Thứ Năm, 21/11/2024
Lý Luận
Thứ Sáu, 1/12/2023 6:0'(GMT+7)

Đồng chí Ngô Gia Tự trọn đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tham quan trưng bày chuyên đề “Ngô Gia Tự - Người chiến sỹ Cộng sản lỗi lạc”.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tham quan trưng bày chuyên đề “Ngô Gia Tự - Người chiến sỹ Cộng sản lỗi lạc”.

MỘT NHÀ TRÍ THỨC YÊU NƯỚC ĐẾN VỚI CÁCH MẠNG

Vốn tư chất thông minh, hiếu học nên Ngô Gia Tự thường học rất nhanh và kết quả luôn đứng nhất, nhì lớp. Học xong sơ học yếu lược ở trường huyện Từ Sơn, Ngô Gia Tự lên học trường kiêm bị Kinh Bắc ở thị xã Bắc Ninh, rồi ra Hà Nội theo học trường Bưởi (năm 14 tuổi). 

Trong những ngày học ở trường Bưởi, được tiếp xúc với trào lưu tư tưởng tiến bộ, Ngô Gia Tự đã tham gia tích cực vào các hoạt động của học sinh, sinh viên, hăng hái tham gia phong trào phong trào bãi khoá, biểu tình phản đối chính quyền thực dân, đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Bất chấp thủ đoạn vừa đe dọa đuổi học vừa dụ dỗ của Nha học chính Bắc Kỳ, Ngô Gia Tự quyết tâm từ bỏ con đường cử nghiệp, từ chối một tương lai quan trường vinh thân, phì gia đang rộng mở, kiên quyết đấu tranh chống lại chế độ thực dân, phong kiến. Ngô Gia Tự trở về quê Tam Sơn mở lớp dạy học cho con em trong làng với mục đích tập hợp thanh, thiếu niên để tuyên truyền, giác ngộ tinh thần đấu tranh, giành độc lập tự do cho dân tộc và thường xuyên liên lạc với các bạn bè cùng chí hướng để tìm con đường cứu nước, cứu dân.

Sau khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (6/1925) tại Quảng Châu (Trung Quốc) và cử hội viên về trong nước hoạt động, một luồng sinh khí mới được tạo ra cho phong trào cách mạng nước ta. Với những hoạt động tích cực của mình, cuối năm 1926, Ngô Gia Tự được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đầu năm 1927, Ngô Gia Tự được Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ cử đi dự lớp huấn luyện chính trị tại Bản Đáy (Trung Quốc). Trong thời gian tham gia lớp huấn luyện, Ngô Gia Tự đã không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận, đạo đức cách mạng nhằm trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho hoạt động cách mạng. Từ đây, đồng chí Ngô Gia Tự trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp của cách mạng Việt Nam.

NHÀ LÃNH ĐẠO TÀI NĂNG CỦA ĐẢNG, CÓ NHỮNG ĐÓNG XUẤT SẮC TRONG QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP ĐẢNG

Tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ngay từ những ngày đầu khi Hội thành lập tại Hà Nội, Ngô Gia Tự là một trong những thành viên góp phần rất lớn vào việc phát triển tổ chức Hội, đặc biệt ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Giữa năm 1928, Ngô Gia Tự đã trở thành Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí, phong trào hoạt động, tuyên truyền, đấu tranh, phá hoại địch ở Bắc Ninh, Bắc Giang diễn ra sôi sôi nổi như: Phong trào giải truyền đơn nhân ngày Quốc tế lao động (1/5), ngày chống chiến tranh đế quốc (1/8), ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga…. Ngô Gia Tự thực sự trở thành linh hồn của phong trào cách mạng ở đây.

Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác về đấu tranh giai cấp, với sự hiểu biết sâu sắc tình hình thực tế phong trào đấu tranh công nhân, đồng chí Ngô Gia Tự và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đề xuất chủ trương “vô sản hóa”, từ đó lãnh đạo Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã đi tới quyết định có ý nghĩa lịch sử đối với phong trào và tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, đó là cuộc vận động “vô sản hóa”. Ngô Gia Tự và Nguyễn Đức Cảnh được phân công phụ trách phong trào vô sản hóa. Cuộc vận động thúc đẩy trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, chuyển biến sâu sắc phong trào công nhân cả về lượng và chất, thúc đẩy các điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mau chín muồi. Cũng từ thực tiễn sôi động ấy, Ngô Gia Tự và Ban lãnh đạo Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã nhận ra sự cấp thiết phải thành lập Đảng Cộng sản - một chính đảng của giai cấp công nhân, nhằm đưa phong trào cách mạng trong cả nước tiếp tục phát triển. Ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc Kỳ thống nhất quyết định thành lập ngay một tổ chức cộng sản.

Tháng 3/1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội), Ngô Gia Tự và các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du, Dương Đình Hạc và Nguyễn Tuân họp hội nghị và tuyên bố thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên, mở đầu việc hình thành các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Tại Đại hội Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ, với những luận giải sắc bén, giàu sức thuyết phục được đúc kết từ thực tiễn lãnh đạo phong trào cách mạng theo chủ trương, đường lối của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, Ngô Gia Tự đã quy tụ được ý chí chung của Đại hội, tán thành chủ trương thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Các đại biểu thống nhất giao cho Ngô Gia Tự dẫn đầu đoàn đại biểu đi dự Ðại hội toàn quốc lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để khẳng định chủ trương đó.

Khi nêu vấn đề và yêu cầu đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội toàn quốc lần của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên về việc thành lập Đảng Cộng sản nhưng không được chấp nhận, Ngô Gia Tự đã cùng đoàn Đại biểu Bắc Kỳ đã thoát ly Đại hội ra về. Việc đoàn đại biểu Bắc Kỳ bỏ Đại hội ra về đánh dấu sự phân liệt trong Thanh niên, nhưng thực chất của sự phân liệt đó là: “một sự khủng hoảng của sự trưởng thành trong phong trào công nhân và dân tộc ở Việt Nam”(1).

Về tới Hà Nội, thay mặt đoàn đại biểu đi dự Đại hội ở Hương Cảng, đồng chí Ngô Gia Tự đã thảo Tuyên ngôn giải thích rõ lý do đoàn đại biểu Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ rút khỏi Đại hội, đồng thời kêu gọi công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân Việt Nam ủng hộ việc thành lập Đảng Cộng sản. Tuyên ngôn kêu gọi: “Phải tổ chức ngay Đảng Cộng sản thì mới dẫn đạo cho vô sản giai cấp làm cách mệnh được”(2). Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên (Hà Nội), Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập. Ngô Gia Tự là một sáng lập viên và trở thành một trong bảy ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Ðông Dương Cộng sản Ðảng. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã đưa cách mạng Việt Nam tiến lên một bước mới và lôi cuốn sự ra đời của các tổ chức khác ở trong nước, trước khi hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cũng vào lúc này, hơn 300 công nhân và thợ học việc hãng A-vi-a (Hà Nội) bãi công. Đồng chí Ngô Gia Tự đã trực tiếp đến sát cùng những người lãnh đạo Công hội Đỏ của nhà máy chỉ đạo phong trào. Cuộc bãi công của công nhân hãng A-vi-a đã diễn ra có tổ chức chặt chẽ, có yêu sách rõ ràng, vừa mềm dẻo, vừa quyết liệt buộc chủ hãng phải nhường một số quyền lợi cho người lao động. Đây là cuộc đấu tranh có quy mô lớn và có ý thức giai cấp rõ rệt nhất của phong trào công nhân bấy giờ, như đồng chí Ngô Gia Tự đã đánh giá: “Cuộc đấu tranh này sẽ mở màn cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân toàn quốc. Đây là cơn giông đầu mùa báo hiệu cả một bầu trời sấm sét nay mai”(3), giúp cho Đảng có thêm kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử cao cả của mình.

Tháng 7/1929, Ngô Gia Tự đã về Tam Sơn, lập chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh, sau đó Đông Dương Cộng sản của Bắc Ninh, Bắc Giang cũng được thành lập. Cuối tháng 7/1929, Trung ương Ðông Dương Cộng sản Ðảng cử đồng chí Ngô Gia Tự vào Nam Kỳ vận động các tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Nam Kỳ chuyển thành các Chi bộ Ðông Dương Cộng sản Ðảng. Ðồng chí vừa vận động thành lập Ðảng, vừa trực tiếp ''vô sản hóa'' ở Sài Gòn, làm phu đẩy xe than, làm công nhân khuân vác. chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí Ngô Gia Tự cùng với các đảng viên của Đông Dương Cộng sản Đảng đã gây dựng, phát triển được nhiều cơ sở Đảng ở Nam Kỳ như: Nhà máy Ba Son, FACI, nhà máy bóng đèn Chợ Rẫy, hãng rượu Bình Tây, hãng dầu Nhà Bè, đồn điền cao su Phú Riềng, xã Vĩnh Kim..v.v...

