Thứ Sáu, 22/11/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 25/8/2019 16:4'(GMT+7)

Đồng Tháp: Thực hiện nhiều chính sách giúp kinh tế tập thể phát triển

 Bên cạnh đó, Đồng Tháp thí điểm hỗ trợ 50% lãi suất khi vay vốn thuê đất để tăng quy mô sản xuất và thực hiện san bằng đồng ruộng; hỗ trợ lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm việc có thời hạn ở các hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020; hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn…

Ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Chương trình hành động của tỉnh, Đồng Tháp đã hỗ trợ 3 hợp tác xã thuê đất với tổng diện tích là hơn 77.050 m2. Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của tỉnh và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho vay 53 dự án với tổng số tiền 2,6 tỷ đồng. Tỉnh đã kết nối, thu hút các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ lúa cùng các hợp tác xã với tổng diện tích trên 1.000 ha.

Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020 với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vùng sản xuất quy mô lớn cho 8/9 hợp tác xã về việc quản lý sử dụng đất trồng lúa với tổng kinh phí trên 94 tỷ đồng. Về hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2017, tỉnh hỗ trợ vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ phát triển sản xuất cho 274 mô hình hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 16 tỷ đồng…

Nhờ chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển, Hợp tác xã giống Định An đã nghiên cứu, lai tạo và cho ra đời nhiều giống lúa đặc sản, chất lượng cung cấp cho thị trường. Hiện các giống lúa do đơn vị sản xuất đều cho năng suất cao, được nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Hợp tác xã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu "Nhà khoa học của Nhà nông" lần thứ nhất năm 2018.

  Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương với Mô hình "Cây xoài nhà tôi" thực hiện phương thức giao dịch thương mại điện tử, đã đưa xoài Cao Lãnh ra thị trường cả nước và xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Qua gần 2 năm đi vào hoạt động, mô hình đã bán ra tổng cộng 224 cây xoài các loại, với giá bán dao động từ 3 triệu đồng/cây trở lên, tổng số tiền thu được đem về cho thành viên trên 830 triệu đồng.

  Mô hình canh tác lúa thông minh do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II phối hợp cùng Công ty Rynan Smart Fertilizers thực hiện thí điểm diện tích 7,6 ha/5 hộ. Trung bình tiết kiệm được 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất. Hiện nay, hợp tác xã này đã nhân rộng diện tích lên 60 ha và được Công ty Chơn Chín ký kết hợp đồng bao tiêu đầu vụ.

Những kết quả đã đạt được giúp khu vực kinh tế tập thể có sự chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh thành lập mới được 232 hợp tác xã và hơn 1.000 tổ hợp tác. Các loại hình kinh tế tập thể phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, ngành, nghề; khắc phục một phần tình trạng yếu kém, số hợp tác xã có lãi tăng, yếu kém giảm; củng cố cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực nội tại, tích lũy đầu tư phát triển và đáp ứng nhu cầu, lợi ích của thành viên và người lao động; xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã mới, điển hình tiên tiến. Các hợp tác xã chủ động liên kết với nhau, liên kết với các doanh nghiệp để thực hiện các dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Một số hợp tác xã đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, chất lượng cao, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; tham gia tích cực vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Gạo, xoài, cá tra, nhãn, quýt hồng và hoa kiểng... 

Vai trò, vị trí của kinh tế tập thể được nâng lên, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng nông thôn mới. Tỷ trọng đóng góp GRDP của khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh từ 0,6% vào năm 2010, đến nay đã tăng lên 1,23%.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp xác định trong thời gian tới, xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã. Tỉnh tập trung củng cố đổi mới phát triển kinh tế tập thể theo chiều sâu; xây dựng hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Đến năm 2025, Đồng Tháp phấn đấu có 254 hợp tác xã nông nghiệp và 1.230 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả./.

Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất