Thứ Hai, 30/9/2024
Thế giới
Thứ Năm, 13/9/2012 12:14'(GMT+7)

Đồng cân, đồng lạng, đồng cơ hội

1.Khi hai đại hội của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã trôi qua, đề cử xong những ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào đầu tháng 11 tới, giờ là lúc có thể bình tâm phân tích về tương quan lực lượng giữa hai đấu thủ đồng cân đồng lạng, đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama và ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu thống đốc bang Massachusetts, ông Mitt Romney.

Giả sử như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã diễn ra vào mùa hè vừa qua thì hẳn là ông B.Obama hầu như đã có cơ hội rất lớn để ở lại làm việc trong phòng Bầu dục của Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa. Kết quả những cuộc thăm dò dư luận cho thấy, cho tới tận mùa hè 2012, đa số những người Mỹ được hỏi ý kiến đã bày tỏ quan điểm ủng hộ ông B.Obama.

Một khía cạnh khác cũng cho thấy một kết quả tương tự, nếu xét đến yếu tố là trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, việc gây được quỹ bầu cử nhiều hay ít thường đóng vai trò quyết định đến chuyện thành bại của một ứng cử viên trong cuộc chạy đua tốn kém rất nhiều tiền của này.

Cho đến mùa hè vừa qua, ông B.Obama vẫn còn hơn ông Mitt Romney về việc vận động đóng tiền cho quỹ tranh cử của mình; nhưng kể từ đó cho đến nay, nhà triệu phú 65 tuổi đại diện cho đảng Cộng hòa đã đảo ngược tình thế, vượt lên trước đương kim Tổng thống về số tiền mặt góp vào quỹ tranh cử.  

Cũng như sẽ thật ngây thơ nếu như tin vào những con số thăm dò dư luận ở thời điểm hiện tại để có thể đoán định được ai sẽ là ông chủ Nhà Trắng sau thời điểm tháng 11 tới; lại càng rủi ro hơn nhiều nếu chỉ căn cứ vào những kết quả thăm dò dư luận để vạch ra phương hướng cũng như chiến lược, sách lược tranh cử.

Những kết quả nghiên cứu của các chuyên gia vận động bầu cử đã rút ra kết luận rằng, có tới khoảng 90% dân Mỹ quyết định lựa chọn người sẽ dẫn dắt nước Mỹ trong 4 năm tới dựa vào 4 tiêu chí chính: Việc làm; thâm thủng ngân sách; chăm sóc y tế; an ninh xã hội.

 2.Nếu xét trên khía cạnh việc làm thì tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức từ 8% đến 8,5% thời gian qua là bất lợi lớn nhất cho Tổng thống đương nhiệm B.Obama. Cho dù đó là mức thấp nhất trong vòng ba năm nhưng vẫn là quá cao với khoảng 23 triệu người Mỹ không có công ăn việc làm. Đối thủ của ông B.Obama, ông Mitt Romney đã nhấn vào điểm bất lợi này khi ở đại hội đề cử của đảng Cộng hòa, hứa hẹn sẽ tạo ra thêm 12 triệu việc làm nếu như trở thành ông chủ Nhà Trắng vào tháng 11 tới.

Nhưng điều đáng nói là nhiều cử tri Mỹ lại cho rằng, chính các gói kích thích tài chính mà chính quyền của ông B.Obama thực hiện trong nhiệm kỳ qua để cứu trợ hệ thống ngân hàng, đã hạn chế bớt tình trạng thất nghiệp, lẽ ra còn tồi tệ hơn. Câu hỏi đặt ra là, nếu như một ứng cử viên của đảng Cộng hòa trở thành Tổng thống và những người Cộng hòa chiếm ưu thế trong Quốc hội, liệu những gói kích thích kinh tế như thế có dễ dàng được thông qua không? Câu trả lời có lẽ là không!

Con số thâm hụt ngân sách lên đến 16.000 tỷ USD và sẽ còn tăng cao cũng là một điểm mà ứng cử viên của đảng Cộng hòa xoáy vào để cho cử tri Mỹ thấy sự “lỏng lẻo” trong chính sách tài chính của chính quyền Tổng thống B.Obama. Nhưng, giải quyết hiện trạng này như thế nào thì hai ứng cử viên lại đi theo hai hướng khác nhau.

Ông B.Obama chủ trương điều chỉnh khoảng cách thu nhập giữa các thành phần trong xã hội (nôm na là đánh thuế nhiều hơn vào người giàu trong khi không cắt giảm chi tiêu của Liên bang dành cho tầng lớp nghèo), đồng thời không coi chi tiêu quốc phòng là “vùng cấm” không thể đụng chạm tới khi cắt giảm các khoản chi tiêu nhằm vực dậy nền tài chính của nước Mỹ.

Trong khi đó, ông Mitt Romney lại chủ trương cắt giảm thuế, cắt giảm chi tiêu liên bang và các chương trình an sinh xã hội. Ông cũng chủ trương tăng ngân sách quốc phòng của nước Mỹ lên 2,1 nghìn tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới, một chính sách rõ ràng trái ngược với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách. Vả lại, người ta cũng tự hỏi là làm sao có thể đồng thời vừa giảm thuế mà lại làm giảm thâm hụt ngân sách?     

Chương trình sách cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe của ông B.Obama là một trong những điểm mâu thuẫn cơ bản giữa những người Dân chủ và Cộng hòa trong suốt thời gian qua và nó cũng sẽ là “quyết chiến điểm” của hai ứng cử viên. Do hệ thống bầu cử “đại cử tri” của nước Mỹ, các cử tri nhà giàu, những người sẽ chịu thiệt thòi do chương trình cải cách của ông B.Obama, sẽ có cơ hội tác động đến lá phiếu đại cử tri và đó có thể là một lợi thế của ông Mitt Romney.

Cuối cùng, người Mỹ có quyền tự hỏi là liệu họ đã cảm thấy an toàn hơn trên đất nước mình, 11 năm sau vụ khủng bố 11-9? Đây là một điểm cộng rất lớn cho ông B.Obama khi vào tháng 5 năm ngoái, lính biệt kích hải quân Mỹ đã đột nhập và bắn hạ trùm khủng bố Bin Laden trong một căn nhà bí mật ở ngoại ô thủ đô Islamabad của Pakistan. Người ta vẫn chưa quên rằng, sau khi phát động cuộc chiến ở Afghanistan, trong vòng 7 năm còn lại ở hai nhiệm kỳ của một Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, ông G.Bush, Mỹ đã không tài nào đạt được mục tiêu “lấy đầu” của thủ lĩnh Al Qaeda!

3. Từ trước tới nay, các chính sách đối ngoại chưa bao giờ đóng vai trò quyết định ai sẽ trở thành người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Hãy nhớ lại Tổng thống Mỹ H.Truman sau chiến tranh thế giới thứ hai và Tổng thống G.Bush (cha) sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Họ đều là những người bước ra khỏi các cuộc chiến tranh với tư thế người chiến thắng, nhưng đã bước ra khỏi cuộc bầu cử với tư cách của kẻ chiến bại!  

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ hiện nay, bằng cách này hay cách khác, các vấn đề đối ngoại cũng sẽ tác động đến kết quả bầu cử!

Đương kim Tổng thống B.Obama đã giành điểm lợi thế khi thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử cách đây 4 năm, đó là rút quân khỏi Iraq và bắt đầu thực hiện việc dần rút quân khỏi chiến trường Afghanistan. Tuy nhiên, có hai hồ sơ quan trọng sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến kết quả bầu cử, đó là quan hệ với Trung Quốc và xử lý cuộc xung đột tiềm ẩn giữa Israel và Iran.

Ông Mitt Romney không giấu giếm quan điểm sẽ “cứng rắn” với Trung Quốc, đặc biệt trên lĩnh vực tiền tệ, tài chính, một khi ông trở thành chủ nhân Nhà Trắng sau cuộc bầu cử Tổng thống tới. Quan điểm này sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của một bộ phận cử tri bảo thủ, vốn lo ngại về sự lớn mạnh và sức cạnh tranh của nền kinh tế trỗi dậy mạnh mẽ ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tuy nhiên, về mặt này, Tổng thống đương nhiệm B.Obama cũng không có sự khác biệt lớn với đối thủ của ông. Người ta ghi nhận rằng, dưới thời chính quyền của ông B.Obama, số vụ kiện tụng thương mại liên quan đến Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với dưới thời của Tổng thống G.Bush!  

Cái khó hơn cả với Tổng thống B.Obama chính là xử lý tình trạng căng thẳng giữa Israel với Iran, mà chính xác hơn là ngăn không để Israel “qua mặt” Mỹ đánh đòn phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Một khi chiến tranh nổ ra, giá dầu tăng cao thì đó sẽ là một thảm họa với nền kinh tế Mỹ, cũng là thảm họa với chiến dịch tranh cử của ông B.Obama.   

Bởi thế nên đảng Dân chủ đã có một động tác “rút củi đáy nồi”, trong đại hội đề cử ông B.Obama làm ứng cử viên của đảng, đã tuyên bố ủng hộ Jerrusalem là thủ đô của Israel! Người Palestine có thể phẫn uất, nhưng họ đành phải chờ đến sau cuộc bầu cử thôi!

4.Sau những chiêu trò ầm ĩ ở hai đại hội đề cử của đảng Dân chủ và Cộng hòa, hai ứng cử viên bây giờ mới thực sự bước vào cuộc chiến. Nền chính trị Mỹ thường bị ảnh hưởng bởi những lời diễn thuyết hùng hồn trước khi chúng biến thành thực tế (hầu hết các Tổng thống Mỹ đều là những người diễn thuyết cực giỏi, có sức thu hút, dẫn dụ đám đông quần chúng), thế nên ba cuộc tranh luận trực tiếp giữa các ứng cử viên diễn ra vào tháng 10 tới sẽ đóng một vai trò mang tính quyết định đến cơ hội của mỗi bên.

Trong các cuộc tranh luận đó, những điểm chính, mặt mạnh, mặt yếu trong cương lĩnh tranh cử của hai bên sẽ được bộc lộ.

Chỉ đến khi ấy, cử tri Mỹ mới có thể quyết định, họ mong muốn ai sẽ là người lèo lái nước Mỹ trong 4 năm tiếp theo. 

QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất