Thứ Bảy, 21/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Bảy, 3/11/2012 16:41'(GMT+7)

Không can thiệp mạnh, Việt Nam sẽ “dư thừa” từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Ngày 3/11, Bộ Y tế tổ chức “Hội thảo quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh” nhằm can thiệp, khống chế tốc độ gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) tại Việt Nam. Hôi thảo do Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế; các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ); Quỹ Dân số Liên hợp quốc, các chuyên gia quốc tế hàng đầu về lĩnh vực này; lãnh đạo UBND, sở y tế, chi cục DS-KHHGĐ của 63 tỉnh, thành phố.

Hội thảo là cơ hội đánh giá toàn diện tình trạng MCBGTKS ở Việt Nam: Từ thực trạng, nguyên nhân đến hệ lụy; nhìn nhận lại những việc đã làm trong thời gian qua, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn cơ sở đồng thời tiếp thu kinh nghiệm từ các nước, các tổ chứ quốc tế nhằm đề ra những giải pháp hiệu quả nhất để triển khai trong thời gian tới.

MCBGTKS ở Việt Nam xảy ra muộn hơn so với một số nước khác có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam, nhưng diễn biến với tốc độ nhanh. Từ năm 2006, vấn đề MCBGTKS trở nên “nóng” ở Việt Nam khi bắt đầu có dấu hiệu tăng đáng kể. Giai đoạn 2006-2008, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) mỗi năm tăng tăng 1,15 phần trăm. Theo kết quả Tổng điều tra dân số (1/4/2009), có 45/63 tỉnh, thành phố có tình trạng MCBGTKS, tập trung ở các vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, những tỉnh, thành phố có TSGTKS cao nhất (từ 115-130) đều thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Có một sự thực đáng lưu ý là những vùng kinh tế xã hội càng phát triển, các hộ gia đình có thu nhập cao, các cặp vợ chồng có trình độ học vấn càng cao thì TSGTKS cũng càng cao. TSGTKS tăng cao nhất ở lần sinh cuối cùng.

Tình trạng mất cần bằng TSGTKS nếu không được can thiệp một cách quyết liệt sẽ để lại hệ lụy nặng nề trong trương lai, không chỉ về mặt xã hội mà cả về mặt kinh tế, an ninh, chính trị và trật tự xã hội… Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGD Dương Quốc Trọng cho biết: Các chuyên gia về lĩnh vực này đã dự báo, nếu không can thiệp mạnh để làm giảm TSGTKS, Việt Nam sẽ “dư thừa” khoảng 2,3 đến 4,3 triệu nam giới trong tương lai.

Nhận thức rõ những hậu quả của việc gia tăng TSGTKS, Việt Nam đã có nhiều biện pháp nhằm giảm tình trạng này. Các văn bản của Đảng và Nhà nước, như: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Dân số, các Nghị định của Chính phủ đều đề cập tới các giải pháp giảm MCBGTKS và nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi. Trong những năm qua, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế đã xây dựng, triển khai thử nghiệm hoạt động can thiệp tại cộng đồng; lồng ghép các hoạt động truyền thông, hỗ trợ an sinh xã hội và thực hiện bình đẳng giới; tăng cường các hoạt động nghiên cứu, thu thập thông tin về giới tính khi sinh.

Bà Mandeep K. O’Brien Quyền trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: “Sẽ vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để thực hiện hiệu quả các chính sách và chiến lược nhằm giải quyết vấn đề này và bây giờ là lúc cần phải hành động”. Bà Mandeep chỉ ra 3 việc cần tập trung tiến hành, gồm: Cần thực hiện truyền thông thay đổi hành vi toàn diện để giải quyết sự phân biệt đối xử về giới thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng; cần tập trung thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, nâng cao địa vị của họ và nhận thức về quyền của họ; điều quan trọng là phải củng cố hệ thống thu thập dữ liệu, đảm bảo độ chính xác trong việc thu thập và báo cáo TSGTKS từ cấp làng xã tới cấp Trung ương. Các nguồn dữ liệu phải có chất lượng đáng tin cậy để đảm bảo sự can thiệp của các chương trình dựa trên những bằng chứng xác thực./.

(Xuân Dũng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất