Tuyên truyền miệng là hoạt động dùng lời nói trực tiếp tác động đến một nhóm đối tượng xác định nhằm mục đích nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và cổ vũ tính tích cực hành động của họ. Chỉ thị 17-CT/TƯ nêu rõ: ‘công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là một trong những kênh thông tin quan trọng nhất, … Tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là một mắt khâu quan trọng, trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân, Trung ương với địa phương và cơ sở để vừa đưa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân, vừa nắm bắt, phản ánh trung thực, kịp thời tư tưởng, tâm tư, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước; gắn truyền đạt với đối thoại, trao đổi, truyền tải trực tiếp những thông tin nội bộ cần thiết phục vụ công tác tư tưởng đối với tất cả các đối tượng ở mọi hoàn cảnh, điều kiện một cách linh hoạt”
Tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được xác định là quan trọng và cần thiết. Vì vậy, đòi hỏi báo cáo viên muốn thực hiện tốt trọng trách này phải thực hiện thuần thục các kỹ năng tuyên truyền miệng cơ bản nhất.
Kỹ năng tuyên truyền miệng là sự vận dụng có hệ thống, linh hoạt kiến thức, kinh nghiệm vào các thao tác trong chuỗi hoạt động dùng lời nói trực tiếp tác động đến một nhóm đối tượng xác định một cách phù hợp để thực hiện hiệu quả chuỗi hoạt động đó.
Hoạt động dùng lời nói tác động vào nhóm đối tượng xác định được nhìn từ góc độ thời gian sẽ bao gồm hai quá trình nối tiếp nhau: chuẩn bị và tiến hành hoạt động tuyên truyền miệng. Do vậy kỹ năng tuyên truyền miệng là tập hợp những kỹ năng thuộc hai quá trình này bao gồm: kỹ năng chuẩn bị và kỹ năng tiến hành hoạt động tuyên truyền miệng.
Đi sâu phân tích kỹ năng chuẩn bị hoạt động tuyên truyền miệng, có thể thấy, để hoạt động tuyên truyền miệng được diễn ra một cách khoa học, chuyên nghiệp, báo cáo viên phải tiến hành các thao tác chuẩn bị nội dung bài tuyên truyên miệng và các thao tác ngoài nội dung. Trong đó, chuẩn bị nội dung là công đoạn cần đầu tư nhiều thời gian và công sức nhất, góp công lớn vào hiệu quả hoạt động của báo cáo viên.
Để khâu trình bày thuận lợi phải có dàn ý tốt. Muốn vậy, báo cáo viên phải tiến hành 5 thao tác sau: Nghiên cứu đặc điểm đối tượng; Xác định mục đích, nội dung; Thu thập, xử lý tài liệu; Lập dàn ý và Lựa chọn ngôn ngữ, văn phong.
Về nghiên cứu đối tượng tiếp nhận bài tuyên truyền miệng Muốn công tác tuyên truyền miệng hiệu quả, báo cáo viên phải căn cứ vào người nghe thực tế mà xác định nội dung, lựa chọn phương pháp, phương tiện tác động. Đối tượng khác nhau, nội dung, phương pháp, hình thức trình bày phải khác nhau. Do vậy, nghiên cứu đối tượng là công việc đầu tiên người nói phải tiến hành. Nghiên cứu đối tượng gồm những nội dung: Nghiên cứu đặc điểm về mặt xã hội - nhân khẩu: các đặc điểm về thành phần xã hội, giai cấp, nghề nghiệp, học vấn, giới tính, tuổi tác,... của đối tượng; Nghiên cứu các đặc điểm về tư tưởng và tâm lý - xã hội: hệ thống các quan điểm, chính kiến, động cơ, khuôn mẫu tư duy, tâm trạng và trạng thái thể chất... của họ; Nghiên cứu về nhu cầu, thị hiếu thông tin; thái độ của người nghe đối với nguồn thông tin và nội dung thông tin; con đường, cách thức thỏa mãn nhu cầu thông tin của đối tượng. Trên cơ sở nghiên cứu về các đặc điểm này mà xác định mục đích, nội dung, phương pháp nói phù hợp. Nếu người nghe là nhóm trẻ cần tăng thời gian đối thoại, hạn chế thuyết trình. Nếu người nghe là cán bộ đảng viên cần đưa nhiều ví dụ về tình hình thời sự quốc tế và trong nước. Nếu người nghe là phụ nữ nên đưa ví dụ về chăm sóc gia đình, chăm sóc sắc đẹp, nuôi dạy con cái, …
Về xác định mục đích, nội dung bài tuyên truyền miệng
Xác định mục đích có ý nghĩa định hướng đối với thao tác chuẩn bị nội dung bài tuyên truyền miệng.
