Thứ Năm, 28/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Sáu, 29/4/2011 21:5'(GMT+7)

Động lực của sự phát triển toàn diện xã hội hiện đại

Đóng góp 6,7% cho tăng trưởng GDP của cả nước

Tại hội thảo “Công nghệ thông tin và tương lai phát triển đất nước”, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đã cho biết: Dưới sự chỉ đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT - TT) của Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cấp, các ngành và nhân dân đã được nâng lên. CNTT – TT đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 20 - 25%/năm, có tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng GDP của cả nước khoảng 6,7%. Kết quả sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị (Khoá VIII) về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Năm 2010, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt 7,1 tỷ USD. Ngành dịch vụ phần mềm Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, lọt vào nhóm 15 nước hấp dẫn nhất về phần gia công phần mềm xuất khẩu. Hạ tầng viễn thông Việt Nam đã áp dụng những công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới. Tỷ lệ số máy tính cá nhân/người dân đạt 6,0%, tỷ lệ dân số sử dụng Internet là 31,1% cao hơn mức bình quân của thế giới.

Ứng dụng CNTT được triển khai rộng khắp cả nước, từ quản lý nhà nước đến sản xuất kinh doanh, từ cơ quan nhà nước tới các doanh nghiệp và người dân. Máy tính và các ứng dụng công nghệ thông tin trở thành công cụ làm việc không thể thiếu đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Nhờ đó, chất lượng hiệu quả các hoạt động kinh tế, xã hội được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.

Ứng dụng CNTT đã góp phần cải cách hành chính, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ của các ngành, lĩnh vực khác, nâng cao năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp, đóng góp tích cực trong việc cung cấp thông tin phục vụ người dân, kể cả khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, hải đảo và kiều bào ở nước ngoài.

Những kết quả đạt được đã chứng minh một chủ trương sáng suốt, đúng đắn và thiết thực của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, tạo khả năng đi tắt đón đầu, tiếp cận và làm chủ công nghệ, áp dụng những tiến bộ khoa học của nhân loại để phục vụ người dân, giúp người dân Việt Nam có thể tiếp cận với thành tựu khoa học thế giới.


CNTT là chiến lược của toàn thế giới

Tổng thống Mỹ Obama đã nhấn mạnh CNTT như một trong ba ưu tiên hàng đầu sẽ giúp Mỹ năng động hoá nền kinh tế, khôi phục sự phát triển và duy trì vị trí hàng đầu thế giới toàn diện trong Thông điệp Liên bang ngày 21/1/2011. Năm năm tới, phải làm cho 98% người dân Mỹ được sử dụng CNTT không dây thế hệ mới.

CNTT cũng được Chính phủ Trung Quốc nhìn nhận như một động lực quan trọng cho sự phát triển của kinh tế và chiến lược “đuổi kịp” các nước khác. Trung Quốc đã thành lập Nhóm lãnh đạo công tác tin học hoá Quốc gia. Năm 2001, Thủ tướng Trung Quốc trực tiếp làm trưởng nhóm cùng 5 phó Thủ tướng làm Phó Trưởng nhóm, 25 bộ trưởng là các thành viên đã lãnh đạo công cuộc tin học hoá Trung Quốc với mục tiêu đưa đất nước trở thành xã hội thông tin.

Nhật Bản đã thành lập Cơ quan đầu não về Chiến lược CNTT do Thủ tướng làm Tổng giám đốc. Điều này cũng cho thấy mức độ ưu tiên phát triển CNTT ở đất nước này rất cao.

Ngay trong Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng các nước Liên minh châu Âu về Chương trình Nghị sự số năm 2010 cũng nêu rõ: “CNTT là nguồn chủ yếu cho các sáng tạo và các cơ hội kinh doanh mới”.

Từ đó, có thể thấy các nước lớn trên thế giới đều có chung một tầm nhìn về vai trò của CNTT với tư cách là một động lực cho sự phát triển toàn diện xã hội hiện đại trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập.


Cần một Nghị quyết của Trung ương về phát triển CNTT

Năm 2010, được coi là năm bản lề để xây dựng định hướng phát triển ngành CNTT cho giai đoạn 2011 – 2020. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành nhiều văn bản quan trọng như Quyết định 1605/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015, Quyết định 63/QĐ-TTg phê duyệt Phát triển An toàn thông tin số Quốc gia đến năm 2020, Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Tất cả những văn bản quan trọng đó đều thể hiện ý chí và quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn ứng dụng, phát triển ngành CNTT đến năm 2020.

Theo đồng chí Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học và nhóm Tư vấn chính sách VINASA khẳng định, trong các ngành kinh tế, CNTT Việt Nam rõ ràng trở thành ngành kinh tế vượt trội so với sự phát triển của đất nước, là ngành có ảnh hưởng lan toả tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội. Đây cũng là ngành Việt Nam có nhiều tiềm năng đuổi kịp các nước phát triển nhất. Để biến tiềm năng đó thành hiện thực, CNTT cần được đặt ở vị trí đặc biệt. Những điều này chỉ có thể thực hiện với sự nỗ lực chung của nhà nước, hiệp hội, các doanh nghiệp và toàn thể xã hội.

Tuy nhiên, trong hoạt động thực tế, sự phát triển CNTT chưa trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chưa là một nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là phương tiện chủ lực để đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước đi trước như tinh thần của Chỉ thị 58-CT/TW đã nêu.

Mức độ áp dụng CNTT trong quản lý nhà nước cũng như trong nhiều ngành kinh tế, dịch vụ xã hội ở các cấp còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. CNTT thường chỉ được nhấn mạnh trong những văn bản chính sách hay pháp lý có liên quan trực tiếp đến ngành CNTT chứ ít được đề cập thoả đáng trong các tài liệu, chính sách hay chiến lược phát triển của các ngành công nghiệp khác như du lịch, hàng hải, hàng không, y tế, nông nghiệp và nhiều ngành khác.

Tại hội thảo “Công nghệ thông tin và tương lai phát triển đất nước”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho biết, từ năm 2000, khi có Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị, ngành CNTT đã trở thành ngành công nghiệp tuy còn non trẻ nhưng có tốc độ phát triển nhanh nhất, đem lại giá trị gia tăng lớn nhất. Việt Nam đã nằm trong top 20 quốc gia mới nổi về sản xuất phần mềm, là điểm đến mong ước của Nhật Bản. Bằng cách này, Việt Nam sẽ có vị trí quan trọng trong kỷ nguyên số. Cần chọn CNTT như đột phát của Việt Nam trong kỷ nguyên tri thức. Đây là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện qua những chương trình hành động quyết liệt, có tập trung đầu tư nhân lực, vật lực rõ ràng.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận đề xuất các chủ trương, giải pháp chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển và ứng dụng CNTT trong thời gian tới. Tất cả các ý kiến đều nhất trí rằng thách thức lớn nhất đối với sự phát triển CNTT với tư cách là động lực quan trọng hàng đầu cho sự phát triển toàn diện của đất nước chính là nhận thức và ý chí chính trị của lãnh đạo các cấp, các ngành. Một Nghị quyết Trung ương về phát triển CNTT sẽ tạo bước đột phá lớn cho sự thống nhất ý chí chính trị ở các ngành, các cấp cho mục tiêu chung của đất nước. Thủ tướng Chính phủ chưa trực tiếp lãnh đạo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin và nhiều Bộ trưởng chưa trực tiếp lãnh đạo Ban này cũng khiến cho việc phát triển CNTT như một động lực gặp nhiều khó khăn.

Có thể coi hạ tầng cơ sở CNTT như một dạng “hạ tầng của hạ tầng”, có tính thiết yếu chó sự phát triển hiện đại như điện, đường, trường, trạm. Phát triển CNTT và thúc đẩy ứng dụng rộng rãi CNTT đòi hỏi phải có mức đầu tư thoả đáng, đặc biệt là đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu, các chuyên gia cao cấp. Coi phát triển CNTT là sự nghiệp toàn dân, trong đó cần có sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhấn, giảm thiểu khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị.

Hằng Thu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất