Dự thảo Luật Giáo dục đại học đang được soạn thảo giữa hai nhiệm kỳ QH là một trong những kết quả giám sát tối cao của QH Khóa XII về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.
Tại Hội thảo cho ý kiến về dự thảo Luật này do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, quyền tự chủ, quyền tự chịu trách nhiệm của các trường Đại học cần được khẳng định trong dự án Luật ở các khía cạnh: tự chủ trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tự chủ về công tác tổ chức cán bộ; tự chủ về tài chính, hợp tác quốc tế... Bởi, giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học sẽ là một "khoán 10" đối với giáo dục đại học nước ta.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 25 năm đổi mới, giáo dục đại học nước ta đã từng bước phát triển về quy mô, các loại hình trường và hình thức đào tạo. Quy mô đào tạo không ngừng tăng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện. Với những nỗ lực và thành tựu quan trọng nổi bật đó, giáo dục đại học đã cung cấp cho đất nước hàng triệu nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học cũng như hàng vạn cán bộ có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Tuy nhiên, giáo dục đại học cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Việc thành lập, nâng cấp các cơ sở giáo dục đào tạo trong thời gian qua cơ bản phù hợp với định hướng quy hoạch mạng lưới, nhưng do bản thân quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học cũng như quy trình, thủ tục thành lập, nâng cấp các trường có những hạn chế... nên nhiều trường đại học, cao đẳng chưa đáp ứng được các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học của UBTVQH đã nêu rõ: từ năm 1987 đến năm 2009, số sinh viên cả nước tăng 13 lần, nhưng số giáo viên chỉ tăng 3 lần... Chất lượng giáo dục đại học, đặc biệt là đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH – HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng có lẽ cần lộ trình và thời gian. Nhưng trong phần kiến nghị sau giám sát, UBTVQH đề nghị QH sớm xây dựng Luật Giáo dục đại học để thống nhất và luật hóa các vấn đề về quản lý hệ thống giáo dục. Tại Hội nghị cho ý kiến vào dự thảo Luật Giáo dục đại học, các đại biểu cho rằng, xây dựng Luật Giáo dục đại học là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, cũng như tạo cơ sở cho tiến trình hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động giáo dục nước ta.
Dự án Luật Giáo dục đại học là kết quả của giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. Vấn đề đặt ra là khi cơ sở lý luận và thực tiễn đã có khá đầy đủ thì cần đặt ra những yêu cầu nào với quá trình xây dựng và ban hành Luật Giáo dục đại học? Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Trần Thị Tâm Đan cho rằng, trong hệ thống pháp luật giáo dục nước ta, Luật Giáo dục được xác định là luật khung, còn Luật Giáo dục đại học là luật chuyên ngành. Hơn nữa, hoạt động giáo dục đại học đã được kiểm nghiệm trong 25 năm đổi mới, với nhiều căn cứ thực tiễn từ quá trình thực hiện Luật Giáo dục, Nghị định, Thông tư... Như vậy, Luật Giáo dục đại học phải được quy định cụ thể, hạn chế ban hành những văn bản dưới luật.
Song, trong quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới của nước ta, mô hình đào tạo đại học sẽ thay đổi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Có ý kiến cho rằng, không nên quy định quá cụ thể để bảo đảm tuổi thọ của văn bản luật. Phương pháp này cũng giúp cơ quan soạn thảo không mất nhiều thời gian để chọn giải pháp tối ưu cho các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, để đáp ứng đòi hỏi trước mắt và lâu dài của giáo dục đại học. Trong quá trình thực hiện luật pháp, cơ quan quản lý có nhiều thuận lợi khi thông tư, nghị định hướng dẫn thuộc thẩm quyền ban hành của mình. Sẽ dễ dàng điều chỉnh chính sách khi tình hình thay đổi. Nhưng có thể thấy, luật khung, luật ống sẽ khó thuyết phục các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật. Bởi luật pháp là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận. Luật pháp là lề bên phải để định hướng cách thức ứng xử trong cuộc sống cho người dân. Nếu văn bản luật được ban hành mà phải chờ các văn bản dưới luật hướng dẫn mới thực hiện được thì có thể trở thành chỗ dựa cho người dân hay không?
Ngoài ra, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), việc soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đáp ứng các nguyên tắc: hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ với hệ thống pháp luật; tuân thủ thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành văn bản... Đặc biệt, văn bản quy phạm pháp luật được soạn thảo và ban hành phải bảo đảm tính khả thi của văn bản, tính hợp lý của các quy định. “Khả thi” theo Từ điển Tiếng Việt có nghĩa là khả năng thực hiện. Như vậy, một dự án luật có tính khả thi là một dự án luật khi ban hành có khả năng áp dụng trên thực tế hay nói một cách khác là những quy định của dự án luật có khả năng đi vào cuộc sống mà không chỉ dừng lại trên giấy. Đành rằng khả thi chỉ là điều kiện cần của một văn bản quy phạm pháp luật. Để văn bản đó được thực sự đi vào cuộc sống thì phải có cả điều kiện đủ là khâu tổ chức thực hiện. Nói cách khác, để Luật thật sự đi vào cuộc sống thì ngoài yêu cầu về chất lượng của nội dung văn bản luật còn cần phải tiến hành tốt việc tổ chức thi hành luật. Nhưng trước khi đánh giá về khâu thực hiện thì dự thảo Luật Giáo dục đại học phải bảo đảm khả năng thực hiện – nguyên Phó chủ nhiệm VPQH Trần Ngọc Đường nêu quan điểm. Đồng tình với quan điểm này, nhiều ý kiến đề nghị, dự thảo Luật cần có các quy định để điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội trong tổ chức và hoạt động giáo dục đại học, nhằm tăng cường quản lý nhà nước, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Tức là dự thảo Luật cần bám sát mô hình tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học nước ta hiện nay. Bởi mỗi loại hình trường đại học có nội dung, phương pháp, cơ chế vận hành, tổ chức nhà nước, chế độ chính sách... khác nhau. Hơn nữa, nếu quy định pháp luật được áp dụng chung cho mọi cơ sở giáo dục đại học sẽ dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Sẽ là thừa khi ôm đồm đặc điểm của nhiều loại hình trường trong một quy định. Sẽ là thiếu nếu như áp dụng quy định chung nhất, do không phản ánh đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi loại hình trường. Ngoài ra, thiết chế của các điều luật nên đi theo hướng quy định cụ thể về nội dung và đối tượng để có khả năng áp dụng ngay khi Luật có hiệu lực thi hành. Các nội dung trong những văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm trong thực tế cần được nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật, để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, cũng như bảo đảm tính khả thi.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục đại học nhấn mạnh: các thiết chế của Luật cần bám sát với những đòi hỏi của thực tiễn. Trước nhất là tạo khuôn khổ pháp lý mới điều chỉnh toàn diện các quan hệ trong tổ chức và hoạt động giáo dục đại học. Bởi dù quy mô đào tạo đã tăng nhanh, có nhiều loại hình và mô hình trường đại học, thì vẫn được điều chỉnh bởi 6 điều khoản trong Luật Giáo dục, các văn bản dưới Luật. Ngoài ra, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị, ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát để hoàn chỉnh, phát triển nội dung này trong văn bản luật. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của trường đại học cần được khẳng định trên các khía cạnh: tự chủ trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tự chủ về công tác tổ chức và cán bộ; tự chủ về tài chính; tự chủ trong hợp tác quốc tế. Bởi giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học sẽ tạo hành lang rộng rãi cho cơ sở phát huy sức sáng tạo; sẽ là một khoán 10 với giáo dục đại học nước ta, góp phần đổi mới căn bản chất lượng và hiệu quả đào tạo. Và cần đưa ra các chế tài để bảo đảm cơ chế công khai, dân chủ ở cơ sở, sự kiểm soát của quần chúng, giúp tự chủ không trở thành con dao hai lưỡi. Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân cho rằng, khi có một hành lang pháp lý chắc chắn, ổn định được xây dựng sẽ giúp cơ quan có trách nhiệm quản lý tốt, mà vẫn không can thiệp quá sâu vào hoạt động của cơ sở giáo dục đại học như hiện nay./.
(Theo: Phương Thủy/NĐBND)