(TG)-mô
hình Tổ tổ dân phòng – khuyến học (DP-KH) là mô hình tự quản cộng đồng trên
tất cả các lĩnh vực của đời sống như: Chăm lo sản xuất phát triển kinh
tế gia đình; chăm lo việc học hành để phát triển nguồn nhân lực, xây
dựng GĐVH, đời sống văn hóa tại khu dân cư; bảo đảm ANTT, thực hiện
tuyên truyền lồng ghép các công tác bảo vệ môi trường, an toàn giao
thông, xây dựng nông thôn mới ...
Tổ DPKH là nơi tập hợp quần chúng nhanh
nhất, hiệu quả nhất để phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân, qua đó vận
động nhân dân thi đua thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội,
quốc phòng an ninh của địa phương. Đây là nơi tạo điều kiện cho nhân dân
phát huy trách nhiệm công dân trong đóng góp xây dựng chính quyền, tạo
sự đồng thuận trong nhân dân tham gia đóng góp công sức, trí tuệ để thực
hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo chủ
trương của Đảng.
Có thể khẳng định, mô hình Tổ DPKH đã thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của MTTQ và các ngành, đoàn thể vào cùng một buổi họp với nhiều nội dung, nhiều vấn đề, tránh được sự nhàm chán trong các lần họp, các ngành hiểu về hoạt động của nhau. Từ đó, công tác phối hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị chặt chẽ, hiệu quả hơn; người dân tiết kiệm được thời gian hội họp mà nhận được thông tin nhiều hơn; tập trung lo cho sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo.
Quán triệt Chỉ thị 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị, các cấp ủy Đảng phát huy trí tuệ, tinh thần tập trung dân chủ cả hệ thống chính trị triển khai và chỉ đạo các cơ quan chức năng thành lập Tổ DP-KH rộng khắp trong cộng đồng dân cư. Thông qua hoạt động của Tổ DP-KH, Hội Khuyến học (KH) các cấp đã giúp nâng cao nhận thức của nhân dân về khuyến học, khuyến tài ở địa phương tạo một bước chuyển mới về việc học tập của người dân, từ chỗ ngán ngại học tập trước đây, người dân tự giác đưa con em đến trường và bản thân họ cũng được học tập tìm hiểu về pháp luật, nắm tình hình thời sự, chính trị cũng như các hoạt động kinh tế, đời sống tại địa phương thông qua các buổi sinh hoạt tại tổ và các lớp học nghề, sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi… tại Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) do xã tổ chức.
Chính mô hình Tổ DP-KH đã đi sâu quản lý học sinh trong độ tuổi đến từng hộ gia đình, qua đó tuyên truyền, vận động các em thực hiện nghĩa vụ học tập mang lại kết quả đáng khích lệ: Tỉ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm theo từng năm học; phong trào khuyến học, khuyến tài trong nhân dân được mở rộng, tạo thành nề nếp và huy động được sự đóng góp về tinh thần, vật chất của toàn xã hội cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Điển hình như qua sinh hoạt Tổ DP-KH, các tổ đã vận động các tổ viên đăng ký phấn đấu xây dựng gia đình hiếu học (GĐHH), dòng họ hiếu học (DHHH). Nếu như, năm 2009 số GĐHH toàn tỉnh chỉ đạt tỉ lệ 5,3%, đến nay GĐHH đạt trên 9,8%; số DHHH tăng nhanh từ 16 DHHH năm 2009 lên 79 DHHH.
Các phong trào thi đua xây dựng Quỹ Khuyến học các cơ sở hay tại các gia đình, dòng họ cũng phát triển nhanh, mỗi năm huy động trên 10 tỷ đồng, cấp hàng chục ngàn suất học bổng, quà, tập sách cho học sinh nghèo. Gần đây phong trào nuôi heo đất khuyến học cũng phát triển rất mạnh, cụ thể qua 02 năm thực hiện đã vận động nuôi được 10.538 con heo đất, với số tiền trên 2 tỷ đồng. Qua các phong trào khuyến học lan tỏa đến từng người dân, từng hộ gia đình, dòng họ nên công tác phát triển hội viên khuyến học cũng tăng nhanh. Hiện nay tỷ lệ hội viên trong toàn tỉnh đạt 5,99% dân số; tổ chức Hội Khuyến học cơ sở từng bước được củng cố và đi vào hoạt động có nề nếp hơn.
Các hoạt động xây dựng GĐVH, khóm, ấp văn hóa cũng được thực hiện lồng ghép vào sinh hoạt của các Tổ DP-KH tại cộng đồng dân cư. Công tác họp xét gia đình văn hóa được tiến hành theo từng tổ, chính nơi đây từng gia đình được họp lại để nhận xét, đánh giá và bình bầu xem gia đình đạt hay không đạt các tiêu chuẩn GĐVH; góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động xây dựng GĐVH, khóm, ấp văn hóa; hàng năm, ngành văn hóa phối hợp cùng Công an và Hội Khuyến học tổ chức tập huấn cho các tổ DP-KH về công tác bình xét gia đình văn hóa, khóm, ấp văn hóa … Năm 2012 có 86,79% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa (tăng gấp 15 lần so với năm 1995); qua phúc tra có 86,85% khóm, ấp; 48,61% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn hóa; các đơn vị, cơ quan, tổ chức các cấp đạt chuẩn công sở văn hoá, đạt tỷ lệ 96,07 %.
Mô hình Tổ DP-KH thật sự là một tổ chức tập hợp nhân dân để bàn bạc, thảo luận giúp nhau cách làm ăn để phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau xóa đói giảm nghèo trong nội bộ các hộ dân của tổ, vì nơi đây giữa các hộ gần gũi hiểu nhau về hoàn cảnh và mức sống của từng gia đình, nên cũng rất dễ thông cảm giúp đỡ nhau khi khó khăn. Trước mỗi mùa vụ sản xuất, Tổ DPKH chính là nơi họp bàn về việc sản xuất lúa, rau màu, làm vườn … Tùy theo tình hình thực tế, mỗi nơi mà trong tổ xác định nội dung họp bàn thật sát nhu cầu cuộc sống của người dân trong tổ, được nhân dân rất đồng tình hưởng ứng.
Thông qua mô hình hoạt động Tổ DP-KH, MTTQ và các tổ chức thành viên chuyển tải các hoạt động của đoàn thể đến với nhân dân. Có thể khẳng định, mô hình Tổ DP-KH là mô hình tự quản cộng đồng rất tốt của người dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống như: Chăm lo sản xuất phát triển kinh tế gia đình; chăm lo việc học hành để phát triển nguồn nhân lực, xây dựng GĐVH, đời sống văn hóa tại khu dân cư; bảo đảm ANTT, thực hiện tuyên truyền lồng ghép các công tác bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới … tạo điều kiện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ trong xây dựng cộng đồng và xây dựng Đảng, Chính quyền cơ sở. Ở một số huyện, thị, thành phố trong tỉnh, Cấp ủy đã chỉ đạo đảng viên gắn sinh hoạt Tổ DP-KH, thông qua đó để Đảng nắm dân, hiểu dân, phục vụ tốt cho nhân dân theo tấm gương của Bác Hồ.
Trần Thắng