Bên cạnhđó, khoản tiền trên cũng góp phần tăng cường sử dụng các dịch vụ và chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại năm tỉnh khu vực Tây Nguyên, và nâng cao tiếp cận các cơ hội sinh kế và thu nhập cho người nghèo ở thị trấn trên hành lang Tiểu vùng Mê-kông mở rộng (GMS).
Tại lễ ký kết, có ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện cho phía Chính phủ Việt Nam và ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, đại diện cho phía ADB. Ông Hiroyuki Kato, Bí thư Thứ nhất Ban Kinh tế của Đại sứ quán Nhật Bản và các quan chức cấp cao của Chính phủ đã chứng kiến lễ ký.
Phát biểu tại lễ Ký kết, ông Tomoyuki Kimura khẳng định: “Trong bối cảnh ngân sách nhà nước dành cho đầu tư công còn hạn hẹp, việc tăng cường triển khai các dự án hạ tầng sử dụng vốn ODA sẽ rất có hiệu quả trong việc thúc đẩy nền kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân, đặc biệt là người nghèo ở cả khu vực đô thị và nông thôn. Những dự án chúng tôi ký kết hôm nay sẽ giúp Chính phủ giải quyết những vấn đề của quá trình đô thị hóa quá nhanh, tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai, bền vững khí hậu và chất lượng môi trường ở các khu vực đô thị, và cũng nâng cao tiếp cận đến các dịch vụ y tế, đặc biệt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ và trẻ em cho người nghèo, các nhóm dân tộc ít người, phụ nữ và trẻ em tại các vùng nông thôn, đồng thời đảm bảo các lợi ích chuyên biệt về giới, bao gồm tiếp cận các dịch vụ của chợ và tài chính vi mô, hỗ trợ phụ nữ nâng cao sản xuất hàng hóa và tăng thêm thu nhập”.
Khoản vay ưu đãi thứ nhất trị giá 95 triệu đô-la từ Quỹ Phát triển Châu Á (ADF) của ADB sẽ tài trợ cho Dự án Phát triển các đô thị loại II ở Buôn Ma Thuột, Hà Tĩnh và Tam Kỳ. Dự án này sẽ giải quyết vấn đề phát triển đô thị một cách đồng bộ, giảm thiểu rủi ro thiên tai, bền vững khí hậu và cải thiện môi trường. Dự án này cũng hỗ trợ cho quản lý tốt hơn các chất thải rắn, nâng cấp đường đô thị nhằm cải thiện kết nối và sơ tán khi có thiên tai và hoàn thành các tuyến đê chống lũ lụt, các kênh thoát nước và các hồ điều hòa phục vụ công tác phòng chống lũ lụt. Hỗ trợ quản lý dự án và xây dựng năng lực để phát triển các đô thị loại II thành các trung tâm bền vững, an cư tiện lợi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong các khu vực đó là một phần được lồng ghép trong thiết kế dự án.
Dự án Phát triển các đô thị loại II được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương, cân bằng phát triển vùng, và giải quyết vấn đề quá tải ở các trung tâm đô thị hàng đầu. Dự án cũng khai thác tối ưu các tác động phát triển bằng cách bổ sung cho các công trình hạ tầng chống và thoát lũ được đầu tư thông qua dự án do ADB tài trợ trước đây, dự án cải thiện môi trường đô thị khu vực miền Trung cho Hà Tĩnh và Tam Kỳ. Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành tất cả các hạng mục vào tháng 3 năm 2019.
Khoản vay ADF thứ hai trị giá 70 triệu đô-la cho Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn hai. Dự án sẽ giúp Chính phủ kéo giảm hơn nữa tỷ lệ tử vong bà mẹ khi sinh và tử vong trẻ sơ sinh bằng cách giải quyết các vấn đề tiếp cận tới các trạm y tế cộng đồng và những khoảng cách chất lượng dịch vụ giữa các trung tâm y tế cộng đồng và bệnh viện đồng thời tăng cường công tác quản lý y tế cấp tỉnh tại 5 tỉnh trong khu vực Tây Nguyên bao gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng.
Tây Nguyên tụt hậu so với hầu hết các khu vực khác trong cả nước về các chỉ số sức khỏe và dịch vụ y tế hướng tới các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Người nghèo chiếm tới 22% dân số Tây Nguyên, cao hơn hẳn mức 14% tỷ lệ nghèo bình quân cả nước. Tỷ lệ tử vong bà mẹ khi sinh ở Tây Nguyên và tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh trong các nhóm dân tộc ít người cao gần như gấp đôi tỷ lệ bình quân cả nước. Với việc xây dựng hoặc nâng cấp và trang bị 54 trạm y tế cộng đồng, 10 cơ sở khám đa khoa liên xã, và 9 bệnh viện, dự án sẽ giúp cải thiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng và tại các bệnh viện, chú trọng vào các bản làng vùng sâu, vùng xa nhất, những nơi có tỷ lệ nghèo cao.
Hơn nữa, dự án cũng giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bằng việc tổ chức các khóa đào tạo và cấp học bổng cho các cán bộ y tế, ưu tiên cán bộ nữ và các sinh viên người dân tộc. Dự án cũng hỗ trợ tăng cường hệ thống quản lý y tế cấp tỉnh. Dự kiến dự án sẽ kết thúc vào tháng 12 năm 2019.
Hiệp định tài trợ không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp hỗ trợ 833.000 đô-la không hoàn lại từ Quỹ Giảm nghèo của Nhật Bản (JFPR) và do ADB điều hành cho Dự án Hỗ trợ Sinh kế các thị trấn trên hành lang GMS. Dự án JFPR này sẽ hỗ trợ các mục tiêu của các dự án sử dụng vốn vay cho việc chuyển đổi các hành lang giao thông GMS thành các hành lang kinh tế toàn diện thông qua tăng cường tiếp cận các cơ hội sinh kế và thu nhập qua việc tạo ra các kênh hỗ trợ cho những người bán hàng rong, phần lớn là phụ nữ, cũng như tập huấn và quản lý chương trình cho các cán bộ thị trấn, thị xã.
Dự án JFPR này là một phần của dự án thí điểm giảm nghèo trong Tiểu vùng GMS áp dụng cách tiếp cận phát triển chợ theo mục đích bổ trợ những đầu tư hạ tầng đô thị của các dự án sử dụng vốn vay bằng cách giúp đỡ những người bán hàng rong nghèo gia tăng các sản phẩm được sản xuất tại địa phương và xây dựng các trung tâm thương mại hấp dẫn hơn, thân thiện với môi trường, hài hòa về mặt xã hội, và bình đẳng về giới để bán những sản phẩm này. Đặc biệt, dự án sẽ hỗ trợ những người bán hàng rong nghèo trong thị xã Đông Hà thông qua các chương trình tài chính vi mô phù hợp và các dự án chợ nhỏ để giúp tạo ra các hoạt động sinh kế tạo ra thu nhập. Dự án này được triển khai song song với 3 dự án GMS sử dụng vốn vay, và dự kiến hoàn thành vào tháng 5 năm 2017.
ADB, có trụ sở chính tại Ma-ni-la, hoạt động với sứ mệnh giảm nghèo ở
khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế đồng
đều, tăng trưởng bền vững với môi trường và hội nhập khu vực. Được thành
lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó có 48 thành
viên trong khu vực. Trong năm 2012, ADB đã hỗ trợ tổng cộng 21,6 tỷ
đô-la Mỹ, trong đó có 8,3 tỷ đô-la đồng tài trợ. |
|
Đặng Hữu