Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết. Các nước dự hội nghị đã công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và quy định sẽ Tổng tuyển cử tự do trong cả nước vào tháng 7-1956 để thống nhất đất nước. Mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là có hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nhưng ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ vừa được ký kết, máu đã đổ trên đường phố Sài Gòn. Mỹ-Diệm rắp tâm phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước, tiến hành các chiến dịch “tát nước, bắt cá”, “tố Cộng, diệt Cộng”. Trước thực tế là Mỹ-Diệm đã không thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, liên tiếp đàn áp đảng viên, khủng bố quần chúng cách mạng, vậy con đường đấu tranh để thống nhất đất nước là thế nào?
Tháng 8-1956, đồng chí Lê Duẩn đã viết "Đề cương cách mạng miền Nam", phân tích tình hình miền Nam, hoàn cảnh cách mạng cả nước và bối cảnh thế giới, từ đó xác định "mục tiêu, nhiệm vụ và đối tượng của cách mạng miền Nam". "Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là trực tiếp đánh đổ chính quyền độc tài, phát xít Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách đế quốc, phong kiến, thiết lập ở miền Nam một chính quyền liên hiệp có tính chất dân tộc, dân chủ để cùng với miền Bắc thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ nhân dân". Đồng chí Lê Duẩn đã xác định 3 yêu cầu của cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam:
1. Hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ là nguyện vọng của nhân dân ta.
2. Tự do, dân chủ là yêu cầu bức thiết để bảo đảm tính mạng, tài sản, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ở miền Nam.
3. Công ăn việc làm, tiền lương đời sống cho thợ thuyền; giảm tô, giảm thuế, không được cướp lại ruộng đất của dân cày; bảo vệ và mở mang công thương nghiệp dân tộc; hạ giá sinh hoạt, cải thiện đời sống; đó là đòi hỏi bức thiết của các tầng lớp nhân dân ở miền Nam.
Vì vậy, ba khẩu hiệu đấu tranh của toàn thể nhân dân miền Nam là:
"Hòa bình, thống nhất đất nước
Thi hành tự do, dân chủ
Cải thiện đời sống của người lao động".
Đồng chí Lê Duẩn đã xác định hình thức đấu tranh và khả năng phát triển của phong trào cách mạng miền Nam. "Hòa bình là nguyện vọng chung của nhân dân thế giới cũng như của nhân dân ta. Đẩy mạnh cách mạng bằng đường lối hòa bình là phù hợp với nguyện vọng đó, đồng thời thể hiện truyền thống "lấy chính nghĩa để thắng cường bạo" của dân tộc Việt Nam".
Có nhiều hình thức khác nhau để đánh đổ một chính quyền phản động. Nhưng mọi chính quyền thù địch với nhân dân sụp đổ đều theo một quy luật chung. Một chính quyền phản động nhất định sẽ sụp đổ khi đa số nhân dân không thể sống bình thường dưới chính quyền ấy được nữa; khi mà bản thân bọn cầm quyền cũng không cai trị một cách bình thường được nữa...”. Chúng ta hãy quyết tâm thực hiện đường lối đã vạch ra; sự phát triển của phong trào cách mạng sẽ cho phép chúng ta hiểu rõ và làm đúng hơn nữa".
Từ thực tiễn cách mạng nước ta từ 1930 đến 1945, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ ra bài học quan trọng: "Phải có thực lực bên trong thì mới nắm được thời cơ từ bên ngoài" và để tạo ra thực lực cách mạng thì:
1. Phải có một Đảng cách mạng, trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân và nhân dân lao động để lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
2. Phải xây dựng, củng cố, phát triển Mặt trận Dân tộc thống nhất, trong đó đặc biệt cần:
- Phải xây dựng khối liên minh công nông vững chắc.
- Khơi dậy lòng yêu nước của các tầng lớp tiểu tư sản, học sinh, sinh viên, trí thức, lôi cuốn họ tham gia phong trào dân tộc, dân chủ.
- Bồi dưỡng, nâng cao ý thức chính trị và phát triển phong trào đấu tranh của các tầng lớp công thương nghiệp dân tộc.
- Tăng cường đoàn kết với các tôn giáo: Đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo.
- Đi sâu vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện tốt chính sách đoàn kết các dân tộc anh em trong Mặt trận Dân tộc thống nhất.
- Phát huy năng lực to lớn của thanh niên và phụ nữ.
- Khoét sâu mâu thuẫn nội bộ địch để làm suy yếu và cô lập chúng, tăng thêm lực lượng của cách mạng.
Với đường lối cách mạng miền Nam như vậy, trước sự đàn áp dã man của Mỹ-Diệm, phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân đã ngày một phát triển. Theo số liệu thống kê, năm 1959 đã có hơn 5 triệu lượt người tham gia. Thành phần tham gia rất đa dạng, gồm: Công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, sinh viên, tiểu thương, tiểu chủ, công thương đến từ khắp các vùng, miền với nhiều hình thức đấu tranh như mít tinh, biểu tình, bãi công, bãi thị, bãi khóa, ký tên kiến nghị, cử đoàn đại biểu đến chất vấn chính quyền… Phong trào phát triển nhanh, vững chắc đã khuyến khích các tổ chức nghiệp đoàn, tương tế, tôn giáo ra hoạt động công khai. Từ đấu tranh chính trị ở một số nơi đã kết hợp với đấu tranh vũ trang, thành lập những đội vũ trang tập trung “diệt ác, phá kìm”, tạo điều kiện cho nhân dân trở về quê cũ làm ăn, sinh sống. Tiêu biểu là phong trào Đồng khởi nổ ra tại Bến Tre từ tháng 1-1960, sau đó lan rộng ra khắp miền Nam, Tây Nguyên và miền Trung. Cuối năm 1960, phong trào Đồng khởi đã làm chủ hơn một nửa số xã ở toàn miền Nam. Thực tiễn mới này của cách mạng miền Nam đã tạo cơ hội để thực hiện đường lối cách mạng miền Nam đã được xác định trong "Đề cương cách mạng miền Nam" và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (1-1959), là tiền đề để thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo và các đảng phái đã tổ chức đại hội và thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Đại hội đã ra Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm. Đây chính là cương lĩnh cho phong trào cách mạng của nhân dân với các nội dung: “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải thống nhất Tổ quốc”. Mặt trận đã ra lời kêu gọi: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại! Hãy siết chặt hàng ngũ để chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm”. Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng nhanh chóng ra đời như: Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng; Hội Liên hiệp thanh niên học sinh; Hội Nông dân giải phóng; Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng; Hội Lao động giải phóng (sau đổi thành Liên hiệp Công đoàn giải phóng); Đảng Xã hội cấp tiến miền Nam. Ngày 15-2-1961, tại chiến khu Đ diễn ra Hội nghị thống nhất các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam thành “Giải phóng quân miền Nam” đặt dưới sự chỉ huy của Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sau đại hội, cùng với việc thành lập các tổ chức thành viên, các Ủy ban Mặt trận và các ban tự quản nhân dân ở các địa phương được thành lập và ra mắt nhân dân. Hầu hết các xã thuộc vùng giải phóng và vùng tranh chấp đều có cơ sở của Mặt trận. Các ban chuyên môn của Mặt trận như: Ban Quân sự, Ban Thông tin văn hóa, Ban Kinh tế-Tài chính, Ban Liên lạc đối ngoại trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận nhanh chóng được thành lập và đi vào hoạt động đã giúp cho Mặt trận không chỉ làm nhiệm vụ đoàn kết toàn dân mà còn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở vùng giải phóng khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chưa ra đời.
