Đồng bào Khmer sinh sống ở Trà Vinh đang náo nức chuẩn bị đón lễ Sen Đolta năm
2013 - một trong ba lễ hội chính hàng năm của tộc người Khmer Nam Bộ nói chung
và tỉnh Trà Vinh nói riêng (Sen Đolta, Tết Chôl-Chhnam-Thmây và Ok-om-bok).
Lễ Sêne Đolta được người Trà Vinh tổ chức tại gia đình và tại chùa Khmer trong
ba ngày 3, 4 và 5/10/2013. Ngày thứ nhất, bà con dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, cúng
cơm người đã khuất. Ngày thứ hai, thỉnh mời linh hồn người đã khuất trong gia
đình vào chùa nghe tụng kinh, niệm Phật. Ngày thứ ba, cúng cơm tại gia đưa tiễn
linh hồn ông bà và dâng lễ vật (các món ăn hàng ngày) để các vị sư sãi cúng ông
bà tại chùa.
Nhân dịp này, đại diện cấp ủy, chính quyền các địa phương
các cấp ở Trà Vinh tổ chức họp mặt, thăm viếng, tặng quà các gia đình chính
sách, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cán bộ lão thành cách mạng là người dân
tộc Khmer và sư sãi tại các chùa.
Vào dịp lễ, Tết, đồng bào Khmer sinh
sống ở Trà Vinh luôn có thêm nhiều niềm vui mới bởi đời sống vật chất, tinh thần
của họ hàng năm được nâng lên rõ rệt.
Tại các địa phương có đông đồng bào
dân tộc, chính quyền sở tại luôn nắm chắc số hộ Khmer có hoàn cảnh khó khăn để
kịp thời hỗ trợ cho họ có điều kiện đón lễ Sêne Đolta thật sự ấm no, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, còn phối hợp với các chùa tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải
trí theo bản sắc văn hóa dân tộc Khmer như tổ chức thi đấu thể thao, văn nghệ,
các trò chơi dân gian.
Trà Vinh là một tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông
Cửu Long, dân số hiện có hơn 1 triệu người; trong đó, đồng bào dân tộc Khmer
chiếm khoảng 30%. Ngay từ đầu mới tái lập tỉnh (tháng 5/92), Tỉnh ủy Trà Vinh đã
ban hành Nghị quyết 01 và năm 2003, tiếp tục ban hành Nghị quyết 06; Tổng kết
Nghị quyết 06, Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành tiếp Nghị quyết 03 về tiếp tục phát
triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2011-2015.
Điều
này cho thấy, Đảng bộ và Chính quyền Trà Vinh luôn quan tâm và có nhiều nỗ lực
đưa chính sách dân tộc đi vào cuộc sống.
Năm 2012, thực hiện Quyết định
32/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trà Vinh được phân bổ trên 14,3 tỷ đồng hỗ trợ
các hộ đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế; 26.442 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở
theo Quyết định 167/TTg, đến nay có hơn 40.000 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở… Ngoài
ra, còn có hàng ngàn hộ khác được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đào tạo
nghề…
Cùng với sự tự lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước,
năm 2012 Trà Vinh đã giảm 4% tỷ lệ hộ Khmer nghèo, trong đó có nhiều hộ nghèo
trước đây nay trở nên khá giả.
Đặc biệt, Trà Vinh hiện đã hoàn thành giai
đoạn I Dự án cung cấp điện cho hơn 18.900 hộ dân ở vùng sâu, vùng đồng bào dân
tộc Khmer thuộc 83 xã, của 7 huyện trong tỉnh. Hiện đang tiếp tục triển khai
giai đoạn II Dự án cấp điện cho các hộ dân ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc
Khmer chưa có điện sử dụng. Dự án này hoàn thành, Trà Vinh sẽ nâng tỷ lệ hộ
Khmer sử dụng điện từ 92,93% hiện nay lên 95,76% và của tỉnh từ 94,41% tăng lên
97,43%.
Tân Sơn là một xã vùng sâu của huyện Trà Cú, trong số gần 2.000
hộ dân với trên 7.250 nhân khẩu, có hơn 65% là đồng bào dân tộc Khmer được Trà
Vinh chọn là một trong 17 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong giai
đoạn 2011-2015.
Vào đầu năm 2011, Tân Sơn là địa phương có tỷ lệ hộ
nghèo cao nhất huyện Trà Cú, với tỷ lệ chiếm hơn 32%. Nhưng với quyết tâm kéo
giảm tỷ lệ hộ nghèo của Đảng bộ và Chính quyền cùng với sự tự lực vươn lên của
các hộ nghèo, trong hai năm 2011 và 2012, Tân Sơn đã giảm được 12% hộ nghèo.
Riêng năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm 9%, cao nhất tỉnh. Tân Sơn hiện đạt 9/19
tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành
các tiêu chí còn lại.
Ông Sơn Canh, ngụ tại ấp Đôn Chụm, xã Tân Sơn phấn
khởi cho biết trước đây, vùng này thiếu điện thắp sáng và nước sinh hoạt, nay
được Nhà nước đầu tư, nhà nhà đã có điện thắp sáng, có nước sạch sử dụng, đường
giao thông thông suốt, đời sống người dân nơi đây được nâng lên, nhà cửa khang
trang có nơi thờ cúng, sản vật dâng cúng ông bà vào dịp lễ Sêne Đolta phong phú
hơn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Sơn, ông Nguyễn Văn Cảnh cũng cho
biết đạt được kết quả này, ngoài việc được hỗ trợ từ các chính sách của Đảng và
Nhà nước như Quyết định, 74, 167, 102… của Chính phủ giúp cho các đối tượng
thuộc diện hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống còn là sự vào cuộc của
các ngành, đoàn thể ở địa phương; trong đó, vai trò Hội phụ nữ và Hội nông dân
thể hiện rõ nhất. Bên cạnh đó, ý thức tiết kiệm, sự cần cù chịu khó, tự vươn lên
của các đối tượng thuộc diện hộ nghèo cũng có vai trò rất lớn trong công tác
giảm nghèo ở địa phương./.
Huy Hoàng
(TTXVN)