Chủ Nhật, 24/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 23/9/2012 15:9'(GMT+7)

Phát triển hạ tầng thông tin quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Thực trạng hạ tầng thông tin nước ta hiện nay

Theo Luật Công nghệ Thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin là hệ thống các trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính và cơ sở dữ liệu…

Về hạ tầng mạng viễn thông, Internet

Trong những năm vừa qua, hệ thống hạ tầng viễn thông của nước ta đã phát triển với tốc độ nhanh, công nghệ hiện đại, băng thông rộng. Mạng thông tin di động đã phủ sóng rộng khắp bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ đa số người dân (các trạm thu phát sóng di động BTS đã được lắp đặt tại địa bàn 63/63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 696/697 đơn vị hành chính cấp huyện và 10.699/11.111 đơn vị cấp xã, đạt tỷ lệ 96,3%; truyền dẫn cáp đồng và cáp quang đều đã được triển khai tại địa bàn 63/63 đơn vị hành cấp tỉnh, 692/697 đơn vị hành chính cấp huyện trong đó có 10.655/11.111 đơn vị hành chính cấp xã đã có truyền dẫn cáp quang, đạt tỷ lệ 95,9%); băng thông kết nối quốc tế đạt khoảng 500 Gb/s và bước đầu đã cung cấp được nhiều loại hình dịch vụ băng rộng như di động thế hệ thứ ba (3G), truyền hình qua giao thức Internet (IPTV), truyền hình số có độ phân giải cao (HDTV),…

Mức độ sử dụng Internet đã có sự tăng trưởng rất nhanh. Tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ số người dân sử dụng Internet trên toàn quốc đạt 31%. Trong giai đoạn từ 2003 đến 2010, tỷ lệ tăng trưởng trung bình số lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam là 10,88%. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet đạt 12,84 hộ/100 hộ dân. Tỷ lệ số hộ gia đình có thuê bao điện thoại cố định đạt 37,77 thuê bao/100 hộ gia đình. Hiện nay cả nước có trên 128 triệu thuê bao di động.

Về hạ tầng mạng truyền dẫn, phát sóng phát thanh – truyền hình

Theo số liệu điều tra thống kê toàn quốc, đối với phát thanh, hiện nay trên cả nước có 3.305 trạm phát với 3.559 máy phát sóng, tổng công suất 7,12 triệu Woát. Số xã thu được tín hiệu phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) là 11.055/11.111 đơn vị cấp xã (đạt 99,5%) và thu được tín hiệu phát thanh của đài phát thanh địa phương đạt 10.102/11.111 xã (đạt 90,9).

Đối với truyền hình, cả nước hiện có 962 trạm phát với 1.607 máy phát sóng, tổng công suất 2,12 triệu Woát. Số xã thu được tín hiệu truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tại 10.986/11.111 xã (đạt 98,9%), số xã thu được tín hiệu truyền hình của Đài Truyền hình kỹ thuật số (VTC) đạt 6.857/11.111 xã (đạt 61,7%) và số xã thu được tín hiệu truyền hình của các đài truyền hình địa phương là 9.767/11.111 xã (đạt 87,9%).

Tuy diện phủ sóng và khả năng phục vụ của phát thanh truyền hình là khá cao, song mức độ hưởng thụ của người dân còn hạn chế. Hiện nay trên cả nước có hơn 2,1 triệu hộ gia đình có máy thu thanh (chiếm 10,5%), hơn 18 triệu hộ gia đình có tivi (chiếm gần 90%).

Về mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng và Chính phủ

Tính đến cuối năm 2011, trên phạm vi cả nước đã có 220 đơn vị được kết nối, gồm: 92 cơ quan Đảng, Nhà nước Trung ương và toàn bộ 128 cấp ủy Đảng, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đã xây dựng xong đường trục tốc độ cao kết nối 3 nút mạng lõi tại 3 điểm Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và thiết lập mạng truy nhập với 63 nút mạng tại 63 tỉnh, thành phố.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng đi vào hoạt động có tầm quan trọng đặc biệt trong việc đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, đảm bảo an toàn, bảo mật trong mọi tình huống, phục vụ kịp thời chính xác sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với các Ban, Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong cả nước. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cũng là cơ sở để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ cho tất cả các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển Chính phủ điện tử.

Kết quả đạt được

Có thể nói sau 20 năm hiện đại hóa và tăng tốc phát triển, Việt Nam đã phát triển được một cơ sở hạ tầng thông tin rộng khắp cả nước, bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại, dịch vụ và ứng dụng tiên tiến trên thế giới, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ hội nhập và công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Viễn thông, Internet và công nghệ thông tin (CNTT) đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng GDP, đồng thời cũng trở thành hạ tầng mềm, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Viễn thông, Internet và CNTT cũng đã trở thành công cụ quan trọng trong việc chỉ đạo và điều hành của các cấp các ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở khắp mọi miền. Đặc biệt, viễn thông, Internet và CNTT đã được coi là một trong những phương tiện chủ chốt góp phần chuyển đổi mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo phát triển bền vững trong giai đoạn tới, gắn kết và nâng cao hiệu quả sử dụng các hạ tầng kinh tế - kỹ thuật.

Với vai trò và nhiệm vụ như vậy, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ phải nỗ lực phấn đấu để khắc phục một số tồn tại mà Nghị quyết Trung ương 4 về kết cấu hạ tầng đã chỉ ra, như quản lý chưa theo kịp tốc độ phát triển rất nhanh của hạ tầng thông tin. Bên cạnh đó, hạ tầng thông tin cũng cần khắc phục những yếu kém chung như nguồn lực đầu tư chủ yếu vẫn là Nhà nước, chưa chú trọng tổ chức thực hiện nghiêm quy hoạch, tính liên kết quy hoạch hạ tầng thông tin với các quy hoạch hạ tầng khác,…

2. Một số giải pháp phát triển hạ tầng thông tin ở Việt Nam theo định hướng của Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ

Để triển khai và cụ thể hóa các giải pháp chủ yếu về phát triển đồng bộ hạ tầng trong Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung vào xây dựng và triển khai một số nhóm giải pháp sau đây:

Nhóm giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển hạ tầng thông tin, khẳng định hạ tầng thông tin có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật của quốc gia bao gồm: xem xét xây dựng và ban hành một Nghị quyết hay Chỉ thị của Bộ Chính trị thay thế cho Chỉ thị số 58-CT/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” giai đoạn 2000-2010, với những đột phá mạnh trong tư duy chiến lược và định hướng cơ chế và chính sách; xem xét thành lập Ủy ban quốc gia về CNTT do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu với sự quyết liệt, cụ thể và đồng bộ cao trong giải pháp và hành động.

Nhóm giải pháp về thông tin tuyên truyền nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy, bao gồm các giải pháp góp phần quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 về phát triển hạ tầng thông tin ở các cấp, các ngành; các giải pháp tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của CNTT trong xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Nhóm giải pháp về tài chính và đầu tư, nhằm huy động và sử dụng ngày càng hiệu quả nhiều nguồn lực đầu tư bao gồm: Các cơ chế mạnh để tiếp tục phát huy nội lực và thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia như đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, CNTT mà Nhà nước không cần nắm 100% vốn hoặc cổ phần chi phối, chú trọng đặc biệt hình thức Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm trong các dự án ứng dụng CNTT; thực hiện đồng bộ một số chương trình dự án mang tính đột phá và có mối liên hệ hữu cơ nhằm đạt hiệu quả tổng thể và hiệu ứng lan tỏa nhanh nhất; cơ chế khuyến khích việc lồng ghép ứng dụng CNTT trong các chương trình, dự án phát triển hạ tầng; bổ sung một số cơ chế chính sách mới phù hợp với nền kinh tế số mà viễn thông, Internet và ứng dụng CNTT là nền tảng; thực hiện tái cấu trúc các doanh nghiệp viễn thông và thị trường viễn thông theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả và cạnh tranh lành mạnh.

Nhóm giải pháp về xây dựng và hoàn thiện thể chế, kiện toàn bộ máy, thực thi để tăng cường công tác quản lý và giám sát trong phát triển hạ tầng thông tin, bao gồm các giải pháp như: bám sát các yêu cầu của Nghị quyết Trung ương số 13-NQ/TW (khóa XI), rà soát lại và tổ chức thực thi các quy hoạch chuyên ngành đã được ban hành như quy hoạch truyền dẫn phát sóng đến 2020, quy hoạch an toàn thông tin số;quy hoạch tấn số vô tuyến điện, quy hoạch kho số; ban hành và thực hiện quy hoạch viễn thông quốc gia đến năm 2020; nhanh chóng đầu tư các công cụ quản lý và giám sát hạ tầng và thị trường viễn thông và Internet cho Cục Viễn thông mới được thành lập năm 2011; xem xét thành lập Cục An toàn Thông tin là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và thực thi các chính sách về an toàn cơ sở hạ tầng thông tin; đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sớm ban hành Luật An toàn thông tin số.

Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực và làm chủ công nghệ bao gồm các giải pháp đặc thù, mang tính đột phá để đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT đông đảo, đạt trình độ quốc tế; nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển, khả năng làm chủ công nghệ nguồn, sản xuất được các sản phẩm lõi về công nghệ thông tin. Xây dựng các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ thông tin Việt Nam mạnh có năng lực làm chủ về công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia về không gian mạng và tài nguyên số.

Trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các cấp uỷ Đảng, các cấp chính quyền từ Trung ương đến các địa phương và vai trò ngày càng quan trọng của CNTT và truyền thông đối với đời sống xã hội, chúng ta tin tưởng rằng dưới ánh sáng Nghị quyết 13-NQ/TW của Đảng, trong thời gian tới, hạ tầng thông tin sẽ tiếp tục được đầu tư, phát triển và ngày càng có nhiều đóng góp xứng đáng đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.

TS. Nguyễn Bắc Son
Ủy viên Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất