Tính đến tháng 5-2019, toàn tỉnh đã có 133/133 xã và 11/11 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng Nai cũng đã có tờ trình đề nghị Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét, công nhận, công bố tỉnh Đồng Nai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.
Đến nay, UBND các địa phương đã hoàn thành việc rà soát, đánh giá với kết quả 100% các xã trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; 100% các huyện đều đảm bảo các tiêu chí huyện nông thôn mới.
Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai rút ra một số kinh nghiệm trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo trong đó bài học đầu tiên và quan trọng nhất là “nơi nào cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện thực tiễn cụ thể của từng địa bàn thì nơi đó tình hình có sự chuyển biến tốt và đạt kết quả cao”.
Từ bài học này ta thấy rõ, cấp ủy Đảng với tư cách là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, có một vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định trong xây dựng nông thôn mới. Đồng Nai luôn đề cao vai trò của cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, một số cán bộ, nhất là người đứng đầu còn tư tưởng chần chừ, thiếu quyết liệt nên kết quả xây dựng nông thôn mới chậm chuyển biến. Vì vậy công tác cán bộ luôn được cấp ủy quan tâm hàng đầu.
Tới đây, Văn Phòng điều phối nông thôn mới Trung ương sẽ tổ chức Đoàn khảo sát về kết quả xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai.
PV