Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã huy động hơn 17.000 tỷ đồng thực hiện chương
trình xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn tín dụng đầu tư phát triển
nông nghiệp-nông thôn hơn 16.000 tỷ đồng.
Qua đó, toàn tỉnh đã có một xã đạt 15 tiêu chí, 49 xã đạt 10-13 tiêu chí
và 69 xã đạt từ 5-9 tiêu chí. Đặc biệt, nguồn vốn trên còn góp phần tái
cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thành quả nổi bật của Đồng Tháp trong thời gian qua là công tác phát
triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Các địa phương đã chọn
và phát triển 1-2 mô hình sản xuất điển hình như mô hình cánh đồng liên
kết.
Toàn tỉnh đã xây dựng được 145 cánh đồng liên kết với diện tích hơn
51.000ha, bình quân lợi nhuận từ 8,6 triệu đồng/ha cho vụ hè thu và 19,5
triệu đồng/ha cho vụ đông xuân.
Việc thực hiện cánh đồng liên kết bước đầu đã đem lại hiệu quả cho nông
dân, hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn và từng bước hướng
đến kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ thông qua các doanh
nghiệp.
Bên cạnh đó, mô hình còn giúp liên kết tiêu thụ sản phẩm ngô, dưa lê,
ớt, xoài, nhãn và các sản phẩm như cá điêu hồng, cá tra, tôm càng xanh
theo đúng trọng tâm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Ngoài ra, Đồng Tháp còn đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thiết yếu nông thôn phục
vụ cho nông nghiệp. Theo đó, Đồng Tháp đã thực hiện đầu tư 40km đê bao,
hàng chục km kênh mương, xây 87 cống đập các loại và trạm bơm điện.
Tỉnh còn xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác
và hiện nay có 117 hợp tác xã và 433 tổ hợp tác. Đồng Tháp còn tổ chức
đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đã có hơn 30.000 lao động làm
việc tại các làng nghề, ngành nghề nông thôn.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới, nhân
dân đã sửa chữa, xây mới 339 căn nhà cho hộ nghèo, rải đá, sửa chữa 53km
đường nông thôn, xây mới 57 cây cầu, thắp sáng 26km đường quê và nhiều
công trình công cộng khác.
Hàng nghìn hộ nông dân, thanh niên đã đóng góp 4.980 ngày công lao động
và hiến trên 68.000m2 đất để mở rộng mặt bằng thi công công trình giao
thông, thuỷ lợi.
Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới của Đồng Tháp đã góp phần
rất lớn trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trọng tâm của tỉnh là
thí điểm tái cấu trúc khối nông nghiệp, đẩy mạnh việc xây dựng, phát
triển nhãn hiệu hàng hoá nông, thuỷ sản chủ lực, liên kết sản xuất với
tiêu thụ.
Để phong trào nông thôn mới tiếp tục được hiệu quả, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng
Tháp Lê Vĩnh Tân cho rằng, bên cạnh mô hình liên kết cần nghiên cứu và
chú trọng đến mô hình kinh tế hộ, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp;
xây dựng kế hoạch huy động vốn, có đề xuất, kiến nghị đến trung ương
chính sách tín dụng, đào tạo và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông
dân trong từng ngành hàng.
Mục tiêu của đề án tái cơ cấu nông nghiệp nhằm tạo ra các mô hình tăng
trưởng nông nghiệp có hiệu quả và bền vững; định hướng phân bố lại lực
lượng lao động nông thôn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đồng thời đề ra
giải pháp phát triển một số ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh,
trong đó tập trung vào lúa gạo, cá tra, vịt, xoài và cây cảnh. /.
Nguyễn Văn Trí