Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Năm, 9/2/2017 9:35'(GMT+7)

Đồng chí Trường Chinh với công tác xây dựng Đảng

Tổng Bí thư Trường Chinh - nhà lý luận xuất sắc, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhân cách lớn của cách mạng Việt Nam

Tổng Bí thư Trường Chinh - nhà lý luận xuất sắc, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhân cách lớn của cách mạng Việt Nam

1. Nhà báo lão thành Thái Duy trong một bài viết có tựa đề “Bản lĩnh Trường Chinh” đã cung cấp cho độc giả nhiều tư liệu quý và giúp độc giả hiểu thêm về bản lĩnh của nhà cách mạng Trường Chinh, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị đường lối cho đổi mới đất nước. Đồng chí Trường Chinh là người đã 3 lần làm Tổng Bí thư của Đảng, ở những thời điểm có tính cách bước ngoặt. Vì vậy, có thể khẳng định đồng chí Trường Chinh là người có vai trò to lớn đối với công tác xây dựng Đảng, nhất là ở việc đồng chí cùng tập thể đề ra các chủ trương, đường lối trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. 

Có lẽ cũng cần nhắc lại một chút về giai đoạn lịch sử trước đổi mới năm 1986. Đây là giai đoạn khó khăn chồng chất của đất nước. Việc bố trí sai cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, thực hiện quá lâu mô hình quan liêu bao cấp lỗi thời, đã làm cho đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng, các ngành sản xuất đình đốn, đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn, lạm phát lên tới 3 con số, niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ giảm sút nghiêm trọng. Khi ấy, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và từ tháng 7-1986 là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã dũng cảm đương đầu với rất nhiều chỉ trích từ nhiều phía để quyết tâm đề ra đường lối đổi mới đất nước. Sau khi giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng được 3 tháng, tháng 10 năm 1986, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu Thành phố Hà Nội lần thứ X, đồng chí Trường Chinh đã nêu rõ: “Với tinh thần tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, chúng ta cần phải phân tích một cách sâu sắc những khuyết điểm, sai lầm, trên cơ sở đó mà đề ra chủ trương, biện pháp kiên quyết và thực tế để đưa cách mạng nước ta nhanh chóng vượt qua khó khăn và tiếp tục vững bước tiến lên”. Quan điểm tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật đã thật sự trở thành phương châm của Đại hội VI với khẳng định: “Thái độ của Đảng ta trong việc đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”.  Bản lĩnh Trường Chinh, dũng khí nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật chắc chắn không phải đến thời điểm này mới nảy nở mà nó là kết quả đã được đúc kết, làm giàu trong cả cuộc đời 81 năm với 63 năm hoạt động kiên cường. Trong cải cách ruộng đất, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Cải cách ruộng đất, đồng chí Trường Chinh đã dũng cảm đứng ra gánh phần trách nhiệm nặng nhất bằng hành động từ chức Tổng Bí thư tháng 9 năm 1956 và sau đó là người đứng đầu chỉ đạo công tác sửa sai của cải cách ruộng đất. Vào thời điểm trước đổi mới, nhiều người hẳn còn đang say nồng men chiến thắng, những lời nói thật có thể “mất lòng” và có khi mất chức nên hẳn ít người có can đảm nói ra. Lịch sử đã chọn và trao cho đồng chí Trường Chinh trọng trách này, trong thời điểm lịch sử đặc biệt này,  và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

2. Trên 30 năm đổi mới, đất nước đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Chính trị - xã hội của đất nước ổn định; quốc phòng và an ninh được tăng cường và giữ vững. Bộ mặt đất nước Việt Nam đã thay đổi ngoạn mục. Từ một đất nước bị bao vây, cấm vận, sau đổi mới, năm 1995, Việt Nam đã tham gia hiệp hội các nước ASEAN; trở thành thành viên Tổ chức thương mại thế giới năm 2007; được bầu là thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 nước, quan hệ kinh tế với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao nhiều năm liền. Lạm phát từ 3 con số được đưa về 12,7% năm 1995 và 4,5% năm 1996. Thu nhập bình quân đầu người năm từ 91 USD năm 1980 lên 289 USD vào năm 1995 và năm 2016 là trên 2.200 USD. Từ một đất nước phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới…Trong những thành tựu chung đó của đất nước có sự đóng góp quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Đó chính là sự thay đổi về tư duy, đổi mới đường lối lãnh đạo đã góp phần khơi thông những bế tắc, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật này, công cuộc đổi mới và phát triển đất nước đang gặp phải những khó khăn, tồn tại do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có những hạn chế, nguyên nhân xuất phát từ công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác lý luận nói riêng. Riêng những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng đã được rất nhiều các nghị quyết của Đảng chỉ ra, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết chỉ ra rất nhiều các hạn chế, khuyết điểm, trong đó đáng chú ý như: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu. Nội dung sinh hoạt đảng ở nhiều nơi còn đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái. Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao v.v…

3. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đang hết sức bức xúc trước những biểu hiện suy thoái, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay; bức xúc trước sự ì ạch của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; những khuất tất của công tác cán bộ thời gian qua, và đang mong muốn Đảng phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để làm trong sạch đội ngũ. 30 năm sau cuộc đổi mới đất nước kể từ Đại hội VI, thực tiễn mách bảo chúng ta phải tiếp tục công cuộc đổi mới. Đất nước, hơn lúc nào hết đang rất cần phong cách Trường Chinh, tư duy Trường Chinh, dũng khí Trường Chinh để hoàn thành nhiệm vụ cao cả này. Muốn kinh tế - xã hội phát triển, chắc chắn cần phải có đột phá về lý luận. Tất nhiên, đã có rất nhiều những vấn đề về lý luận gần đây đã và đang tiếp tục được “cởi trói”, như việc xem trọng kinh tế tư nhân, cho phép tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn…Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Hegel đã từng khẳng định: cái gì hợp lý thì sẽ tồn tại, nó tồn tại bởi vì hợp lý. Bao nhiêu những khuyết tật hàng ngày ai ai cũng nhìn thấy: trong sinh hoạt nói theo cấp trên, không dám nói thẳng, nói thật; trong cuộc họp nói khác, ra ngoài cuộc họp nói khác; thành tích thì vơ vào mình, khuyết điểm tìm cách đổ lỗi cho khách quan, cho tập thể; kiểm điểm lúc nào, khi nào cũng tốt và tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ luôn rất cao. Cùng lúc ấy, kết quả điều tra dư luận xã hội do viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương công bố cho thấy trên 50% ý kiến được hỏi cho rằng sự suy thoái trong Đảng hiện nay là nghiêm trọng và rất nghiêm trọng v.v… Ai ai cũng biết nhưng ít người dám nói ra. Mà ai dám nói khi chưa có cơ chế mở để khuyến khích mọi người. 

Nghị quyết Trung ương 4 có thể nói đã bắt trúng bệnh, khâu còn lại là bốc thuốc thế nào, uống thuốc ra sao để diệt trừ tận gốc nguyên nhân gây bệnh chứ không phải chỉ trị triệu chứng. Vậy, việc làm ngay và quyết liệt là hãy nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật bằng việc thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Nói thật, nói rõ, không che dấu khuyết điểm, không chạy theo thành tích về tỷ lệ đảng viên và tổ chức Đảng hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ. Đổi mới và ban hành các quy định của pháp luật để kiểm soát quyền lực nhằm tránh lạm quyền, lộng quyền, phòng chống tham nhũng có hiệu quả. Tiến hành công khai minh bạch các khâu, các quá trình quản lý đất nước. Xóa bỏ tình trạng “bổ nhiệm người nhà” và xây dựng cho được đội ngũ công chức thật sự trung thành, tận tụy, sáng tạo vì nhân dân phục vụ.

Dũng khí Trường Chinh, quan điểm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” của đồng chí Trường Chinh, vì vậy lại mang ý nghĩa thời sự sâu sắc trong lúc này.
Vũ Trung Kiên (Học viện Chính trị khu vực 2). Nguồn: SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất