Thứ Tư, 25/9/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 2/12/2012 22:40'(GMT+7)

Ðối thoại và không nhân nhượng

1. Dải đất Ga-da (Gaza) chật hẹp đã dịu tiếng bom và rốc-két nhờ nỗ lực kiến tạo đối thoại giữa hai bên của nước trung gian Ai Cập, những nỗ lực ngoại giao con thoi không mệt mỏi của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn (H.Clinton). Trên đà thành công đó, các nhà đàm phán Ai Cập, trong ngày 26-11, bắt đầu xúc tiến những cuộc gặp riêng rẽ với cả phía I-xra-en (Israel) và phía lực lượng Ha-mát (Hamas), nhằm bổ sung thêm những chi tiết cần thiết để bảo vệ khung cảnh thanh bình mới được tái lập. Ở một phía khác, ngày 27-11, nước Pháp ngỏ lời sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ quy chế nhà nước Pa-le-xtin (Palestine) tại Ðại hội đồng LHQ, một "động thái lịch sử", bất chấp sự phản đối từ phía Mỹ.

2. Ðược cho là "có ảnh hưởng" trong vấn đề Xy-ri (Syria), I-ran (Iran) cũng đang cố gắng tìm kiếm các cuộc tiếp xúc. Người đứng đầu cơ quan lập pháp I-ran đã tới Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau khi Tê-hê-ran (Tehran) đăng cai hội nghị quy tụ gần 200 nhân vật đối lập với Ða-mát. Tổng thống Xy-ri B.Át-xát (B.Assad) tuyên bố sẽ nỗ lực để tổ chức thành công đối thoại dân tộc, nhưng không nhượng bộ khủng bố...

Ðối thoại để vượt qua bất đồng vốn là điều gian nan với các nhà lãnh đạo châu Âu, và một loạt hội nghị khu vực tuần qua cũng không ngoại lệ. Sau ba cuộc họp liên tiếp trong hai tuần, các bộ trưởng tài chính 17 thành viên Eurozone cuối cùng cũng nhất trí về mức Hy Lạp giảm tỷ lệ nợ công (còn 124% GDP vào năm 2020), bước quyết định tiến tới giải ngân khoản cứu trợ bị trì hoãn từ tháng 6-2012 vừa qua, điều rất cần thiết trước nguy cơ "phá sản" của A-ten (Athens). Tuy nhiên, ở cấp độ rộng hơn EU 17, các nhà lãnh đạo EU 27 lại thất bại về dự thảo ngân sách của khối giai đoạn 2014-2020, bởi những mục tiêu riêng vẫn lấn át lợi ích "mái nhà chung".

Tương tự, dù thấy trước "vách đá tài chính" vô cùng nguy hiểm, có thể đẩy nền kinh tế rơi xuống vực thẳm, các nhà lập pháp hai đảng ở Mỹ vẫn "lừng khừng" trong việc ra quyết định liên quan vấn đề thuế và chi tiêu của chính phủ. Dự luật giảm thuế tạm thời hết hiệu lực vào 31-12-2012 sẽ đánh thẳng vào cuộc sống của hàng triệu người lao động và hàng triệu doanh nghiệp Mỹ. Nếu Tổng thống B.Ô-ba-ma (B.Obama) và các nghị sĩ không nhượng bộ về kế hoạch tăng thuế đối với "nhóm thiểu số" người giàu, nền kinh tế số 1 thế giới vốn trì trệ, với tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, sẽ lún sâu vào suy thoái.

3. Và có những điều không thể nhượng bộ. Nổi bật trong lễ phát động phong trào toàn quốc khuyến khích người dân "quốc gia vạn đảo" nêu cao tinh thần chống tham nhũng, tấm băng-rôn che phủ toàn bộ mặt tiền tòa nhà Ủy ban loại trừ tham nhũng In-đô-nê-xi-a (Indonesia) mang dòng chữ "Vĩ đại là dám trung thực". Chính quyền Gia-các-ta muốn tỏ rõ quyết tâm không lùi bước trước tệ nạn nhức nhối nhiều năm qua làm xấu hình ảnh quốc gia (In-đô-nê-xi-a xếp 100/183 trong bảng xếp hạng chỉ số nhận thức tham nhũng và minh bạch năm 2011). Ở bên kia bán cầu, Tổng thống Bra-xin (Brazil) Ð.Ru-xép (D.Rousseff), người nổi tiếng kiên quyết chống tham nhũng, cũng ký sắc lệnh cách chức một loạt quan chức chính phủ dính líu một đường dây nhận hối lộ.

Tại Cu-ba (Cuba), Chính phủ Cô-lôm-bi-a (Colombia) ngồi vào bàn đàm phán với nhóm nổi dậy FARC. Dù mục tiêu cao nhất là chấm dứt cuộc xung đột vũ trang gần 50 năm qua, đại diện của Tổng thống H.M. Xan-tốt (J.M.Santos) cũng không từ bỏ đòi hỏi FARC ngừng bắn làm điều kiện tiên quyết. Và dù Tổ chức ly khai xứ Ba-xcơ (Basque) - ETA một lần nữa tuyên bố sẵn sàng thỏa thuận về việc giải thể, thì các chính phủ Tây Ban Nha và Pháp vẫn bác bỏ những đòi hỏi của nhóm vũ trang này liên quan vấn đề tù nhân, trong khi bảo lưu yêu cầu ETA giải giáp...

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất