Thứ Bảy, 21/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Chủ Nhật, 4/11/2012 20:8'(GMT+7)

Kiên Giang: Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Tiếp thu, quán triệt Chỉ thị số 06, của Ban Bí thư (khóa IX) và các văn bản hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc tổ chức triển khai, quán triệt Chỉ thị số 06-CT/TW đến các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân; tỷ lệ đảng viên tham gia học tập, tiếp thu đạt 90%. Đồng thời, gắn với công tác tuyên truyền hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe; phổ biến, hướng dẫn kiến thức, biện pháp về phòng, chống dịch bệnh;... Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản cụ thể hoá thực hiện chỉ thị và giao ngành y tế xây dựng đề án củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2004-2010, kế hoạch phát triển trạm y tế xã theo 10 chuẩn quốc gia. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2008) thực hiện Chỉ thị số 06, và ban hành Kế hoạch số 79, thực hiện Kết luận số 43-KL/TW của Bộ Chính trị về sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 46, của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.

Các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh, chỉ đạo củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Đến nay, có 14/15 phòng y tế , 15 trung tâm y tế, 11 bệnh viện đa khoa và 15 trung tâm dân số-kế hoạch hóa gia đình; ở cấp xã, có 143/145 xã, phường, thị trấn có trạm y tế, chiếm 98,6% (còn 02 thị trấn thuộc huyện Phú Quốc và An Minh chưa có trạm y tế), 127/143 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, chiếm 88,8% (tăng 88 trạm so với năm 2005), nhân lực trạm y tế xã đều được chuẩn hóa về số lượng, cơ cấu. Hoạt động y tế ngoài công lập có bước phát triển, có 355 phòng khám nội tổng hợp, 271 đại lý bán thuốc..., góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngay tại chỗ cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa. Toàn tỉnh có 6.657 cán bộ y tế (tăng 3.610), tỷ lệ bác sĩ/vạn dân là 5,51% (tăng 2,15), cán bộ y tế/vạn dân là 38,34% (tăng 19,74); có 100% bác sĩ công tác ở 143 trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực; số lượng giường bệnh tuyến huyện đầu tư và hiện có 2.100 giường (tăng 870), đạt tỷ lệ 12,1 giường bệnh/vạn dân (tăng 4,73) so với năm 2005. Hiện nay có 637/923 ấp, khu phố có tổ y tế, đạt 69,01%; nhân viên tổ y tế ấp được hưởng phụ cấp theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản”.

Công tác xã hội hóa y tế bước đầu thực hiện có hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, cá nhân vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sự kết hợp quân-dân y, y học hiện đại với y học cổ truyền được thực hiện khá tốt, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các chương trình y tế quốc gia hàng năm đều đạt trên 95%; các loại dịch, bệnh sớm được phát hiện, khống chế, dập tắt kịp thời, không để bùng phát trên diện rộng. Công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được quan tâm thực hiện khá tốt. Phong trào rèn luyện thân thể tiếp tục phát triển. Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng lên. Toàn tỉnh hiện có 1.291 cơ sở đăng ký hành nghề y-dược tư nhân (tăng 246 cơ sở so năm 2002), với 725 cơ sở hành nghề y và y học cổ truyền, 566 cơ sở hành nghề dược, trong đó có 01 bệnh viện hạng II với quy mô 150 giường nội trú... Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh đã phối hợp với nhiều đoàn y, bác sĩ các bệnh viện của Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật thành công gần 25.000 người bị mù do đục thủy tinh thể, 615 cháu gia đình nghèo bị bệnh tim bẩm sinh, điều trị bệnh phụ khoa cho 25.300 phụ nữ nghèo, phẫu thuật cho 1.200 phụ nữ bệnh u xơ, u nang,... với kinh phí trên 49,6 tỷ đồng, góp phần đem lại sức khỏe, cuộc sống cho hàng vạn bệnh nhân nghèo trong, ngoài tỉnh và cả người dân nước bạn Campuchia. Thực hiện khá tốt các chính sách bảo hiểm y tế, nhất là mua thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 06, tỉnh Kiên Giang rút ra một số bài học kinh nghiệm. Cụ thể là:

Một là, nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện tốt và có sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa ngành y tế với các ban, ngành, đoàn thể thì ở nơi đó công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và việc củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở được triển khai thực hiện tốt.

- Hai là, ngành y tế phải chủ động tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác y tế; thực hiện tốt việc xây dựng chương trình, kế hoạch; tổ chức kiểm tra, đánh giá và có giải pháp khắc phục khó khăn, bất cập trong ngành.

- Ba là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết để rút kinh nghiệm và phát hiện khen thưởng kịp thời những mô hình, điển hình hoạt động có hiệu quả.

Tuy nhiên, Trung ương cần nghiên cứu sắp xếp lại mô hình y tế cơ sở cho phù hợp nhằm nâng cao năng lực khám, điều trị tuyến huyện. Tăng cường đầu tư cho y tế tuyến huyện cả hệ thống điều trị và dự phòng về cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là các trung tâm y tế để thực hiện nhiệm vụ dự báo, giám sát dịch theo hướng chủ động. Ban hành chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích, thu hút bác sĩ về công tác trạm y tế xã, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer. Hỗ trợ phụ cấp thêm cho nhân viên y tế khu phố thuộc phường, thị trấn. Đồng thời, Phân bổ kinh phí, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trung tâm y tế tuyến huyện; đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn giai đoạn mới 2011-2020 theo Quyết định 3447/QĐ-BYT của Bộ Y tế; ưu tiên các dự án viện trợ nước ngoài cho y tế cơ sở vùng sâu, vùng khó khăn./.

Nguyễn Quốc Tuấn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất