Đòi hỏi từ thực tiễn
Huyện Cam Lâm là huyện “sinh sau đẻ muộn”, được thành lập theo Nghị định 65/2007/NĐ-CP ngày 11/4/2007 của Chính phủ, bao gồm 14 xã, thị trấn, với diện tích tự nhiên là 55.025,83 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 13.901,22ha với gần 8.830 hộ sản xuất nông nghiệp. Kể từ khi thực hiện Nghị định 64/CP và Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc thi hành Luật đất đai, việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân chủ yếu theo hiện trạng sử dụng đất của chủ sử dụng, bình quân mỗi hộ được giao từ 04 đến 10 thửa ở cùng một xứ đồng hoặc ở các xứ đồng khác, diện tích thửa nhỏ nhất của đất lúa là 40m2 và đất màu là 380m2. Do tình trạng đất canh tác manh mún, phân tán nên đã gây khó khăn trong sản xuất, tốn kém nhiều thời gian và sức lao động, nhất là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đầu tư thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, vì vậy giá trị canh tác trên 01 ha đất nông nghiệp đạt ở mức thấp (bình quân đạt khoảng 20 triệu đồng/ha), ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và đời sống của nhân dân.
Để xây dựng nông nghiệp và kinh tế nông thôn của huyện phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần của Nghị quyết TW 7 (khoá X) về vấn đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, nhiệm vụ cụ thể đặt ra là phải xây dựng và thực hiện mô hình dồn điền đổi thửa, hình thành một cơ cấu sản xuất hàng hóa đa dạng với năng suất, sản lượng, chất lượng cao, giá thành hạ, tạo ra ưu thế cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo thu nhập hợp lý và nâng cao mức sống của người nông dân.
Thực hiện Chương trình hành động 05-CTr/HU ngày 14/11/2007 của Huyện ủy Cam Lâm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2007-2010 và định hướng tới năm 2015; Kế hoạch số 19-KH/HU ngày 09/02/2009 của Huyện ủy Cam Lâm về thực hiện Nghị quyết TW 7 (khóa X) về vấn đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Kế hoạch số 2991/KH-UBND của Ủy ban nhân dân huyện về thực hiện dồn điền đổi thửa trên địa bàn huyện giai đoạn 2008-2010 đã xác định quan điểm, mục tiêu và các bước thực hiện, trong đó đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy cho phép UBND huyện tổ chức Đoàn cán bộ của huyện, xã đi nghiên cứu thực tế, học tập kinh nghiệm một số địa phương tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa và huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi – những nơi đã thực hiện thành công mô hình dồn điền đổi thửa để nghiên cứu áp dụng và triển khai thực hiện thí điểm trên địa bàn huyện.
Cùng với đó, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dồn điền đổi thửa trên địa bàn huyện, do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách nông nghiệp làm Phó Trưởng ban; các phòng, ban liên quan và các đoàn thể làm thành viên; phân công nhiệm vụ, phụ trách địa bàn và chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện dồn điền đổi thửa trên địa bàn huyện.
Theo đó, Hội đồng nhân dân huyện đã ban hành Nghị quyết số 01/2009/NQ-HĐND ngày 15/01/2009 về kế hoạch thực hiện dồn điền đổi thửa trên địa bàn huyện giai đoạn 2008-2010, trong đó xác định mục tiêu năm 2009 thực hiện thí điểm ở một xứ đồng vùng chuyên canh cây mía tại xã Cam An Bắc và một xứ đồng vùng chuyên canh cây lúa nước tại xã Cam Thành Bắc, với quy mô một xứ đồng thực hiện từ 15 - 20ha, làm cơ sở nhân rộng vào năm 2010 ở toàn xã và triển khai rộng tại các xã khác trên địa bàn huyện. Phấn đấu mỗi hộ chỉ còn 01 đến 02 thửa đất sản xuất tập trung trên một xứ đồng với giá trị thu nhập đạt từ 40 - 50 triệu đồng/ha canh tác.
Kết quả bước đầu
Từ Chương trình, Nghị quyết của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện, UBND huyện đã tập trung vào việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân hiểu về chủ trương dồn điền đổi thửa, xác định rõ nông dân là chủ thể được hưởng thành quả từ dồn điền đổi thửa. Các bước triển khai của huyện là phát huy tính dân chủ, tự nguyện, khả năng sáng tạo của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Huyện đã tổ chức họp nhân dân thảo luận, bàn bạc, lấy ý kiến thống nhất phương án thực hiện dồn điền đổi thửa, thông báo công khai, trình HĐND xã ban hành Nghị quyết và trình UBND huyện phê duyệt. UBND huyện Cam Lâm đã ban hành các Quyết định phê duyệt phương án thực hiện dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình tại vùng Hòn Dú, thôn Tân An, xã Cam An Bắc; vùng Cây Găng, vùng đất phía Tây đồng Cây Găng, thôn Tân Sinh Đông, xã Cam Thành Bắc; vùng đất phía Tây, thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam; xứ đồng thôn Cửu Lợi 3, xã Cam Hòa; xứ đồng Bàu Sen, thôn Cây Xoài, xã Suối Tân; vùng đất đồng Cam, thôn Tân Xương 2, xã Suối Cát; xứ đồng Hòn Khô, thôn Vĩnh Nam, xã Cam An Nam.
Năm 2009 – năm đầu tiên huyện Cam Lâm thực hiện thí điểm dồn điền đổi thửa tại 02 xã Cam An Bắc và Cam Thành Bắc: Với vùng màu tại xã Cam An Bắc, vùng Hòn Dú, thôn Tân An, tổng diện tích là 14,3ha. Vụ mía năm 2009-2010, xã Cam An Bắc sử dụng giống mía K84-200, đã thu hoạch với năng suất 75tấn/ha, tăng 38tấn/ha so với vụ trước; từ một tuyến đường đã quy hoạch và làm mới 04 tuyến đường giao thông, thuận lợi cho việc phục vụ vận chuyển sản xuất, thu hoạch nông sản. Ở Vùng lúa tại xã Cam Thành Bắc, vùng Cây Găng, thôn Tân Sinh Đông, tổng diện tích là 23,3ha, quy hoạch diện tích đất làm giao thông, thủy lợi, diện tích còn lại là 22,3ha; nhân dân tiến hành gieo sạ kịp thời vụ với giống lúa Malâm 202, vụ lúa mùa năm 2009 đã thu hoạch với năng suất 65tạ/ha, tăng 9tạ/ha so với vụ trước; từ một tuyến đường chính bằng đất, nhỏ hẹp, sình lầy, quy hoạch làm mới 05 tuyến đường giao thông mới, xây dựng mới thêm 01 tuyến kênh mương chiều dài 165m, đáp ứng mỗi thửa ruộng đều giáp với đường giao thông, mương thủy lợi thuận lợi cho việc phục vụ tưới tiêu và vận chuyển sản xuất, thu hoạch nông sản.
Trên cơ sở sơ kết rút kinh nghiệm thực hiện thí điểm việc dồn điền đổi thửa năm 2009 tại 02 xã Cam An Bắc và Cam Thành Bắc. Năm 2010 có 02 xã thực hiện tại vùng màu tại xã Cam Hiệp Nam, xứ đồng phía Tây, thôn Suối Cát, tổng diện tích ở xứ đồng 21,8ha trước khi dồn điền đổi thửa, trừ phần dành cho giao thông diện tích còn lại 20,3ha; quy hoạch làm mới 03 tuyến đường giao thông. Trên xứ đồng nhân dân gieo trồng các giống mía mới: K84-200, K88-65…Kết quả vụ mía năm 2010-2011, xã Cam Hiệp Nam đã thu hoạch với năng suất 70tấn/ha, tăng 10tấn/ha so với vụ trước. Vùng lúa tại xã Cam Thành Bắc, xứ đồng phía Tây, đồng Cây Găng, thôn Tân Sinh Đông, từ tổng diện tích ở xứ đồng 33,3ha, trừ diện tích đất quy hoạch giao thông, thủy lợi, diện tích còn lại 32,2ha được san ủi, cải tạo; quy hoạch làm mới 09 tuyến đường giao thông, xây dựng mới 04 tuyến kênh mương. Kết quả thu hoạch vụ lúa Đông xuân năm 2010-2011 đã thu hoạch với năng suất trên 70tạ/ha, tăng 12tạ/ha so với vụ trước.
Trong năm 2011 có 04 xã thực hiện là xứ đồng thôn Cửu Lợi 3, xã Cam Hòa; vùng đất Đồng Cam, thôn Tân Xương 2, xã Suối Cát; vùng đất Đồng Cam, thôn Tân Xương 2, xã Suối Cát; xứ đồng Hòn Khô, thôn Vĩnh Nam, xã Cam An Nam . Tổng diện tích 89,8 ha, sau khi dồn điền đổi thửa trừ diện tích dành cho giao thông còn lại 86,4 ha. Nhìn chung trên cánh đồng đã thực hiện dồn điền đổi thửa , thực hiện chuyển giao công nghệ và giống lúa, màu mới đều cho năng suất cao đạt từ 55 - 65tạ/ha; mía đạt 70 tấn/ha, tăng 5 - 10 tạ/ha đối với lúa; 15 tấn/ha đối với màu. Đường sá giao thông, kênh mương được mở rộng và xây dựng mới nhiều tạo thuận lợi cho bà con nông dân ở các xã trong sản xuất và sinh hoạt.
Tính đến cuối năm 2011, toàn huyện có 7 xã thực hiện dồn điền đổi thửa (xã Suối Cát, Suối Tân, Cam Hòa. Cam Thành Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Bắc, Cam An Nam). Diện tích trước khi thực hiện 182,5ha , với 553 hộ, 1.431 thửa. Thửa lớn nhất có diện tích 1,8ha, thửa nhỏ nhất có diện tích 40m2. Sau khi thực hiện diện tích còn lại 175,3 ha với 590 thửa (giảm 841 thửa), với diện tích thửa sản xuất bình quân của vùng mía 1,1ha, vùng lúa 0,9ha.
Trước khi thực hiện dồn điền đổi thửa hầu hết là những đoạn đường bằng đất, nhỏ hẹp, sình lầy và các tuyến kênh mương tưới tiêu phải qua nhiều thửa mới đến được thửa đất cần sử dụng, gây rất nhiều khó khăn cho việc đi lại và sản xuất. Những sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa đã quy hoạch làm mới 43 tuyến đường giao thông và nâng cấp mở rộng 3 tuyến đường chính; đồng thời xây dựng mới thêm 28 tuyến kênh mương, đáp ứng mỗi thửa ruộng đều tiếp giáp với đường giao thông, mương thủy lợi thuận lợi cho việc phục vụ tưới tiêu và cơ giới hóa, vận chuyển sản xuất, thu hoạch nông sản. Cùng với việc dồn điền đổi thửa, nhân dân được tập huấn khuyến nông về chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư giống lúa, mía có năng suất, sản lượng cao để gieo trồng. Kết quả năng suất thu hoạch tại các vùng dồn điền đổi thửa đều tăng so với trước khi dồn điền đổi thửa.
Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tổng kinh phí đã đầu tư, hỗ trợ cho thực hiện Dồn điền đổi thửa ở 7 xã là: 13.831.997.000đ, trong đó vốn chương trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 15/2009/NQ-HĐND ngày 12/6/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa là 10.709.200.000đ; Ngân sách huyện 2.224.980.000đ; ngân sách các xã 279.232.000đ và nhân dân đóng góp 618.587.000đ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác dồn điền đổi thửa, huyện còn một số khó khăn, tồn tại như: đây là mô hình đầu tiên của huyện, vì vậy sự chỉ đạo của huyện có lúc còn lúng túng, chưa kịp thời; cấp ủy và chính quyền địa phương các xã có lúc còn có tư tưởng chủ quan, ỷ lại cấp trên. Một số cán bộ, đảng viên cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương, chưa am hiểu rõ về mô hình dồn điền đổi thửa nên có những lúng túng trong công tác vận động nhân dân. Người dân còn có tư tưởng ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Việc dồn điền đổi thửa liên quan trực tiếp đến lợi ích và quyền lợi của bà con nhân dân nên cũng có một số ít hộ nông dân còn có tư tưởng nghi ngờ, chưa có niềm tin đã làm kéo dài thời gian công tác vận động và triển khai thực hiện. Kinh phí đầu tư cho chương trình tương đối lớn (bình quân 79 triệu đồng/ha), khó khăn trong việc triển khai nhân rộng.
Bài học kinh nghiệm
Là huyện “tiên phong” trong thực hiện dồn điền đổi thửa, từ những kết quả đã đạt được sau 3 năm, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm là: Cần đặt công tác tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu, vận động để người dân hiểu được lợi ích thiết thực của việc dồn điền đổi thửa đồng tình và tự nguyện tham gia. Dồn điền đổi thửa phải gắn liền với công tác quy hoạch, từng địa phương cần quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo từng loại cây trồng ổn định, lâu dài; cần có sự thống nhất cao trong công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận trong nhân dân. Tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể, công khai, minh bạch, công bằng. Chọn thời điểm tiến hành phù hợp đảm bảo thời vụ sản xuất, bảo đảm đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Đặc biệt đội ngũ cán bộ phải phát huy tinh thần tiên phong gương mẫu, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tạo sự đồng thuận cao trong nhân thông qua các bước tiến hành thực hiện đảm bảo dân chủ bàn bạc, công khai minh bạch để người dân hiểu được lợi ích của việc dồn điền đổi thửa, tham gia góp ý nhiều lần (nhất là phương án chi tiết thực hiện dồn điền đổi thửa). Thúc đẩy sự tham gia đồng bộ của cả 4 nhà: Nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước. Nhà nông có đất, sức lao động; nhà khoa học cải tiến công nghệ, chuyển giao khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, cải tiến giống mới…; doanh nghiệp có vốn, kinh nghiệm quản lý, sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm; nhà nước có cơ chế, chính sách.
Để có thể nhân rộng mô hình dồn điền đổi thửa – tiền đề xây dựng nông thôn mới, kiến nghị UBND tỉnh đưa chương trình dồn điền đổi thửa vào kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh; có chủ trương chính sách hỗ trợ trước và sau dồn điền đổi thửa như: Xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương), cải tạo đồng ruộng, hỗ trợ giống sản xuất, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời tăng nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư cho khuyến nông, chuyển khuyến nông theo dạng mô hình bằng các dự án hoặc chương trình khuyến nông trọng điểm để thực hiện trong vùng dồn điền đổi thửa.
Hy vọng công tác dồn điền đổi thửa của tỉnh Khánh Hòa sẽ phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, thực sự làm thay đổi bộ mặt nông thôn như Nghị quyết của Đảng đã đề ra./.
Nguyễn Thị Kiều
UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Khánh Hòa