Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến
dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi vĩ đại này đánh dấu bước
phát triển về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng; trong đó, bản kế
hoạch chiến lược Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là minh chứng hùng
hồn, phản ánh trung thực và sâu đậm ý chí, quyết tâm sắt đá giải phóng
miền Nam, thống nhất Tổ quốc của toàn thể dân tộc Việt Nam. Đây thực sự
là một quá trình theo dõi nắm bắt thời cơ, tư duy khoa học, sáng tạo,
phản ánh bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam của tập thể lãnh đạo Bộ thống soái
tối cao trên cơ sở thực tế diễn biến mau lẹ trên chiến trường theo
chiều hướng ngày càng có lợi cho ta trong thời gian cuối cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bị thất bại đau đớn trước đòn tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến
trường miền Nam và cuộc tập kích không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải
Phòng vào cuối tháng 12/1972, Chính phủ Mỹ buộc phải chấp nhận ký Hiệp
định Pars về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam
(27/1/1973); đơn phương rút hết quân chiến đấu Mỹ và quân các nước đồng
minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam (29/3/1973). Tuy nhiên, với bản
chất ngông cuồng, hiếu chiến, Mỹ ngấm ngầm gia tăng ngân sách viện trợ,
đưa thêm nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh vào miền Nam, nhằm "vực"
quân đội Sài Gòn có đủ sức đương đầu với Quân giải phóng miền Nam nói
riêng, quân và dân miền Nam nói chung.
Được Mỹ "hà hơi, tiếp sức," quân đội Sài Gòn đã huy động khoảng 60-70
tiểu đoàn chủ lực cơ động phối kết hợp với quân địa phương và các lực
lượng khác, trong thời gian ngắn triển khai hàng trăm nghìn cuộc hành
quân "lấn chiếm, bình định" quy mô khác nhau. Chúng xác định đây là "keo
cuối cùng, thắng là đây mà thua cũng là đây." Như vậy, bước vào năm
1973, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân miền Nam tuy
còn có những khó khăn, thử thách cam go, nhưng những thuận lợi vẫn là cơ
bản; nhất là quân chiến đấu Mỹ - chỗ dựa chủ yếu của chính quyền và
quân đội Sài Gòn đã "cuốn gói" ra đi. Cán cân so sánh thế và lực trên
chiến trường đã nghiêng về phía cách mạng miền Nam.
Để định ra chủ trương, phương hướng cho cách mạng miền Nam, ngày
19/4/1973, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở các chiến trường miền Nam đã
được triệu tập về Hà Nội trực tiếp báo cáo tình hình, chuẩn bị nội dung
cho hội nghị Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, ngày 24/5/1973, Bộ Chính trị
tiến hành Hội nghị mở rộng với sự tham gia của một số đồng chí trực tiếp
lãnh đạo, chỉ huy trên các chiến trường. Sau khi nghiên cứu, thảo luận,
Hội nghị thống nhất nhận định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam
trong giai đoạn sau Hiệp định Paris là tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc
dân chủ nhân dân. Nhiệm vụ trước mắt là "đoàn kết toàn dân, đấu tranh
trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao tùy từng lúc, từng nơi
mà kết hợp các mặt trận với nhau một cách hết sức chủ động và linh hoạt,
giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, hòa hợp dân tộc, kiên quyết đánh
bại âm mưu và hành động của địch phá hoại Hiệp định Paris. Đồng thời giữ
vững và phát triển, lực lượng cách mạng về mọi mặt, thắng địch từng
bước, chuẩn bị điều kiện đầy đủ nhất để có thể chủ động đối phó với địch
trong mọi tình huống, sẵn sàng đưa cách mạng miền Nam tiến lên giành
thắng lợi hoàn toàn."
Cụ thể hóa chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị, ngày 25/6/1973, Quân
ủy Trung ương ra Nghị quyết số 90-QUTW, về tình hình nhiệm vụ quân sự
trong giai đoạn mới, nêu rõ: "Các lực lượng vũ trang ở miền Nam cần nắm
vững chiến lược tiến công, đánh bại mọi hành động lấn chiếm của địch,
giành dân và giữ dân, giữ vững vùng giải phóng và chính quyền cách mạng;
đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt, nếu địch mở rộng chiến
tranh quy mô lớn thì kiên quyết tiêu diệt chúng." Theo đó, ngày
15/10/1973, Bộ Chỉ huy Miền ra Mệnh lệnh tác chiến, xác định: "Kiên
quyết đánh trả những hành động chiến tranh của chính quyền Sài Gòn, kiên
quyết đánh trả bất cứ ở đâu, bằng các hình thức và lực lượng thích
đáng." Từ đây, quân và dân toàn miền liên tiếp mở các đợt phản công và
tiến công chống địch lấn chiếm, bình định, giành nhiều thắng lợi quan
trọng.
Tại Khu 5 và Tây Nguyên, ta phá hỏng nặng tuyến đường sắt Phan Rang-Phan
Thiết, diệt nhiều đồn bốt, giành lại phần lớn vùng địch lấn chiếm ở
Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam), Phù Mỹ (Bình Định), Sơn Tịnh (Quảng
Ngãi), đánh bại cuộc hành quân vùng Hoài Nhơn (Bình Định) của địch, giải
phóng Chư Nghé (Plâyku) và mở rộng đường vận tải chiến lược Đông Trường
Sơn... Ở Khu 7, ta giải phóng Bù Bông (Tuyên Đức), tập kích sân bay
Biên Hòa, kho xăng Nhà Bè, đưa lực lượng vào áp sát nội đô Sài Gòn. Trên
địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân phá tan cuộc hành quân lấn
chiếm Chương Thiện. Trong tháng 9, 10, 11/1973, ta liên tiếp mở những
đợt tiến công trên khắp các vùng buộc địch phải phân tán lực lượng đối
phó. Đến hết năm 1973, trên toàn miền Nam ta đã giành và giữ quyền làm
chủ được 8.500 ấp, với khoảng 4 triệu dân (chưa tính số ấp và dân vùng
tranh chấp).
Để đối phó với quân và dân ta, đầu năm 1974, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
lệnh cho Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa phải bằng mọi cách
duy trì quân số như thời điểm trước khi Hiệp định Paris được ký kết;
đồng thời, đẩy mạnh bình định dồn dân lập ấp chiến lược, coi đây là
"quốc sách hàng đầu," nếu bình định thành công ở các ấp xã là đã giải
quyết được 75% cuộc chiến tranh."
Không để cho địch kịp toan tính, xoay chuyển tình hình, quân và dân miền
Nam chủ động chuyển thế tiến công, giải phóng Lệ Ngọc (8/3/1974), Tống
Lê Chân (12/4/1974), Con Róc (24/4/1974), Rinét (15/5/1974), Rạch Bắp
(16/5/1974), Đắc Pét-Kon Tum (16/5/1974), Iaxúp - Bắc Buôn Ma Thuột
(30/5/1974) và đặc biệt nhất là trận tiến công cứ điểm Nông Sơn-Trung
Phước (17- 23/7/1974), diệt hai tiểu đoàn chủ lực cơ động quân đội Sài
Gòn, giải phóng 13.000 dân... Đến giữa 1974, quân dân toàn miền đã loại
khỏi vòng chiến đấu hơn 10 vạn tên địch các loại, tiêu diệt, bức hàng,
bức rút 1.450 đồn bốt, giải phóng khoảng 50 vạn dân; mở ra một vùng giải
phóng rộng lớn kéo dài suốt từ Tây Nguyên đến tận Đông Nam Bộ, tạo thế
áp sát Sài Gòn.
Những thắng lợi liên tiếp trên chiến trường cuối năm 1973 nửa đầu 1974
đã minh chứng rằng, dù đã rất cố gắng về mọi mặt, song quân đội Sài Gòn
vẫn không đủ sức đương đầu với Quân giải phóng nói riêng, quân và dân
miền Nam nói chung. Đến đây, thời cơ và điều kiện thuận lợi để chúng ta
giải phóng miền Nam bắt đầu xuất hiện. Nối tiếp những nghị quyết, chỉ
thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, đến đây một
kế hoạch giải phóng miền Nam bắt đầu được triển khai hoạch định, cân
nhắc và hoàn thiện từng bước theo thời gian diễn tiến trên chiến trường.
Một cuộc đấu trí, đấu lực thực sự cam go, thử thách giữa ta và địch
trên cả phương diện cơ quan đầu não điều hành chiến tranh cũng như trên
thực tế chiến trường để quyết định hồi kết của cuộc chiến chính thức
khởi phát.
Ngày 21/7/1974, tại Đồ Sơn (Hải Phòng) đã diễn ra cuộc họp quan trọng
dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành
Trung ương Đảng Lao động Việt Nam với một số đồng chí trong Quân ủy
Trung ương và Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu. Tại cuộc họp, các đồng
chí tham dự đều thống nhất đánh giá đây là thời cơ thuận lợi nhất để
nhân dân ta hoàn thành giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho
cách mạng dân tộc dận chủ, đồng thời giúp Lào và Campuchia hoàn thành
sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài thời cơ này, không có thời cơ nào
khác. Nếu để chậm mươi, mười lăm năm nữa, bọn ngụy gượng dậy được các
thế lực xâm lược được hồi phục... thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng...,
thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, nhưng phải
khôn khéo, có như thế mới tạo được bất ngờ, làm cho quân địch và các thế
lực thù địch khác không kịp trở tay. Phải xây dựng kế hoạch chiến lược
sao cho tạo được thời cơ chiến lược và sẵn sàng chớp thời cơ. Kết thúc
cuộc họp, đồng chí Lê Duẩn giao cho Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu soạn
thảo Kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam để trình Bộ Chính
trị vào tháng 9/1974.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng
Hoàng Văn Thái, Trung tướng Lê Trọng Tấn, đặc biệt là sự hối thúc mãnh
liệt từng ngày, từng giờ của quân và dân miền Nam, bản Dự thảo Kế hoạch
tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam đã được "Tổ trung tâm" Cục Tác
chiến hoàn thành vào ngày 26/8/1974. Nội dung kế hoạch gồm hai bước:
Bước 1 (thực hiện trong năm 1975), tranh thủ bất ngờ tiến công lớn và
rộng khắp. Bước 2 (thực hiện trong năm 1976), thực hành tổng công kích,
tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Đúng vào thời điểm đó, lực lượng vũ trang Quân khu V phối hợp với một
trung đoàn của Sư đoàn 304, một trung đoàn của Sư đoàn 324 và Sư đoàn
711 bộ đội chủ lực tiến công giành thắng lợi lớn ở Thượng Đức. Sự kiện
này khẳng định những dự kiến của Bộ Chính trị về quyết tâm giải phóng
miền Nam thống nhất Tổ quốc có thêm những cơ sở thực tiễn xác đáng.
Từ ngày 30/9 đến ngày 8/10/1974, Bộ Chính trị tiến hành Hội nghị để thảo
luận kế hoạch giải phóng miền Nam. Hội nghị cơ bản nhất trí với nội
dung bản Dự thảo kế hoạch do Cục Tác chiến soạn thảo và xác định quyết
tâm chiến lược: "Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn
quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối
cùng, đưa chiến tranh phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan
rã toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch
cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở trung ương và
các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn
miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước,
tiến tới thống nhất nước nhà. Ngay từ giờ, phải tiến hành mọi công việc
chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất
để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm
1975, 1976."
Hội nghị cũng thống nhất lấy chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công
chủ yếu trong năm 1975. Để chuẩn bị thực lực vững chắc cho thắng lợi
của cách mạng, ngay sau Hiệp định Paris được ký kết, nghe theo tiếng gọi
khẩn thiết của miền Nam, hầu hết thanh niên miền Bắc, dù là học sinh,
sinh viên, nhà giáo, kỹ sư, công nhân... đều xung phong nhập ngũ. Quân
số bổ sung cho chiến trường từ miền Bắc: năm 1973 là 129.311 người; năm
1974 là 117.545 người; đầu năm 1975 tăng lên 238.646 người. Tại các vùng
giải phóng miền Nam, trong năm 1973, 1974 ta đã huy động được 12.000
thanh niên gia nhập quân đội và phát triển bộ đội địa phương, dân quân
du kích: năm 1973 được 117.128; năm 1974 được 145.475 người; năm 1975
lên tới 296.184 người.
Về vật chất chiến tranh, lúc này viện trợ của các nước bắt đầu giảm dần
từ 66% năm 1973, chỉ còn 29,6% năm 1974 đến năm 1975 bị cắt hoàn toàn.
Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, thống nhất
đất nước, hậu phương miền Bắc đã đáp ứng kịp thời, đầy đủ số lượng vật
chất phục vụ chiến đấu cho chiến trường miền Nam: năm 1973 đạt hơn 1
triệu tấn, năm 1974 là 683.089 tấn và đầu năm 1975 là 672.097 tấn; riêng
về lương thực, thực phẩm: năm 1973 và 1974 - mỗi năm là 210.000 tấn năm
1975 là 265.000 tấn. Để chuyên chở khối lượng hàng hóa trên cho các
hướng chiến trường, ngoài 6.670 ôtô vận tải chuyên trách của quân đội,
Nhà nước còn huy động hơn 60% tổng số phương tiện vận tải của các ngành,
bộ tham gia phục vụ chiến trường. Đặc biệt, hệ thống đường ống từ Đồng
Đăng (Lạng Sơn) xuyên dọc chiều dài đất nước đến Bù Gia Mập (Thủ Dầu
Một) và nhiều trục ngang vào tận các chiến trường với độ dài hơn 5.00
km, với 316 trạm bơm hút và đẩy, đã vận chuyển khối lượng xăng dầu năm
1973 - 1974 đạt 303.000 tấn (gấp 2 đến 3 lần so với những năm
1965-1972...).
Để có đủ cơ sở thực tế khẳng định cho kế hoạch giải phóng miền Nam,
Trung ương đã triệu tập những đồng chí lãnh đạo, chỉ huy chủ chốt ở các
chiến trường ra Hà Nội tham dự Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (diễn ra từ
ngày 18/12/1974 đến 8/1/1975). Hội nghị thảo luận và xác định "nhiệm vụ
sắp tới của chúng ta là nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch
tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc
kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở
miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc" (10).
Giữa lúc Hội nghị đang họp, một tin vui báo về: Quân giải phóng đã giành
thắng lợi trong Chiến dịch tiến công đường 14 - Phước Long, giải phóng
hoàn toàn tỉnh Phước Long. Đòn "trinh sát chiến lược" này thắng lợi là
minh chứng khẳng định: quân đội Sài Gòn không còn đủ sức chống chọi
trước sức tiến công của Quân giải phóng; Mỹ cũng không thể đưa quân
chiến đấu can thiệp trở lại ở Nam Việt Nam. Đây thực sự là cơ sở vững
chắc để Bộ Chính trị thông qua quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam
trong hai năm 1975-1976, đồng thời dự kiến "Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc
cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam vào năm 1975."
Thực hiện kế hoạch chiến lược của Bộ Chính trị, dưới sự chỉ đạo của Quân
ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, trực tiếp là Đoàn A.75, sau một thời
gian khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, ngày 4/3/1975, Chiến dịch Tây Nguyên
chính thức mở màn và nhanh chóng giành thắng lợi to lớn, giải phóng toàn
bộ Tây Nguyên. Ngay từ khi Quân giải phóng Tây Nguyên còn đang truy
kích quân địch rút lui trên đường 7, ngày 25/3, Bộ Chính trị họp phiên
đặc biệt và nhận định: Trên thực tế, với Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng
cuộc tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu. Thời cơ chiến lược đã
tới. Trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ thuận lợi bằng
lúc này; do đó "phải nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời
gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành
động táo bạo bất ngờ, làm cho địch không kịp dự kiến, không kịp trở tay,
hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam càng sớm càng tốt." Phương án
thời cơ đã được triển khai với việc mở Chiến dịch tiến công
Trị-Thiên-Huế và Chiến dịch tiến công Đà Nẵng. Chỉ sau năm ngày (từ 26
đến 30/3) quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi các chiến dịch này, giải
phóng hai thành phố, hai căn cứ quân sự trọng yếu của địch là Huế và Đà
Nẵng.
Trước thực tế cách mạng miền Nam đang trên đà phát triển sôi nổi, mau lẹ
nhất với nhịp độ "một ngày bằng 20 năm," ngày 1/4/1975, Bộ Chính trị
chỉ thị: "Nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần
tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công
kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng
Tư không thể để chậm."
Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đánh vào trung tâm
cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa, ngày
8/4, tại căn cứ Dương Minh Châu, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh
Quân giải phóng miền Nam, Đoàn A75 và cơ quan Bộ tăng cường đã họp thông
qua kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Tại đây, đồng chí
Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến nội dung Nghị quyết của Bộ
Chính trị về quyết tâm giải phóng miền Nam trong tháng Tư, không thể để
chậm, công bố quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài
Gòn-Gia Định và thông qua phương án tác chiến chiến dịch. Bộ Chỉ huy
chiến dịch đề nghị Bộ Chính trị lấy tên chiến dịch tiến công giải phóng
Sài Gòn-Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 14/4, đồng chí Lê Duẩn
thay mặt Bộ Chính trị ký bức điện thượng khẩn số 37/TK gửi Đảng ủy và Bộ
Chỉ huy chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định: "Đồng ý chiến
dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh."
Ngày 26/4/1975, sau một thời gian cơ động thần tốc - vừa tiến quân vừa
đánh địch giải phóng địa bàn, tiến công trong hành tiến, vừa bổ sung lực
lượng, trang bị, năm quân đoàn chủ lực cơ động của Quân giải phóng chia
thành năm mũi cùng lúc tiến công vào trung tâm thành phố Sài Gòn-Gia
Định. Khi những chiếc xe tăng đầu tiên của Quân giải phóng tiến vào đánh
chiếm các cơ quan đầu não của địch, Tổng thống Dương Văn Minh vội vàng
lên Đài Phát thanh Sài Gòn đề nghị ngừng bắn để thảo luận và bàn giao
chính quyền, thì Bộ Chính trị đã điện chỉ thị cho toàn mặt trận: "Tiếp
tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến công với khí thế hùng mạnh
nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn thành phố, tước vũ khí quân đội
địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan mọi sự chống cự của
chúng." Theo đó, các mũi tiến công của Quân giải phóng đã nhanh chóng
đánh chiếm các mục tiêu theo phân công và đến 11 giờ 30 phút ngày
30/4/1975, lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Tổng thống Việt
Nam Cộng hòa, thành phố Sài Gòn-Gia Định đã hoàn toàn giải phóng, cuộc
kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc thắng lợi.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 kết thúc toàn thắng là mốc son
chói lọi minh chứng cho ý chí quyết tâm không gì có thể lay chuyển của
toàn thể dân tộc Việt Nam - "dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn" cũng
phải hoàn thành việc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Quyết tâm, kế hoạch lớn đó được hình thành, từng bước hoàn thiện; được
hiện thực hóa trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo mưu lược, sáng tạo của
Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng
tư lệnh, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền suốt thời gian hơn
50 ngày đêm lịch sử đầy hào hùng và sống động của mùa Xuân năm 1975. Đại
thắng mùa Xuân 1975 - sự kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước mãi mãi là niềm tự hào được khắc ghi sâu đậm trong tâm khảm
của mỗi người dân Việt Nam và trở thành dấu ấn đáng nhớ của nhân dân yêu
chộng hòa bình trên thế giới. Ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý
báu được rút ra từ chiến thắng vĩ đại đó nói chung; từ việc hoạch định
kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam - yếu tố có tính rường cột góp
phần làn nên thắng lợi đó sẽ mãi còn nguyên giá trị vận dụng trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay./.
(Nguồn: TTXVN)