Thứ Sáu, 22/11/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 20/8/2019 10:28'(GMT+7)

Đồng Nai: Hiệu quả từ những khu công nghiệp

Khu công nghiệp Amata - Đồng Nai

Khu công nghiệp Amata - Đồng Nai

Sự ra đời của các Khu công nghiệp (KCN), Khu chế xuất (KCX) gắn liền với đường lối đổi mới, chính sách mở cửa do đại hội Đảng lần thứ VI (1986) khởi xướng. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta đề ra nhiều chủ trương đúng đắn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Trong các chủ trương đó, có chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, huy động mọi nguồn lực, kể cả vốn đầu tư trong nước và ngoài nước. KCN được hình thành là giải pháp quan trọng để huy động vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Sau này trong nhiều văn kiện Đảng ta luôn khẳng định xây dựng và phát triển KCN là nhân tố hết sức quan trọng để đẩy nhanh, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để giúp Chính phủ quản lý các hoạt động của KCN trên địa bàn các tỉnh, thành phố, ngoài vai trò các Bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương, Chính phủ đã quyết định thành lập Ban quản lý KCN (BQL.KCN) cấp tỉnh. Đây là cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các KCN trong phạm vi một tỉnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của KCN, nâng cao hiệu quả, hiệu suất của công tác quản lý.

BQL.KCN Đồng Nai được Thủ tướng chính phủ ra quyết định thành lập vào ngày 06/4/1995. Qua gần 25 năm hoạt động BQL.KCN Đồng Nai luôn khẳng định được vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển KCN.

QUY HOẠCH VÀ XÂY DỰNG KHU CÔNG NGHIỆP

Đồng Nai là một trong số những địa phương sớm quy hoạch các KCN. Cuối năm 1998, sau khi Nghị định 36/CP được ban hành, Đồng Nai đã quy hoạch tổng thể được 17 KCN với tổng diện tích 8.110 ha; có 9 KCN được Chính phủ phê duyệt thành lập. Trong thời gian này, nhiệm vụ qui hoạch tổng thể và quản lý các KCN đã được Chính phủ phê duyệt là hai việc hết sức quan trọng trong công tác của BQL. BQL đã thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ như: Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các hoạt động xây dựng hạ tầng KCN theo đúng qui hoạch chi tiết; đánh giá kết quả xây dựng; Hỗ trợ, giúp đỡ các công ty phát triển hạ tầng giải quyết các khó khăn, vướng mắc; Tham gia cùng các huyện, công ty phát triển hạ tầng làm công tác giải tỏa, đền bù; BQL cũng tích cực giúp đỡ các đơn vị đăng ký xây dựng hạ tầng KCN bảo vệ thành công nhiều qui hoạch chi tiết và dự án kinh tế kĩ thuật của các KCN ở Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư....

Qua quá trình phát triển KCN, BQL đã cùng các ngành tham mưu UBND tỉnh bổ sung mạng lưới KCN, đến nay đã quy hoạch 35 KCN, trong đó đã xây dựng được 32 KCN với tổng diện tích 10.240,45 ha. Hiện nay đã lấp đầy 78,51% đất cho thuê. Đồng Nai không phát triển các KCN một cách tràn lan mà dựa vào tính toán hết sức tỉ mỉ về lựa chọn vị trí các KCN, đơn vị đầu tư hạ tầng, thời cơ thu hút đầu tư và các nhu cầu cho hoạt động của KCN. 

Hiện có 31 KCN đi vào hoạt động. Các công ty kinh doanh hạ tầng đầu tư trên 600 triệu USD để xây dựng hạ tầng các KCN. Tại 32 KCN Đồng Nai đã có 43 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 1.722 dự án, trong đó có 1.260 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 24.368,70 triệu USD, vốn thực hiện 18.418,34 triệu USD và 462 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư  58.256,97 tỷ. Thu hút đầu tư những năm gần đây đều đạt và vượt con số 1 tỷ USD/năm. Ngành nghề trong các KCN hết sức đa dạng, có nhiều doanh nghiệp (DN) có trình độ công nghệ cao, nhiều DN có thương hiệu nổi tiếng thế giới. Các KCN Đồng Nai được xây dựng theo định hướng phát triển bền vững; thu hút được nhiều dự án công nghệ cao, không có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguy hiểm. 

Nhiều nghìn tỷ đồng đã được đầu tư vào các KCN ở Đồng Nai.

Nhiều nghìn tỷ đồng đã được đầu tư vào các KCN ở Đồng Nai.

Tình hình hoạt động của các DN đạt kết quả khả quan, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN tương đối ổn định các chỉ tiêu năm sau đạt cao hơn năm trước. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong KCN trong những năm gần đây đạt kết quả tốt, giúp cho tỉnh Đồng Nai liên tục xuất siêu trong các năm: Năm 2015 xuất siêu 1,3 tỷ USD, 2016 xuất siêu 2 tỷ USD, 2017 xuất siêu 2,2 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2018 Ðồng Nai xuất siêu 2,7 tỷ USD (trong đó các KCN xuất siêu 2,2 tỉ USD), cao nhất từ trước đến nay và chiếm trên 30% trong tổng xuất siêu của cả nước. Các KCN Đồng Nai thu hút được 565 ngàn lao động, trong đó có khoảng 6.500 lao động là người nước ngoài. Các KCN có vai trò quan trọng trong đóng góp ngân sách địa phương.

NHỮNG LỢI ÍCH THIẾT THỰC TỪ VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

Công cuộc xây dựng và phát triển KCN đã mang lại cho địa phương Đồng Nai những lợi ích to lớn. Thứ nhất, phát triển KCN góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách, cải tiến thủ tục hành chính. Được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc XD&PT.KCN, thực tiễn xây dựng và quản lý các KCN ở Đồng Nai đã đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện khung pháp lý chung về KCN. Sự  phát triển của KCN làm động lực cho các cơ quan địa phương tích cực cải cách thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế một cửa tại chỗ, một cửa liên thông hiện đại để đáp ứng những nhu cầu của quá trình xây dựng và phát triển KCN.

Thứ hai, phát triển KCN góp phần phát triển các khu đô thị, khu dân cư và kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Hoạt động của KCN góp phần quan trọng trong việc quy hoạch, hình thành và phát triển các khu đô thị mới như khu vực Long Thành, Nhơn Trạch, tiếp tục phát triển nhanh các khu đô thị cũ điển hình là thành phố Biên Hòa. Hệ thống lưới điện phát triển ngày càng mạnh mẽ; hệ thống cấp nước được đầu tư xây dựng, công suất tiếp tục tăng mạnh đáp ứng nhu cầu; hệ thống bưu chính viễn thông nhanh chóng phát triển theo hướng hiện đại; hệ thống giao thông phát triển nhanh chóng liên hoàn và thông suốt đặc biệt là các tuyến cao tốc lớn như TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây; Quốc lộ 51, Quốc lộ 1A, các tuyến đường liên huyện, liên cảng.

Thứ ba, phát triển KCN đã thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư trong nước và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Các dự án có ngành nghề đa dạng, một số dự án quy mô lớn trên 1 tỷ USD, đóng góp lớn cho ngân sách cũng như phát triển các dịch vụ liên quan.

Các khu công nghệ cao đã được đầu tư xây dựng tại các KCN.

Các khu công nghệ cao đã được đầu tư xây dựng tại các KCN.

Thứ tư, sự phát triển các KCN tạo điều kiện cho Đồng Nai tiếp cận và từng bước nâng cao về trình độ khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho quá trình hội nhập quốc tế. Tạo chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp; tiếp đó sang công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp. Đến năm 2018, cơ cấu kinh tế tỉnh Đồng Nai với công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ lệ 61,29%, dịch vụ chiếm 21,82%, nông nghiệp chiếm 8,98% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 7,9%. 

Thứ năm, sự phát triển của KCN góp phần hình thành và tăng nhanh các hoạt động dịch vụ như : Logistic, xây dựng, y tế, nhà ở.... Việc hình thành các loại hình dịch vụ vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động và phát triển của các KCN.

Thứ sáu, phát triển các KCN góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, khuyến khích học tập, nâng cao dân trí. Hiện có khoảng 558 nghìn lao động đang làm việc trong các KCN, 20% lao động có trình độ trung cấp trở lên, 40% lao động đã qua đào tạo, đào tạo lại (kể cả doanh nghiệp tự đào tạo) và 40% lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Trong quá trình làm việc, người lao động luôn có nhu cầu học tập nâng cao trình độ học vấn và tay nghề nhằm cải thiện thu nhập, cải thiện vị trí việc làm. 

Thứ bảy, hiện nay có 43 quốc gia và vùng, lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai đã góp phần phát triển quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế. Trong quá trình đẩy mạnh thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tỉnh Đồng Nai đã thiết lập được nhiều mối quan hệ với các Công ty, các địa phương của các quốc gia khác trên thế giới, gắn kết về văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật.

Thứ tám, quản lý các KCN 25 năm qua đã góp phần nâng cao trình độ cán bộ công chức của BQL. Quá trình phát triển các KCN cùng với doanh nghiệp FDI đầu tư vào KCN, tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, các chuyên gia tiếp cận nhà đầu tư thường xuyên, qua đó tạo điều kiện học hỏi, trau dồi, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn ngoại ngữ, giao tiếp và quản lý doanh nghiệp về mọi mặt..., từ đó nâng tầm cán bộ công chức trong công tác quản lý.

NHỮNG KHÓ KHĂN CẦN KHẮC PHỤC CHO CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN TIẾP THEO

Bên cạnh những kết quả đạt được, các KCN Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung cần được quan tâm hơn nữa về công tác quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan. Nghị định 82 ra đời đã góp phần giải quyết một số hạn chế vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật đối với các KCN, KKT.

Song thực tế trong quá trình nghiên cứu, triển khai Nghị định 82 thời gian qua, các Ban Quản lý  đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước KCN, KKT như: Một số chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý KCN, KKT vẫn trong cơ chế ủy quyền, gây khó khăn, không ổn định trong quá trình triển khai thực hiện; Nghị định 82 chưa có quy định về Thanh tra chuyên ngành tại KCN, KKT và các quy định chế tài liên quan để Ban quản lý chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao; theo Nghị định 82, Ban Quản lý cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa sản xuất tại KCN và cấp các loại giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận khác có liên quan của doanh nghiệp trong KCN trên cơ sở ủy quyền của Bộ Công Thương và các Bộ chuyên ngành. Tuy nhiên, hiện nay thiếu các quy định, tiêu chí cụ thể để thực hiện, điều này gây khó khăn khi thực thi tại địa phương; các điều kiện về lao động nước ngoài tạm trú tại doanh nghiệp trong KCN còn vướng mắc; việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án hoạt động theo loại hình doanh nghiệp chế xuất hiện nay gặp nhiều khó khăn do phải chờ hướng dẫn từ các cơ quan liên quan... Do đó, trong thời gian tới đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan sớm có các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai được coi là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng và phát triển KCN. Đồng Nai coi việc xây dựng và phát triển KCN là mô hình phát triển kinh tế trọng điểm và có tầm quan trọng hết sức đặc biệt. Suốt 25 năm qua, Đồng Nai đã xây dựng được hệ thống các KCN có quy mô lớn, thu hút được lượng lớn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài. Các KCN đã đóng góp cho địa phương nói riêng, cả nước nói chung nhiều lợi ích to lớn. Công cuộc xây dựng và phát triển KCN đã và sẽ tiếp tục đưa Đồng Nai thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ./.

Cao Tiến Sỹ - Trưởng ban BQL các KCN Đồng Nai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất