Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban soạn thảo Đề án tiếp tục tiếp thu
các ý kiến đóng góp nhằm sớm hoàn thiện dự thảo Đề án để trình Chính phủ
tiếp tục xem xét, thảo luận, sau đó Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Ban
Chấp hành Trung ương Đảng xem xét.
Sáng 24/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011 -2015.
Cuộc họp tập trung thảo luận về 2 nội dung chính: Dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Chương trình công tác giai đoạn 2013-2015 của Hội đồng.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã dành phần lớn thời gian vào tập trung phân tích thực trạng nền giáo dục; các nhiệm vụ và giải pháp liên quan đến đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục, tăng cường vai trò của Đảng và Nhà nước đối với quá trình đổi mới giáo dục-đào tạo.
Một số nội dung đáng chú ý của đề án bao gồm: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, tăng cường cơ sở vật chất, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục; nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế trong giáo dục-đào tạo;.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng sự nghiệp giáo dục của nước ta đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng là bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của dân tộc; Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm trực tiếp và thường xuyên đến sự nghiệp giáo dục, ban hành nhiều chủ trương chính sách ưu tiên phát triển giáo dục phù hợp với từng giai đoạn; những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi về môi trường và nguồn lực phát triển giáo dục; ngành giáo dục có nhiều cố gắng trong quản lý chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ;...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền giáo dục còn những tồn tại, hạn chế nhất định bắt nguồn từ nguyên nhân: Tư duy về giáo dục còn chậm được đổi mới; chưa coi trọng đúng mức vai trò quan trọng của khoa học giáo dục; công tác quản lý giáo dục còn có những bất cập; chưa coi trọng đúng mức đến công tác thanh tra, giám sát, kiểm định chất lượng giáo dục;...
Vì vậy, Đề án cần đánh giá đúng những thành tựu, những đóng góp của giáo dục- đào tạo đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; nêu rõ những mặt hạn chế, yếu kém, bức xúc; xác định nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế. Trên cơ sở đó, đề xuất những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho ý kiến cụ thể vào các nội dung của dự thảo Đề án, nhất là những vấn đề liên quan đến quan điểm chỉ đạo, mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tới năm 2030; những nhiệm vụ và giải pháp;...
Nhấn mạnh việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là vấn đề lớn, hệ trọng, phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban soạn thảo Đề án tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp nhằm sớm hoàn thiện dự thảo Đề án để trình Chính phủ tiếp tục xem xét, thảo luận, sau đó Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét.
Mục tiêu tổng quát của Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào
tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” là tạo
chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục; khắc phục cơ bản
các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội; giáo dục trở thành
động lực chính của sự phát triển bền vững đất nước.
Đến năm 2030 giáo dục Việt Nam trở thành nền giáo dục mở, chất lượng
cao, đạt trình độ nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc
tế.
Dự thảo Đề án đã đưa ra các mục tiêu cụ thể đối với giáo dục mầm non,
giáo dục phổ thông, giáo dục kỹ thuật-dạy nghề, giáo dục đại học, giáo
dục thường xuyên. |
|
Theo Chinhphu.vn