Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Sáu, 7/4/2017 17:18'(GMT+7)

Đồng chí Lê Duẩn – Nhà tư tưởng lỗi lạc của Đảng

Trong lịch sử Đảng ta, dân tộc ta, đồng chí Lê Duẩn là nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng Cộng sản Việt Nam, của dân tộc Việt Nam! Điếu văn do Tổng Bí thư Trường Chinh đọc tại lễ truy điệu đồng chí Lê Duẩn đã đánh giá: “Đồng chí Lê Duẩn đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng hình ảnh của đồng chí sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Lịch sử nước ta mãi mãi khẳng định công lao to lớn và cống hiến xuất sắc của Đồng chí. Tấm gương của Đồng chí mãi mãi tỏa sáng”. 

Ba sự kiện vĩ đại, ba mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc ta trong thế kỷ XX đó là: Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Tiến hành các cuộc chiến tranh cách mạng, đánh thắng những thế lực xâm lược hung bạo nhất, bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc - với những chiến công vĩ đại này Việt Nam trở thành biểu tượng của lương tri của nhân loại; Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì một nước Việt Nam hùng cường, dân giàu nước mạnh dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng là những trang sử chói lọi nhất của lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc! Đồng chí Lê Duẩn là một trong những người mà toàn bộ cuộc đời của mình không chỉ gắn liền với những sự kiện đó mà còn là một trong những người có công lao to lớn và cống hiến xuất sắc trên cương vị lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX!

Xuất thân từ một gia đình lao động có truyền thống yêu nước, đồng chí Lê Duẩn đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 21 tuổi, đồng chí gia nhập Hội Thanh niên cách mạng và năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, đồng chí là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1937, là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ và năm 1939, là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Năm 1940, bị địch bắt và kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo. Năm 1945, cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng chính phủ đón đồng chí Lê Duẩn về đất liền tham gia cuộc kháng chiến ở Nam bộ.  Năm 1946, ra Hà Nội, đồng chí làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần cùng Trung ương chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuối năm 1946, đồng chí được Bác Hồ và Trung ương cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Năm 1951, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Xứ ủy rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, đồng chí Lê Duẩn chủ trì xây dựng Đề cương cách mạng miền Nam, để lãnh đạo phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam. Giữa năm 1957, Trung ương cử đồng chí lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Hồ Chủ tịch. Trong thời gian này đồng chí Lê Duẩn được giao chuẩn bị Nghị quyết về đường lối giải phóng miền Nam, Hội nghị Trung ương 15 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết này. Từ năm 1960 đến năm 1986, đồng chí Lê Duẩn là Bí thư thứ nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Lê Duẩn, chúng ta thành kính tưởng nhớ tới một chiến sỹ tiền bối thuộc lớp đầu tiên của Đảng, một trong những học trò xuất sắc và gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà lãnh đạo, Nhà tư tưởng lỗi lạc, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Điếu văn tại Lễ truy điệu đồng chí Lê Duẩn khẳng định “Là một nhà mácxít - Lêninnít chân chính, đồng chí Lê Duẩn luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp”. 

Được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng trên cả ba miền của đất nước, trải qua những thăng trầm và những thời điểm bước ngoặt của tiến trình cách mạng Việt Nam, với bản lĩnh của một lãnh tụ, với tư duy độc lập, sáng tạo gắn chặt với tổng kết thực tiễn, dưới sự chủ trì của Bác Hồ vĩ đại, đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần rất quan trọng trong việc hình thành đường lối, chiến lược cách mạng đúng đắn của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ, trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những cống hiến của đồng chí Lê Duẩn trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt Nam nổi bật lên là những đóng góp xuất sắc của đồng chí trong  việc hình thành những tư tưởng chiến lược chủ yếu của Đảng ta. Đó là:

(1) Tư tưởng dám đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ. Quyết tâm chiến lược này thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc đồng thời là kết quả của tư duy cách mạng, khoa học, sáng tạo trong đánh giá đúng tương quan lực lượng, năng lực lãnh đạo và biết tổ chức khởi sự, biết điều khiển tiến trình và biết kết thúc chiến tranh đúng lúc và có lợi nhất.
(2) Tư tưởng chiến lược tiến công và nghệ thuật đánh thắng từng bước, đánh bại từng âm mưu, đánh đổ từng bộ phận tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Tư tưởng chiến lược này là sản phẩm của sự kế thừa và tiếp tục bản chất cách mạng của học thuyết mác xít về cải tạo thế giới, đồng thời kế thừa và nâng lên đỉnh cao nghệ thuật truyền thống của một dân tộc nhỏ trong lịch sử đã luôn phải đương đầu và đánh thắng những tên đế quốc xâm lược hung bạo. Quan điểm sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị và vũ trang, với hai hình thức đấu tranh cơ bản: đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự.
(3) Tư tưởng chiến lược đánh địch và thắng địch bằng sức mạnh tổng hợp. Đó là sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, sức mạnh của cả nước đánh giặc, sức mạnh của ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội gắn chặt với sức mạnh của ba dòng thác cách mạng của thời đại. Sức mạnh tư tưởng chiến lược đánh địch trên ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao; trên ba mũi giáp công: Chính trị, quân sự, binh vận.

Những quan điểm tư tưởng chiến lược này đã được thể hiện trong đường lối cách mạng dân tộc dân chủ và đường lối kháng chiến của Đảng ta. Chính sự đúng dắn của đường lối này là nhân tố quan trọng hàng đầu để dân tộc ta lập nên những chiến công lịch sử có ý nghĩa thời đại trong thế kỷ XX.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa – một sự nghiệp vĩ đại nhất chưa có tiền lệ trong lịch sử, đồng chí Lê Duẩn đã có những cống hiến to lớn trong việc hình thành những quan điểm tư tưởng cơ bản của đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đó là:

(1) Tư tưởng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sự kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là điều căn cốt, bản chất nhất trong đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam. Độc lập và thống nhất là điều kiện tiên quyết để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là con đường đảm bảo chắc chắn cho độc lập, thống nhất.

(2) Tư tưởng nắm vững chuyên chính vô sản, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng tư tưởng văn hóa, trong đó cách mạng khoa học – kỹ thuật là then chốt, nhằm xây dựng chế độ mới – chế độ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế mới – nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa.

(3) Quan niệm về thực chất của chuyên chính vô sản là quyền làm chủ của nhân dân lao động mà nòng cốt là khối liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân thông qua nhà nước – một nhà nước do chính nhân dân lập ra và tự mình nắm quyền điều khiển. Đó là chế độ làm chủ của nhân dân mà Cương lĩnh năm 1991 của Đảng đã khẳng định đây là đặc trưng bao trùm của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng. Đó là chế độ làm chủ trên cả ba mặt: làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân. Chế độ làm chủ đem lại cho nhân dân ba công cụ mạnh nhất: quyền lực chính trị, sức mạnh của kinh tế, khoa học kỹ thuật và sức mạnh của tư tưởng – văn hóa. Chế độ làm chủ kết hợp được sức mạnh của cả ba cấp làm chủ: cả nước, địa phương và cơ sở đồng thời kết hợp được hài hòa cả ba lợi ích: lợi ích toàn xã hội là lợi ích tối cao, lợi ích của tập thể là rất quan trọng và lợi ích cá nhân người lao động là động lực trực tiếp thúc đẩy lao động sáng tạo. Kết hợp hài hòa ba lợi ích sẽ tạo nên động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chế độ làm chủ vừa phát huy sức mạnh của cả cộng đồng vừa phát huy sức mạnh của từng cá nhân được giải phóng. Quan điểm về cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt cơ chế vận hành của hệ thống chính trị ở nước ta nhằm mục tiêu thực hiện quyền làm chủ thực sự của nhân dân.

(4) Quan niệm về thời kỳ quá độ, bước đi ban đầu, chặng đường đầu tiên và nhiệm vụ lịch sử của chặng đường này.

Quan điểm về công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ và nhiệm vụ chủ yếu của công nghiệp hóa trong chặng đường đầu tiên là đưa nông nghiệp lên một bước sản xuất lớn.

Tư tưởng chiến lược về tranh thủ thời gian nhằm xây dựng những cơ sở vật chất kỹ thuật trọng yếu, nhằm từng bước hình thành nền kinh tế độc lập, tự chủ. Chính từ những tư tưởng chỉ đạo này mà trong thập niên 70-80 của thế kỷ XX dù phải đương đầu với bao vây cấm vận của kẻ thù, dù phải dồn sức khắc phục hậu quả chiến tranh, đất nước ta vẫn dành một phần rất quan trọng để xây dựng những công trình quan trọng về dầu khí, khai khoáng, sắt thép, điện, xi măng, cơ khí, phân bón, vải, giấy. Từ đó đã ra đời các công trình thủy lợi Kẻ Gỗ, Dầu Tiếng, thủy điện Sông Đà, Trị An, nhiệt điện Phả lại, xi măng Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, đóng tàu Bạch Đằng, dầu khí Vietsovpetro…ngày nay vẫn đang phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Những quan điểm tư tưởng về duy trì nhiều thành phần kinh tế ở miền Nam trong Nghị quyết Trung ương 24 khóa III (9-1975) đến quan điểm chỉ đạo làm cho sản xuất bung ra để giải phóng lực lượng sản xuất trong Nghị quyết Trung ương 6 khóa IV (năm 1979), đến chủ trương khoán sản phẩm cho người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp (Chỉ thị 100 của Ban Bí thư khóa IV – 1981)…
Rất tiếc trong chỉ đạo thực tiễn Nghị quyết Trung ương 24 và Nghị quyết Trung ương 6 chưa được thực hiện tích cực do mắc những sai lầm, như Đại hội VI đã kiểm điểm là nóng vội, chủ quan, duy ý chí…nhưng những quan điểm của các nghị quyết này thực sự là những quan điểm có ý nghĩa mở đầu cho việc hình thành đường lối đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là những cánh én báo hiệu “Mùa xuân Đổi mới” rực rỡ của đất nước ta hôm nay.

Trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của mình từ khi tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1928), đến khi trở thành người đảng viên cộng sản (1930), Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ, đến khi là Bí thư thứ nhất, rồi Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn luôn luôn coi trọng lãnh đạo công tác tư tưởng – nhiệm vụ lãnh đạo quan trọng hàng đầu của Đảng.

Gần 60 năm hoạt động cách mạng là gần 60 năm đồng chí Lê Duẩn nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; gần 60 năm say mê suy nghĩ, tìm tòi, trăn trở để trả lời cho được những vấn đề bức xúc do cuộc sống đặt ra trên tinh thần tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Đồng chí Lê Duẩn đã dành nhiều công sức cho xây dựng đường lối chính trị đúng đắn, kết hợp công tác tư tưởng với công tác tổ chức, nâng cao tính tiên phong, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong từng giai đoạn.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí Lê Duẩn luôn coi việc xây dựng và phát triển văn hóa và con người là nhiệm vụ trọng yếu. Vì văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng chí Lê Duẩn dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam, truyền thống dân tộc Việt Nam. Đồng chí đã khái quát được những luận điểm chủ yếu về văn hóa và con người Việt Nam.

Ngày nay suy ngẫm những luận điểm của đồng chí Lê Duẩn về văn hóa con người Việt Nam nêu ra trong thập kỷ 50, 60, 70 của thế kỷ XX chúng ta càng thấm thía tầm tư duy vượt trước, chính vì thế những luận điểm tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn về văn hóa và con người Việt Nam vẫn còn nguyên tính thời sự.

Trong tác phẩm: Lê Duẩn – một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam (NXB Chính trị quốc gia, 2001, tr 128) đã bước đầu khái lược 6 luận điểm của đồng chí Lê Duẩn về văn hóa và con người Việt Nam.

Về quan niệm văn hóa: Văn hóa là nhu cầu thiết yếu của con người, của cộng đồng, dân tộc. Con người không chỉ sống bằng miếng cơm manh áo, mà còn có đời sống tình cảm, đời sống văn hóa, những cái đó gắn liền với dân tộc. Văn hóa biểu hiện sự gắn bó giữa người với người, làm cho con người hiểu kỹ con người làm nẩy nở những tình cảm tốt đẹp của con người trong lao động cải tạo thiên nhiên, cải tạo xã hội

Về mục đích xây dựng văn hóa: Chúng ta xây dựng một xã hội văn hóa cao. Nền văn hóa của  xã hội ta là nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc. Đó là nền văn hóa hướng tới con người, hướng tới nhân dân văn hóa tôn trọng cái riêng và nhân cách văn hóa của con người. Văn hóa phải góp phần xây dựng con người của chế độ mới yêu lao động, giàu tình thương, biết trọng lẽ phải, nhận thức được chân lý. Phải biến mọi giá trị văn hóa thành tài sản của nhân dân và làm cho nhân dân trở thành người sáng tạo trực tiếp ra mọi giá trị văn hóa, đồng thời là người được hưởng thụ mọi giá trị văn hóa.

 Về quan hệ kinh tế và văn hóa: sức mạnh kinh tế không thể tách rời sức mạnh văn hóa, sức mạnh con người. Sức mạnh của văn hóa, của con người phải được hiện thực hóa trong sức mạnh kinh tế.

Về kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc: Người Việt Nam có lòng yêu nước thiết tha, có tinh thần dân chủ, bình đẳng trong quan hệ giữa người với người. Thương nước, thương nhà, thương người, thương mình, và truyền thống đậm đà của nhân dân ta, là tình cảm lớn làm nên vẻ đẹp của con người, lối sống và văn hóa Việt Nam. Tinh hoa ấy, tình thương ấy phải được bồi dưỡng và nâng lên.

 Về văn học, nghệ thuật: Công tác tư tưởng, văn hóa không chỉ nắm lý luận mà phải biết gắn với tình cảm, cho nên văn học, nghệ thuật đóng vai trò quan trọng. Tình cảm phải thông qua nghệ thuật để xây dựng. Nghệ thuật sáng tạo trên cơ sở vận dụng quy luật riêng của tình cảm. Đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh sự cần thiết phải nhận thức sâu sắc lời căn dặn của V.Lê nin: với sự nghiệp sáng tạo văn học, nghệ thuật, phải đảm bảo phạm vi rộng lớn hơn cho sáng kiến cá nhân, khuynh hướng cá nhân và sức tưởng tượng, cho nội dung và hình thức.

Về một nền văn hóa tương lai: Trong những năm cuối đời đồng chí Lê Duẩn luôn đau đáu trăn trở, suy nghĩ tìm tòi mô hình thể chế, thiết chế văn hóa phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa sau này. Trong hiện tại, văn hóa phải bồi dưỡng, hoàn thiện những phẩm chất cơ bản của con người Việt Nam: Yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải, để con người có thể từng bước làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân tiếp cận và chiếm lĩnh được cái đúng, cái tốt, cái đẹp của cuộc sống. Theo đồng chí Lê Duẩn: làm chủ tập thể chính là cái đúng, cái tốt, cái đẹp cao nhất mà con người đang vươn tới trong thời đại mới!

Trong lịch sử Đảng, cũng như lịch sử dân tộc chưa có thời kỳ nào công tác tư tưởng - lý luận giữ một vị trí quan trọng hàng đầu với những hoạt động sôi nổi và hiệu quả như trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sự lãnh đạo và chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn trên mặt trận này đã để lại cho Đảng ta những bài học quý. Đồng chí luôn luôn đặt công tác chính trị, tư tưởng lên vị trí hàng đầu. Thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, song có đường lối đúng và sự thống nhất về chính trị tư tưởng, sự thống nhất ý chí và hành động quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân là nguyên nhân trực tiếp và cơ bản nhất.

Đồng chí Lê Duẩn nói: Ta nói công tác tư tưởng đi đầu là vì “khi con người làm việc gì thì họ phải có ý nghĩ về việc đó, phải có lý luận về việc đó, phải có quan điểm, lập trường về vấn đề đó”. Đồng chí lưu ý rằng, trong công tác tư tưởng cần phải hiểu đúng mối quan hệ giữa quy luật khách quan với tính năng động chủ quan. “Trong khi làm công tác tư tưởng, nếu chúng ta cường điệu tác dụng của tư tưởng, cho tư tưởng là vạn năng…thì dễ đi vào duy tâm; ngược lại, nếu chúng ta không thấy tính chủ động của tư tưởng, vai trò quan trọng của tư tưởng…thì sẽ rơi vào duy vật máy móc”.

Về nhiệm vụ của công tác tư tưởng – lý luận, theo đồng chí Lê Duẩn, phải bám sát những nhiệm vụ chính trị mà Đảng đã đặt ra, lấy việc hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội Đảng đã đề ra làm nhiệm vụ cơ bản của mình, Đồng chí đã chỉ ra những tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng là “Ba được”: được việc, tức là hoàn thành nhiệm vụ chính trị; được người, là mọi người đều trưởng thành; được tổ chức, là các tổ chức trong sạch, vững mạnh.

Về phương pháp và nghệ thuật đánh giá tư tưởng, đồng chí chỉ rõ: Phải biết đón đúng tầm”, nghĩa là khi nhận xét, đánh giá công khai tư tưởng của đối tượng không nên đánh giá bằng cái anh ta có, sẽ làm anh ta thấp đi; mà phải nâng anh ta lên đúng tầm, sẽ cổ vũ anh ta vươn lên.

Về công tác lý luận, hình thái quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng. Đồng chí Lê Duẩn nhắc nhở cán bộ đảng viên nhất là các nhà nghiên cứu lý luận: “chỉ khi nào chúng ta độc lập và sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn đất nước, từ lợi ích của dân tộc lúc ấy chúng ta mới thành công. Lúc nào chúng ta lệ thuộc, giáo điều, sao chép của người ta, lúc ấy cách mạng phải trả giá nặng nề; những người làm công tác lý luận càng không được quên điều đó, vì lý luận rất dễ giáo điều, sao chép” “vì chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”.

Biểu hiện rõ nét của đồng chí Lê Duẩn về tư duy độc lập và sáng tạo không sao chép lệ thuộc, đó là suy nghĩ, là tư duy của Lê Duẩn về nội hàm quan trọng hàng đầu của văn hóa là tư tưởng chính trị đạo đức, lẽ sống – là lý tưởng của người cộng sản thể hiện tập trung trong cặp phạm trù tình thương và lẽ phải. Tình thương ở đây là thương nước, thương nhà, thương người, thương mình; lẽ phải ở đây, chân lý ở đây là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người để mọi người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân. Thiết lập chế độ làm chủ toàn diện trên đây là phát huy được sức mạnh của cả cộng đồng và sức mạnh của từng cá nhân được giải phóng!

Về sự phối hợp giữa công tác văn hóa – nghệ thuật với công tác tư tưởng – lý luận cũng như về nghệ thuật trong công tác tư tưởng – lý luận, đồng chí Lê Duẩn đã có những chỉ dẫn hết sức quý báu. Đồng chí nói: “Công tác tư tưởng không phải chỉ nắm lý luận không thôi, mà phải biết gắn tình cảm với lý luận…Vì tình cảm phải thông qua nghệ thuật mới xây dựng nên được …Thường thường, triết học giải quyết về lý trí, nghệ thuật xây dựng tình cảm, cả hai đều nhất trí với nhau thì mới giải quyết được vấn đề tư tưởng”. Đồng chí còn chỉ rõ: để nhận thức sự vật, con người cần lý trí, để hành động con người phải có tình cảm. Do đó đồng chí lưu ý phải gắn chặt giáo dục dường lối, chính sách với bồi dưỡng tình cảm cách mạng.

Về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng đối với công tác tư tưởng, đồng chí Lê Duẩn chỉ ra rằng, các đồng chí Bí thư, Phó bí thư phải trực tiếp “nắm Ban Tuyên huấn” (nay là Ban Tuyên giáo), phải xem công tác tư tưởng – lý luận là một mặt quan trọng đặc biệt của công tác lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp.

Đồng chí Lê Duẩn còn lưu ý rằng, Đảng phải hết sức quan tâm đến công tác cán bộ và các tổ chức làm công tác tư tưởng – lý luận. Đây là yếu tố quan trọng để bảo đảm cho công tác tư tưởng – lý luận hoàn thành được trọng trách của mình. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Duẩn không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng lý luận, mà đồng chí còn là tấm gương cao cả của nhà lý luận, nhà tư tưởng lỗi lạc. Đồng thời, đồng chí còn là nhà tuyên truyền, cổ động tài giỏi có sức thuyết phục và cổ vũ mãnh liệt.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ những quan điểm cách mạng sáng tạo của chủ nghĩa Mác – Lênin thông qua thực tiễn của cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tinh thần chủ động sáng tạo của Đảng ta trong bối cảnh tranh luận rất phức tạp của các đảng anh em trong những năm 60,70; cùng với Bác Hồ, Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn đã có đóng góp không nhỏ về tư tưởng, lý luận làm phong phú kho tàng tri thức cách mạng của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế.

Với tất cả những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với tấm gương của một nhà yêu nước lớn, một chiến sĩ quốc tế trong sáng, một tấm gương mẫu mực về lòng tận tụy, trung thành, hy sinh xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đồng chí Lê Duẩn đã đi vào lịch sử như một trong những học trò xuất sắc và gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Lê Duẩn, đối với đội ngũ cán bộ tư tưởng, lý luận chuyên trách của Đảng, cách tốt nhất là cùng với việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần nghiên cứu những di sản tư tưởng – lý luận quý báu của đồng chí Lê Duẩn, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và các lãnh tụ khác của Đảng để tiến hành đổi mới sâu sắc, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng – lý luận, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng./.

PGS,TS Đào Duy Quát
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất