Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí luôn có mặt tại chiến trường miền Nam, đảm đương nhiều trọng trách, sát cánh cùng đồng bào, đồng chí và các lực lượng vũ trang vượt qua mọi khó khăn, ác liệt, hy sinh, làm nên những chiến công hiển hách. Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Võ Văn Kiệt là người có công sức đóng góp rất to lớn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân quý mến. Trong giai đoạn từ cuối những năm 1959 đến năm 1971, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở Đảng, luôn nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, có những quyết định mang ý nghĩa chiến lược đối với công tác xây dựng lực lượng và lãnh đạo đấu tranh chính trị trên địa bàn Sài Gòn - Gia Định.
TỪ XÂY DỰNG CĂN CỨ ĐẾN PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG
Trong những tháng đầu năm 1959, cách mạng miền Nam ở vào thời kỳ vô cùng khó khăn, cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng thường xuyên bị phá vỡ, nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo các cấp, từ khu ủy, tỉnh ủy, quận, huyện ủy bị địch bắt, hy sinh, hàng trăm cán bộ, đảng viên, đoàn viên nòng cốt bí mật bị bắt tù đày, số đảng viên còn lại phải hoạt động đơn tuyến và tạm lánh ra vùng căn cứ.
Từ cuối năm 1959 sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15 khóa III ra nghị quyết về đường lối cách mạng Việt Nam, đồng chí Võ Văn Kiệt, Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Liên tỉnh ủy Hậu Giang được Xứ ủy điều động về công tác ở Sài Gòn - Chợ Lớn để khôi phục tổ chức và xây dựng cơ sở mới. Trong giai đoạn này, đồng chí Võ Văn Kiệt nhận thấy phương thức kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang giành chính quyền làm chủ nông thôn không phù hợp với đô thị, bởi đô thị là nơi địch tập trung quân, rà soát gắt gao, không thuận lợi cho hoạt động. Vũ trang đô thị phải chuẩn bị trong nhiều năm, với nhiều lực lượng phối hợp, đặc biệt phải dựa vào thế hợp pháp của người dân, dựa vào các khu xóm lao động để lập kho vũ khí, cất giấu lực lượng. Vì vậy việc xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ ở nông thôn vùng ven ngoại thành là vô cùng cần thiết. Bởi vì nếu nông thôn ngoại thành từng bước giành được thế làm chủ, sẽ là căn cứ của lực lượng cách mạng khu Sài Gòn - Gia Định, nơi đứng chân và xây dựng, đào tạo các lực lượng hậu cần, bảo đảm hỗ trợ, xung kích,... cho hoạt động vũ trang, chính trị ở vùng ven đô và nội đô. Có được sự hỗ trợ từ thế liên hoàn đó thì tiến hành được những trận đánh ngay trong lòng địch, có tác động chính trị lớn. Trên cơ sở đó, đồng chí Võ Văn Kiệt đã kiến nghị với Xứ ủy cho sáp nhập hai Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Đảng bộ Gia Định lấy tên là Đảng bộ Khu Sài Gòn - Gia Định[1] với mục tiêu chiến lược là lấy Gia Định làm bàn đạp để thâm nhập vào Sài Gòn - Chợ Lớn.
Đầu năm 1960, Xứ ủy chấp thuận giải thể Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định, hợp nhất thành lập Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư[2]. Cùng với việc xúc tiến việc thành lập và kiện toàn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo tăng cường hoạt động củng cố, xây dựng cơ sở, căn cứ cách mạng, xây dựng địa đạo ở khu vực Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cát, tạo nên một căn cứ địa vững chắc phía Đông Bắc Sài Gòn. Sau khi hợp nhất, theo đề nghị của đồng chí Võ Văn Kiệt, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã triệu tập Hội nghị mở rộng tại xã An Thành (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Hội nghị đã ra Nghị quyết: Tăng cường khôi phục cơ sở, đào tạo cốt cán, phát triển lực lượng, cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; đẩy mạnh hoạt động đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, “diệt ác phá kiềm”; phát động khởi nghĩa từng phần ở các vùng nông thôn, giải tán các tổ chức phản cách mạng, xây dựng căn cứ với xây dựng chính quyền tự quản của quần chúng do Đảng lãnh đạo[3].
Đối với nội thành, Khu ủy chủ trương rút kinh nghiệm về tổ chức và công tác bí mật, chấn chỉnh phương thức hoạt động bí mật, ngăn cách giữa bí mật và công khai, nhằm bảo toàn và tích lũy lực lượng lâu dài. Trước tình hình trên, đồng chí Võ Văn Kiệt đã kịp thời có chủ trương: bằng mọi cách, nhanh chóng, kiên quyết đưa nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nòng cốt bí mật có nguy cơ bị giặc bắt vào ngay vùng căn cứ ở Củ Chi và Tây Ninh. Mặt khác đồng chí tích cực chỉ đạo kết hợp với việc điều hành cơ sở cách mạng nội thành để tổ chức các lớp học chính trị, gấp rút đào tạo một đội ngũ đông đảo cán bộ có trình độ chính trị, năng lực công tác đáp ứng phong trào cách mạng. Được sự hỗ trợ của Xứ ủy, đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo khẩn trương đưa 13 cán bộ đảng viên công tác nội thành Sài Gòn ra dự lớp học chính trị từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1960, lớp “Rừng già” tại căn cứ Dương Minh Châu (Bắc Tây Ninh). Sau đó, tiếp tục mở lớp huấn luyện mới, lớp “Rừng Xanh” được tổ chức tại căn cứ Bời Lời (xã Đôn Thuận, Trảng Bàng, Tây Ninh) với khoảng 60 cán bộ. Đồng chí Võ Văn Kiệt rất quan tâm đến lớp học, chỉ đạo chặt chẽ nội dung bài học. Đồng chí đảm nhận trình bày những nội dung bài học quan trọng và báo cáo những nội dung tham khảo cần thiết, trên 70 học viên của lớp “Rừng già”, “Rừng xanh” đều có sự trưởng thành, được trang bị những vấn đề cơ bản về triết học Mác - Lênin, chủ nghĩa cộng sản, đường lối cách mạng Việt Nam, Nghị quyết hội nghị Trung ương 15, phương châm, phương pháp công tác đô thị, công tác vận động thanh niên, học sinh, sinh viên, công tác bí mật, tu dưỡng đạo đức cách mạng và giữ gìn khí tiết bảo vệ cách mạng…[4] Đây là sự chỉ đạo kịp thời và có ý nghĩa chiến lược đối với phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên khu Sài Gòn - Gia Định những năm tháng về sau.
Ngoài việc cử cán bộ đi bồi dưỡng và tập huấn ở “Lớp học Rừng xanh” của Xứ ủy, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định còn mở thêm nhiều lớp huấn luyện do đồng chí Võ Văn Kiệt trực tiếp chỉ đạo và huấn luyện. Đồng thời đồng chí Võ Văn Kiệt còn chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện báo chí. Cách tổ chức hoạt động này đều diễn ra thuận lợi ở vùng đệm: Cán bộ trong nội đô Sài Gòn, Chợ Lớn có thể ra Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Dương hội họp, tập huấn và ngược lại. Nhờ vậy phong trào cách mạng vùng nông thôn ven đô hồi phục nhanh, hỗ trợ tích cực cho thành phố, đô thị.
LÃNH ĐẠO ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ, VŨ TRANG
Cuối năm 1959 đầu năm 1960, phong trào Đồng khởi nổ ra khắp miền Nam, nổi bật nhất là phong trào Đồng khởi ở Bến Tre. Hưởng ứng phong trào Đồng khởi, đầu tháng 02 năm 1960, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đứng đầu là đồng chí Võ Văn Kiệt, một số vùng nông thôn Sài Gòn - Gia Định, nhân dân nổi dậy phá thế kìm kẹp, mít tinh, biểu tình, đấu tranh trực diện với quy mô hàng nghìn người ở huyện, xã. Phong trào đã tác động mạnh đến khu Sài Gòn - Gia Định. Ở nội thành, phong trào đấu tranh chính trị, chĩa mũi nhọn vào chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, kết hợp với đòi quyền dân sinh, dân chủ được đẩy mạnh. Ngày 23 tháng 02 năm 1960, huyện Củ Chi phát động quần chúng nổi dậy, giải tán chính quyền tề ngụy, giành quyền làm chủ. Cuối tháng 3 năm 1960, huyện Củ Chi giải phóng được 4 xã. Các huyện Thủ Đức, Cần Giờ đều có lực lượng du kích, riêng huyện Cần Giờ có các đơn vị mạnh C12 làm nòng cốt cho phong trào nổi dậy phá kiềm ở hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè[5].
Tháng 10 năm 1960, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III, Xứ ủy Nam Bộ và Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chỉ đạo phải tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt, Ban Quân sự Khu Sài Gòn - Gia Định chính thức được thành lập. Hoạt động vũ trang của khu ngày được đẩy mạnh, tạo nên những thắng lợi ngày càng lớn hơn. Trên mặt trận đấu tranh chính trị, cuối năm 1960, Xứ ủy Nam Bộ đã họp dưới sự chủ tọa của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Đồng chí Võ Văn Kiệt cùng các đồng chí trong Xứ ủy đã thảo luận rất cặn kẽ, chuẩn bị chu đáo cho việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam được triệu tập, Đại hội đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Mục tiêu cương lĩnh của Mặt trận là đánh đổ chế độ thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai.
Đến giữa năm 1961, qua hai đợt Đồng khởi, vùng nông thôn ngoại thành có 30 xã được giải phóng, giáp với vùng giải phóng của Tây Ninh, Bình Dương, tạo ra vùng căn cứ tương đối an toàn cho Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và cả Xứ ủy Nam Bộ[6]; nội thành Sài Gòn có 289 đảng viên, toàn Nam Bộ có 823 xã/1193 xã đã xây dựng được chi bộ Đảng, 176 xã có cơ sở Đảng. Đến cuối năm 1961, Sài Gòn - Chợ Lớn có 1.446 đảng viên[7]. Địa bàn này thực tế đã trở thành “vành đai đỏ” để đánh địch. Vùng ven Gia Định trở thành bàn đạp để các lực lượng biệt động và các tiểu đoàn mũi nhọn đứng chân, hoạt động, tập kết quân cho những trận đánh lớn, là địa bàn tập kết lực lượng quân sự, chính trị, là bàn đạp để tiến công (nhất là đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968).
Tháng 10 năm 1961, Trung ương Cục miền Nam chính thức được thành lập để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Nam Bộ và Liên khu V[8]. Đồng chí Võ Văn Kiệt giữ trọng trách Ủy viên Trung ương Cục miền Nam. Sau Hội nghị Trung ương Cục, đồng chí Võ Văn Kiệt đã phổ biến chủ trương của hội nghị cho toàn thể Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và cho các Tỉnh ủy trực thuộc Trung ương Cục trên các mặt công tác mới nhằm phục hồi các tổ chức quần chúng như: Công hội giải phóng, Nông hội giải phóng, Phụ nữ giải phóng, Thanh niên và Trí thức Yêu nước. Tiếp tục đẩy mạnh phương châm “Hai chân, ba mũi, hai vùng”. Đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo, công tác nền tảng của cách mạng là tổ chức xây dựng phát triển Đảng trong thành phố, trong các tổ chức của địch, các vùng “lõm chính trị”, chú trọng xây dựng và phát triển các tổ chức vũ trang, các đơn vị vũ trang của khu và của tỉnh, coi công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, tuyên truyền, tổ chức… là những công tác ngày càng cần phải được phát triển theo đà thắng lợi của cách mạng miền Nam.
Thực hiện chủ trương của Thường vụ Trung ương Cục về uốn nắn những lệch lạc trong và sau Đồng khởi, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chủ trương rà soát và củng cố các cơ sở cũ, đồng thời nhanh chóng xây dựng và phát triển cơ sở mới. Khu ủy đã thành lập các Ban vận động, tập trung cho phát triển thực lực cách mạng và công tác nội thành[9]. Thành công trong lãnh đạo cách mạng được đồng chí Võ Văn Kiệt đề ra là phải xây dựng được lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang trong nội thành Sài Gòn - Gia Định. Vũ trang là xây dựng biệt động giữa Sài Gòn. Biệt động hay trinh sát phải là người tại chỗ. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo kiên quyết thực hiện dù khó khăn đến đâu vẫn phải làm kiên quyết. Những Đội Biệt động Sài Gòn được thành lập và trở thành một lực lượng vũ trang đặc biệt nằm ngay tại sào huyệt địch. Trong xây dựng lực lượng chính trị, đồng chí Võ Văn Kiệt đề nghị với Trung ương Cục điều các đồng chí trưởng thành về Sài Gòn hoạt động. Mặc dù có nhiều tổn thất trong nội thành, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn quyết liệt, động viên anh em xây dựng lực lượng chính trị trong thanh niên, phụ nữ, công nhân, người Hoa ở Sài Gòn[10]. Những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt cho thấy đồng chí là người lãnh đạo nắm rất chắc tình hình thực tế, nhạy bén trong chủ trương và rất sáng tạo, linh hoạt trong việc thực hiện các bước đi của cách mạng.
Nhờ chuyển hướng chỉ đạo, trong vài năm, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã xây dựng được 8 đơn vị biệt động, có khả năng tiến công địch ngay trong nội đô, không kể hai đơn vị khác ở vùng nông thôn Gia Định. Những trận đánh xuất sắc là trận đánh ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tháng 1/1964, diệt nhiều phi công Mỹ; trận đánh rạp chiếu bóng Kinh Đô dành riêng cho sĩ quan Mỹ ngày 16/2/1964 diệt hàng chục tên; trận đánh chìm chiến hạm hộ tống sân bay USNS Card trọng tải 15.000 tấn ngay trên sông Sài Gòn 1/5-1964,... Đặc biệt trận đánh sập khách sạn Brink, nơi trú ngụ của hơn 200 sĩ quan Mỹ, trận đánh Tòa Đại sứ Mỹ ở đường Hàm Nghi đầu năm 1965 làm Phó Đại sứ Mỹ bị thương. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 có sự đóng góp quan trọng của lực lượng Biệt động Sài Gòn với những chiến thắng vang dội.
Suốt 12 năm gắn bó với Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Võ Văn Kiệt đã lãnh đạo phong trào đô thị, kết hợp đấu tranh chính trị, vũ trang giúp Sài Gòn - Gia Định vượt qua thời kỳ mai phục, từ mức độ tiến công lẻ tẻ đơn tuyến, hoặc từng tổ nhỏ, đã đạt trình độ đánh được những đòn thối động có ảnh hưởng trong và ngoài nước với những đơn vị quy mô lớn có khả năng trở thành mũi nhọn đột phá những điểm hiểm yếu. Trong 12 năm đó, đồng chí đã đề xuất ý kiến và chỉ đạo Đảng bộ cùng quân - dân Thành phố thực hiện đạt được một số kết quả lớn đáng kể như: Một là, đã hình thành được vành đai đỏ ở ngoại thành, sau các đợt Đồng khởi của bà con nông dân, chính sách “lập ấp chiến lược” của địch hoàn toàn bị thất bại. Ở ngoại thành, các ấp, xã chiến đấu được xây dựng thành vùng căn cứ cách mạng, trong đó có vùng căn cứ Rừng Sác dọc sông Lòng Tàu, vùng căn cứ Củ Chi với cả trăm cây số địa đạo, được suy tôn là “Đất thép Thành đồng”, tạo thế và lực cho phong trào kháng chiến ở nội thành, làm cho Sài Gòn - Thủ đô của địch, luôn không ổn định. Từ phong trào kháng chiến ở ngoại thành đã rút ra 10 kết luận về khả năng đánh Mỹ, được phổ biến rộng khắp miền Nam. Hai là, đã lập ra các ban chuyên môn như Ban Quân sự, Ban An ninh, Ban Thanh vận, Ban Trí vận, Ban Công vận, Ban Phụ vận, Ban Binh vận, Ban Hoa vận... và thực hiện việc sáp nhập huyện Bình Chánh nhập vào Tân Bình lấy tên Bình Tân, Gò Vấp nhập vào Hóc Môn gọi là Gò Môn, Thủ Đức nhập vào Dĩ An gọi là Thủ Dĩ để có địa bàn thuận lợi cho việc đẩy mạnh kháng chiến. Ba là, các tầng lớp nhân dân nội thành đã đẩy mạnh các cuộc đấu tranh trực diện với địch, kết hợp yêu cầu về dân sinh, dân chủ với khẩu hiệu chính trị, kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang tuyên truyền, diệt ác trừ gian, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chế độ độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm. Bốn là, đã đưa lực lượng của ta tham gia vào phong trào Phật giáo, xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng. Năm là, đã xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang, đặc biệt chú trọng xây dựng các đội biệt động, đặc công.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã động viên được đông đảo tầng lớp Nhân dân, tập hợp nhiều phong trào chống kẻ thù. Hình thành được địa bàn thống nhất nội - ngoại thành, xây dựng được các căn cứ địa là nơi chỉ đạo kháng chiến và là bàn đạp cho các cuộc tiến công của lực lượng cách mạng. Hoạt động kháng chiến của quân dân Sài Gòn - Gia Định dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy, đứng đầu là Bí thư Võ Văn Kiệt đã góp phần làm thất bại các âm mưu chiến tranh của đệ quốc Mỹ, góp phần cùng cả nước làm suy sụp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Những đóng góp của đồng chí Võ Văn Kiệt cho phong trào cách mạng của thành phố, chiến trường trọng điểm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là vô cùng to lớn, có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với địa bàn Sài Gòn - Gia Định, mà cả đối với toàn Miền trong chiến tranh cách mạng. Đồng chí là một tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân kính trọng, học tập, rèn luyện và mãi mãi noi theo.
TRONG THỜI KỲ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trong những bước đi đầu tiên của chặng đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong giai đoạn từ tháng 4/1975 đến năm 1982, với những trọng trách do Đảng giao phó, Đồng chí Võ Văn Kiệt là Bí thư Ban cán sự Đảng đặc biệt trong Ủy ban Quân quản, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tận tâm, tận lực cùng tập thể các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố.
Trong những năm đảm nhiệm trọng trách là lãnh đạo Thành phố, trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh rồi Bí thư Thành ủy, đồng chí luôn trăn trở, tìm tòi các biện pháp tháo gỡ vướng mắc để lãnh đạo nhân dân khắc phục khó khăn, từng bước ổn định tình hình chính trị, khôi phục, phát triển đời sống kinh tế, văn hoá - xã hội của Thành phố. Nếu trong những năm 1978-1979, đồng chí được mệnh danh là “Chủ tịch gạo” vì đã giải quyết nhanh vấn đề thiếu lương thực nghiêm trọng của Thành phố, thì những năm 1980-1981, đồng chí được gọi là “Bí thư phá rào” vì đã vươn lên, vượt qua lối tư duy mòn cũ, đi sâu tìm hiểu và đề ra những biện pháp sáng tạo để tháo gỡ khó khăn cho các xí nghiệp quốc doanh của Thành phố, để sức sản xuất của Thành phố “bung ra”, để thấy những quyết định của đồng chí không rập khuôn, giáo điều, thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo, năng động, bám sát yêu cầu của thực tiễn cách mạng, có tầm ảnh hưởng lớn đối với đất nước, với nhân dân.
Từ việc quan tâm giải quyết vấn đề lương thực cung cấp cho Thành phố, tập trung lo “chạy gạo” cho nhân dân, đến việc quan tâm chú ý xây dựng và phát triển năng lượng điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân Thành phố, rồi đến vấn đề sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sản xuất, dịch vụ… đồng chí Võ Văn Kiệt luôn cố gắng không mệt mỏi, bằng tư duy năng động, sáng tạo, đã lãnh đạo, động viên các lực lượng, phát huy mọi nguồn lực xã hội để vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh, phát triển văn hóa - xã hội, từng bước đưa Thành phố trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Bên cạnh việc quan tâm xây dựng, ổn định chính chị, khôi phục và phát triển kinh tế, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo xây dựng lực lượng Thanh niên xung phong xung kích tham gia thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Thanh niên xung phong Thành phố trở thành lực lượng xung kích tham gia thu dọn, giải quyết hậu quả chiến tranh để lại, tham gia giáo dục các đối tượng tệ nạn xã hội, xung phong đi đầu trong việc trồng rừng, bảo vệ môi trường, tham gia tháo gỡ bom mìn, khai hoang xây dựng phát triển vùng kinh tế mới,… Với phong cách năng động, sáng tạo, tư duy đổi mới và bầu nhiệt huyết của người chiến sĩ cách mạng đồng chí Võ Văn Kiệt đã truyền lửa nhiệt tình, gieo niềm tin, niềm tự hào vào tuổi trẻ thành phố.
Trên cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Đảng ủy Quân khu 7, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng Đảng ủy Quân khu lãnh đạo lực lượng vũ trang thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ quân sự quốc phòng, trong đó đặc biệt là lãnh đạo nhân dân và lực lượng vũ trang tham gia phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Võ Văn Kiệt đã lãnh đạo Thành ủy và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phong trào kết nghĩa giữa các xã, huyện phía sau với xã, huyện biện giới. Hoạt động này đã góp phần củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, động viên sức chiến đấu của lực lượng tại chỗ…
Có thể thấy đồng chí Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo, nhà hoạt động thực tiễn trong nhân dân, luôn chú ý nghiên cứu thực tiễn, đi sâu sát cơ sở; có năng lực tổng kết thực tiễn, phát hiện cái mới, dám quyết định và dám chịu trách nhiệm, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đóng góp cho Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quyết sách ở từng giai đoạn, thời kỳ, một cách đúng đắn, kịp thời, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, gay cấn, để vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Phan Nguyễn Như Khuê
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM
[1] Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Vĩnh Long, Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.108.
[2] Lịch sử Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.316-317.
[3] Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II, (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.183.
[4] Xem: Anh Chín Dũng với phong trào Thanh niên, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định những năm 1960, trong Nhiều tác giả: Võ Văn Kiệt - Người thắp lửa, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, tr.372.
[5] Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II (1954-1975), Sđd, tr.184.
[6] Võ Văn Kiệt - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.156.
[7]Trung ương Cục miền Nam, Báo cáo tóm tắt tình hình tổ chức Đảng và hướng công tác sắp tới. Tài liệu Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 1
[8]Trung ương Cục miền Nam là một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương, gồm một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng được Ban Chấp hành Trung ương cử ra và ủy nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác Đảng ở miền Nam. Trung ương Cục miền Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, thường xuyên do Bộ Chính trị thay mặt chỉ đạo. Đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Ủy viên Trung ương Đảng, làm Bí thư Trung ương Cục.
[9] Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1975), Sđd, tr.334.
[10] Lê Đức Anh, Anh Võ Văn Kiệt - Con người của ý chí và hành động. In trong cuốn Dấu ấn Võ Văn Kiệt, Tạp chí Xưa và Nay-Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2008, tr.21.