Xét ở cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, nội dung bài tuyên truyền miệng có thể đề cập đến các lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; từ những vấn đề lý luận, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các sự kiện đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội... Nhưng để tạo khả năng thu hút sự chú ý của người nghe, đạt mục đích tuyên truyền đặt ra, nội dung bài tuyên truyền miệng, phải đạt tới các yêu cầu: (1) Thông tin cung cấp cho người nghe phải mới; (2) Thông tin phải thiết thực, đáp ứng nhu cầu của một nhóm công chúng cụ thể; (3) Thông tin phải mang tính thời sự, cấp thiết; (4) Thông tin phải đảm bảo tính tư tưởng và tính chiến đấu.
Bài nói có thể chỉ đạt một trong ba hoặc cả ba mục đích nhưng nhất thiết phải đảm bảo đủ bốn yêu cầu về nội dung. Tuỳ vào mỗi thể loại để tăng giảm hàm lượng của 4 yêu cầu nói trên. Nếu là thể loại Giới thiệu Nghị quyết Đảng thì yêu cầu số 4 phải đậm đặc nhất. Nếu là thể loại Nói chuyện thời sự thì yêu cầu số 3 giữ ngôi vị quán quân. Nếu là Báo cáo chuyên đề thì yêu cầu số 1 giữ nguyên vị trí.
Về lựa chọn, nghiên cứu, sử dụng tài liệu cho bài tuyên truyền miệng
Thu thập, lựa chọn tài liệu là một nhiệm vụ quan trọng vì nó là căn cứ để xây dựng nội dung bài tuyên truyền miệng và là yếu tố tạo ra chất lượng cho một buổi nói chuyện.
Nguồn tài liệu quan trọng nhất mà báo cáo viên sử dụng để xây dựng dàn ý bài tuyên truyền miệng được lấy từ hội nghị báo cáo viên cấp trên, từ các tài liệu học tập nghị quyết do Ban Tuyên giáo Trung ương phát hành, từ phương tiện truyền thông đại chúng. Người làm công tác tuyên truyền miệng phải có kiến thức vững chắc và hệ thống về chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tri thức của nhận loại để trên cơ sở đó đánh giá, phân tích các sự kiện, hiện tượng được đề cập đến trong bài nói.
Khi sử dụng các tài liệu mật, thông tin nội bộ cần xác định rõ vấn đề nào không được nói, hoặc chỉ được nói đến đối tượng nào. Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, cần thiết phải định hướng thông tin theo quan điểm của Đảng. Thu thập và xử lý tài liệu đòi hỏi các báo cáo viên phải đầu tư thời gian và trí tuệ. Lượng đầu tư này tỉ lệ thuận với thành công của báo cáo viên ở các công đoạn tiếp theo. Cần tiến hành thu thập thông tin, tạo ra tài liệu sơ cấp đưa vào bài nói cho sinh động và hấp dẫn, mới mẻ.
Về lập dàn ý bài tuyên truyền miệng
Dàn ý bài tuyên truyền miệng là công cụ báo cáo viên dùng để tiến hành buổi truyền đến người nghe. Cần xây dựng nhiều phương án cho dàn ý, từ đó chọn phương án tối ưu. Phương án tối ưu là phương án phù hợp với nhóm đối tượng cụ thể, xác định. Quá trình lập dàn ý có thể nâng cấp dần từ thấp lên cao, từ sơ bộ đến chi tiết. Đối với những chủ đề quan trọng, có phạm vi tác động bao trùm, được trình bày trước những đối tượng có trình độ cao, dàn ý phải được chuẩn bị chi tiết đến từng luận cứ.
Dàn ý được kết cấu bởi ba phần: Phần mở đầu, thân bài và phần kết luận. Mỗi phần có chức năng, yêu cầu, phương pháp riêng.
(1) Phần mở đầu của bài tuyên truyền miệng là phần dẫn nhập cho nội dung cần truyền đạt, là phương tiện giao tiếp ban đầu với người nghe, kích thích sự hứng thú của người nghe đối với nội dung bài tuyên truyền miệng. Phần này tuy ngắn, nhưng rất quan trọng, nhất là với đối tượng mới tiếp xúc lần đầu, đối tượng là người có trình độ học vấn cao. Phần mở đầu phải tự nhiên và gắn với các phần khác của bài tuyên truyền miệng cả về nội dung và phong cách ngôn ngữ; Phải ngắn gọn, độc đáo và hấp dẫn đối với người nghe. Mở đầu thường chiếm 15% tổng lượng bài tuyên truyền miệng.
Có nhiều cách mở đầu nhưng có thể khái quát thành hai cách mở đầu chủ yếu: trực tiếp và gián tiếp. Mở đầu trực tiếp là cách mở đầu giới thiệu thẳng với người nghe nội dung sẽ trình bày. Mở đầu trực tiếp được cấu trúc bởi hai phần: nêu chủ đề chung bài tuyên truyền miệng và các chủ đề bộ phận/nội dung chính phần thân bài. Mở đầu gián tiếp là cách mở đầu không giới thiệu thẳng chủ đề bài nói mà dẫn ra một nội dung khác có liên quan, gần gũi với chủ đề chính nhằm tạo bối cảnh, chuẩn bị sân khấu cho chủ đề xuất hiện. Cách mở đầu này tạo cho bài tuyên truyền miệng sự sinh động, hấp dẫn đối với người nghe, có thể giúp họ chuyển từ tâm thế trung lập sang khẳng định, từ phủ định sang khẳng định.
Mở đầu gián tiếp được cấu trúc bởi ba phần: dẫn dắt vấn đề, nêu chủ đề chung và các chủ đề bộ phận/nội dung chính phần thân bài
(2) Phần thân của bài tuyên truyền miệng là phần quan trọng nhất, chiếm khoảng 70% dung lượng toàn bài. Nhiệm vụ trọng tâm nhất của phần này là báo cáo viên phải nêu bật được nội dung cốt lõi, phân tích, giải thích, chứng minh làm sáng tỏ vấn đề cần tuyên truyền để từ đó giúp người nghe biết, hiểu, tin tưởng, có động lực thực hiện hành vi mà báo cáo viên kêu gọi trong buổi tuyên truyền.
Có một số kiểu bố cục phần thân của bài tuyên truyền miệng như sau: Kết cấu theo thời gian, Kết cấu theo trật tự không gian, Kết cấu theo trật tự nhân quả, Kết cấu theo trật tự vấn đề giải pháp, Kết cấu theo trật tự chuỗi tác động, Kết cấu trật tự theo chủ đề.
(3) Phần kết luận của bài tuyên truyền miệng là phần không thể thiếu trong cấu trúc một bài nói, góp phần làm cho bố cục bài nói trở nên cân đối, lôgic, có tác dụng khái quát và nhấn mạnh điều đã nói.
Phần kết luận có các chức năng đặc trưng sau: Tổng kết những nội dung chính của bài tuyên truyền miệng; Củng cố và làm tăng ấn tượng về nội dung tuyên truyền; Đặt ra những nhiệm vụ nhất định và kêu gọi người nghe đi đến hành động. Kết luận phải giàu cảm xúc, ngắn gọn – chiếm khoảng 15% dung lượng toàn bài.
Phần kết luận được cấu trúc bởi hai phần: tóm tắt và kêu gọi hành động/định hướng nhận thức.
Mở bài và kết luận cho bài tuyên truyền miệng là một công việc khó khăn, đòi hỏi báo cáo viên phải đầu tư công phu. Chúng hấp dẫn, lôi cuốn, gây ấn tượng đối với người nghe sẽ giúp họ ghi nhớ nội dung bài nói tốt hơn, làm cơ sở cho việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách sau buổi tuyên truyền.
Về lựa chọn ngôn ngữ, văn phong cho bài tuyên truyền miệng
Bài tuyên truyền miệng miệng sử dụng lời nói trực tiếp nhưng xét trên phương diện phong cách chức năng thì nó thuộc phong cách chính luận nên phải đảm bảo một số đặc điểm về mặt ngôn ngữ của thể loại như sau: tính chuẩn xác, tính thuật ngữ, tính bình giá công khai, tính phổ thông, tính biểu cảm.
Ngôn ngữ có nhiều cách phân chia, nếu căn cứ vào phương tiện tác động, có thể chia ngôn ngữ thành 3 nhóm: ngôn từ, cận ngôn ngữ và ngoại ngôn ngữ. Ngôn từ là tất cả các đơn vị của 1 thứ tiếng nào đó cùng với các quy tắc cấu tạo từ đơn vị nhỏ đến đơn vị lớn hơn như: từ, cụm từ, câu, đoạn văn, văn bản. Cận ngôn ngữ là những yếu tố luôn đi cùng với ngôn từ như: cao độ, trường độ, tốc độ, trọng âm, sự ngừng giọng. Ngoại ngôn ngữ là thông điệp không được mã hoá bằng ngôn từ; bao gồm ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ vật thể và ngôn ngữ môi trường. Ngôn ngữ cơ thể gồm: ánh mắt, nét mặt, nụ cười, cử chỉ đôi tay, điệu bộ; Ngôn ngữ vật thể gồm: quần áo, phụ kiện (túi xách, bút, kính, dàn ý bài nói, bìa kẹp dàn ý, máy tính, bút lật trang, đồng hồ đeo tay, nhẫn, vòng, dây chuyền, giày, kẹp tóc, ...; Ngôn ngữ môi trường gồm: vị trí đứng, khoảng cách giao tiếp, địa điểm phát biểu, ...
Báo cáo viên phải biết lựa chọn các phương tiện trên sao cho phù hợp nhất với nội dung, bối cảnh phát phát biểu nhằm đạt hiệu quả tối ưu cho buổi tuyên truyền miệng.
Trên đây là 5 thao tác phải làm khi xây dựng đề cương bài tuyên truyền miệng nói chung. Bên cạnh các thao tác chuẩn bị nội dung, báo cáo viên phải thuần thục các nhóm thao tác chuẩn bị ngoài nội dung như: chuẩn bị cho diện mạo, sức khoẻ, thời gian, địa điểm, tâm lý, phương án dự phòng, …
Về chuẩn bị diện mạo: Chọn trang phục lịch sự, phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp, thời tiết, với vóc dáng và với địa điểm nơi đứng nói. Báo cáo viên nữ không nên đi giày có gót quá cao, khoảng 5 – 7 cm là hợp lý. Báo cáo viên nữ nên trang điểm đậm hơn so với giao tiếp bình thường, không nên đeo quá nhiều phụ kiện làm phân tán sự chú ý của người nghe.
Về chuẩn bị thời gian và địa điểm: Thời gian tổ chức buổi tuyên truyền miệng tốt nhất là vào buổi sáng hoặc buổi chiều, không nên nói vào buổi trưa. Buổi sáng người nghe thường tỉnh táo nên có thể dùng mở bài trực tiếp theo lối độc thoại. Buổi chiều nên mở bài gián tiếp theo lối đối thoại vì người nghe thường chưa tỉnh táo sau bữa trưa, giấc ngủ ngắn. Thời gian diễn ra buổi nói chuyện ảnh hưởng đến cách thức tác động lên đối tượng nên báo cáo viên cần biết trước để lên kịch bản tiến hành.
Địa điểm hợp lý có đóng góp đáng kể cho chất lượng buổi tuyên truyền miệng. Kích thước hội trường nên phù hợp với số lượng người nghe. Nếu người nghe ít, hội trường rộng nên mời họ ngồi ở những hàng ghế đầu. Nên bố trí người nghe đến trước ngồi cách xa cửa ra vào sao cho người đến sau không làm họ bị phân tán sự chú ý. Hội trường cần đủ ánh sáng, khuôn mặt của báo cáo viên phải được chiếu sáng vừa đủ. Không nên tổ chức buổi nói chuyện trong các phòng chật chội, nóng bức, nơi có nhiều tiếng động, ồn ào... Các nghiên cứu về môi trường truyền thông cho thấy: “nếu nhiệt độ không khí nóng quá 300c, hoặc tiếng ồn cao hơn 60 đề - xi - ben thì môi trường truyền thông sẽ tạo nhiễu, ảnh hưởng tới sự tiếp thu thông tin. Trong hội trường không nên trang trí quá nhiều tranh ảnh dễ chi phối sự chú ý của người nghe.
Về chuẩn bị về thể chất và tinh thần, sức khỏe và tâm lý: Cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, không ăn món ăn lạ, không uống rượu bia trước khi đi phát biểu. Hầu hết các báo cáo viên đều tỏ ra lo lắng trước khi thực hiện nhiệm vụ. Đây là trạng thái tâm lý bình thường. Cần chuẩn bị kỹ mọi công đoạn, tư duy tích cực để tâm lý ổn định hơn. Cần áp dụng kỹ năng định vị giao tiếp để thấy rõ vai trò của mình mà vững tâm hơn.
Về chuẩn bị phương tiện, thiết bị trình bày bài nói. Kiểm tra lại xem dàn ý đã được in ra chưa, kích cỡ phù hợp chưa. Máy tính, bút lật trang sạc đủ điện chưa, kính mắt có dùng đến không, các giáo cụ trực quan khác đã đầy đủ chưa, … Một loạt các câu hỏi cần được đặt ra và trả lời.
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị phương án ứng phó với những tình huống phát sinh như: mất điện, không mang theo đề cương, máy tính không kết nối được, có kết nối nhưng không hiển thị lên màn hình, người nghe đến muộn, người nghe đến ít hơn/ nhiều hơn so với số lượng đã triệu tập, người nghe liên tục đặt ra những câu hỏi chất vấn, sơ hở trong trang phục, …
Trên đây là những thao tác của kỹ năng chuẩn bị cho hoạt động tuyên truyền miệng, yếu tố dẫn đến thành công của báo cáo viên khi thực hiện công tác tuyên truyền miệng. Những công việc ngoài nội dung cần phải chuẩn bị như trình bày ở trên cùng với dàn ý được soạn công phu sẽ giúp báo cáo viên tự tin khi thực hiện nhiệm vụ trên thực địa. Các kỹ năng chuẩn bị nội dung là điều kiện cần, các kỹ năng chuẩn bị ngoài nội dung (chuẩn bị trước khi xuất hiện trước người nghe) là điều kiện đủ cho sự xuất hiện hoàn hảo của báo cáo viên.
TS. Vũ Hoài Phương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền