Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Ba, 28/2/2017 21:57'(GMT+7)

Đôi điều tản mạn đầu Xuân

Bính Thân đã qua, Đinh Dậu đã đến. Năm mới, người ta thường suy ngẫm về quá khứ, ngưỡng vọng về tương lai.

Bính Thân để lại biết bao nỗi trăn trở về thời cuộc, trong đó chứa đựng những điều bất định, bất an. Có thể nói, ít có năm nào lại xảy ra lắm tai ương như năm qua: nào là hạn hán vắt kiệt nước tới mức nhiều lòng sông suối ở nhiều vùng rộng lớn trơ đáy; xâm nhập mặn lấn sâu vào nhiều tỉnh ở đồng bằng Nam Bộ; lũ lụt nhấn chìm đồng ruộng, nhà cửa nhiều tỉnh miền Nam Trung Bộ. Đó là chưa kể thảm họa môi trường quét dọc bờ biển 4 tỉnh Bắc Trung Bộ làm cho hàng triệu người dân điêu đứng. Hơn thế nữa, chỗ dựa quan trọng của kinh tế nước ta là dầu thô tiếp tục rớt giá, giá trị xuất khẩu không được như trông đợi do sức mua của thị trường thế giới uể oải. An ninh khu vực và thế giới đứng trước nhiều thách thức mới cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trong bối cảnh bất định, bất an như vậy, “con cá kinh tế Việt Nam” đã gồng mình vượt vũ môn, thu lượm được không ít thành quả đáng ghi nhận. Tuy tổng sản phẩm nội địa (GDP) không đạt mức dự kiến nhưng vẫn ở mức khá cao trong khu vực. “Chủ bài” của kinh tế Việt Nam là nông nghiệp phát triển âm trong những tháng đầu năm song cuối năm vẫn đạt mức tăng trưởng dương ít nhiều; đầu tư nước ngoài, dự trữ ngoại tệ tăng cao; giá cả, tỷ giá ổn định...

Ngoài những kết quả được thể hiện qua các con số, điều quan trọng hơn là Bính Thân đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những hiểm họa đối với sự phát triển trong dài hạn. Góc nhìn của mỗi người khác nhau, riêng trong đầu tôi quẩn quanh ba điều day dứt liên quan tới yêu cầu phát triển bền vững, đó là tai họa môi trường, các vấn đề xã hội và nhu cầu phát triển nội lực - những hạn chế bộc lộ khá rõ nét trong năm Bính Thân.

Nhân định không bằng thiên định. Thiên tai vốn là chuyện của trời. Điều đó đã, đang và sẽ đúng. Tuy nhiên thực tế cho thấy không hẳn như vậy. Trước đây người ta cứ nghĩ biến đổi khí hậu là chuyện xa vời mà các nhà khoa học tưởng tượng ra. Nay mới vỡ lẽ, nó không chỉ “gõ cửa” mà đã ập tới và đang hoành hành ở khắp mọi nơi. Không may nước ta lại là một trong những quốc gia chịu trận nặng nhất.

Những tai ương do biến đổi khí hậu có phần nguyên nhân không nhỏ từ con người gây ra. “Con người” nói ở đây không chỉ liên quan tới “loài người” nói chung mà liên quan tới sự hành xử của chính chúng ta, trên mảnh đất hình chữ “S” của mình. Đó là những tệ nạn đã có từ lâu, nhất là trong cuộc rượt đuổi với yêu cầu tăng trưởng: phá rừng tràn lan, xây đập khắp nơi, phát triển đủ loại xí nghiệp lớn, bé gây ô nhiễm trầm trọng, bất chấp hệ lụy về môi trường... Gần đây, nhất là sau sự cố mang tên Formosa, lời khẳng định “quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng” thường xuyên được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc. Dân ta có câu “mất bò mới lo làm chuồng”, khẳng định trên được đưa ra có phần muộn màng nhưng muộn còn hơn không. Song điều cốt yếu là hành động, hành động không chỉ vì lợi ích của các thế hệ mai sau mà vì lợi ích sống còn của thế hệ hôm nay!

Điều thứ hai đáng suy ngẫm là, từ rất sớm, Đảng ta đã nhấn mạnh yêu cầu gắn tăng trưởng kinh tế với việc chăm lo các vấn đề xã hội. Không ít nỗ lực đã được thực hiện theo hướng này, song xem ra chưa “đủ độ”, nên ngày nay, nỗi ưu phiền, bất an của người dân xoay quanh các vấn đề xã hội còn nặng nề hơn cả những lo lắng về sự phát triển kinh tế. Đó là sự phân cực giàu-nghèo quá mức giữa các tầng lớp dân cư; là nạn ô nhiễm môi trường sinh thái, kể cả ô nhiễm tiếng ồn, bụi bặm; là tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tràn lan và sự nảy sinh đủ loại dịch bệnh; là tai nạn và sự ách tắc giao thông trầm kha; là những bất cập kéo dài về giáo dục, y tế; là tội phạm và sự suy đồi xã hội; rồi tệ nạn tham nhũng và tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống len vào hệ thống chính trị...

Những vấn đề ấy diễn ra không chỉ ở nước ta mà là tai họa chung đối với mọi quốc gia, là sự thể hiện những mặt trái của thể chế kinh tế thị trường tự do, là hệ lụy của cuộc chạy đua khốc liệt để tăng trưởng bằng mọi giá, làm cho các tầng lớp xã hội hết sức bức xúc. Những biểu hiện của “chủ nghĩa dân túy” bộc lộ rõ nét trong thời gian gần đây ở cả phương Tây lẫn phương Đông phản ánh những tâm tư loại này của người dân.

Có lẽ, bên cạnh khẳng định “không đánh đổi nạn ô nhiễm môi trường lấy phát triển” nên bổ sung thêm: “không đánh đổi sự bất an xã hội lấy phát triển”, vì sự bất an xã hội rất dễ biến thành sự bất an chính trị. Điều thứ ba cần để tâm tới là mối quan hệ giữa “nội lực” và “ngoại lực”. Từ lâu, Đảng ta đã nhấn mạnh “nguồn lực trong nước là quyết định”, “nguồn lực từ bên ngoài là quan trọng”. Hội nhập kinh tế quốc tế đã đem lại không ít mối lợi nhãn tiền như thị trường mở rộng, xuất khẩu gia tăng, đầu tư nước ngoài đáng kể, hàng triệu công ăn việc làm mới được tạo dựng... Mặt khác, đã nảy sinh không ít biểu hiện cho thấy nguồn nội lực chưa phát huy đúng mức vai trò, trên một số mặt, thậm chí có phần đuối sức, như: sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, năm qua lên tới gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, thị trường nội địa bị lấn sân; nền sản xuất trong nước mang nặng tính gia công và giá trị gia tăng thấp, hễ nền kinh tế thế giới “hắt xì hơi” thì lập tức sản xuất trong nước “xổ mũi, nhức đầu”.

Đất nước đã bước vào năm Đinh Dậu. Điều gì sẽ đón đợi chúng ta? Tất nhiên những gì xảy ra trong Bính Thân sẽ không biến mất vào đêm giao thừa; những gì xảy ra trong năm Đinh Dậu sẽ không lộ diện ngay giữa đêm 30. Thời gian là dòng chảy không ngừng nghỉ, những gì diễn ra trong năm cũ sẽ chảy tiếp trong năm mới. Tuy nhiên, trong một thế giới đang chuyển mình sang một cục diện mới cả về kinh tế lẫn chính trị - an ninh, thậm chí cả về văn hóa - xã hội, về cung cách làm ăn và lối sống thì chúng ta cần chuẩn bị tâm thế đối mặt với nhiều điều bất định, thậm chí bất ngờ, bất an.

Chí ít có thể thấy trước hai điều: Một là, nền kinh tế thế giới và cuộc sống của con người sẽ chịu tác động sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là 4.0 đi đôi với những bất trắc xung quanh cuộc đàm phán cam go về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, được biết tới dưới cái tên Brexit cũng như những biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ mới. Hai là, ở nhiều nước sẽ diễn ra quá trình thay đổi hoặc chuẩn bị thay đổi bộ máy lãnh đạo: ở Mỹ là việc chuyển giao quyền lực giữa ông B.Obama và ông D.Trump, giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa; ở Pháp, Đức và một số nước châu Âu là các cuộc bầu cử nguyên thủ quốc gia hay Quốc hội kéo theo cuộc thay đổi người đứng đầu chính phủ; ở Nga là năm cuối trước cuộc bầu cử năm 2018 và ở Trung Quốc là Đại hội lần thứ XIX; ở Hàn Quốc là cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc; gần nước ta hơn là cuộc bầu cử địa phương ở Campuchia, quá trình kế vị của Nhà Vua và cuộc bầu cử dự kiến ở Thái Lan.

Những diễn biến trên ít nhiều đều gây ra những tác động nhất định về kinh tế, và nước ta không thể không chịu ảnh hưởng nhất định, đặc biệt là các nước kể trên đều là những đối tác hàng đầu của Việt Nam.

Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại, khó có thể dự báo chắc chắn “như đinh đóng cột” được điều gì. Do tình hình ẩn chứa quá nhiều điều bất định nên có lẽ vừa phải theo sát diễn biến, kịp thời đánh giá để liệu bề ứng phó, chủ động bố trí lại công việc trong nước đi đôi với những nỗ lực cài đặt quan hệ quốc tế phù hợp với tình hình và bảo đảm lợi ích cao nhất cho đất nước.

Dù sao đi nữa, trong những ngày đầu xuân, cá nhân tôi muốn chia sẻ cảm nghĩ của mình về đôi điều.

Ngày nay, ở khắp mọi nơi, kể cả ở nước ta, người ta luôn nói tới cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ mấy thì còn tranh luận song dù sao đi nữa nó vẫn đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng lạ thường, đưa tới những biến đổi lạ kỳ, vượt xa cả những chuyện viễn tưởng lãng mạn nhất. Hàng ngày, ta chứng kiến biết bao phát kiến kỳ diệu do những tiến bộ về công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới... đem lại.

Cuộc cách mạng công nghiệp mới này diễn ra trùng khớp với chủ trương của Đảng ta tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây không phải là chủ trương mới mà đã từng được nêu ra tại Đại hội Đảng lần thứ XI, song tiếc rằng, quá trình thực hiện chưa như mong đợi. Ngày nay, trước những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, nếu quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng không được tiến hành rốt ráo, bị những vấn đề ngắn hạn trước mắt lấn lướt thì sự tụt hậu của nước ta với thế giới sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều vì đó sẽ là sự tụt hậu về chất chứ không chỉ về lượng.

Xung quanh câu chuyện này, điều rất đáng trăn trở là ta chọn con đường nào? Gá ngay vào những chiều hướng mới của cuộc cách mạng công nghiệp mới hay lần bước theo con đường của các cuộc cách mạng công nghiệp trước bắt đầu từ giữa thế kỷ XVIII, theo đuổi những ngành kinh tế hao tốn năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và dư thừa trên thị trường thế giới?

Điều trăn trở thứ hai là nền kinh tế nước ra sẽ ra sao một khi chủ nghĩa bảo hộ mới trỗi dậy trên thế giới. Trong khi giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu của nước ta lớn hơn gấp rưỡi giá trị tổng sản phẩm trong nước, đầu tư nước ngoài chiếm hơn 1/2 tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, nợ công, trong đó nợ nước ngoài chiếm trên dưới một nửa lại phải hứng chịu những sự “rung lắc” về lãi suất, tỷ giá trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế.

Một lần nữa chân lý “nội lực là quyết định” lại trỗi dậy, trong bối cảnh quốc tế mới có phần mạnh mẽ hơn. Dự cảm và quyết tâm là một chuyện; điều quan trọng hơn, khó khăn hơn là có sự chuẩn bị tức thời và rốt ráo điều chỉnh cả cơ cấu sản xuất lẫn thị trường, kèm theo các cơ chế, chính sách cụ thể, nếu không sẽ không loại trừ những cú “sốc” bất lợi.

Đón Xuân sang, đáng ra nên trút bỏ những tâm tư nặng nề, vui chén rượu nồng nhưng biết làm sao được, một khi thời thế không cho phép “bình chân như vại”, rong chơi ngày rộng tháng dài. Mong rằng chú gà trống Đinh Dậu sẽ cất cao tiếng gáy, đánh thức mọi người tỉnh dậy, xắn tay ngay vào công việc!

 Vũ Khoan

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất