(TCTG) - Sau 13 năm triển khai, Dự án tín dụng Việt – Bỉ, một trong những chương trình tài chính vi mô lớn ở Việt Nam đã cung cấp dịch vụ tài chính cho hơn 52.000 phụ nữ nghèo và dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh cho 52.500 phụ nữ tại 17 tỉnh, thành.
Tỷ lệ hoàn trả vốn của dự án trong suốt 13 năm là 99,98%. Từ nguồn vốn ban đầu của Chính phủ Bỉ hỗ trợ là 27,6 tỷ đồng, dự án đã sử dụng, quay vòng hiệu quả, nâng tổng số vốn vào cuối giai đoạn đạt 45 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN cho biết: Hơn 15 năm trước, trong một lần làm việc với Hoàng hậu Bỉ, lãnh đạo Hội đã bày tỏ nhu cầu được nâng cao năng lực trong quản lý các hoạt động TDTK. Đề xuất đã nhận được sự ủng hộ từ nước Bỉ và kết quả là cuối năm 1997, Hội LHPNVN đã được Chính phủ hai nước cho tiếp nhận dự án: “Nâng cao năng lực thể chế của Hội LHPN Việt Nam trong quản lý các chương trình TDTK cho phụ nữ nghèo nông thôn”. Dự án đã góp phần tạo cơ hội kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ và đồng thời nâng cao năng lực cán bộ, năng lực tổ chức Hội.
Bà Hòa nhận định: “Con số hơn 50 ngàn phụ nữ được thụ hưởng từ dự án chưa phải là con số lớn, nhưng với cơ chế cung cấp các khoản vay liên tục, giúp chị em hoàn trả dần và tiết kiệm thường xuyên gắn với tập huấn kỹ năng sản xuất kinh doanh, tổ chức cho thành viên sinh hoạt nhóm, nâng cao kiến thức… đã tạo ra kết quả tổng hợp cho các đối tượng”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng đánh giá cao việc Dự án đã giới thiệu và hỗ trợ để triển khai một mô hình mới trong tài chính vi mô – mô hình cho vay gián tiếp tới các chương trình tài chính vi mô gắn với hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho các tổ chức, dự án tài chính vi mô nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành tài chính vi mô tại Việt Nam.
Dự án tín dụng Việt – Bỉ khép lại sau 3 giai đoạn, nhưng Quỹ Hỗ trợ Tín dụng – một mô hình mới trong hoạt động tài chính vi mô với vai trò “bà đỡ” – sẽ được Hội LHPN Việt Nam duy trì và phát triển, tiến tới xin phép Chính phủ cho hoạt động một cách chính thức.
PV