Sáng 30/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ đón nhận ''Bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á -Thái Bình Dương của UNESCO''.
Hiện nay, Châu bản Triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước gồm 85.000 văn bản của 11 triều vua nhà Nguyễn. Các tài liệu này hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước, được soạn thảo chủ yếu bằng chữ Hán, chữ Nôm và một số ít văn bản bằng cả chữ Hán Nôm, chữ Pháp và chữ Việt của Hoàng đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Khối tài liệu được viết tay trên giấy dó, bằng bút lông bởi một loại mực truyền thống mài thủ công và được soạn thảo bởi các thư lại có khả năng văn chương và chữ viết đẹp.
Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802-1945), bao gồm các văn bản do các Hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao. Châu bản là các tài liệu gốc, duy nhất có bút tích phê duyệt của các Hoàng đế triều Nguyễn với các hình thức ngự phê phong phú và độc đáo như: Châu điểm, Châu phê, Châu khuyên, Châu mạt, Châu sổ… Những tài liệu này có giá trị cao phục vụ việc nghiên cứu toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người của Việt Nam giai đoạn thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.
Ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Việc ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu đồng nghĩa với việc Châu bản triều Nguyễn sẽ có nhiều điều kiện để phát huy tiềm năng vốn có của nó, nhất là cho công tác nghiên cứu lịch sử. Bởi lẽ, thông qua Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, các di sản tư liệu sẽ có nhiều cơ hội để phát huy giá trị và ngày càng gần hơn với công chúng và xã hội. Đặc biệt, với giá trị về nội dung và giá trị pháp lý, Châu bản triều Nguyễn và những tài liệu gốc đặc biệt quan trọng trong việc xác lập chủ quyền, cương giới và lãnh thổ Việt Nam, Châu bản góp rất nhiều thông tin làm căn cứ pháp lý để chứng minh chủ quyền và giải quyết những vấn đề tranh chấp trên Biển Đông hiện nay.
Trưởng đại diện văn phòng UNESCO Hà Nội, bà Katherine Muller Marin cũng khẳng định: Châu bản triều Nguyễn là tư liệu văn hoá, chính trị có giá trị to lớn, đưa người đọc ngược trở về hơn 155 năm phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Đặc biêt, Châu bản còn phản ánh cam kết phát triển lâu dài của dân tộc như: Vua Gia Long (trị vì từ 1802- 1820) đã có nhiều ngự phê tập trung về giáo dục, chú trọng việc thi cử, tuyển chọn nhân tài, học tập tại Văn miếu Quốc Tử Giám; Vua Minh Mạng (năm 1825) ngự phê phân phát đồ cứu tế, giảm thuế cho nhân dân vùng thiên tai; Vua Thành Thái mở trường Quốc học năm 1896 để đào tạo nhân tài có trình độ về nền văn minh phương Tây và ngự phê đặt mua các tờ báo bằng tiếng nước ngoài. Đây chỉ là một vài minh chứng cho thấy, Châu bản thể hiện quyết tâm của quốc gia Việt Nam trong phát triển giáo dục, khoa học, văn hoá và giao lưu quốc tế. Chúng cho thấy dân tộc này vĩ đại thế nào khi nói về văn hoá, giáo dục.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Châu bản triều Nguyễn mang giá trị lịch sử vô giá về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo của đất nước ta. Việc Châu bản triều Nguyễn được UNECO công nhận là Di sản tư liệu thế giới càng làm tăng thêm giá trị của Châu bản triều Nguyễn trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt Châu bản triều Nguyễn không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, mà còn là bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Sau khi Châu bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ chỉ đạo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của khối tài liệu này. Cụ thể như việc tập trung xây dựng Website song ngữ Việt - Anh về Châu bản để quảng bá rộng rãi trên toàn thế giới; tăng cường việc xuất bản ấn phẩm về Châu bản, dịch Châu bản từ chữ Hán Nôm sang tiếng Việt để công chúng được tiếp cận dễ dàng hơn; tăng cường hợp tác với các cơ quan thông tấn, báo chí để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Châu bản tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế./.
Chương
trình Ký ức thế giời (MOW) của UNESCO là một trong ba chương trình di
sản của UNESCO, ra đời từ năm 1992 với mục đích bảo tồn các di sản tư
liệu của nhân loại cho thế hệ tương lai. Chương trình MOW được quản lý
bởi một hệ thống gồm ba cấp: quốc tế, khu vực và quốc gia. Uỷ ban tư vấn
quốc tế (IAC) là cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm tư vấn cho UNESCO về
lập kế hoạch và thực hiện Chương trình mang tính tổng thể. Cấp khu vực
bao gồm 5 ủy ban khu vực là châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ, châu Á và Thái
Bình Dương, Mỹ La tinh và Ca- ri- bê, Liên bang Ả rập. Hiện nay đã có
khoảng 100 quốc gia có di sản tư liệu được công nhận bởi Chương trình Ký
ức thế giới cấp quốc tế và khu vực.
Việt
Nam là quốc gia có truyền thống văn hoá lâu đời, để lại nhiều di sản
văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu. Đến nay, đã có 04 Di sản tư liệu
được công nhận, trong đó có 02 Di sản tư liệu được ghi vào Danh mục Di
sản tư liệu thế giới, đó là Mộc bản triều Nguyễn - năm 2009; 82 Bia đá
các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử
Giám, Hà Nội - năm 2010; 02 Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á -
Thái Bình Dương là Mộc bản Kinh Phật Chùa Vĩnh Nghiêm - tỉnh Bắc Giang -
năm 2012 và đặc biệt ngày 16/5/2014, Châu bản triều
Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký
ức thế giới khu vực châu Á -Thái bình Dương.
|
Tin và ảnh: Vân Khánh