Ngày 25-4-1961, đánh giá việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Một Mặt trận của nhân dân đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi là một lực lượng tất thắng. Hiện nay trong cuộc đấu tranh anh dũng chống chế độ tàn bạo của Mỹ-Diệm, đồng bào ta ở miền Nam cũng có “Mặt trận Dân tộc giải phóng” với chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó có thể đoán rằng đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, Nam-Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Để cứu vãn tình thế sụp đổ của quân đội và chính quyền Sài Gòn, đầu năm 1961, đế quốc Mỹ đã tăng cường can thiệp vũ trang vào miền Nam. Chúng thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với thủ đoạn dùng người Việt đánh người Việt bằng đô-la và cố vấn Mỹ; xây dựng, triển khai kế hoạch "Ấp chiến lược" hòng tách rời nhân dân ra khỏi lực lượng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tham vọng của chúng là sẽ bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Ngày 17-1-1962, Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra Tuyên bố về tình hình cực kỳ nghiêm trọng do sự xâm lược vũ trang của đế quốc Mỹ gây ra, kêu gọi nhân dân miền Nam tập trung mọi nỗ lực, kiên quyết đánh thắng “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy. Ủy ban công bố 10 chủ trương lớn của Mặt trận nhằm bảo vệ hòa bình, độc lập, dân chủ, chống lại mọi hành động xâm lược gây chiến của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam. Tiếp đó, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất từ ngày 16-2 đến 3-3-1962 và đã thông qua Cương lĩnh, chính sách lớn về các vấn đề hòa bình trung lập, ruộng đất, tư sản, trí thức, ngoại kiều, tôn giáo… nhằm mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân. Đại hội chủ trương thành lập một chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ rộng rãi ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, dân chủ tự do, cải thiện dân sinh, giữ vững hòa bình, thi hành chính sách trung lập, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Tháng 7-1962, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã đề ra “bốn chủ trương cứu nước khẩn cấp” đòi chính phủ Mỹ phải đình chỉ chính sách và hành vi xâm lược vũ trang vào miền Nam; các bên hữu quan đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình, tổ chức Tổng tuyển cử tự do để bầu Quốc hội và thi hành một số chính sách hòa bình, trung lập. Chủ trương này đã tạo điều kiện đoàn kết rộng rãi với mọi tổ chức, cá nhân dù chưa tán thành cương lĩnh của Mặt trận, nhưng tán thành chủ trương chống Mỹ, cứu nước.
Thực hiện cương lĩnh và chương trình hành động 10 điểm, phối hợp với lực lượng vũ trang đang mở những chiến dịch lớn, Mặt trận lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị trên cả ba vùng chiến lược với nhiều hình thức và phương pháp thích hợp. Phong trào đấu tranh chính trị đã động viên được hàng chục triệu lượt người tham gia chống càn quét, phá tan chính quyền ở thôn, xã, cô lập và tiêu diệt bọn ác ôn đầu sỏ, vận động hàng vạn binh sĩ, nhân viên ngụy quyền trở về với nhân dân. Mọi hoạt động của Mặt trận vào thời điểm đó tập trung vào việc tổ chức lực lượng chính trị để phá tan hệ thống “ấp chiến lược”-xương sống của “chiến tranh đặc biệt”. Đến cuối năm 1964, về cơ bản đã làm tan rã hệ thống ấp chiến lược của địch. Trong các đô thị, đấu tranh chính trị lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Công nhân lao động đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống thuế, chống bắt lính, chống lập “khóm chiến lược”. Học sinh, sinh viên tổ chức mít tinh, biểu tình, bãi khóa. Giới công thương đấu tranh đòi quyền lợi của ngành mình, giới mình… Tham gia đẩy mạnh đấu tranh vũ trang được coi là một nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận. Mặt trận vận động nhân dân tham gia lực lượng vũ trang với ba thứ quân, đặc biệt là tham gia các đội vũ trang tự vệ, dân quân du kích vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Mặt trận và các đoàn thể vận động đẩy mạnh xây dựng xã chiến đấu, phát triển lực lượng du kích, tự vệ, biệt động, tổ chức đánh địch ở mọi lúc, mọi nơi…
Một nhiệm vụ quan trọng khác của Mặt trận là quản lý một vùng nông thôn rộng lớn vừa được giải phóng. Mặt trận và các tổ chức thành viên đã đảm nhiệm một phần chức năng của bộ máy chính quyền, vận động quần chúng tổ chức nhân dân tự quản ở thôn, xã. Từ năm 1965, miền Bắc đã gửi cán bộ thuộc nhiều lĩnh vực như: Tuyên giáo, giáo dục, y tế, văn hoá vào miền Nam để hỗ trợ Mặt trận dân tộc giải phóng tổ chức công tác tuyên truyền vận động, giáo dục, y tế tại vùng mới giải phóng.
Ngày 8-1-1967 Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam họp đại hội bất thường. Kế tục và phát triển Chương trình hành động 10 điểm, Đại hội đã công bố bản cương lĩnh mới nhằm tranh thủ tất cả những lực lượng có thể tranh thủ, thu hút rộng rãi hơn những tầng lớp và cá nhân có khuynh hướng hòa bình, trung lập, cô lập triệt để hàng ngũ Mỹ-ngụy. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi cương lĩnh đó là “ngọn cờ đại đoàn kết toàn thể nhân dân miền Nam để cùng chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng”.
Tháng 10-1967, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam họp hội nghị mở rộng để kiểm điểm tình hình và bàn kế hoạch chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích và nổi dậy Xuân 1968. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 đã làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 5-1968) và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (tháng 6-1969).
Phối hợp với đấu tranh quân sự và chính trị, Mặt trận đẩy mạnh chiến dịch tấn công về ngoại giao. Lập trường chính nghĩa, hợp tình, hợp lý của Mặt trận đã đẩy Mỹ vào thế bị động, lúng túng và tạo được ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân ở trong nước và trên thế giới. Một thắng lợi quan trọng của chính sách đoàn kết dân tộc và chủ trương tranh thủ khuynh hướng hòa bình trung lập mà Cương lĩnh Đại hội bất thường Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đem lại là sự ra đời của Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam. Cương lĩnh tán thành hòa bình, trung lập của Mặt trận đã thu hút được đông đảo nhân sĩ, trí thức, tư sản tham gia chống Mỹ-Thiệu. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 đã tạo điều kiện cho một số nhân sĩ, trí thức rời đô thị ra vùng giải phóng. Ngày 20-4-1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam tổ chức Đại hội thông qua Cương lĩnh và bầu các cơ quan lãnh đạo do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch.
Ngày 6-6-1968, Mặt trận Dân tộc giải phóng cùng Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam cử ra Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ. Sự kiện chính trị quan trọng này giúp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ có tư cách pháp lý để tập hợp lực lượng cách mạng. Một trong những chủ trương, chính sách nổi bật của Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là: “Thực hiện hòa hợp dân tộc, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Để làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mặt trận một mặt động viên nhân dân bám đất, bám làng, phối hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, tiếp tục làm tan rã các khu dồn dân của địch. Mặt khác, thực hiện chính sách khoan hồng và đối xử nhân đạo đối với binh lính, sĩ quan ngụy, kể cả đối với những người phạm tội ác với nhân dân nhưng thật thà biết hối cải, mở ra con đường thoát thân cho hàng triệu gia đình binh sĩ. Phong trào chống bắt lính, đào ngũ, ra ngũ, chống cấm trại, bỏ ngũ về quê… xảy ra ở nhiều đơn vị kể cả trong các đơn vị chính quy, làm suy yếu và tiêu hao sinh lực địch.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và đặc biệt trong chiến dịch lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, các mũi tiến công chính trị, binh vận và việc xây dựng lực lượng chính trị tại chỗ được các cấp Mặt trận đặc biệt quan tâm, nên đã kịp thời phát động quần chúng nhân dân vùng lên, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang giải phóng hoàn toàn miền Nam, vận động các gia đình binh sĩ, kêu gọi chồng con ra trình diện chính quyền cách mạng, tổ chức chăm lo, ổn định cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân ở vùng mới được giải phóng. Mặt trận quan tâm đặc biệt đến việc thực thi các chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc đối với các nhân sĩ, trí thức, với các nhân vật có uy tín trong chính quyền và quân đội Sài Gòn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Một yêu cầu được đặt ra là thống nhất các tổ chức Mặt trận. Qua hơn một năm chuẩn bị, sau khi thống nhất các tổ chức thành viên, từ ngày 31-1 đến 4-2-1977, Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận đã họp tại TP Hồ Chí Minh và lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Từ ngày thành lập đến ngày toàn thắng 30-4-1975 là một chặng đường đấu tranh gian khổ, nhưng hết sức vẻ vang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. 15 năm chiến đấu kiên cường, anh dũng của Mặt trận đã có biết bao anh hùng, liệt sĩ và nhân dân ngã xuống vì nền độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Sứ mệnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là tập hợp lực lượng nhân dân miền Nam với sự chi viện của miền Bắc XHCN để hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ. Đối thủ chính của Mặt trận là đế quốc Mỹ và tay sai. Hình thức đấu tranh là kết hợp chính trị và quân sự, binh vận. Dưới ngọn cờ đại nghĩa của Mặt trận, theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ và Trung ương Đảng lãnh đạo, chỉ đạo, nhân dân miền Nam đã sáng tạo phương pháp đấu tranh cách mạng phong phú, đa dạng và hết sức mềm dẻo, linh hoạt. Vì vậy Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
NGUYỄN THIỆN NHÂN
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam