (DN) và thông qua đó có 600 hợp đồng đào tạo được ký kết giữa nhà trường và các DN.

Phó Thủ tướng đồng ý với vấn đề bạn Trà My nêu ra về việc nhiều SV chưa có việc làm là đúng. Nhưng viện dẫn số liệu thực tế điều tra năm 2005 của ngành thống kê cả nước, Phó Thủ tướng cho biết trong 2,52 triệu người lao động có trình độ ĐH, CĐ cả nước thì có 2,415 triệu lao động có việc làm, chiếm 95,8%. Như vậy nhìn chung từ sau thời gian từ năm 2000, đại đa số sinh viên ĐH, CĐ ra trường là có việc làm. Vấn đề là tỷ lệ làm việc sát nhu cầu đào tạo tới đâu thì thực tế chưa có thống kê.

Đại biểu Đỗ Thanh Tùng (ĐH Y Hải Phòng) cho rằng, việc thành lập Quỹ "Ứng dụng và đào tạo" đã giúp đỡ được nhiều SV nghèo. Tuy nhiên hiện nay do lạm phát nên mức 800.000 VND/tháng thực tế là không đủ. Chính phủ có giải pháp gì cho vấn đề này? Tùng cũng bày tỏ băn khoăn khi bản thân muốn vay vốn từ quỹ để mua máy vi tính phục vụ việc học tin học và ngoại ngữ. Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam Nguyễn Văn Lý khẳng định: Mức vay 800.000 VND/tháng đã thực hiện được trong vài học kỳ, nhiều bộ, ngành tham gia nghiên cứu, thấy rằng mức vay này là chấp nhận được. Nguyện vọng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của SV Tùng cần mua máy vi tính là hoàn toàn khả thi. Trên thực tế, ngân hàng đã tiến hành cho SV vay vốn mua máy tính từ 3 kỳ qua. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bổ sung, kể từ năm 2007 đến nay đã có 928 tỷ đồng được cho vay, trong đó có 883.000 SV vay, chiếm 53% số SV trong cả nước. Hiếm có quốc gia nào cho hơn một nửa số SV vay vốn như nước ta. Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn cho biết, Bộ GD&ĐT đã có chương trình kết hợp với Intel và một số công ty khác, nếu tiết kiệm, các bạn SV cũng có thể mua máy tính.

Đại biểu Lê Hoàng Minh, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: Có một thực trạng là hiện nay, SV hầu hết các trường trên cả nước đều yếu về thực hành vì thực tế chủ yếu chỉ được "học chay". Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để khắc phục tình trạng này, các trường đào tạo cần công bố kỹ năng chuẩn đầu ra cho từng ngành học và tiếp theo đó là chương trình đào tạo đi kèm. Chúng ta chưa làm rõ điều này nên công tác thực hành của một số trường còn hạn chế. Phó Thủ tướng cho biết, hiện ĐHSP Thủ Đức TP Hồ Chí Minh là trường đầu tiên trong cả nước công bố chuẩn đầu ra, khi đó nhà trường sẽ lo thực hành.

Đề cập tới đòi hỏi về kinh nghiệm làm việc khi tuyển dụng SV vào làm việc của các DN, SV Nguyễn Thị Thanh Hằng, Hội SV TP Hồ Chí Minh cho rằng, điều này đã gây khó khăn cho SV, vì ngoài kiến thức, các DN thường đòi hỏi SV phải có 1 - 2 năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, một đại biểu SV khác tại buổi đối thoại đã giải đáp: Trước khi bạn muốn nhà tuyển dụng tin tưởng tuyệt đối vào bạn thì bạn phải đủ tự tin để khẳng định mình. Vui mừng trước sự năng động của chính các bạn SV, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bổ sung: Trên thực tế đã có rất nhiều bạn SV vừa đi học vừa đi làm và đó chính là nghệ thuật trong việc bố trí thời gian.

Nhân tài sẽ có chính sách đãi ngộ phù hợp

Trăn trở với sự chưa hợp lý trong đầu tư cho SV nghiên cứu khoa học (NCKH), đại biểu Nguyễn Ngọc Quang, ĐHBK Hà Nội bày tỏ: Thực tế trong những năm qua, SV Việt Nam đã rất nỗ lực học tập, NCKH nhưng chi phí NCKH dành cho SV hiện rất hạn chế. Rất ít trường dành kinh phí hỗ trợ cho sinh viên NCKH mà có hỗ trợ thì cũng chỉ ở mức 1 - 3 triệu đồng. Chính phủ có biện pháp gì hỗ trợ sinh viên NCKH? Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến cho biết, gần đây số lượng kinh phí đầu tư cho khoa học đã tăng và từ năm 2000 Chính phủ đã trích 2% trong tổng số ngân sách dành cho NCKH. Tuy nhiên, chi phí này thực tế còn hạn chế. Trong nỗ lực chung, Bộ KH&CN hiện nay đã thành lập Quỹ "Phát triển KHCN" và đi vào hoạt động từ năm 2008. Quỹ này cũng có một phần kinh phí dành cho các nhà khoa học trẻ.

Việc cần thiết phải thành lập Quỹ hỗ trợ sinh viên NCKH tiếp tục là vấn đề nóng được đại biểu Danh Minh Chánh, Học viện Biên phòng chia sẻ: Nếu chúng ta thành lập được quỹ này chắc chắn sẽ thu hút và phát huy được nhiều SV giỏi hơn. Và số vốn ban đầu của Quỹ theo đại biểu Trần Hải Ninh, Chủ tịch Hội SV Việt Nam tại Hàn Quốc thì có thể bắt đầu từ 50-100 triệu đồng cho các dự án mang tính điển hình và khả thi, từ đó có thể đề nghị tới hàng trăm tỷ cho các dự án cao hơn. Lắng nghe và đồng cảm với tâm huyết của giới trẻ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Một trường ĐH không có nghiên cứu không phải là trường ĐH, một quốc gia không có nghiên cứu, khám phá tri thức mới thì quốc gia đó không có tương lai. Trong thế giới ngày nay, ai sáng tạo ra và ứng dụng tri thức mới nhanh hơn thì có lợi thế cạnh tranh hơn. Ông động viên giới trẻ, chúng ta thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp nhưng vẫn có thể chọn lọc ra những SV ưu tú nhất tham gia quá trình NCKH. Hiện nay, Bộ đã tổ chức cơ chế nghiên cứu sinh NCKH phải có tri thức mới, như vậy có nghĩa là 1.000 người làm nghiên cứu trong nước sẽ là 1.000 đề tài nghiên cứu khoa học. Phó Thủ tướng đề xuất, các trường cần tạo điều kiện để SV các cấp cũng có thể tham gia thể hiện năng lực. Quan tâm sâu sắc tới tâm nguyện của giới trẻ, Phó Thủ tướng khẳng định, sắp tới Chính phủ sẽ họp bàn để có một cơ chế phù hợp tạo điều kiện cho SV tiếp cận với NCKH mạnh mẽ hơn và đề nghị ngay sau chương trình Đại hội nếu TƯ Đoàn, Hội SV có một hội nghị bàn về việc hình thành cơ chế tài chính cho Quỹ hỗ trợ NCKH của SV các cấp, Phó Thủ tướng sẵn sàng chủ trì.

Nhắn nhủ với thế hệ SV hôm nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Hội nhập là có cạnh tranh, cạnh tranh là không có nhân nhượng. Một đất nước có thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD như Việt Nam cạnh tranh với một nước có thu nhập 40.000 USD/người thì có bình đẳng không? Chắc chắn là không. Nhưng vừa rồi người ta xếp hạng Việt Nam là dân tộc lạc quan nhất thế giới. Lạc quan chính là sức mạnh. Chúng tôi mong muốn, các bạn SV luôn ý thức được trách nhiệm của mình với dân tộc. Các bạn trẻ nhưng sẽ là người nắm vận mệnh dân tộc. Chúng tôi luôn mong các bạn sẽ làm tốt và hay hơn thế hệ chúng tôi. Mong các bạn luôn thấy được niềm tin mà lớp đi trước gửi lại cho các bạn.

Theo HàNộiMới

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất