Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Việt Nam, khu vực có cơ sở hạ tầng phát triển và thuộc vùng kinh tế năng động nhất Việt Nam. Với đặc thù là tỉnh có Khu công nghiệp đầu tiên cả nước và hiện nay có 35 khu công nghiệp được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch đến năm 2020. Hiện nay, đã có 32 Khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoat động, thu hút nhiều dự án đầu tư trong nước và nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Đồng Nai đến từ nhiều quốc gia (chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…) đóng góp nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế- xã hội chung của tỉnh.
Công tác thu hút, quản lý, sử dụng và giải ngân nguồn vốn FDI để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội được các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Đồng Nai quan tâm thường xuyên chỉ đạo thực hiện. Hàng năm, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, Quyết định về các chỉ tiêu, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, trong đó đánh giá vai trò đóng góp quan trọng của thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, từ đó xác định các giải pháp, nhiệm vụ để đẩy mạnh hơn việc thu hút nguồn vốn đầu tư, quản lý, sử dụng và giải ngân FDI, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, như Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 17/01/2019 của Tỉnh ủy về chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2019; Nghị quyết số 136/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh về kế họach phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2019 tỉnh Đồng Nai; Quyết định số 4423/QĐ-UBND ngày 11/12/2018 về tổ chức triển khai các giải pháp thực hiện Kế họach phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Đồng thời, hàng năm UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban ngành xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư nước ngoài tại các thị trường tiềm năng, nơi có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm để giới thiệu đến Đồng Nai đầu tư sản xuất kinh doanh. Tỉnh quan tâm xây dựng kế hoạch và tổ chức các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để tăng cường nắm bắt thông tin nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa chính quyền với nhà đầu tư và giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài kết nối hợp tác sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
NHIỀU THUẬN LỢI XEN LẪN KHÓ KHĂN
Trong hơn 30 năm qua, Đồng Nai luôn nằm trong tốp các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước. Đến tháng 31/12/2018, tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 1.378 dự án, vốn đăng ký 28,5 tỷ USD, trong đó 1.260 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, các dự án còn lại đang xây dựng. Tổng vốn đã thực hiện khoảng 20,5 tỷ USD, đạt 70,3% tổng vốn đăng ký. Các nhà đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai đến từ 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư cao nhất tại Đồng Nai là: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN, Châu Âu, Châu Mỹ...
Riêng trong năm 2019, tính đến ngày 30/6/2019, thu hút đầu tư từ khu vực nước ngoài đạt khoảng 1.026 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2018 đạt 950 triệu USD), trong đó: cấp mới 48 dự án với tổng vốn đăng ký 514 triệu USD và 54 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 512 triệu USD. Giải ngân 6 tháng đầu năm dự ước đạt 300 triệu USD đạt thấp soi với cùng kỳ (cùng kỳ 600 triệu USD) do trong năm 2018 các dự án lớn đã giải ngân gần hết số vốn đầu tư đăng ký, các dự án cấp mới và điều chỉnh những tháng đầu năm 2019 còn đang làm thủ tục đất đai, xây dựng nên số vốn giải ngân chưa cao.
Các dự án đầu tư nước ngoài chủ yếu được bố trí tại các KCN trong toàn tỉnh, nhưng tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm, có lợi thế, làm cho các vùng này thực sự là vùng kinh tế động lực, lôi kéo phát triển kinh tế xã hội chung và các vùng phụ cận. Ngành nghề đầu tư của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đa dạng, với qui mô và trình độ công nghệ rất khác nhau, chiếm đa số là ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo chiếm 84% tổng vốn đăng ký, ngành nông nghiệp chiếm 1,5% vốn đăng ký, lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm 3,5% số dự án, lĩnh vực đầu tư bất động sản chiếm 12 % vốn đăng ký.
Hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 37% so với tổng giá trị gia tăng toàn tỉnh, 62% giá trị sản lượng công nghiệp, 91% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách (cụ thể trong năm 2018 thu ngân sách từ các dự án FDI là 27.000 tỷ đồng chiếm 45% tổng thu ngân sách, trong đó: thu nội địa 11.500 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 15.500 tỷ đồng).
Các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã giải quyết công ăn việc làm số lượng lớn, khoảng 600.000 lao động, giúp giải quyết căn bản tình trạng thất nghiệp, đồng thời cũng từng bước hình thành một đội ngũ cán bộ và công nhân chuyên nghiệp, lành nghề.
Việc thu hút nguồn vốn FDI bên cạnh những yếu tố tích cực như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy quá trình đô thị hóa… còn làm nảy sinh những yếu tố thách thức và hạn chế như: tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết triệt để, vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ phục vụ cho người lao động, người có thu nhập thấp không theo kịp với tốc độ tăng dân số tại các khu vực tập trung đông công nhân, người lao động, khu vực có nhiều KCN tập trung như Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch. Một số khu vực hình hình an ninh trật tự xã hội chưa đảm bảo do địa bàn tập trung đông công nhân từ khắp nơi trong cả nước đến cư trú và làm việc, trong đó có cả một số đối tượng vi phạm pháp luật đến trốn tránh. Một số doanh nghiệp nước ngoài chất lượng thấp (vốn đầu tư thấp, sử dụng chủ yếu lao động phổ thông, hoạt động gia công là chính, đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước không đáng kể…) kinh doanh không hiệu quả, nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm xã hội… chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước khiến cho nhiều lao động mất công ăn việc làm, mất thu nhập, gây bất ổn xã hội và đẩy gánh nặng xử lý hậu quả cho chính quyền…
Các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi khép kín từ công ty mẹ ở nước ngoài hoặc theo hiệp hội doanh nghiệp của quốc gia mình, các doanh nghiệp trong nước khó tiếp cận trong hợp tác sản xuất, kinh doanh, chuyển giao công nghệ.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước trên một số lĩnh vực chưa tập trung đúng mức, sự phối hợp giữa các ngành của tỉnh với địa phương trong xử lý một số vấn đề phát sinh liên quan đến đầu tư nước ngoài chưa tốt, trình độ, năng lực một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế...
Để khắc phục tình trạng trên,Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc định hướng phát triển bền vững, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, chú trọng công tác bảo vệ môi trường và thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài cần tập trung mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ sinh học và tập trung đầu tư, phát triển hệ thống dịch vụ, hạ tầng, giáo dục đào tạo.
ĐỊNH HƯỚNG TRONG THỜI GIAN TỚI
Để gia tăng hiệu quả đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và quản lý Nhà nước đối với đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều kiến nghị với Trung ương trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý trong việc thu hút, quản lý và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có sự giao thoa, gắn kết trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ.
Riêng tỉnh Đồng Nai, trong thời gian tới để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tiếp tục chỉ đạo chính quyền địa phương, các đơn vị hành chính sự nghiệp trong tỉnh tập trung thực hiện những giải pháp sau:
Một là, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh từ nay đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020- 2025) là cải cách hành chính, do đó các đơn vị, địa phương phải thực sự tạo mọi điều kiện tốt nhất cho môi trường đầu tư được thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Những vướng mắc của doanh nghiệp và người dân phải được các ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ kịp thời.
Hai là, duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên, định kỳ giữa lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc; nội dung nào vuợt quá thẩm quyền thì kiến nghị cơ quan trung ương liên quan xử lý.\
Ba là, tăng cường chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo giải quyết tình trạng đình công không để xảy ra các điểm nóng về trật tự xã hội. Bên cạnh việc triển khai các chính sách thu hút đầu tư, còn chú trọng các biện pháp đảm bảo an ninh kinh tế, và an ninh chính trị, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho việc đầu tư, xuất nhập khẩu, hợp tác hữu nghị, giao lưu văn hóa, kỹ thuật.
Bốn là, đối với công tác giải ngân nguồn vốn FDI, tạo nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tạo công văn việc làm cho người lao động, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh, Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường rà soát tiến độ góp vốn, tiến độ thực hiện các dự án FDI, đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và tiến độ góp vốn trong những tháng cuối năm.
Năm là, chỉ đạo các đơn vị liên quan chú trọng công tác xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ sinh học và tập trung đầu tư, phát triển hệ thống dịch vụ, hạ tầng, giáo dục đào tạo./.
Nguyễn Hữu Nguyên - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đồng Nai