Thứ Bảy, 28/9/2024
Thế giới
Thứ Ba, 2/12/2014 23:15'(GMT+7)

Đòn hiểm

Ngoại trưởng Nga X.La-vrốp gặp người đồng cấp A-rập Xê-út tại Mát-xcơ-va. (Ảnh: RIA Novosti)

Ngoại trưởng Nga X.La-vrốp gặp người đồng cấp A-rập Xê-út tại Mát-xcơ-va. (Ảnh: RIA Novosti)

Phát biểu tại Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng, ông X.La-vrốp thẳng thừng tuyên bố: “Phương Tây đang thể hiện rõ mục tiêu không phải là ép Nga thay đổi chính sách mà là thúc đẩy thay đổi chế độ ở Nga”. Tuyên bố của ông X.La-vrốp được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và phương Tây áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đánh vào các ngành kinh tế trọng yếu của Nga. Báo chí Nga dẫn lại phát biểu của ngoại trưởng nước này cho rằng, trước kia lệnh trừng phạt chống nước khác thường theo cách “không gây tổn hại cho các lĩnh vực xã hội, kinh tế mà chỉ nhằm vào một nhóm người có chọn lọc. Còn bây giờ thì ngược lại”, ông X.La-vrốp nhấn mạnh. Theo ông, phương Tây ngang nhiên tuyên bố cần trừng phạt để phá hủy kinh tế Nga và hỗ trợ các cuộc biểu tình của người dân.  

Cáo buộc trên của Nga được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đang triển khai đòn hiểm đánh vào “yếu huyệt” của nền kinh tế Nga là ngành năng lượng và gây ra tác động tiêu cực. Đã có những thông tin cho thấy, các đại gia năng lượng của Nga, chẳng hạn như Rosneft, lao đao ra sao khi đòn trừng phạt kinh tế được Mỹ và phương Tây tung ra. Việc huy động vốn để đầu tư cho sản xuất dầu khí cũng như triển khai công nghệ khai thác và sản xuất gặp trở ngại do phương Tây hạn chế cung cấp tài chính, công nghệ và dịch vụ nước ngoài cho các công ty năng lượng Nga sau khi các lệnh trừng phạt kinh tế được áp dụng.

Nhưng đó chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” nỗ lực làm suy yếu nền kinh tế Nga của phương Tây. Giới chuyên gia phân tích chính trị Nga cho rằng, việc giá dầu thế giới giảm mạnh trong suốt thời gian qua cho thấy khả năng có “bàn tay” can thiệp của giới chính trị nhằm gây sức ép lên nền kinh tế Nga. Cụ thể các tài phiệt phương Tây đã bí mật thao túng giá dầu thế giới vì động cơ chính trị. Tổng thống Nga V.Pu-tin từng khẳng định, việc giá dầu sụt giảm đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga và đây là một phần hệ quả của hành vi thao túng thị trường mang động cơ chính trị nhằm chống lại nước Nga. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ông V.Pu-tin không đổ lỗi cho cụ thể một quốc gia nào đã gây ra tình trạng rớt giá dầu.

Nhưng giới phân tích chính trị và báo chí Nga thì không e dè mà đề cập tới khả năng Mỹ đã lôi kéo một số quốc gia xuất khẩu dầu gia tăng sản lượng khai thác để kiềm chế giá dầu. Ngoài ra, theo trang tin tức Sputnik của Nga, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đang có kế hoạch thúc đẩy sản lượng khai thác mặc dù giá dầu thế giới đang đà sụt giảm, khiến các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) phải lên kế hoạch cắt giảm xuất khẩu để giúp giá dầu hồi phục. Theo Blum-bớc, việc một số công ty sản xuất dầu của Mỹ gia tăng sản lượng khai thác sẽ càng khiến giá dầu thế giới lao dốc.

Trong nỗ lực chống lại những tác động bất lợi từ việc giá dầu thế giới suy giảm, Nga đã và đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm vực dậy giá dầu. Ngoại trưởng Nga X.La-vrốp đã có buổi làm việc với người đồng cấp A-rập Xê-út, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và đã đạt được những đồng thuận quan trọng. Hai nước nhất trí phản đối việc giá dầu trên các thị trường dầu mỏ bị lệ thuộc vào tác động chính trị mà phải mang tính thị trường, tức là dựa trên quy luật cung và cầu.

Trong bối cảnh có những thông tin đồn đoán về một liên minh dầu khí giữa Mỹ và A-rập Xê-út đang âm thầm “bắt tay” thao túng giá dầu, cuộc gặp trên cũng giúp xoa dịu phần nào một số quan ngại. Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ A-rập Xê-út A-li An Nai-mi cũng tuyên bố bác bỏ bất kỳ động cơ chính trị nào đằng sau tình trạng rớt giá hiện nay trên thị trường dầu mỏ, đồng thời khẳng định chỉ có thị trường mới có thể kiểm soát giá dầu. Bộ trưởng An Nai-mi cũng phản đối các cáo buộc cho rằng, A-rập Xê-út đang tìm cách gây sức ép chính trị đối với I-ran và Nga bằng cách giảm giá dầu nhằm buộc hai nước này phải chấp nhận một số lập trường chính trị nhất định.

Trước đó, các quan chức Nga cũng có buổi làm việc với Vê-nê-xu-ê-la, một quốc gia thành viên quan trọng của OPEC, nhằm thống nhất một số điều khoản về việc ấn định giá dầu thế giới trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của OPEC sẽ diễn ra trong tuần này. Cũng trong nỗ lực chống đỡ tác động của việc giá dầu sụt giảm, Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Nga đã bắt đầu nghiên cứu các biện pháp chống đỡ nền kinh tế và hệ thống tiền tệ trong trường hợp giá dầu giảm xuống mức 60 USD/thùng.

Phản ứng này của Nga cho thấy, Mát-xcơ-va đang ở vào tình thế không thể ngồi yên. Bởi lựa chọn mục tiêu “tấn công” là ngành năng lượng Nga đồng nghĩa với việc Mỹ và phương Tây tung đòn hiểm vì Nga là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và khí đốt lớn thứ hai thế giới, với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng./.

Mai Nguyên (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất