Theo Báo cáo về Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 (GII-2017) công bố chiều 15-6, Việt Nam xếp hạng 47 trong số 127 quốc gia, vượt 12 bậc so với năm 2016 (đứng đầu trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp và đứng thứ chín trong khu vực gồm Đông - Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương).
Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được trong 10 năm qua; Việt Nam hiện được đánh giá có thế mạnh đồng đều trong bảy trụ cột: Đầu ra tri thức và công nghệ, chỉ số phức tạp/đa dạng của thị trường, chỉ số phức tạp/đa dạng kinh doanh, chỉ số đầu ra sáng tạo và chỉ số tăng trưởng đầu tư cho giáo dục...
Trong 5 năm qua, vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng GII đã tăng ấn tượng tới 29 bậc, từ vị trí 76 (năm 2013), lên vị trí 71 (năm 2014), lên vị trí 52 (năm 2015), vị trí 59 (năm 2016) và vị trí 47 (năm 2017).
GII có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của nền kinh tế, phản ánh đậm nét nhận thức và trình độ phát triển công nghệ của một quốc gia. Bộ chỉ số xếp hạng này hiện trở thành Bộ công cụ đánh giá tốt hơn, phong phú và xác đáng hơn so với các thước đo đổi mới sáng tạo truyền thống khác (như số lượng các bài báo nghiên cứu được công bố, số đăng ký bằng độc quyền sáng chế, hay các mức chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển...).
Năm 2016, Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2014 về xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc; tăng chín bậc so với năm 2015 về xếp hạng môi trường cạnh tranh của Ngân hàng Thế giới (WB), nhưng bị giảm bảy bậc về chỉ số GII và giảm bốn bậc (từ vị trí 56 xuống thứ 60) về xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Bởi vậy, Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã tích hợp yêu cầu bốn bộ chỉ số đánh giá xếp hạng toàn cầu về mức độ thuận lợi kinh doanh của WB; về năng lực cạnh tranh quốc gia của WEF; về năng lực đổi mới sáng tạo và về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc để xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế.
Chính phủ đã đặt mục tiêu cụ thể về các chỉ số GII phải đạt và đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối hướng dẫn, phối hợp các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, sử dụng báo cáo hằng năm về GII để thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện các chỉ số GII. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và tiến độ thực hiện đối với từng nhiệm vụ gắn với từng chỉ số được phân công, sớm cập nhật các số liệu lạc hậu, thu thập và bổ sung những số liệu còn thiếu, qua đó góp phần có được một đánh giá toàn diện, sát thực hơn về năng lực của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam.
Đổi mới sáng tạo là quá trình mang tính lâu dài, là động lực và thước đo phản ánh quyết tâm, cũng như hiệu quả đổi mới của Nhà nước kiến tạo và cộng đồng doanh nghiệp, khoa học và công nghệ Việt Nam. Kết quả xếp hạng Việt Nam trong GII-2017 phản ánh kết quả triển khai Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP; đồng thời là sự hội tụ và cộng hưởng những đột phá nhận thức và nỗ lực cả một quá trình quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo, tiềm lực và hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển mạnh từ chủ yếu theo bề rộng sang chủ yếu theo bề sâu trên cơ sở khuyến khích tự do sáng tạo và coi khoa học - công nghệ là động lực trọng tâm cho phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm quốc phòng - an ninh và các nhu cầu phát triển xã hội của Việt Nam; tiếp tục định hướng và tạo đà cho những cải cách và kết quả kỳ vọng tích cực hơn trong đổi mới toàn diện và chủ động hội nhập quốc tế.
Theo Nhân dân