Đồng chí Ngô Gia Tự (1908 - 1934)

Đồng chí Ngô Gia Tự (1908 - 1934)

Ngô Gia Tự đặc biệt chú ý tới công tác tuyên truyền, giáo dục những người yêu nước để họ giác ngộ chủ nghĩa cộng sản, huấn luyện cho những người cộng sản mới về phương pháp, phong cách làm việc. Đồng chí đã nhìn thấy ba điểm chốt của việc bố trí tổ chức Đảng để tập trung vào: một là tổ chức Đảng ở Nhà máy Ba Son (Sài Gòn) là nơi đông công nhân với khí thế đấu tranh mạnh mẽ từ trước; hai là tổ chức Đảng ở sản nghiệp đồn điền Cao su Phú Riềng; ba là vùng nông thôn với xã Vĩnh Kim (Mỹ Tho - miền Tây Nam Bộ). Từ ba điểm chốt này phong trào cộng sản lan rộng ra khắp các địa bàn Nam Kỳ. Đầu năm 1930, gần năm ngàn công nhân đồn điền Phú Riềng bãi công, bột phát vũ trang chiếm đồn điền lập khu Đỏ. Thực dân Pháp đã huy động hàng trăm tên lính có vũ trang đến đàn áp, nhưng đứng trước biển người được giác ngộ giai cấp, siết chặt đội ngũ, chúng đã phải nhượng bộ, chấp nhận yêu sách của công nhân.

Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng, trong đó có vai trò to lớn của đồng chí Ngô Gia Tự, phong trào Cách mạng miền Nam đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, chuyển từ mục tiêu kinh tế sang mục tiêu chính trị, lực lượng công nhân dần trở thành lực lượng chính trị to lớn trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân, giải phóng dân tộc. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của Ðông Dương Cộng sản Ðảng với việc vận động mạnh mẽ của tổ chức này ở Trung Kỳ và Nam Kỳ đã đưa tới sự giải thể các cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và thu hút cả cánh tả trong tổ chức Tân Việt. Đó là một trong những tác động quan trọng dẫn tới sự ra đời của An Nam Cộng sản Ðảng và Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Sau ngày thành lập Ðảng (3/2/1930), đồng chí Ngô Gia Tự được Hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản ở Nam Kỳ (24/2/1930) bầu làm Bí thư Chấp ủy lâm thời Ðảng bộ Ðảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ. Trên cương vị này, đồng chí luôn sâu sát cơ sở, bồi dưỡng nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên, cổ vũ tinh thần quyết tâm chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng. Chấp hành quyết nghị của Hội nghị thành lập Ðảng về việc thống nhất các tổ chức Cộng sản ở Nam Bộ, đồng chí đã tổ chức cuộc họp ngày 24/2/1930 và ký quyết nghị chấp nhận Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Ðảng Cộng sản Việt Nam

TẤM GƯƠNG BẤT KHUẤT TRONG LAO TÙ ĐẾ QUỐC

Bị bắt khi đang hoạt động tại Sài Gòn, Ngô Gia Tự đã phải trải qua mọi đòn roi, tra tấn dã man của kẻ thù. Trong Khám Lớn Sài Gòn, sau mỗi lẫn bị tra tấn trở về phòng giam, đồng chí thường nói với anh em: “Chúng mình phải chịu đựng, phải hi sinh tất cả cho Đảng, sinh mệnh của Đảng hơn sinh mệnh của mình”(4).

Dù bị tra tấn hết sức dã man nhưng trong các lần hỏi cung, Ngô Gia Tự vẫn một mực không khai, không làm tổn hại tới tổ chức Đảng. Đứng trước các phiên tòa xét xử của thực dân Pháp, Ngô Gia Tự vẫn kiên cường dùng những lời lẽ đanh thép để đấu tranh với quân thù, biến phiên tòa đế quốc thành nơi luận tội chúng. Đồng chí nói: “Chính đế quốc Pháp cướp nước Việt Nam, nô dịch nhân dân nước chúng tôi. Đế quốc Pháp đã câu kết với phong kiến, lập nên một chế độ hà khắc, áp bức, bóc lột nhân dân nước chúng tôi hết sức tàn bạo. Chính điều đó đã đẩy chúng tôi đứng lên làm cách mạng để giành độc lập cho Tổ quốc chúng tôi, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân chúng tôi”(5).

Tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đồng chí Ngô Gia Tự luôn tiên phong trong các cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù, nhiều lần dũng cảm chịu đòn thay cho bạn tù, giành việc nặng nhọc, nguy hiểm và được anh em tín nhiệm cử vào Ban Chi ủy Chi bộ nhà tù Côn Đảo. Trong tù, đồng chí tham gia tổ chức cho anh em học tập, nghiên cứu những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối, phương pháp, cách mạng, củng cố cho họ niềm tin vững chắc vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng chí thường nói: “Người đảng viên phải bảo vệ Đảng. Ta vì Đảng, vì cách mạng mà hi sinh, đừng vì ta mà cách mạng bị hi sinh. Sinh mệnh của Đảng quý hơn sinh mệnh của mình, phải hi sinh tất cả cho Đảng”(6)“Phải biến nhà tù đế quốc thành trường học, không nên bỏ phí thời giờ. Bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được”(7). Ngô Gia Tự cùng đồng chí Hà Huy Giáp và một số đồng chí khác dịch nhiều cuốn sách kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, “Tư bản”, “Làm gì?”... viết báo, tiếp tục nghiên cứu và rút kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng. Từ kiến thức tích lũy được trong quá trình học tập tại lớp huấn luyện chính trị ở Bản Đáy (Trung Quốc) và hoạt động thực tiễn đã giúp Ngô Gia Tự viết cuốn Những vấn đề cơ bản của cách mạng Đông Dương.

Trong lao tù, tấm gương dũng cảm kiên cường, không khuất phục trước kẻ thù của đồng chí Ngô Gia Tự và các chiến sĩ cộng sản đã cảm hóa được một số người ở đảng phái khác và các tù nhân thường phạm nhận ra lý tưởng cộng sản, tự nguyện gia nhập và chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam.

Cuối năm 1934, chi bộ Ðảng nhà tù Côn Ðảo quyết định để đồng chí Ngô Gia Tự vượt ngục trở về đất liền hoạt động. Ðồng chí đã hy sinh trên đường vượt biển.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đánh giá đồng chí Ngô Gia Tự là một trong những chiến sĩ cộng sản tiên phong, thuộc lớp thế hệ tiền bối “đã đặt lợi ích của Ðảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết”; “đã hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Ðảng, cho giai cấp, cho dân tộc”(8); “gương mẫu, trung với nước, hiếu với dân, khí phách hiên ngang cho đến hơi thở cuối cùng”; “đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”(9).

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đến thăm Nhà lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự ở xóm Xanh, thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đến thăm Nhà lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự ở xóm Xanh, thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, theo ngọn cờ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Ngô Gia Tự đã chiến đấu hy sinh cho lý tưởng cộng sản, cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân. Tấm gương của người cộng sản Ngô Gia Tự mãi tỏa sáng cho các thế hệ học tập và noi theo.

Ngô Gia Tự sinh ra và lớn lên trong những thập niên đầu thế kỷ XX ở một miền quê văn hiến và cách mạng – Bắc Ninh – Kinh Bắc. Dòng họ Ngô Gia Tự ở Tam Sơn có truyền thống khoa bảng và yêu nước. Trải qua hơn 30 đời, họ Ngô có 3 tước vương, 9 tước công, 25 tước hầu, rất nhiều quận công và gần 100 trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Cha Ngô Gia Tự là ông Ngô Gia Du cũng là một ông đồ yêu nước, đã tham gia dạy học trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục, tham gia phong trào kháng Pháp của Đề Thám. Trong gia đình của Ngô Gia Tự, người anh cả Ngô Gia Lễ đi theo con đường quan trường và là một vị Quan tri huyện chính trực, không sách nhiễu, ức hiếp dân, không nịnh bợ Tây.

TS. Lê Thị Hằng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


(1) Nhượng Tống: Tân Việt Cách mạng đảng, Việt Nam Thư xã xuất bản, 1945, tr.441

(2) Các tổ chức tiền thân của Đảng, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1977, tr.148-149

(3) Dẫn theo Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Ngô Gia Tự Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 94

(4) Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Hà Bắc: Đồng chí Ngô Gia Tự - người chiến sĩ lỗi lạc của Đảng ta, 1978, tr 35

(5) Hồi ký của Hà Huy Giáp, Bùi Lâm, Nguyễn Trác, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.

(6) Hồi ký của Dân Tôn Tử, lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh

(7) Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Hà Bắc: Đồng chí Ngô Gia Tự - người chiến sĩ lỗi lạc của Đảng ta, Sđd, tr 114

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, t 7, tr 25

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 11, tr 602

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất