Trong chính sách đối ngoại, ứng cử viên Donald Trump đã từng đưa ra những tuyên bố chưa từng có về quan hệ với Trung Quốc, với Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, với Nga và với thế giới Hồi giáo, nhưng trong những ngày cầm quyền, ông đã đưa ra những tuyên bố và quyết sách đi ngược lại những tuyên bố đó [1]
Những thay đổi về quan điểm của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump so với cương lĩnh tranh cử
Về quan hệ với Trung Quốc. Khi tranh cử, ứng cử viên Donald Trump tuyên bố: “Tôi không thể gọi Trung Quốc bằng một từ náo khác là kẻ thù của nước Mỹ bởi họ đang cướp công ăn việc làm của người Mỹ, đang cướp đoạt tương lai của các thế hệ người Mỹ. Trung Quốc đang ra sức đẩy chúng ta vào nguy cơ phá sản, do thám hòng ăn cắp công nghệ của ta, và hủy hoại lối sống của ta đây! Đối với tôi, đó là kẻ thù”. Ông Donald Trump còn cho biết, Mỹ sẽ xem xét lại vấn đề “hai Trung Quốc” (Trung Quốc đại lục và Cộng hòa Đài Loan). Thế nhưng, sau khi đắc cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”, muốn thiết lập mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc để mang lại lợi cho cả hai nước. Sau cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6/4/2017, Donald Trump nhận định quan hệ giữa hai nước sẽ là mối quan hệ rất, rất tuyệt vời trong dài hạn” [1,2]
Về quan hệ với Nga. Trong chiến dịch tranh cử, trên Twitter cá nhân, ứng cử viên Donald Trump viết: "Quan hệ tốt đẹp với Nga là điều tốt chứ sao. Chỉ có những kẻ ngu mới cho rằng quan hệ tồi tệ với Nga là tốt cho chúng ta!" [3]. Trong cuộc nói chuyện điện thoại đầu tiên ngay sau khi đắc cử, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, sẽ phối hợp với Nga tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố ở Syria, sẽ coi Nga là một đối tác chứ không phải là kẻ thù như dưới thời cầm quyền của các đời tổng thống Mỹ sau khi Liên Xô tan rã. Tổng thống Donand Trump còn đề xuất chủ trương thành lập liên minh chống khủng bố với Nga và nhà nước Syria. Thế nhưng, sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Donald Trump lại bổ nhiệm những nhân vật chủ chốt có quan điểm chống Nga, trong đó có ông Rex Tillerson, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ, lại đưa ra cảnh báo về “nguy cơ từ nước Nga” trong cuộc điều trấn trước Quốc hội Mỹ. Ứng cử viên Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ James Mattis nhận định:“Nga là đe dọa lớn nhất đối với Mỹ” [4]. Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO trong 2 ngày 24 và 25/5/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định: “NATO đang đứng trước ba mối nguy cơ an ninh là IS, làn sóng di cư và mối đe dọa từ Nga”[5].
Về cuộc chiến chống tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) và về Syria. Ứng cử viên Donand Trump nói: "Tôi có nhiều quan điểm ngược lại đa số mọi người về vấn đề Syria. Chúng ta không thể chống nhà nước Syria, trong khi họ đang chống lại sự khủng bố từ tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xựng (IS). Nếu cứ như vậy chúng ta khó mà diệt trừ được IS”. Trong chiến dịch tranh cử, ông Donand Trump còn nói: “Việc củng cố chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan đã trỗi dậy mạnh mẽ tại Trung Đông Nga bây giờ đang tóm gọn hoàn toàn Syria và còn có thêm Iran vốn mới trỗi dậy nữa bởi vì họ đang hợp tác với chính phủ Syria. Nếu Mỹ tấn công ông Assad, chúng ta sẽ kết thúc mọi chuyện bằng một cuộc chiến với Nga". Sau khi trở thành tổng thống, Donald Trump đã 4 lần thay đổi quan điểm về Syria, cuối cùng ông chốt lại: “Để tiêu diệt IS, cần loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad”.
Đáng chú ý nhất là ngày 6/4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ ra lệnh sử dụng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk tấn công một căn cứ không quân của Syria. Tiếp đến, ngày 18/5/2017, không quân của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu tiến hành cuộc không kích dữ dội nhằm vào đoàn xe quân sự của Syria ở Al-Tanf trên hướng đông nam tỉnh Homs, chuẩn bị cho đòn tấn công nhằm vào lực lượng Hồi giáo cực đoan được Mỹ và Jordan hậu thuẫn trên vùng sa mạc tỉnh Homs. Cũng trong ngày 18/5/2017, không quân liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu không kích lực lượng quân tình nguyện Iraq, trung đoàn Sayyed Al-Shuhada, bị gần biên giới Albukamal trong địa phận tỉnh Deir Ezzor của Syria, khiến một chiến binh Sayyed Al-Shuhada bị sát hại và 6 người khác bị thương nặng. Các vụ tấn công liên tiếp này của Mỹ là thông điệp cảnh báo của chính quyền Donald Trump nhằm vào Syria và các lực lượng khác trong liên minh chống khủng bố do Nga dẫn đầu, gồm Iran và lực lượng vũ trang của tổ chức Hezbollah.
Về mặt lập pháp, ngày 17/5/2017, Hạ viện Mỹ bỏ phiểu thông qua dự luật mới áp đặt các biện pháp cấm vận nhằm chống lại tất cả tất cả những ai ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống khủng bố. Bình luận về dự luật này, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan nhấn mạnh:“Chúng ta không thể làm ngơ trước những tội ác chống lại loài người của Assad. Bằng các biện pháp cấm vận mới này chúng ra sẽ gây áp lực lên Chính phủ Syria và các quốc gia đang ủng hộ chính quyền này, trong đó có Iran và Nga”. Tác giả dự luật mới chống Syria là nghị sỹ Eliot Engel đã giải thích rõ bán chất các biện pháp cấm vận này là “nhằm ngăn cản Nga và Iran ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad”. Ông Eliot Engel tuyên bố: “Nếu ai đó ủng hộ Assad thì bàn tay họ dính máu của người dân Syria. Do đó, họ sẽ phải chịu các biện pháp cấm vận”. Như vậy, các biện pháp cấm vận mới sẽ nhằm chống lại tất cả những ai viện trợ nhân đạo cho Syria, trong đó Nga chiếm khối lượng viện trợ lớn nhất nên không thể tránh được các biện pháp cấm vận của Mỹ [6]. Trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên, phát biểu tại Hội nghị của 55 nước Hồi giáo và A-rập ở A-rập Xê-ut ngày 21/5/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Assad với sự ủng hộ của Iran đã phạm tội ác khủng khiếp nên Mỹ đã phải áp dụng biện pháp vũ lực để đáp trả hành động của chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học” [7].
Về quan hệ với các đồng minh. Khi là ứng cử viên, ông Donald Trump tuyên bố: “NATO là một tổ chức đã lỗi thời”. Sau khi trở thành tổng thống, trong cuộc hội đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng hôm 12/4/2017, Donald Trump lại nói: “Tôi từng nói NATO lạc hậu. Nhưng bây giờ họ không còn lạc hậu nữa. Ngài Tổng thư ký NATO và tôi đã có một cuộc thảo luận khá tích cực về những điều mà NATO có thể làm để chống chủ nghĩa khủng bố”. Trong 4 tháng qua trên cương vị Tổng thống, ông Donald Trump chỉ gặp một số ít những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ, thậm chí ông không gọi điện cho lãnh đạo đa phần các nước đồng minh khác. Trong khi đó, ông đã đón tiếp lãnh đạo cấp cao nhiều nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine, Ukraine tại Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ Donald Trump giải thích việc hợp tác với các “chế độ không dân chủ” là do “cần có nhiều đối tác trong cuộc đấu tranh chống khủng bố”. Theo giới phân tích, triết lý của Tổng thống Trump là sự thực dụng với cơ sở lý luận là thực tế chính trị, còn mục tiêu là để bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ, chứ không phải là nhằm “thúc đẩy dân chủ” hay bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới. Vì thế, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn Trung Đông là nơi ông thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên, chứ không phải châu Âu hay Bắc Mỹ [7].
Về sự can thiệp của Mỹ vào chủ quyền của quốc gia khác. Ứng cử viên Donald Trump: “Kỷ nguyên Mỹ can thiệp vào quyền của các quốc gia khác đã kết thúc. Giờ đây nước Mỹ phải tự thay đổi chính mình chứ không phải dính líu vào chuyện của các nước khác” [1]. Sau khi trở thành tổng thống, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu can thiệp vào các điểm nóng trên thế giới. Với Triều Tiên, ông Donald Trump tuyên bố: “Mỹ đã hết kiên nhẫn chiến lược và sẵn sàng sử dụng giải pháp quân sự để thay đổi chế độ của CHDND Triều Tiên, xem xét khả năng đưa Triều Tiên vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố”. Ở Syria, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không chấp nhận vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad và sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để thay đổi thể chế chính trị ở Syria. Sau sự kiện mà Mỹ gọi là “vụ tấn công vũ khí hóa học của Quân đội Syria”, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson tuyên bố: “Mỹ sẵn sàng trừng phạt bất cứ những kẻ nào phạm tội chống lại dân thường vô tội ở bất cứ nơi nào trên thế giới”. Thậm chí, đại diện thường trực của Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley, tuyên bố: “Mỹ sẽ không từ bỏ vai trò là “lương tâm của thế giới”. LHQ là công cụ hữu hiệu để Mỹ xúc tiến các giá trị của mình trên toàn thế giới” [8].
Quan hệ với các nước thế giới Hồi giáo. Trong chiến dịch tranh cử, trong một cuộc gặp cử tri, ứng cử viên Donald Trump kêu gọi: “Chặn đứng hoàn toàn việc người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ cho đến khi những đại diện ở nước ngoài của Mỹ có thể xác định được chuyện gì đang diễn ra". Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng 3/2016, ông Donald Trump còn nói: "Tôi nghĩ những người theo đạo Hồi ghét chúng ta. Có một sự thù hận khủng khiếp ở ngoài kia. Chúng ta phải đi đến tận cùng của việc này”. Những lời lẽ này đã gây sốc đối với nhiều người Mỹ khi những người chỉ trích ông Donald Trump chỉ ra rằng Hiến pháp Mỹ nghiêm cấm hành vi kỳ thị tôn giáo. Ngày 27/1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tạm thời cấm nhập cảnh đối với người đến từ 7 nước Hồi giáo lớn, gồm Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen trong 90 ngày, với người tị nạn trong 120 ngày và vô thời hạn với người tị nạn Syria. Thế nhưng, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Trung Đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại chọn điểm đến là các nước Hồi giáo, tham dự và phát biểu tại Hội nghị 55 quốc gia Hồi giáo và A-rập, trong đó ông trình bày tầm nhìn của mình về một cấu trúc an ninh khu vực mới, trong đó ông tuyên bố rằng Hồi giáo là một trong những tôn giáo vĩ đại trên thế giới. Ông còn ủng hộ đề xuất của Arabia Saudi xây dựng liên minh các nước Hồi giáo A-rập, được gọi là “NATO A-rập” [9,10].
Do đâu chính quyền Donald Trump lại có sự thay đổi quan điểm như vậy?
Theo giới phân tích chính trị quốc tế, những gì ứng cử viên Donald Trump nói và tuyên bố về quan hệ với Trung Quốc, với Nga, về cuộc chiến chống IS, về chính sách can thiệp của Mỹ, về NATO…là hoàn toàn đúng với thực trạng nước Mỹ và thế giới. Rất nhiều người Mỹ nhận thấy đó là quan điểm khách quan, trung thực và chính vì thế mà các cử tri Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ Donald Trump, hy vọng ông sẽ làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại”. Rõ ràng, chỉ có thể làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại” một khi nhận diện đúng vị thế của nước Mỹ để từ đó đưa ra chính sách đối ngoại đúng hướng. Tuy nhiên, ứng cử viên Donald Trump là “người ngoại đạo”, không xuất thân từ tầng lớp trong hệ thống chính trị của Hoa Kỳ mà hệ thống này mới có quyền lực thực sự trong nền chính trị Mỹ. S
Sau khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump không thể hành động như một người “ngoại đạo” nữa. Khi bắt đầu được tiếp xúc với những tài liệu tối mật của hệ thống chính trị Mỹ (gồm Bộ ngoại giao, Cục an ninh quốc gia, Cục tình báo trung ương Mỹ, Bộ quốc phòng…) ông đã phải thốt lên kinh ngạc:“Lẽ nào lại có thể như vậy!” Lúc này, Donald Trump đã là người của hệ thống chính trị Mỹ, nhất cử nhất động ông phải hành động theo các quy tắc của hệ thống này, nếu không sẽ bị loại bỏ. Cựu Tổng thống Mỹ John Kennedy đã từng là một người tuyên chiến với hệ thống và vì thế ông ta đã bị họ loại bỏ ngay lập tức.
Dư luận Nga đã từng tỏ ra phấn khích và đề cao vai trò cá nhân của Donald Trump trước những tuyên bố của ông trong chiến dịch tranh cử mà không biết rằng, quan hệ Mỹ-Nga không phụ thuộc vào việc ai là chủ nhân Nhà Trắng, mà là phụ thuộc vào chiến lược toàn cầu của hệ thống chính trị của Mỹ nhằm mục tiêu chưa bao giờ thay đổi kể từ trước khi bùng phát Chiến tranh thế giới lần thứ II tới nay là làm tan rã Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay [11]. Zbigniev Brzezinski, cựu Cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và là chuyên gia nghiên cứu địa chính trị hàng đàu của Mỹ từng nhận định: “Trật tự thế giới mới sau Chiến tranh lạnh sẽ được xây dựng trên các mảnh vỡ từ sự tan rã nước Nga”. Vì thế mà NATO không những không bị giải thể mà còn mở rộng tới sát biên giới Nga [12].
Vừa qua, cựu Cố vấn của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, ông Paul Craig Roberts, cảnh báo: Mỹ có kế hoạch tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Nga và Trung Quốc. Theo kế hoạch này, trước hết Washington sẽ sát hại các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Nga và Trung Quốc, sau đó sẽ giáng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu vào hai quốc gia này. Theo tính toán của Lầu Năm Góc, Nga và Trung Quốc sẽ không có khả năng giáng trả hạt nhân nhằm vào Mỹ [12].
Nhận định về phản ứng của bộ máy truyền thông Mỹ về cuộc gặp đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Bộ trưởng ngoại giao Nga Xergay Lavrov vừa qua, chuyên gia phân tích chính trị Nga Dmitry Drobnhiskij chia sẻ quan điểm: “Donald Trump là vị tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ không thể làm bất cứ điều gì khi chưa được phép của “hệ thống”. Các đời Tổng thống Mỹ gần đây như Bill Clinton, G.W.Bush hay Barack Obama có thể làm bất cứ điều gì trong quyền hành pháp của họ, bởi họ là người thuộc “hệ thống”, còn Donald Trump thì không” [13].
Về quan hệ với Trung Quốc, hệ thống chính trị của Mỹ đã bắt tay làm ăn với Bắc Kinh từ năm 1972-thời điểm cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon và cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ký Thông cáo chung Thượng Hải. Vì thế, nếu nói Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1989 sau khi Bức tường Berlin được dỡ bỏ là nói về quan hệ Mỹ-Xô, còn giữa Mỹ và Trung Quốc thì Chiến tranh lạnh đã kết thúc trước đó 17 năm-vào năm 1972. Từ đó, hai nước phát triển quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Vì thế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc như ông tứng tuyên bố trong chiến dịch tranh cửa mà vẫn phải hợp tác với Trung Quốc theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Trong chuyến thăm Trung Quốc chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson từng tuyên bố rằng quan hệ Mỹ-Trung là quan hệ nước lớn kiểu mới được xây dựng theo nguyên tắc “không xung đột, không đối đầu và hợp tác cùng thắng” [15]./.
Đại tá Lê Thế Mẫu
__________________
Tài liệu tham khảo:
[1] Tập thể tác giá do PGS-TS Cù Chí Lợi chủ biên. Sự lựa chọn lịch sử của nước Mỹ. NXB Chính trị quốc gia-Sự thật. Hà Nội, 2016
[2] Cuộc gặp xây dựng tình bạn giữa ông Trump và ông Tập. http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuoc-gap-xay-dung-tinh-ban-giua-ong-trump-va-ong-tap-3566670.html
[3] Трамп: Только дураки могут думать, что хорошие отношения с Россией — это плохо. http://www.kp.ru/online/news/2619712/
[4] Ứng cử viên Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis: Nga là đe dọa lớn nhất đối với Mỹ. http://www.baomoi.com/tuong-james-mattis-nga-la-de-doa-lon-nhat-doi-voi-my/c/21325387.epi
[5] Трамп назвал Россию одной из главных угроз для НАТО. https://ria.ru/world/20170525/1495100009.html
[6] В чём заключается ближневосточная стратегия США? http://m.fondsk.ru/news/2017/05/18/v-chem-zakluchaetsa-blizhnevostochnaja-strategija-usa-44009.html
[7] Трампу ещё рано опускать большой палец ноги в ближневосточные воды
http://www.fondsk.ru/news/2017/05/25/trampu-esche-rano-opuskat-bolshoj-palec-nogi-v-blizhnevostochnye-vody-44042.html
[8] Захарова ответила Хейли, назвавшей США «совестью мира». http://mogol.info/zaxarova-otvetila-xejli-nazvavshej-ssha-sovestyu-mira.html
[9] Tổng thống Trump ra sắc lệnh cấm nhập cảnh mới. http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tong-thong-trump-ra-sac-lenh-cam-nhap-canh-moi-3551320.html
[10] Tổng thống Trump xoa dịu người Hồi giáo. http://www.baomoi.com/tong-thong-trump-xoa-diu-nguoi-hoi-giao/c/22335237.epi
[11] Алексей ФЕНЕНКО о будущем отношений США и России. https://www.pravda.ru/world/northamerica/usacanada/08-04-2017/1329500-rossija_i_amerika-0/
[12] Новый мировой порядок создается против России, за счет России и на обломках России. http://antisionizm.info/Noviy-mirovoy-poryadok-sozdaetsya-protiv-Rossii-za-schet-Rossii-i-na-oblomkah-Rossii-1024.html
[13] Paul Craig Roberts warns Washington plans to nuke Russia and China. https://personalliberty.com/paul-craig-roberts-warns-washington-plans-nuke-russia-china/
[14] Политолог об ответе Трампа на скандал "с секретами": тут все чисто. https://ria.ru/radio_brief/20170516/1494415897.html
[15] Rex Tillerson talks of a “historic moment” in relations with China. http://www.economist.com/news/china/21719198-donald-trump-mulling-new-approach-rex-tillerson-talks-historic-moment-relations